Giữa tháng 5, khi cả nước “sôi sục” bởi một phần máu thịt Hoàng Sa bị chiếm đóng, nhiều phóng viên tại các cơ quan báo, đài được chọn lên đường “làm nhiệm vụ”. Đối với họ, việc được tác nghiệp tại Hoàng Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc là một vinh dự mà không phải nhà báo nào cũng có được.
Phóng viên Hải Sơn-VOV đang ghi lại hình ảnh tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. |
Một mình tác nghiệp giữa biển
Không như những phóng viên ra Hoàng Sa có điều kiện tác nghiệp trên cùng một con tàu, dễ dàng hỗ trợ nhau về máy móc, kỹ thuật thì với một số phóng viên khác phải tác nghiệp một mình giữa biển, hẳn gặp rất nhiều khó khăn. Như trường hợp của nhà báo Lê Hải Sơn (Đài Tiếng nói Việt Nam-VOV), tác nghiệp trên tàu cá QNa 90659 của ngư dân Trần Anh là một ví dụ. Ngày 11-5, ngay khi nhận lệnh đi Hoàng Sa, anh gấp rút chuẩn bị hành lý lên đường như nhiều đồng nghiệp trước đó. Ngay ngày đầu tiên cùng nhóm ngư dân thẳng tiến ra ngư trường Hoàng Sa, khi biết mình là phóng viên duy nhất trên tàu cá QNa 90659, nhà báo Lê Hải Sơn thoáng chút lo lắng.
Bởi một mình tác nghiệp trên đất liền đã vất vả, tác nghiệp giữa biển khơi, giữa hơi muối mặn lại khó gấp trăm lần bởi nếu không cẩn thận sẽ làm hư hỏng các thiết bị máy móc. Nếu để xảy ra tình huống đó, thì nhà báo không thể tiếp tục tác nghiệp như mong muốn. “Để bảo đảm thông tin, hình ảnh sau chuyến đi, tôi sử dụng tất cả các phương tiện như máy quay, điện thoại, máy ảnh để chụp và lưu lại trong thẻ nhớ. Tác nghiệp xong là cất máy móc ngay vì sợ hơi muối làm hỏng”, nhà báo Lê Hải Sơn nói.
Sau hơn một tuần lênh đênh trên biển trở về, Lê Hải Sơn đã đăng tải được gần 30 tin, bài về Hoàng Sa cùng “kho” hình ảnh quý giá. Tự hào hơn là rất nhiều tờ báo khác đã “xin” hình ảnh của anh để làm ảnh tư liệu. Trong điều kiện tuyên truyền về biển, đảo, việc độc quyền tin tức, hình ảnh được “gạt” sang một bên. Tất cả những hình ảnh đều được chia sẻ rộng rãi nhằm công bố cho người dân Việt Nam ở đất liền đang ngày đêm thao thức hướng về Hoàng Sa.
Tương tự như nhà báo Hải Sơn, nhà báo Công Khanh (Báo Công an Đà Nẵng) cũng tác nghiệp trên biển một mình mà không có đồng nghiệp nào đi cùng. Tuy nhiên, anh lại cho đó là điều may mắn bởi anh là nhà báo duy nhất được đi cùng tàu Kiểm ngư KN762 từ ngày 27-5 đến 3-6, là con tàu ra đời sớm nhất của lực lượng kiểm ngư, cũng là tàu bị đâm va nhiều nhất khi tham gia làm nhiệm vụ chấp pháp. Tàu nằm ở vòng trong, gần giàn khoan Hải Dương-981 nên dễ chứng kiến những tình huống nguy hiểm. Là phóng viên duy nhất của tàu, mỗi ngày rất muốn nhìn thấy mặt những đồng nghiệp thân quen của mình mà không thấy được, dù tàu cách tàu không xa.
Trong chuyến đi 8 ngày, thì anh đã mất đứt 2 ngày không ăn, chỉ nằm và nôn. Nhưng rồi anh cũng thích nghi được và cố gắng hết sức mình để lưu trữ cho mình một “kho” hình ảnh có thể sử dụng để làm tư liệu lịch sử sau này. Ngay khi đi Hoàng Sa về, anh đã gấp rút hoàn thành 5 bài tường thuật từ thực địa, 4 bài trong loạt phóng sự dài kỳ và những bài báo khác về Hoàng Sa đăng trên Báo Công an Đà Nẵng và được bạn đọc đánh giá cao. Anh Khanh cho biết, thời điểm đó, hầu như bài viết nào của bất kỳ nhà báo nào về Hoàng Sa trong dịp đó cũng được độc giả quan tâm.
