Quá trình Báo Đà Nẵng đến tay tổ trưởng tổ dân phố (TDP) và trưởng thôn không chỉ là quá trình lan truyền thông tin, kiến thức. Nó còn là sự kết nối và lan tỏa tình làng, nghĩa xóm.
Nụ cười chào nhau khi trao và nhận tờ Báo Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Anh Đỗ Văn Hưng, Tổ trưởng TDP 123 phường Hòa Minh đang trao báo tận nhà ông Nguyễn Văn Toản, Tổ trưởng TDP 126.Ảnh: M.T |
Ấm áp tình người
Một trong những món quà được gia đình chị Nguyễn Thị Thương và anh Nguyễn Trọng Hiếu, thuyền trưởng tàu Kiểm ngư 764 trân quý, có lẽ là bộ ấm chén mà gia đình anh được tặng từ số tiền… bán Báo Đà Nẵng cũ. Ngày 2-5 - ngày đầy tháng con gái đầu lòng, anh Nguyễn Trọng Hiếu phải lên đường làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam. Hiểu được sự bấn ruột bấn gan của người vợ trẻ ở nhà, đại diện cho 10 tổ dân phố trong khu vực Hòa Phú 5 đã trích phần tiền trong quỹ từ bán Báo Đà Nẵng cũ để tặng chị Thương bộ chén bát bằng sứ trắng như một lời chia sẻ, động viên: Gia đình chị rồi sẽ sớm được quây quần, đoàn tụ vuông tròn.
Quỹ từ nguồn bán Báo Đà Nẵng cũ là “phát minh” của cô Trịnh Thị Hồng, Phó Bí thư Chi bộ Hòa Phú 5. Theo đó, đều đặn mỗi ngày cô Hồng đều lên UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để nhận 10 tờ báo giúp các tổ trưởng TDP trong địa bàn. Những tờ báo này được xếp ngay ngắn trên bàn tiếp khách nhà cô Hồng và 10 tổ trưởng TDP sẽ lần lượt mang báo ngày hôm qua đến để “đổi” lấy báo mới. Những tờ báo cũ này được cô Hồng xếp gọn gàng phẳng phiu thành từng chồng để chờ đến ngày được “thanh lý”. Chính nguồn tiền có được từ việc bán báo cũ đã giúp cô Hồng mua được những phần quà nhỏ tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn và mua 150 con heo đất tặng cho các em nhỏ trong khu vực cũng như phần quà ý nghĩa dành tặng gia đình anh Nguyễn Trọng Hiếu.
Mặc dù đã 80 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Bồi, Bí thư Hòa Mỹ 7, vẫn đều đặn hằng ngày đến UBND phường Hòa Minh nhận báo và cần mẫn đem phát từng tờ đến nhà các tổ trưởng TDP. Theo lời của vị bí thư cao tuổi này, vì áp lực mưu sinh, hầu hết người dân của phường Hòa Minh thường quay về nhà lúc tối muộn. Họ chỉ còn đủ thời gian dành cho bữa cơm gia đình duy nhất trong ngày cũng như tập trung dạy bảo con cái. Toàn bộ thông tin được người dân tiếp nhận sơ sài thông qua chương trình ti-vi hoặc mạng internet bởi họ không có đủ tình yêu và thời gian dành cho văn hóa đọc. Nhìn chồng Báo Đà Nẵng được xếp phẳng phiu, nếp gấp vẫn mới và sắc (chứng tỏ chưa từng một lần được mở ra) cứ ngày một cao dần lên cho đến khi được sử dụng để… gói quà khiến ông Bồi trăn trở, suy nghĩ.
Ông đã kiên trì đến nhà từng tổ trưởng TDP để trò chuyện, giúp họ thấy được hết ý nghĩa của việc đọc báo, đặc biệt là tờ báo địa phương, nơi cung cấp những thông tin cụ thể về chính thành phố mình đang sinh sống - điều khó có thể tiếp cận, ghi nhớ và lưu trữ được qua ti-vi hay mạng. “Tờ báo là kết tinh nhiệt huyết, mồ hôi, sức sáng tạo của một tập thể với mục tiêu đem lại tri thức cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi dòng, mỗi mẩu tin nhỏ cũng đều có thể giúp ta mở mang tầm nhìn, thêm hiểu biết, thêm thông tin mới. Chỉ cần bớt chút thời gian, việc đọc báo hằng ngày sẽ mang lại lợi ích to lớn”, ông Bồi nói. Rồi từ đó, dù trời nắng nóng gay gắt hay mưa dầm, dù bị các chứng bệnh của tuổi già hành hạ, ông Bồi vẫn kiên trì đi nhận và phát báo, bởi: “Báo chí khác với sách truyện, một ngày trôi qua đồng nghĩa với tính thời sự trên mặt báo cũng trôi theo. Hơn nữa, chỉ một lần chiều theo bản thân, chây lười không đi nhận báo thì rồi sẽ có lần 2, lần 3. Điều này sẽ thành thói quen xấu cho bản thân tôi cũng như các tổ trưởng TDP”.
