Nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật (VH-NT) là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ nguồn nhân lực của thành phố Đà Nẵng hiện nay. Những năm qua, nguồn nhân lực này cũng đã có bước phát triển đáng kể, bước đầu có được một đội ngũ nhân lực chất lượng cao ở cả hai bộ phận quản lý Nhà nước cũng như tác nghiệp chuyên môn về các hoạt động văn hóa và sáng tác/biểu diễn các bộ môn nghệ thuật.
Tuy nhiên so với yêu cầu và tiềm năng, việc tạo nguồn nhân lực nói chung và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng trên lĩnh vực VH-NT đòi hỏi người Đà Nẵng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để quê hương mình vươn lên xứng đáng với vai trò một thành phố động lực của miền Trung và Tây Nguyên.
Cần có chính sách khuyến khích những người có triển vọng về nghệ thuật mang tính đặc thù. Ảnh: VĂN NỞ |
Trước hết cần thấy việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực VH-NT vốn có những khó khăn nhất định. Về khách quan, có thể nói hiện nay cả chính quyền và người dân thành phố cũng còn xem các hoạt động VH-NT nhẹ hơn các hoạt động kinh tế, từ đó không làm hoặc làm không có hiệu quả đối với lĩnh vực này cũng không sao, cũng không thấy bức xúc. Về chủ quan, có thể thấy làm VH-NT không hề dễ dàng, nhất là đối với việc tạo nguồn nhân lực ở cả hai bộ phận quản lý Nhà nước cũng như tác nghiệp chuyên môn về các hoạt động văn hóa và sáng tác/biểu diễn các bộ môn nghệ thuật.
Phàm làm nghề gì cũng phải qua đào tạo để có một trình độ tay nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu công vụ và đặc biệt là nhằm khẳng định tài năng nghề nghiệp, nhưng đối với những nghề liên quan đến VH-NT còn đòi hỏi người hành nghề phải có một số tố chất cần thiết như là lòng yêu nghề, là thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật và nhất là cách ứng xử thật sự có văn hóa. Chính cả hai loại khó khăn vừa khách quan vừa chủ quan như vừa nêu tác động cùng lúc đã khiến cho quá trình tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực VH-NT ở Đà Nẵng hiện nay chưa được như mong đợi.
Về văn hóa, Đà Nẵng đang thiếu những chuyên gia dịch thuật Hán-Nôm đủ để tự mình vượt qua hàng rào ngôn ngữ của quá khứ nhằm sưu tầm, nghiên cứu kịp thời các di sản văn hóa có yếu tố Hán-Nôm trên địa bàn thành phố; càng thiếu những chuyên gia bảo tàng học đủ để tự mình thuyết minh chính xác về các hiện vật được hoặc chưa được trưng bày trong các bảo tàng Đà Nẵng. Nhất là các hiện vật được hoặc chưa được trưng bày trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm - những hiện vật đòi hỏi người thuyết minh phải thông thạo không chỉ về lịch sử mà còn phải thông thạo chữ Chăm chữ Phạn. Đà Nẵng càng thiếu hơn những chuyên gia về trùng tu di sản đủ để không xảy ra tình trạng phá hoại di sản hương hỏa cha ông truyền lại nhân danh trùng tu di sản; từ đó mà thiếu những nhà quản lý ngành xuất thân chuyên môn, am hiểu các vấn đề “bếp núc” trong lao động của nghề…
Về nghệ thuật, Đà Nẵng đang thiếu những nghệ sĩ sáng tác lẫn nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là những nghệ sĩ có thể sống được với nghề/với tác phẩm nghệ thuật của mình. Hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học của Đà Nẵng đều là người làm văn chương bằng tay trái, nhất là những người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đây cũng là tình cảnh phổ biến của các họa sĩ, nhà lý luận phê bình hội họa; của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc; của các đạo diễn và tác giả kịch bản sân khấu cũng như điện ảnh… Chính vì không có điều kiện làm nghệ thuật bằng tay phải nên phần đông nghệ sĩ sáng tác ở Đà Nẵng thường không được cập nhật thông tin liên quan đến các thành tựu mới trong nghiên cứu lý luận văn chương và nghệ thuật của thế giới. Rồi chính sự bất cập vừa nêu của giới sáng tác đã dẫn đến sự bất cập của giới biểu diễn. Làm sao nghệ sĩ múa dẫu có hồn đến mấy, thăng hoa đến mấy vào ngôn ngữ của vũ điệu có thể tránh được tình trạng biểu diễn đơn điệu - rõ nhất là đối với múa Apsara - khi các biên đạo múa chưa thật sự sáng tạo nên những vũ khúc hay…
Liệu Đà Nẵng có thể cải thiện được tình trạng chưa như mong đợi về tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực VH-NT hay không? Theo thiển ý của người viết bài này, muốn được thế thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tạo nguồn theo hướng coi trọng đào tạo chất lượng cao, luôn tìm cách tôn vinh các tài năng nghệ thuật. Làm nghề gì cũng đòi hỏi tài năng nhưng làm VH-NT nhất là đối với các bộ môn nghệ thuật thì càng không thể không khẳng định tài năng và đánh giá cao những người thực sự có tài.
Cố họa sĩ Lưu Công Nhân từng cho rằng trong sáng tác hội họa, đạo đức nghề nghiệp không gì khác là phải thật sự có tài, phải vẽ được những bức tranh đẹp. Tài năng trong nghệ thuật được hình thành do thiên phú nhưng chủ yếu do được đào tạo hẳn hoi trong nhà trường và quan trọng hơn là do được thường xuyên hành nghề nhằm tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và đổi mới tư duy sáng tạo. Tạo nguồn tài năng trong nhà trường cần tiến hành bằng cả hai phương thức: đầu tư để chủ động tuyển chọn người có triển vọng đưa đi đào tạo và trải thảm đỏ để thu hút tài năng sẵn có đã qua đào tạo.
Còn tạo nguồn tài năng trong thực tiễn hành nghề thì không có cách nào hiệu quả hơn việc tăng cường tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong nhà hát, kể cả việc mở rộng hoạt động giao lưu đối ngoại về văn hóa để cử đoàn nghệ thuật của thành phố đi tham gia các liên hoan biểu diễn nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài; đi đôi với việc tổ chức các giải thưởng văn học nghệ thuật hằng năm để trao giải nhằm tôn vinh những tài năng thực sự, đồng thời tạo điều kiện để nghệ sĩ sáng tác của Đà Nẵng được gửi tác phẩm đi dự thi tại các giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc/khu vực và cả ở nước ngoài.
Tạo nguồn nhân lực nói chung và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng trên lĩnh vực VH-NT còn cần phải bắt đầu sớm từ các nhà trường phổ thông nhằm giáo dục thị hiếu thẩm mỹ/thị hiếu nghệ thuật cho thế hệ trẻ và qua đó mà phát hiện những mầm mống tài năng nghệ thuật trong học sinh phổ thông. Cần tái thành lập Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố để phối hợp với trường phổ thông bồi dưỡng cho những mầm mống tài năng nghệ thuật ấy cả về năng lực sáng tác lẫn năng lực biểu diễn. Cũng cần có chính sách khuyến khích những người có triển vọng về nghệ thuật mang tính đặc thù như hát bội, hát hò khoan, biểu diễn nhạc cụ cổ truyển…
BÙI VĂN TIẾNG