Một trong 4 nhiệm vụ của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là thực hiện vệ sinh môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị.
Con đường bê-tông thông thoáng ở KDC Văn hóa biển Kim Liên này từng nằm trên một bãi rác khổng lồ. Ảnh: V.T.L |
Nơi xuất phát ý tưởng “Tổ dân phố không rác”
5 năm trở lại đây, Khu dân cư (KDC) Văn hóa biển Kim Liên nổi lên như một mô hình mới của phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Hai cán bộ UBND phường vừa đưa chúng tôi dích dắc đi qua những con đường bê-tông thông thoáng, vừa nói: Chừ khang trang là vậy, chứ trước đây toàn bộ là đường đất cát chật hẹp, một số nơi rác rến tích tụ lâu ngày bốc mùi rất khó chịu.
Ông Nguyễn Ba, Bí thư Chi bộ 5, Phó trưởng ban Chỉ đạo xây dựng KDC Văn hóa biển, cùng với đại diện một số hội, đoàn thể địa phương đón chúng tôi trong nhà họp cộng đồng phòng tránh thiên tai của khu dân cư. Đứng trước cụm văn hóa khang trang, bề thế của KDC hiện nay gồm nhà họp cộng đồng, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí, ít ai nghĩ rằng trước đây toàn bộ khu đất có diện tích hơn 2.000m2 này là một bãi rác, tất cả mọi chất thải trong đời sống thường ngày người dân đều “tập kết” ra đó, ngay cả xác súc vật.
Ông Ba từng là bộ đội, trước tình trạng trình độ nhận thức về bảo vệ môi trường của bà con ngư dân còn hạn chế, một số tập tục lạc hậu chưa bỏ hẳn, bèn đưa ra ý tưởng xây dựng mô hình Tổ dân phố không rác. Được UBND phường tán thành, mô hình được triển khai thực hiện vào tháng 6 năm 2010 bằng việc ra quân làm sạch môi trường từ bãi rác cho đến từng hộ gia đình với sự trợ giúp ban đầu của Đồn Biên phòng Hải Vân. Chẳng mấy chốc, bộ mặt KDC thay đổi đến lạ. Toàn bộ đường sá trong KDC đã được bê-tông hóa, chỉ còn khoảng 50m đường đất vì cấn hành lang an toàn đường sắt.
Các phương tiện truyền thông nhanh chóng đưa tin, mô hình được nhân rộng ra nhiều nơi. Chi hội Cựu chiến binh nơi ông Ba sinh hoạt được UBND thành phố tặng Bằng khen về sáng kiến xây dựng mô hình mang lại lợi ích môi trường này.
Đầu năm nay, bà con ra quân trồng 700 cây bàng dưới bãi biển từ số tiền tự vận động 23 triệu đồng. Hai hàng cây có chiều dài gần 1km này sẽ vừa góp phần chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, vừa tạo cảnh quan môi trường cho dân tắm biển, nghỉ ngơi.
Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
La Bông là thôn đầu tiên đạt tiêu chí về môi trường, đứng đầu 11 thôn thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Trưởng thôn Nguyễn Trường bảo, để đạt được điều này cũng trầm trầy trầm trật lắm.
Thôn La Bông dài gần 2km, một bên là nghĩa địa, một bên là đồng ruộng. Sông Tây Tịnh là ranh giới tự nhiên với các thôn bạn, trên 50 năm chưa nạo vét, tồn đọng lơ lửng các loại rác cùng với xác động vật. Bức xúc trước vấn nạn môi trường ô nhiễm, cán bộ quân dân chính và bà con trong thôn cùng thống nhất cử hai người lo việc thu gom rác, làm vệ tinh cho Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang. Anh Trần Được phụ trách 6 tổ đoàn kết bên xóm Nổng, anh Đinh Ngọc Cường phụ trách 5 tổ đoàn kết xóm Làng, mỗi ngày chỉ làm từ 5-7 giờ sáng.
