Thiếu nhân sự và yếu chuyên môn là mẫu số chung của công chức phụ trách văn hóa cấp cơ sở hiện nay ở Đà Nẵng. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển, nhưng trên thực tế, khái niệm này thường bị suy diễn theo chiều hướng “cờ, đèn, kèn, trống”.
Nhà truyền thống xã Hòa Phong hoạt động hiệu quả có sự đóng góp đáng kể của các công chức văn hóa xã. |
Hụt hẫng đội ngũ kế thừa
Bắt đầu công tác ở xã Hòa Phong từ năm 1979 với chức danh Trưởng Ban văn hóa-thông tin, ông Tán Kim hiện là công chức văn hóa – xã hội (VH-XH) cấp xã, phường lâu năm nhất ở Đà Nẵng. Khi đó, huyện Hòa Vang có 14 xã, hầu hết cán bộ như ông Kim đều không có chuyên môn, chủ yếu là làm việc dựa trên sự tháo vát, tính năng động của mỗi người. Ông Kim năm 1983 đi học lớp sơ cấp quản lý Nhà nước về văn hóa và mãi đến 22 năm sau mới học lên trung cấp ngành này, ngoài các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các sở, ngành liên quan tổ chức.
Ông Nguyễn Bông - người dự kiến thay thế ông Kim sẽ nghỉ hưu vào năm tới - cũng hơn 10 năm làm việc ở xã. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp trung cấp bảo tồn bảo tàng ở Trường trung học Văn hóa-Nghệ thuật QN-ĐN (cũ), ông vào công tác ở Phòng Văn hóa - thông tin (VH-TT) huyện Thăng Bình một thời gian rồi đi bộ đội. Năm 1993, ông về quê làm việc ở thôn, đến 1996 thì lên làm cán bộ văn hóa-thể thao ở xã tới nay.
Hòa Phong, vùng đất tây nam Hòa Vang từng nổi tiếng với các phong trào cách mạng, giáo dục trong hai cuộc kháng chiến. Khi hòa bình lập lại, với bề dày lịch sử - văn hóa đáng nể của mình, Hòa Phong thành lập một nhà truyền thống vào năm 1979, nhưng hơn 20 năm sau phải tháo dỡ để trả đất mở rộng quốc lộ 14B; đầu năm 2004, được tái thiết với diện tích 120m2 bằng sự hỗ trợ kinh phí của UBND huyện, hỗ trợ chuyên môn của Bảo tàng Đà Nẵng. Có thể nói, việc hình thành và hoạt động có hiệu quả nhà truyền thống này có sự đóng góp đáng kể của những người làm công tác văn hóa lâu năm như ông Kim, ông Bông.
Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc nguyên là xã Hòa Hiệp cũ của huyện Hòa Vang trước khi thành hai phường của quận Liên Chiểu. Theo chị Hoàng Thị Thu Hà, chuyên viên Phòng VH-TT quận Liên Chiểu, công chức VH-XH lâu năm và năng lực ở đây là các ông Phạm Trưng (Hòa Hiệp Nam) và Nguyễn Như Hân (Hòa Hiệp Bắc). Cũng như tất cả công chức VH-XH cơ sở khác, họ một chức danh nhưng lâu nay lại kiêm luôn nhiều đầu công việc; tuổi tác và lòng tự trọng thôi thúc họ hoàn thành tốt mọi công việc được giao.
Nếu xã Hòa Phong có được công chức VH-XH “cứng tay” để kế thừa, có thể bảo đảm được công việc thông suốt và có chất lượng, thì nhiều nơi như phường Hòa Hiệp Bắc lại hụt hẫng. Ông Hân vừa nghỉ hưu, địa phương không tìm được ai có bề dày kinh nghiệm như ông nên hợp đồng cho ông làm lại để làm “cố vấn” cho các cán bộ trẻ.
Nhiều hoạt động văn hóa-văn nghệ ở địa phương được công chức văn hóa đầu tư xây dựng. TRONG ẢNH: Hô hát bài chòi tại Hội làng Trung Nghĩa năm 2014. Ảnh: V.T.L |
Bao giờ hết “đá lộn sân”?
