Năm 1471 vua Lê Thánh Tông bình Chiêm, mở ra một quá trình Nam tiến của người Việt. Những cuộc di dân mở rộng về phương Nam kết thúc vào thời nhà Nguyễn. Và vùng đất dưới chân núi Hải Vân gợi mở rất nhiều vấn đề về gia tộc, dòng họ, về những vị Tiền hiền có quê gốc ở miền Bắc vào đất này lập nghiệp. Người ta nói “con người có tổ có tông”, trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi xin trích lục gia phả một số dòng họ ở Đà Nẵng, lần giở về quá khứ…
Ông Đặng Khôi, dòng họ tộc Đặng làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. |
Con người có tổ có tông
Gia phả tộc Phan làng Đà Sơn (quận Liên Chiểu) được xem là nguồn sử liệu cho nhiều nhà nghiên cứu về vùng đất Quảng Nam xưa. Theo Phan tộc phổ chí, ngày 14 tháng 4 năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long năm thứ 5 (1806), ông Phan Tấn Nguyên, là cháu tự tôn của phái trưởng tộc Phan làng Đà Sơn; ông Phan Hữu Nga, là cháu tự tôn của phái thứ tộc Phan làng Đà Ly, cùng các ông trong tộc Phan nhân ngày lễ kỵ Tiên công cao tổ, cùng nhóm họp lại để làm việc truy lục tộc phổ.
“Nhớ lại, thủy tổ chúng ta là vua Lạc sinh ra tộc chúng ta. Thời thượng cổ sinh sống tại động Thanh Lam, hiệu là bộ Việt Thường, thời trung cổ dời vào Lâm Châu (nay là đất Lâm Bình), thời cận cổ lại dời vào Đà Bàn (nay là đất Bình Định), đổi hiệu là nước Chiêm Thành, bao trùm cả Thanh Hà (nay là đất Thanh Hoa), về nam tới động Thạch Bi (nay là đất Thuận Thành), tiếp nối các đời làm chủ đất nước, gồm 68 thế kỷ (đất cũ thổ âm gọi là “dung anh”). Các thế hệ đều dùng chữ khoa đẩu để biên chép”.
Ông Phan Văn Xuân (đời thứ 24 phái nhất trực hệ tộc Phan Đà Sơn) cho biết, Thủy tổ tộc Phan là ông Phan Công Thiên (1318-1405) quê ở động Thanh Lam, Thanh Hóa, có vợ là công chúa Trần Ngọc Lãng, lãnh chỉ vua vào đóng tại Đà Sơn năm 1346. Đây là vùng đất thuộc Hóa Châu, cùng đi có các họ Nguyễn, Kiều, Đỗ vào khai hoang lập ấp ở lẫn với người Chiêm Thành. Vua Trần Dụ Tông ban chức cho Phan Tiên Công là “Đô chỉ huy sung thập tam châu kinh lược chiêu dụ xử trí sử” tức là chức kinh lược coi 13 châu chiêu dụ các chủng tộc xử trí an cư lạc nghiệp hòa hợp làm ăn. Cuốn Thế tổ phả chép những người mở đầu ra trực hệ Phái hệ, Chi hệ đến đời thứ 14; những người được chép trong Thế phả của Phái hệ, Chi hệ tộc Phan địa phương, dẫn xuống con cháu đến nay truyền đến đời thứ 25. Ông Phan Văn Xuân cho biết, từ đời 17 trở lên các cụ tiên tổ sẽ được giỗ chung ở Từ đường nhà thờ tộc, từ đời thứ 18 trở xuống các gia đình tổ chức giỗ riêng.
Bản Phan tộc phổ chí biên soạn vào năm 1806 này được xem là có giá trị về mặt lịch sử, tinh thần, đạo đức, văn hóa và đã vượt ra ngoài phạm vi gia tộc, có giá trị là sử liệu của địa phương cũng như cả nước về các thời kỳ Nam tiến của người Việt.
