Người xưa có câu “vô tửu bất thành lễ” để nói đến vai trò không thể thiếu được của rượu trong đời sống hằng ngày. Ngày nay rượu không chỉ đơn thuần là lễ mà đằng sau đó còn là những nét văn hóa đặc trưng, là linh hồn của mỗi vùng đất. Chính vì vậy, mỗi loại rượu có một cách thưởng ngoạn riêng
Không chỉ là nơi nhâm nhi các loại rượu, Le Paris còn là không gian thích hợp cho những công việc cần sự yên tĩnh. |
Vang tiếng rượu vang
Đã từ lâu, rượu vang đã theo chân người Pháp vào Việt Nam với chút kiêu kỳ dành riêng cho đẳng cấp quý tộc. Theo dòng chảy thời gian, vang trở nên gần gũi hơn trong những bữa tiệc, bữa ăn gia đình; nhất là khi thương hiệu Vang Đà Lạt của người Việt ra đời thì việc nhấm nháp một ly vang đã không còn là giấc mơ xa xỉ.
Một sáng mùa hè xanh trong, bên ban-công đầy nắng, chúng tôi có cuộc chuyện trò thú vị với anh Huỳnh Trần Huy Thịnh, ông chủ của quán Le Paris tại Đà thành - nơi mà những người yêu mến rượu vang có thể tìm thấy một không gian phảng phất những giai điệu, sắc màu rất Pháp. Dường như những hiểu biết về rượu vang trong 6 năm du học ở nước Pháp, quê hương rượu vang nức tiếng trên thế giới, đã biến thành đam mê khi Thịnh về quê nhà. Event Pub tại địa chỉ 36 Thái Phiên, Đà Nẵng là địa chỉ đầu tiên bán và quảng bá rượu vang của Thịnh tại Đà thành nay đã được chuyển về 36 Trần Phú với cái tên Le Paris đầy quyến rũ.
Bước qua cánh cửa hẹp, khách dường như chạm chân vào không gian lịch lãm của nước Pháp hào hoa. Một màu vàng tươi tắn mộc mạc của gỗ thông chảy tràn không gian quán khiến người ta nhớ đến những căn nhà gỗ trên cánh đồng nho thênh thang của những Bordeaux, Champagne hay Alsace. Như một điểm nhấn đầy tự hào của quán, trong gian phòng phảng phất phong cách rất Paris có một hầm rượu vang kiểu Pháp, được sắp đặt một cách nghệ thuật bằng các chai rượu nhiều kích cỡ khác nhau với 50 chủng loại từ các nước Pháp, Chile, Argentina, Mỹ, Ý… đã tạo ra một thế giới vang đầy đam mê, lịch lãm.
Mỗi tối thứ ba hằng tuần, Le Paris dành hẳn sân khấu bỏ túi của mình cho khách bước lên trình bày những ca khúc Pháp lời Pháp và Pháp lời Việt. Có lẽ không có sự hòa quyện nào thú vị hơn khi được nhấm nháp một ly vang trong giai điệu dìu dặt của những bản tình ca bất hủ và vây quanh ta là hơi thở của vùng đất sản sinh ra loại nước uống danh tiếng này. Le Paris đáng để những ai yêu thích rượu vang và văn hóa rượu vang đến để thưởng thức và cảm nhận.
Đối với người dân Đà Nẵng, rượu vang được biết đến không chỉ là những phút nhẩn nha thưởng thức mà còn là lễ hội. Những ngày vừa qua, Lễ hội Rượu vang Bà Nà Hills đã được tổ chức thành công ở nơi được cho là “nóc nhà của thành phố Đà Nẵng”. Đây được xem một sự kết hợp độc đáo của rượu vang, ẩm thực, những vũ điệu nóng bỏng trong bối cảnh tuyệt đẹp trên đỉnh Bà Nà huyền ảo.
Du khách đã vô cùng thích thú khi được nếm rượu vang, thưởng thức buffet ẩm thực miễn phí, vừa lưu giữ những khoảnh khắc khó quên trong đời.