Việc tác nghiệp trên biển còn vấp phải khó khăn khi tin, bài, hình ảnh không phải lúc nào cũng truyền được về đất liền do gặp trở ngại về thiết bị truyền tin. Tâm trạng nóng lòng đó chỉ những người trong nghề mới hiểu. “Khi chúng tôi bước lên tàu, nghĩ là phải bằng mọi giá đưa tin bài, hình ảnh về sớm nhất. Tuy nhiên, phương tiện truyền tin bài duy nhất trên tàu chúng tôi là vệ tinh Vinasat bị tàu Trung Quốc tấn công hư hỏng. Thế là chúng tôi không ai truyền bài về được, khi không có điện thoại vệ tinh. Như hôm 12-5, sau trận đối đầu kịch liệt với tàu Trung Quốc, tôi đã có nhiều hình ảnh đẹp. Tôi lao vào bàn viết bài trong cái chông chênh của sóng lớn, viết xong hoa cả mắt vì phải nhìn vào màn hình quá lâu trong khi tàu tròng trành liên tục. Nhưng điều làm tôi “hoa mắt” hơn đó là không có cách nào để truyền bài về”, phóng viên Nguyên Khôi (Báo Sài Gòn giải phóng), chia sẻ.
Dấn thân khi đất nước cần
Mỗi nhà báo ra Hoàng Sa đều tác nghiệp trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Họ là những người đưa thông tin về đất liền, giúp những người vợ, người mẹ của ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển an tâm hơn về người thân của mình đang ngày ngày giữ biển. Nhưng ngược lại, chính người thân của các nhà báo lại là người lo lắng nhất.
Tuy vậy, điều an ủi nhất đối với các nhà báo là sự sẻ chia, nhường nhịn từ lực lượng “bám biển”, những con người vốn đã phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả khi làm nhiệm vụ trong điều kiện thiếu thốn, dài ngày. Như nhà báo Hải Sơn chia sẻ, anh lên tàu cá một thân một mình, ban đầu cũng vấp phải sự e dè của các ngư dân khi có người lạ trên tàu. Nhưng chỉ qua ngày hôm sau, mọi người đã xem anh như thành viên trong gia đình. Có lẽ hiểu rõ nhà báo không quen với sóng gió nên các ngư dân đã chuẩn bị cho anh chỗ ngủ tốt nhất, có cả chăn, màn. Còn chính họ thì tự tìm bất kỳ chỗ nào có thể ngả lưng để tranh thủ chợp mắt. Điều làm anh cảm động nhất là trên tàu rất thiếu nước ngọt, nhưng mọi người đều nói với anh cứ dùng khi cần, đừng ngại. Nhưng để ý thì anh biết, họ đều sử dụng nước ngọt rất “nhỏ giọt”. Chính vì thân thiết như vậy nên cho đến bây giờ, anh vẫn còn giữ liên lạc với anh em trên tàu cá đó.
Nhiều phóng viên ra Hoàng Sa trong hoàn cảnh hết sức cảm động. Trước khi lên tàu ra biển, nhà báo Công Khanh đã phải dặn vợ và em mình rằng, nếu mẹ có gọi điện thì nói là mình đi công tác miền núi, không liên lạc được. Nhưng không ngờ người mẹ anh đã biết được chuyến đi, dù đầy lo lắng nhưng bà đã ủng hộ hết lòng: “Đã là nhà báo thì phải dấn thân lúc đất nước cần”. Nhà báo Nguyên Khôi ra Hoàng Sa khi đứa con gái đầu lòng - mà vợ chồng anh đã chờ đợi niềm vui này từ rất lâu - chỉ mới được 32 ngày tuổi. Lúc đi anh cũng không báo với vợ, chỉ nói đi công tác ít ngày. Nhưng khi anh bị mất liên lạc hoàn toàn trong 5 ngày, thì cả gia đình tràn đầy lo lắng…
Tối hôm trước khi lên đường, các nhà báo ra Hoàng Sa dường như trằn trọc trắng đêm, tưởng tượng đến những tình huống xấu nhất. Vật dụng các anh mang theo ngoài máy ảnh, máy quay để tác nghiệp chỉ thêm một bộ quần áo, đồ dùng cá nhân cũng rất hạn chế. Trong đêm, họ không trò chuyện với nhau nhiều, mỗi người mỗi tâm trạng, người sạc máy, kiểm tra máy móc.
Hầu hết các phóng viên có mặt ở Hoàng Sa lúc đó, dù không thể có ngay bài tường thuật trực tiếp, thì ngay những ngày sau đó, khi trở về đất liền, họ đều hối hả xoay vòng với hàng loạt bài viết, phục vụ hết lòng cho bạn đọc. Với họ, sau khi chạm trái tim mình lên vùng biển Hoàng Sa, tình yêu Tổ quốc lại càng dâng đầy và cụ thể hơn bao giờ hết. Những ngày thấu hiểu, chia sẻ và sát cánh cùng ngư dân, cùng các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển… mãi mãi là niềm vinh dự, một điều may mắn trong cuộc đời làm báo.
QUỲNH TRANG