Xa hơn, về phía Tây Đà Nẵng, các tộc Tiền hiền làng Thúy Loan xưa (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được xem là những người Việt di cư đầu tiên vào đất này. Trong sắc phong Tiền hiền của làng, ông Tiền hiền tộc Đặng tên là Đặng Mẫn, tự là Công Huỳnh (trong văn tế là Đặng Công Minh Khanh); cùng các ông họ Lâm, Nguyễn, Trần, Lê vào đất này cuối đời Hồng Đức (1470-1497). Ông họ Đặng có công lập làng khi ông lên làng Ô Rây (đầu nguồn con nước vùng Đồng Nghệ hiện nay, cách Thúy Loan 9 làng) khai khẩn 7 mẫu đất ruộng, dẫn nguồn nước về làng Thúy Loan cho dân cày bừa. Gia phả tộc Đặng được viết vào đời Duy Tân cửu niên, thất ngoại sơ cửu nhật (ngày 9-7-1915) truyền đến nay là 17 đời.
Ông Đặng Khôi năm nay 84 tuổi, một trong những người già nhất của tộc Đặng hiện nay cho biết nếu tính bình quân 32 năm/1 đời thì tộc hiện truyền đến đời thứ 17, còn tính là 25 năm/1 đời thì truyền đến nay là 24 đời. Khi còn khỏe mạnh, ông Đặng Khôi ra Nghệ An tìm lại nguồn gốc dòng họ, là làng Phổ Nhơn huyện Nam Đàn thì hiện nay ở làng này không có làng Phổ Nhơn, chỉ có làng Phổ Tứ. Tại đây ông được tiếp cận với gia phả của tộc Đặng, nhánh ông Đặng Minh Bích thì gia phả ghi từ thời khai thiên truyền đến đời ông Đặng Minh Bích là 32 đời, sau không thấy có con cháu tiếp nối. Trong khi ông Đặng Công Minh Khanh từ khi vào Thúy Loan trở về sau thì có con cháu, còn trước đó thì không thấy nhắc tên ông Tổ.
Ông Đặng Khôi hoài nghi không biết hai ông Đặng Minh Bích và Đặng Công Minh Khanh có phải là một không. Khi gia phả ghi ông Đặng Minh Bích làm quan cuối đời Hồng Đức, làm tờ hịch minh oan cho Nguyễn Trãi; ông có đi sứ sang Tàu, bị chết, xác đưa về chôn ở Thuận Hóa. Hai ông Minh Bích và Minh Khanh có cùng thời gian đi sứ, tên tự của ông Minh Bích là Hoàng, còn ông Minh Khanh là Huỳnh…
Những câu hỏi chưa có lời đáp này vẫn còn là bí ẩn trong nhiều gia phả dòng họ cần được giải mã, đặc biệt là những dòng họ theo vua bình Chiêm như đã viết.
Các vị Tiền hiền lập làng Tân An (Mân Thái, Sơn Trà) được ghi trong Châu bản của làng. |
Theo Lê Thánh Tông bình Chiêm?
Theo gia phả tộc Đỗ làng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) thì ông tổ của tộc là Đỗ Văn Mân, con ngài thượng thủy tổ Đỗ Văn Khoa, quê ở Hà Tịnh độ, Phù Lưu huyện, Cổ Điên tổng, Thạch La xã. “Đến thời kỳ vua Thánh Tôn triều Lê chinh phạt nước Chiêm thành, khai cương Nam tiến, ngài tòng quân với chức hiệu “Tiền quân hiệu lực thưởng công lãnh chấn võ đội suất đội. Sau khi bình Chiêm ngài xin ở lại cùng tộc Mai văn, Nguyễn khai thác cơ nghiệp tại làng Bàu Trai. Đến niên hiệu vua Gia Long thứ 10 năm 1811 cải thành Thái Lai xã, kết thông gia với tộc Nguyễn, truyền đến nay 16 đời (cháu nội) và 17 đời (cháu ngoại)”. Ông Đỗ Hữu Thanh, 51 tuổi cho biết ông là cháu đời thứ 11 của dòng họ.
Theo tác giả Hồ Trung Tú trong cuốn “500 năm như thế”, cách tính gia phả của nhiều tộc họ ở Quảng Nam chưa chính xác. Nếu như tộc Đỗ làng Thái Lai truyền đến nay 16 đời thì phải mất 34 năm mới xác định 1 đời; trong khi truyền thống của người Việt lập gia đình sớm hơn thế rất nhiều, tức vào khoảng 24-25 tuổi. Nếu tính 25 năm/1 đời thì tộc Đỗ phải truyền đến nay khoảng 22 đời, tức là thiếu 5 đời, ít hơn 100 năm so với việc gia phả ghi ông tổ vào đất này thời vua Lê bình Chiêm. Ông Đỗ Hữu Thanh là người dịch và viết gia phả có tiếng ở Hòa Vang. Gia phả tộc Đỗ vẫn được ông Thanh tiếp tục nghiên cứu.
