Để chuẩn bị cho 10 - 20 năm và có thể còn xa hơn nữa, Đà Nẵng nên chuẩn bị một lớp chuyên gia khảo cổ, vì vùng đất vốn nhiều trầm tích này vẫn còn là điều bí ẩn với giới khoa học cũng như người dân.
Khai quật di tích Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang trong tháng 7, 8- 2014). Ảnh: H.L |
Sau gần 2 tháng tiến hành khai quật di tích Champa tại thôn Quá Giáng (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), chuyên gia khảo cổ Nguyễn Chiều (khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn-ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, ban đầu xác nhận di tích này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX, đầu thế kỷ X, sau đó tháp Chăm này bị đổ và được xây dựng lại vào khoảng thế kỷ XII. “Giá trị tư liệu của tháp Chăm Quá Giáng được khai quật lần này có thể mở ra nhiều vấn đề cho giới nghiên cứu khảo cổ”.
Lợi thế từ những di chỉ Champa
Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng không còn những kiến trúc đền tháp Chăm nguyên vẹn, nhưng những đống đổ nát và các hiện vật rải rác vẫn gây được sự chú ý của các học giả. Vào năm 1919, Henri Parmentier biên soạn ca-ta-lô liệt kê, miêu tả 258 hiện vật từ các di tích Chăm khắp khu vực miền Trung, được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Sau đó nhiều hiện vật được di dời, bổ sung, nên chỉ còn 20 hiện vật có xuất xứ ở Đà Nẵng tính đến năm 1975.
Năm 2000, GS Trần Quốc Vượng tiến hành khai quật một số địa điểm có dấu vết văn hóa Chăm tại chùa An Sơn (phường Hòa An, Cẩm Lệ), Cấm Mít (xã Hòa Phong). Năm 2009, Bảo tàng Điêu khắc Chăm nâng số hiện vật Chăm thu thập tại Đà Nẵng lên tổng số 94. Năm 2012, Bảo tàng phát hiện thêm nhiều hiện vật nền móng tháp Chăm tại cuộc khai quật di tích Phong Lệ (quận Cẩm Lệ) và Cấm Mít; năm nay một cuộc khảo cổ khác tiếp tục thu thập nhiều hiện vật Chăm tại Quá Giáng.
Chuyên gia khảo cổ Nguyễn Chiều, người trực tiếp khảo sát, thu thập, chụp ảnh và đánh giá hiện vật tại Quá Giáng lần này, cho biết đây là di tích tôn giáo, giống như đền thờ một vị tu sĩ, sản phẩm của đời sống hằng ngày không thấy xuất hiện. Ở đây có một bệ thờ, giữa mặt bệ có lỗ vuông có thể đặt Linga. Những viên gạch làm nền móng đền thờ là của di tích cũ, người xưa đã sử dụng lại, trong đó có nhiều viên được chạm trổ hoa văn, đặt không cân đối nhau. Bức tượng bán thân của người cầu nguyện (giống như tu sĩ) còn nguyên vẹn. Trong số những hiện vật khai quật được, ông Nguyễn Chiều còn tìm được một mảnh gạch lát có hoa văn nổi. Ông cho rằng đây là một hiện vật hiếm thấy trong rất nhiều di chỉ khảo cổ ông đã nghiên cứu ở miền Trung.
Mặc dù các di tích Chăm hiện nay tại Đà Nẵng chỉ còn là nền móng đền tháp, nhưng đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu tiến hành khảo cổ, nghiên cứu về nền móng tháp Chăm. Trong cuốn “Di tích Chăm tại Đà Nẵng & Những phát hiện mới” do ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm chủ biên, nhấn mạnh đến vấn đề này. “… Các nhà khảo cổ chỉ mới nghiên cứu về phần tường tháp, mái tháp, về cấu trúc gạch và các chất kết dính.
Một số câu hỏi vẫn chưa thể trả lời khi chưa biết được cấu tạo của móng tháp, như vấn đề bền vững của kiến trúc, của chất lượng viên gạch trong thời tiết mưa nắng khắc nghiệt… Ngoài những lý do về tín ngưỡng, cấu tạo móng tháp và hố thiêng chứa đầy cát và sỏi trong lòng tháp ắt hẳn có những chức năng liên quan đến kiến trúc… Đặc biệt về tín ngưỡng, các hố thiêng tại các di tích Chăm tại Đà Nẵng là những minh chứng xác thực cho nghi lễ đặt viên gạch đầu tiên khi xây dựng đền tháp”. Và trong số 30 tọa độ di tích Chăm tại Đà Nẵng, giới khảo cổ sẽ càng có nhiều cơ hội tìm hiểu lịch sử trên vùng đất này.
Lùi vào phòng nghiên cứu
Chuyên gia Nguyễn Chiều nhận định rằng, dù các di chỉ văn hóa Chăm khá nhiều tại Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh miền Trung, nhưng số lượng người được đào tạo chuyên ngành khảo cổ rất hiếm. Có thể do điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, việc tiến hành khai quật các di chỉ ngày càng hạn chế (một cuộc khai quật nhỏ, kéo dài 1-2 tháng đã tiêu tốn vài trăm triệu đồng).
Trong khi những bí mật, thông tin mà các hiện vật được thu thập về nằm tại các bảo tàng vẫn đang là ẩn số với giới nghiên cứu, trước khi lập hồ sơ và đưa ra giới thiệu rộng rãi với công chúng. Ông Nguyễn Chiều cho rằng các địa phương rất cần những chuyên gia hoặc những nhà khảo cổ học để nghiên cứu hiện vật. Có thể do đam mê, do kinh nghiệm, nhiều nhân viên bảo tàng có thể xem xét, đánh giá hiện vật; nhưng vẫn không thể cho biết chính xác giá trị hiện vật như thế nào nếu không được đào tạo bài bản.
Hiện nhiều trường đại học có khoa lịch sử nhưng số sinh viên chọn chuyên ngành khảo cổ học ngày càng ít, chưa kể các trường cắt giảm số chuyên đề hay thời gian thực tập ngành khảo cổ cũng bị “cắt xén”. Trước đây tại ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, khóa luận tốt nghiệp ngành khảo cổ kéo dài 6 tháng, nay nhà trường giảm xuống còn 2 tháng.
Theo ông Nguyễn Chiều thì Đà Nẵng nên đưa cán bộ bảo tàng và quản lý văn hóa đào tạo thêm chuyên ngành khảo cổ, nếu muốn nghiên cứu sâu hơn các cổ vật. Bởi trước đây có một giai đoạn không có biên chế cho ngành khảo cổ, khiến các viện nghiên cứu sau đó bị hẫng, thiếu nhân lực kế thừa. Nên hiện tại lớp trẻ chưa đảm nhận được công việc vốn cần nhiều kinh nghiệm và tay nghề này. Tại khoa Lịch sử của trường này mỗi năm chỉ có 3-5 sinh viên chọn chuyên ngành khảo cổ. Và có một điều may mắn là 3 Viện, Trung tâm nghiên cứu khảo cổ ở Hà Nội tiếp nhận hết sau khi họ tốt nghiệp. Để chuẩn bị cho 10-20 năm và có thể còn xa hơn nữa, Đà Nẵng nên chuẩn bị một lớp chuyên gia khảo cổ, vì vùng đất vốn nhiều trầm tích này vẫn còn là điều bí ẩn với giới khoa học cũng như người dân…
HIỀN LƯƠNG