Tưởng mọi sự đâu vào đấy thì đùng một phát, người dân đùn đẩy nhau cái thùng rác đặt trước nhà mình vì không chịu nổi mùi hôi. Giải pháp tích cực được đưa ra là hai anh phụ trách môi trường này sau khi lấy rác phải lau chùi thùng sạch sẽ mới trả về chỗ cũ, thỉnh thoảng đưa xuống kênh thủy lợi rửa sạch. Anh Trần Được kể: “Thùng bằng nhựa, mỗi lần lấy rác móc lên móc xuống rất dễ bị đứt quai, mà đứt quai là coi như bỏ thùng. Muốn tăng tuổi thọ của thùng phải “độ” bằng cách kẹp thêm niềng sắt quanh miệng thùng để chống va đập. Vừa rồi sửa chữa và kẹp niềng sắt 11 thùng tốn hết 2,4 triệu đồng”.
Để việc thu gom rác được tiến hành thông suốt, thôn phải đóng thêm một chiếc xe kéo vận chuyển rác trị giá 2,4 triệu đồng, ngoài một chiếc duy nhất do Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang cấp. Anh em lấy rác được hỗ trợ mỗi tháng 1,2 - 1,5 triệu đồng/người, trích từ phí vệ sinh do các hộ đóng. Biết mức hỗ trợ đó cũng chẳng bõ bèn gì, thôn quyết định cấp riêng cho hai anh mỗi người 2 sào ruộng để các anh yên tâm làm việc.
Xã Hòa Tiến (cùng với xã Hòa Châu) đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2013, trong đó có đóng góp đáng kể của thôn La Bông về tiêu chí môi trường.
Khó hay dễ tùy lòng người
Trước đây, việc thu gom rác ở phường Hòa Xuân khó khăn hơn phường Hòa Thọ Tây; nay, theo Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Cẩm Lệ Đặng Hải Nam, tình hình đã ngược lại. Người dân Hòa Xuân đã tái định cư ổn định, còn Hòa Thọ Tây vẫn địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên việc thu gom rác ở đây so với Hòa Xuân còn ít nhiều khó khăn. Là nói thế, chứ công tác môi trường trên toàn quận nói chung, phường Hòa Thọ Tây nói riêng, có được mức khả quan như hôm nay là nhờ đến sự năng nổ của các cán bộ ở tổ dân phố, đặc biệt là ý thức của người dân.
Ông Kiều Máy, Bí thư Chi bộ 7A phường Hòa Thọ Tây cho biết gần 130 hộ của 4 tổ dân phố (17, 17A, 17B và 17C) thuộc chi bộ đều nằm trong khu dân cư tự phát chứ không thuộc diện quy hoạch. Hầu hết bà con là cán bộ, viên chức nên rất ý thức về vệ sinh môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị, tự bỏ tiền ra làm điện, đường, cống rãnh và liên hệ với Xí nghiệp Môi trường Cẩm Lệ trong thu gom rác. Những việc này đã góp phần làm nên thành tích để Chi bộ 7A được Thành ủy Đà Nẵng khen thưởng 5 năm liền là Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Thực hiện vệ sinh môi trường khó hay dễ là tùy vào lòng người. Ông Ba ở KDC Kim Liên kể, lúc đầu mô hình Tổ dân phố không rác cũng có người cho là viển vông, làm sao sống mà không có rác được. Thực tế nếu mình “quản lý” được rác bằng nhận thức và hành động thì môi trường sẽ sạch thôi.
Trong lúc hầu hết người dân đều ý tứ trong việc thực hiện vệ sinh môi trường và nếp sống văn hóa văn minh đô thị thì đây đó vẫn còn rơi rớt một số người chưa ý thức tự giác tham gia bảo vệ môi trường, xem công tác này là của chính quyền xã/phường, của tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn!
VĂN THÀNH LÊ