Gia phả tộc Lê làng Tân An (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) ghi ông tổ là Lê Duật, cha ông là Triệu Quận công Lê Hào là cháu đời thứ 6 vua Lê Thánh Tông. Ngài cùng các tộc Trương, Nguyễn, Phan, Phạm, Trần, Ngô, Đặng khởi hành từ làng Nga Mỹ, Nga Sơn, Thanh Hóa vào đây lập làng Nam An dưới chân núi Sơn Trà năm Tân Mão (1651). 101 năm sau cháu đời thứ 4 của Quận công lập làng Tân An. Các ông Lê Văn Thuận, Lê Văn Uyển, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Văn Nghiêm đứng đơn xin lập làng năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752). 60 năm sau mới được vua Gia Long chuẩn y cho lập làng (1812). Trong bản Châu bộ 76 tập viết từ năm Cảnh Hưng thứ 13, các ông được triều đình nhà Nguyễn sắc phong là “Tiền hiền Đại lang”.
Ông Lê Duy Anh, cháu đời thứ 16 kể từ Triệu Quận công Lê Hào cho biết nếu tính từ đời vua Lê Thánh Tông thì đến nay họ Lê ở Tân An truyền được 24 đời…
Theo Lê Thánh Tông bình Chiêm thực sự là một “chuẩn” mà nhiều tộc họ ở Quảng Nam-Đà Nẵng hướng đến. Thế nhưng đa số các tộc họ không có đủ số đời để chứng minh mình đúng là vào Nam thời Lê Thánh Tông. Như tộc Phan làng Đà Sơn, dựa vào hai chữ Việt Thường mà tin rằng tổ tiên mình vốn từ Thanh Hóa vào trong khi theo Trần Trọng Kim trong “Việt Nam sử lược” thì Việt Thường là tên gọi vùng đất nam sông Gianh vào thời nhà Tần về trước, tức lúc này Chiêm Thành chưa lập quốc, trước khi có tên là Nhật Nam, Lâm Ấp, Hoài Vương rồi Chiêm Thành.
Trong gia phả tộc Phan có ghi “Kể từ thời Tiên công ta về với nhà Trần, triều Trần nghi dân ta có dạng chữ riêng, sợ sinh ra tiếng nói và sách vở khác biệt, nên nghiêm cấm việc học chữ Chiêm. Vì thế tuy phổ chí cũ vẫn còn, nhưng nay không biết chữ nên không phân biệt rõ được danh tính của người xưa…” và “Chúng ta là nòi giống Chiêm, cháu ngoại nhà Trần, nhờ nhà Trần mà diệt được giặc Mật, giặc Đẩu, rửa được mối hận của nước nhà không dám quên ơn đức (nhờ đó mà khỏi) cam chịu mười ba châu này là bãi đất trống không chủ”. Điều đó có thể chứng minh rằng tộc Phan làng Đà Sơn là người Chăm chứ không phải người Việt như họ nhận.
Đình làng Hải Châu ghi làng có 43 chư phái tộc gọi là Kính Ái Từ Đường được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Theo gia phả của tộc Nguyễn Văn - một trong 43 tộc họ của làng thì các bậc Tiền hiền vốn có gốc từ làng Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã vào Nam theo Lê Thánh Tông năm 1471 và ở vùng đất này vào cuối thế kỷ 15. Theo ông Nguyễn Duy Minh, cán bộ phụ trách văn hóa phường Hải Châu 1, quận Hải Châu thì làng có 6 họ Tiền hiền là Nguyễn, Lê, Trần, Đặng, Phan, Phạm. Trước đây làng như một đơn vị hành chính của Hóa Châu, nhiều người được lệnh vua vào đất này làm việc, được “tháp” vào làng nên mới lên đến 43 chư phái tộc. Hiện nay ngoài tộc Nguyễn Văn có nhà thờ riêng, các dòng họ còn lại con cháu không xuất hiện vào những dịp giỗ, kỵ của làng, không truyền thừa theo dòng họ, không có gia phả. |
Ghi chép HOÀNG NHUNG