Sự hụt hẫng công chức VH-XH cơ sở, theo nhận định của bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng VH-TT quận Liên Chiểu, xuất phát từ khâu nhân sự của địa phương: “Các công chức này hầu hết không được đào tạo bài bản, khi nhận nhiệm vụ mới học bồi dưỡng nghiệp vụ. Được vài ba năm, khi đã “lành nghề” thì phải chuyển công tác do quy hoạch nhân sự của địa phương”.
Được xem là người làm nghề “cờ, đèn, kèn, trống”, họ làm tất tần tật những việc “bưng bê kê dọn” như treo cờ, mắc phướn, kéo băng-rôn, trang trí hội trường,… Lớn tuổi, không thể leo trèo được, nhờ người ta thì không đủ kinh phí, chỉ còn cách tự giác xin chuyển công việc như trường hợp ông Nguyễn Nhường với 15 năm làm cán bộ văn hóa xã Hòa Ninh, người thay ông là một người làm… công an xã! Ở xã Hòa Bắc, ông Nguyễn Lắm từ cán bộ văn hóa chuyển lên làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, người thay ông là một... xã đội phó!
Hiện công chức VH-XH của 4 phường ở quận Ngũ Hành Sơn cũng thế, không ai có kiến thức chuyên ngành: một luật, một điện tử-viễn thông, một kinh tế, một công tác xã hội. Cái sự “đá lộn sân” này đối với công chức VH-XH cơ sở ở Đà Nẵng không hiếm. Những “cầu thủ” này đều phải nỗ lực tự thân để thích nghi với môi trường công tác mới, chỉ lo một điều là khi đã “quen sân” rồi lại phải “đổi sân”.
Ông Trần Văn Sinh, Trưởng phòng VH-TT quận Ngũ Hành Sơn, lo lắng: “Ngành dọc luôn muốn công chức cơ sở công tác ổn định để chuyên môn vững vàng, nhưng khổ nỗi, nhân sự là việc của địa phương, ngành dọc không can thiệp được. Hệ quả của việc thay đổi nhân sự xoành xoạch này là hoạt động văn hóa của địa phương bị chững lại”.
Để công chức văn hóa cấp cơ sở phát triển chuyên môn, theo bà Hằng, nên tổ chức các lớp tập huấn dài ngày, ít nhất từ 1 - 3 tháng, có cấp giấy chứng nhận. Văn hóa rất rộng lớn, không có chuyên môn, không trang bị kiến thức thì không thể chạy việc được. Ngoài ra, còn phải có “đất diễn” cho họ, đó là thiết chế văn hóa.
Với khoảng 30 nghìn công nhân và chừng đó sinh viên làm việc, học tập, Liên Chiểu được xem là quận công nghiệp nhưng lại nghèo về thiết chế văn hóa. Một trung tâm văn hóa - thể thao cấp quận còn chưa định hình, nhà văn hóa cấp phường cũng đang là mô hình nằm trên giấy nên cán bộ quản lý nhà văn hóa ở phường phải chuyển sang làm công việc khác. Nếu có các thiết chế thì cán bộ, công chức sẽ có “đất diễn”, tự thân họ sẽ trau dồi kiến thức, chuyên môn để hoàn thành tốt nhất cương vị được giao.
Chế độ đãi ngộ cũng là chất men kích thích cán bộ, công chức cơ sở trong công việc. Ông Sinh kể rằng, phường Mỹ An có ông Lê Văn Thành phụ trách mảng văn hóa rất nhiệt tình, một thời gian không được bố trí vào chức danh công chức nên đâm ra lơ là. Đến khi được tham dự và đạt yêu cầu kỳ thi công chức do Phòng Nội vụ quận tổ chức, ông mới yên tâm công tác.
* Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa hiện nay có 410 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trong đó: - Cán bộ có trình độ đại học trở lên 227/410 người (55,3%); trong đó 121/227 người được đào tạo ngành văn hóa, nghệ thuật (53,3%). - 88/410 người (21,4%) được bồi dưỡng về nghiệp vụ văn hóa và các lĩnh vực liên quan đến văn hóa; 78,6% chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ. - 117/410 người được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính; 67/410 người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Trong đó có 22 người được bồi dưỡng lý luận chính trị chương trình cử nhân, cao cấp và 45 người được bồi dưỡng lý luận chính trị chương trình trung cấp. - 20 cán bộ từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý. (Quỳnh Trang tổng hợp) |
VĂN THÀNH LÊ