.

Trên trời có ông sao Thần...

.

Trong tâm thức của các cư dân nông nghiệp Việt Nam, Thần Nông là một vị thần đầu đội mũ cánh chuồn dạy nông dân cách làm lúa nước. Trong các lễ hội đình làng ở Bắc Bộ, trong lễ hạ điền (xuống đồng) vào đầu xuân, làng cử ra một vị bô lão có uy tín đóng vai Thần Nông với mũ áo chỉnh tề, dẫn một số nông dân xuống đồng cày cấy những hàng lúa đầu tiên…

Bồ Bản là một trong những làng hiếm hoi trên đất Đà Nẵng còn miếu Thần Nông.
Bồ Bản là một trong những làng hiếm hoi trên đất Đà Nẵng còn miếu Thần Nông...

Ở Đà Nẵng, theo Giám đốc Trung tâm Quản lý Di sản Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn, có lẽ ngày trước mỗi đình làng đều có một miếu thờ hoặc án thờ (còn gọi là đàn tế) Thần Nông lộ thiên bên cạnh. Sau chiến tranh, nhiều di tích gắn với nghề nông này đã bị phá dỡ, phần do hư hại trầm trọng, phần do đất nông nghiệp đã ngày giảm dần. Xác tín điều này, ông Đinh Viết Thành, Trưởng ban Quản lý di tích đình làng Quá Giáng, cho biết ngày xưa, trên vùng đất này có tên là Hòa Phước có nhiều đình chùa miếu mạo như đình Quá Giáng, miếu Ông, miếu Bà, miếu Thần Nông... làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân.

Ở làng An Hải (quận Sơn Trà), các cụ nơi đây kể rằng xưa có lễ hội tế trâu. Làng chọn một con trâu to, khỏe, da mượt, oai vệ để tế sống vị thần nông nghiệp tại đàn Thần Nông lộ thiên; sau đó cho dẫn trâu về tế Tiền hiền tại đình làng. Xong tất cả các lễ nghi, bèn thả trâu đi ăn tự do chứ không tổ chức giết mổ. Dân làng quan niệm rằng, con trâu là đầu cơ nghiệp, là tài sản của nhà nông, trên đồng cạn dưới đồng sâu giúp nhà nông tăng gia sản xuất. Sau lễ thường có tổ chức hát bội trong sân đình, đua ghe trên sông Hàn.

Trải bao đổi thay, lệ thờ Thần Nông ở Đà Nẵng đã mai một dần, hiện chỉ còn 3 nơi thờ Thần Nông là đình Cổ Mân, đình Bồ Bản và đình Phong Lệ.

Làng Cổ Mân nằm phía hữu ngạn sông Hàn, xưa chuyên nghề làm nông mỗi năm hai mùa vào tháng 3 và tháng 8, để lại dấu ấn vào đời sống văn hóa làng qua những địa danh gắn với ruộng nương, mùa vụ. Con kênh Mương Lở đưa nước ngọt từ Tiên Sa về tưới mát ruộng đồng, gò Thần Nông xôn xao người về sau mỗi mùa thu hoạch… tất cả nay đã được đô thị hóa đường ngang lối dọc như ô bàn cờ thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà.

Ông Phan Văn Kỉnh, một cư dân của Cổ Mân, cho biết từ xa xưa, các cụ đã lập miếu Thần Nông mỗi năm đến ngày 16-3 âm lịch lại làm lễ Cầu an và tế Thần Nông. Nay dấu vết nông nghiệp hầu như không còn nữa, nhưng dân làng vẫn dựng lại miếu Thần Nông bên miếu Âm linh trong khu di tích đình làng. Những người mà “máu nông nghiệp” đã ăn sâu vào trong xương tủy vẫn còn treo trong nhà những vật dụng nông nghiệp xưa như cày, bừa, giần, sàng... để nguôi ngoai nỗi nhớ.

Đình Bồ Bản (xã Hòa Phong) được trùng tu, tôn tạo năm 2005 với kinh phí gần 500 triệu đồng rót về từ Trung ương và thành phố. Khi chính đình cơ bản hoàn thành, cuối năm đó làng khởi công trùng tu miếu Thần Nông dưới tán cây đa cổ thụ bên phải cho xứng với ngôi đình mới, kinh phí khoảng 12 triệu đồng, vận động bà con trong làng là chính. Cũng như ở Cổ Mân, miếu Thần Nông ở Bồ Bản cũng được xây bên cạnh miếu Âm linh như một lời tri ân đối với vị thần dạy nghề nông và những người ngã xuống để bảo vệ đất đai, làng mạc.