Ông Nguyễn Văn Bồi, Bí thư Hòa Mỹ 7 xếp gọn từng tờ báo trước khi phân phát cho 10 TDP. |
Mong ước nhận 2 số Báo Đà Nẵng mỗi ngày
Do địa hình xa trung tâm thành phố, thông thường phải hơn 11 giờ trưa Báo Đà Nẵng mới về được đến các xã của huyện Hòa Vang. Thế nhưng điều này vẫn không cản được ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng thôn 1 xã Hòa Ninh, đều đặn vượt hơn 10km để đến UBND xã nhận báo. Người ham đọc, thích đọc có nhiều nhưng đọc và trân trọng tờ báo như ông Hòa thì có lẽ là hiếm. Trước khi đọc, ông Hòa cẩn thận lau sạch mặt bàn, nhẹ nhàng lần giở từng trang báo, đọc và ghi chép cẩn thận. Ông trân trọng tờ báo bởi theo ông, đây là kết tinh chất xám của rất nhiều người.
Hơn nữa, ông hiểu rõ quãng đường xa xôi khi phải chạy ngược xe vào “thành phố” mới mua được Báo Đà Nẵng. Từ thực tế này mà tại xã Hòa Ninh nói riêng, huyện Hòa Vang nói chung, mỗi tờ báo đều được chuyền tay nhau đọc giữa trưởng thôn, 2 phó thôn, Công an và các đồng chí ở Hội Cựu chiến binh. Mặc dù hết sức gìn giữ nhưng do qua nhiều người đọc nên khi đi một vòng tròn, đến lại tay trưởng thôn để lưu trữ thì tờ báo đã cũ rách.
Tự hào chỉ tay vào chồng báo được cất giữ từng số một, ông Nguyễn Văn Hòa vui vẻ: “Báo hơi cũ, đôi chỗ rách nhưng cảm giác được cười chào nhau, được cùng nhau bàn bạc chuyện của thành phố trong những lần chuyền tay nhau tờ báo là niềm vui không tả được”. Nguyện vọng lớn nhất của các trưởng thôn tại đây là làm sao tiêu chuẩn được nhận Báo Đà Nẵng có thể nâng lên 2 số mỗi ngày, để mở rộng hơn nữa “vòng tròn chuyền tay đọc báo”, để tờ báo không quá… tơi tả khi quay về với trưởng thôn.
Khi bắt đầu triển khai việc cấp Báo Đà Nẵng đến trưởng thôn, UBND xã Hòa Ninh đã lập quyển sổ theo dõi việc nhận báo hằng ngày, tránh tình trạng trưởng thôn không nhận báo. Thế nhưng, thực tế cho thấy, chỉ có chuyện báo giao về quá muộn khiến tất cả các trưởng thôn thắc mắc, nôn nóng chứ chưa có trường hợp trưởng thôn thờ ơ, không nhận báo. Điều này đã khiến quyển sổ theo dõi chỉ làm việc trong vòng 2 tháng.
Theo ông Nguyễn Quang Xê, Trưởng thôn Sơn Phước 23, xã Hòa Ninh thì thời sự quốc tế, thời sự trong nước, ai ai cũng có thể cập nhật qua ti-vi, tuy nhiên, thời sự tại Đà Nẵng, thì không đâu có ngoài Báo Đà Nẵng. Những câu chuyện gần gũi với cuộc sống trong chuyên mục “Chuyện tổ, chuyện thôn”, những bài viết sinh động về việc “Xây dựng nông thôn mới”, những cá nhân học tập hiệu quả theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… không thể đọc được ở đâu ngoài Báo Đà Nẵng. Tờ báo thực sự thay đổi nội dung và không khí họp dân. Những chủ trương, chính sách của thành phố được thể hiện mềm mại, dễ hiểu, dễ nghe, dễ đi vào lòng người qua từng câu chuyện, mẩu tin sinh động chứ không phải là báo cáo từ trên chuyển xuống.
“Những câu chuyện về “Xây dựng nông thôn mới” là bài học, kinh nghiệm để xã Hòa Ninh phấn đấu vươn lên. Những tấm gương học tập và làm theo Bác đã khiến người dân Hòa Ninh suy nghĩ nhiều, bởi chỉ bằng những hành động nhỏ cũng là làm theo Bác nhưng sao địa phương chưa có nhiều tấm gương sáng? Những bài viết về tình trạng trẻ em mải mê trò điện tử dẫn đến xao lãng học hành, hiếu thuận với cha mẹ cũng là hồi chuông cảnh báo cho các hộ dân nơi đây. Tất cả những thông tin này, chúng tôi may mắn được lĩnh hội đầy đủ qua từng số Báo Đà Nẵng”, ông Quang Xê khẳng định.
Qua thống kê, từ khi báo Đảng về TDP, bình quân mỗi tuần Báo Đà Nẵng nhận được 5 cuộc điện thoại qua đường dây nóng từ các tổ trưởng, trưởng thôn. Những cuộc gọi nóng phản ánh sự bức xúc về những bất cập, khúc mắc chưa được giải quyết, nguyện vọng chính đáng chưa được lắng nghe… đã giúp nâng cao khả năng kết nối của Báo Đà Nẵng với các TDP. Tính đến ngày 1-8, tổng số 56 xã, phường, với 7 quận/huyện đã đặt mua Báo Đà Nẵng với tổng số báo đặt mua là 5.618 tờ; nâng tổng số phát hành của Báo Đà Nẵng hằng ngày lên 9.330 tờ/ngày (đạt 100%); riêng Đà Nẵng cuối tuần là 3.120 tờ, nâng tổng số phát hành của ngày cuối tuần lên 6.260 (đạt 60% kế hoạch). |
MAI TRANG