Những ngày 9-8 và 27-8, Lễ hội Rượu vang tiếp tục diễn ra ngay tại hầm rượu cổ Debay trên đỉnh Bà Nà. Vang Berri Estates, một loại vang hảo hạng được yêu thích nhất tại xứ sở Chuột túi sẽ được rót tận tay du khách trong sương khói liêu trai của độ cao 1.487 mét hẳn sẽ một trải nghiệm đầy thú vị cho du khách gần xa…
Khi thưởng thức rượu trở thành nét văn hóa
Thế giới quanh ta có cái thuộc về lĩnh vực vật chất, có cái thuộc về lĩnh vực tinh thần, nhưng rượu thì lại vừa là vật chất vừa là tinh thần. Từ thuở khai sinh, rượu gắn liền với nghi lễ, với thần linh. Ngày nay rượu còn là ngoại giao, là văn hóa của mỗi dân tộc. Người ta có thể tiếc vì mua một món đồ nhưng không bao giờ tính toán khi mua được chai rượu ngon thuộc hàng danh tửu. Đà Nẵng xưa nay vốn là cửa ngõ đầu tiên đón nhận làn sóng văn hóa của các nước nên sự có mặt của các loại rượu danh tiếng trên thế giới như: vang Pháp, Whisky sake Nhật, Sochu Hàn Quốc, Vodka Nga... trong tủ rượu của nhiều người Đà Nẵng là một hệ quả tất yếu.
Trong câu chuyện về rượu vang với chủ quán Le Paris, chúng tôi ngộ ra nhiều điều về nghệ thuật uống rượu. Rượu phải được rót vào nửa chiếc cốc thủy tinh mỏng trong veo chân cao để người uống có thể ngắm no mắt cái màu đỏ ruby đỏng đảnh như nàng tiểu thư khuê các. Sau đó tay cầm ly lắc nhẹ để rượu sóng sánh lên thành ly từ từ trôi xuống… Đó cũng là thời khắc, người uống ghé mũi vào miệng ly để ngửi và cảm nhận hết những hương vị đặc trưng của cánh đồng nho bạt ngàn hay rừng táo chín mọng. Và phảng phất đâu đó trong men rượu, mùi khói từ thùng ủ rượu làm từ gỗ sồi được hun khói lắng đọng một cảm xúc quê nhà…
Khi những giây thăng hoa cùng hương vị, hãy bắt đầu nếm rượu vang bằng vị giác. Ngậm một chút rượu trong vòm miệng và để những giọt rượu từ từ lan tỏa khắp lưỡi, mắt khẽ khép hờ để lắng nghe từng giọt nồng trôi bềnh bồng vào vòm họng… Để rồi khi mở mắt ra trong tư thế hơi ngả đầu, tửu khách cảm nhận hương vị chát nhẹ, chát nồng hơn hay nữa là vị ngọt khó tả, thoảng nhẹ không thể nắm bắt. Cái cách nhẩn nha nhấm nháp giúp người uống cảm nhận sâu hơn hương vị mật ong hay va-ni tinh tế trong ly rượu.
Mỗi lần xem phim thấy cảnh người Hàn Quốc uống rượu Sochu hâm nóng trong những bình sứ tinh tế hay rượu sâm-banh nổ bốp tuôn trào thay lời chúc tụng rộn rã trong những bữa tiệc mừng năm mới… mới hay rượu không chỉ là rượu, tùy mỗi loại rượu mà có cách thưởng ngoạn khác nhau. Từ ly rót rượu đến cách cầm chai rượu, từ cách đưa ly lên môi đến cách nhấm nháp từng giọt rượu ra sao thì quả là “công phu khổ luyện”. Thế mới biết, mỗi dân tộc đều có “quốc tửu” và cách thưởng thức rượu đã được nâng lên tầm “tửu đạo”…
NHƯ HẠNH