...và đình Phong Lệ (còn có tên là đình Thần Nông) được cho là ngôi đình “hai trong một” độc đáo của Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
...và đình Phong Lệ (còn có tên là đình Thần Nông) được cho là ngôi đình “hai trong một” độc đáo của Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Trong một lần về làng Bồ Bản, người viết được nghe cụ Tán Tuấn kể về tục cúng đình làng đã có từ lâu qua lệ cúng “Xuân kỳ thu tế”. Ngày mồng 1 Tết là lễ cúng Minh niên, con cháu tề tựu đông đủ và những người tham gia cúng phải đủ 18 tuổi trở lên. Sang đến ngày Rằm tháng 2 là lễ giỗ Tiền hiền tôn vinh những người đóng góp xây dựng quê hương. Đến Rằm tháng 8 là lễ cúng Cầu an tại đình và tế Thần Nông tại miếu có văn tế Thần Nông riêng, cầu cho gió hòa mưa thuận, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt.

Nếu ở các nơi khác, đình và miếu Thần Nông là hai nơi thờ tự riêng biệt thì ở làng Phong Lệ (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu) đình làng cũng là nơi thờ Thần Nông, một hình thức thờ tự độc đáo duy nhất cả nước, được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố vào năm 2007. Nhận chân giá trị có một không hai này, từ tháng 8-2011, Trung ương và thành phố đã xuất kinh phí gần 1,5 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo di tích. Đình Phong Lệ - đình Thần Nông đã được đại diện 17 chư phái tộc trong làng tổ chức lễ an vị vào dịp cúng Thần Nông thường niên vào ngày 1-4 âm lịch năm Nhâm Thìn 2012.

Đình Phong Lệ được xây dựng từ cuối triều Tự Đức (1848-1883), từ năm 1933 di dời đến địa điểm hiện nay. Đình cấu trúc hình chữ đinh (丁), có tiền đường, hậu tẩm hình thành 5 án thờ. Gian giữa ở hậu tẩm thờ Thần Nông; gian tả thờ các bậc tiền hiền có công khai khẩn, khai canh, khai cư; gian hữu thờ các bậc tiền nhân là mục đồng đã dày công làm rạng rỡ làng quê, bản quán. Vì thế, đình Phong Lệ còn được gọi là đình Thần Nông, đình Mục đồng.

Thần Nông là một vị thần rất gần gũi trong đời sống nông nghiệp lúa nước của Việt Nam. Từ nghìn xưa, nông dân nước ta đã biết nhìn tư thế của sao Thần Nông trên bầu trời đêm để tính ra lịch nông vụ. Đó là một chùm gồm 10 ngôi sao, 5 sao xếp theo hình chữ M tượng trưng cho chiếc mão cánh chuồn, 5 sao còn lại xếp theo hình chữ C tượng trưng cho cái lưng của Thần Nông.

Nói về chùm sao này, một bài ca dao xưa đã mở đầu: Trên trời có ông sao Thần/ Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm. Vào mùa xuân, sao Thần Nông xuất hiện với cái “lưng” lom khom trên bầu trời, dấu hiệu để nông dân vào vụ mùa: Sang xuân Thần cúi lom khom/ Là mùa trồng đậu, dân làng biết chăng? Nông dân dưới đất xuống đồng làm lúa nước, đến bao giờ Thần Nông hơi thẳng “lưng” trên trời là đến mùa thu hoạch: Bước sang tháng chín rõ trăng/ Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa.

Ngày trước, nông dân thường dạy con cháu cách định vị sao Thần Nông trên bầu trời. Nay cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng, đất ruộng đồng ngày càng thu hẹp, một số nơi nông thôn trở thành phố thị, ít ai còn quan tâm Trên trời có ông sao Thần. Âu đó cũng là một cái giá phải trả vậy…

Đàn Xã Tắc, một trong 5 đàn tế được Triều Nguyễn cho dựng tại kinh đô Huế, là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất) và Tắc thần (Thần Nông hay Thần Lúa) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Lễ tế Xã Tắc nguyện cầu một năm mới đến mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giảng: “Thuở xưa dựng nước (....). Dân cần có đất ở nên lập nền Xã để tế thần Hậu Thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền Tắc để tế Thần Nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.