.

Loay hoay tìm nơi... họp

.

Địa điểm họp ở thôn, tổ dân phố (TDP) giữ vai trò quan trọng trong việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cũng như xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Thực tế do hoàn cảnh khác nhau, rất nhiều phường ở Đà Nẵng không có địa điểm sinh hoạt hoặc có nhưng đã xuống cấp trầm trọng.

Nếu nhìn từ bên ngoài, không ai nghĩ đây là địa điểm sinh hoạt của 11 TDP khu vực Trung Nghĩa 3.  Ảnh: T.Y
Nếu nhìn từ bên ngoài, không ai nghĩ đây là địa điểm sinh hoạt của 11 TDP khu vực Trung Nghĩa 3. Ảnh: T.Y

Hơn 4 năm qua, người dân khu vực Hòa Phú 1 (gồm các cụm Hòa Phú 1, Hòa Phú 1A, Hòa Phú 1B) thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu phải nay đây mai đó mỗi khi tổ chức sinh hoạt văn hóa tại địa phương. Những hoạt động lớn, cả làng phải kéo nhau ra ngã ba, ngã tư hoặc mượn sân cơ quan, trường học.  

Ông Hồ Ngọc Nhựt, Tổ trưởng TDP 70 khu vực Hòa Phú 1 bức xúc: “Trước đây, khu vực này có 1 Nhà sinh hoạt văn hóa (NSHVH) nằm trên khuôn viên 125m2, là nơi hội họp, sinh hoạt của 32 TDP nhưng đầu năm 2010 đã bàn giao mặt bằng cho dự án Tây Bắc 3 (sau là dự án Tây Bắc 2) theo chủ trương của thành phố. Nay dự án đình chỉ nên đất bố trí NSHVH (có nơi gọi là Nhà sinh hoạt cộng đồng) không còn, mọi sinh hoạt đều phải thuê, mượn nhà dân”.

Vấn đề này được cử tri phường Hòa Minh nêu tại những buổi tiếp xúc đại biểu HĐND thành phố thời gian qua, và nhận được sự lý giải: các khu vực  nằm trong các dự án khu Trung tâm đô thị mới Tây Bắc và khu Vệt biệt thự Xuân Thiều - Nam Ô hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch nhằm giữ lại các khu vực đông dân. Việc đầu tư NSHVH sẽ được xem xét khi các dự án trên điều chỉnh. Và, trong thời gian chờ bố trí đất, người dân vẫn phải loay hoay tìm nơi hội họp.

Ngược lại Hòa Minh, khu vực An Xuân 1 thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê có không gian công cộng rộng 2.000m2 đến nay vẫn chưa xây dựng được NSHVH. Cách đây 2 năm đây là khu đất trống, ô nhiễm môi trường trầm trọng. Sau khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương đã ra quân dọn dẹp, phát hoang bụi rậm. Cùng với đó, người dân tự đóng góp kinh phí làm vườn hoa nhỏ, xây dựng lan can quanh khu vực bờ kè. Quỹ đất có, kinh phí không, nên đến nay 9 TDP thuộc An Xuân 1 cũng rơi vào cảnh tương tự vì thiếu công trình NSHVH.

Một cán bộ về hưu sống tại đây nêu ý tưởng về mô hình NSHVH theo hướng mở. Với quỹ đất và vị trí lý tưởng, ông mong muốn An Xuân 1 xây dựng NSHVH hình lục giác, trở thành điểm vui chơi của trẻ em; nơi đánh cờ, đọc sách, thưởng trà, đánh cầu lông của người già; nơi các mẹ, các chị tập thể dục mỗi sáng… Lúc cần hội họp, chỉ cần buông rèm, đặt thêm bàn ghế, treo khẩu hiệu là xong. Mô hình này theo ông là thiết thực, đưa NSHVH trở nên gần gũi, phát huy tối đa công năng sử dụng giữa tình hình địa phương đang thiếu điểm vui chơi, giải trí.

“Cám treo heo nhịn”

NSHVH xuống cấp, không sử dụng được cũng là thực trạng đang diễn ra tại nhiều quận, phường ở Đà Nẵng. Điển hình như NSHVH khu vực Trung Nghĩa 3, phường Hòa Minh do bà con góp công xây dựng 25 năm trước, nay toàn bộ mái ngói mục nát, phần mái hiên bị cơn bão số 6 (năm 2006) cuốn phăng chỉ còn trơ lại mái dầm. Trong căn phòng cũ nát rộng gần 100m2, chỉ có 9 ghế gỗ dài, 1 bàn gỗ, 10 ghế nhựa vuông; không bục phát biểu, không quạt máy, không cánh cửa, không phông màn, không nhà vệ sinh; phần nền tráng xi-măng bong tróc, bùn non đóng thành lớp vì hễ mưa là ngập. Trên phần tường loang lỗ, người dân treo một số bằng khen, giấy khen và hình ảnh của Hội khuyến học địa phương. Tất cả đều tạm bợ, hoang vắng. Nếu không được Bí thư chi bộ Nguyễn Hữu Hoàng giới thiệu, chúng tôi khó hình dung đây là nơi hội họp của 11 TDP Trung Nghĩa 3.

Sự sập xệ, xuống cấp này được minh chứng bằng câu chuyện xảy ra hôm tháng 6, giữa lúc 30 đảng viên đương nhiệm khu vực tổ chức họp sơ kết 6 tháng đầu năm, bất ngờ trận mưa lớn trút xuống, theo gió tạt vào phòng họp qua các cánh cửa, nước bên ngoài tràn vào, ngập đến 2 - 3 phân. Ông Hoàng nói đây là tình huống thường xuyên xảy ra nên nhiều chương trình diễn ra chóng vánh, cho có. Vào mùa mưa, người dân không chịu đi họp vì sợ NSHVH sập; việc mượn nhà dân rất khó vì ai cũng ngại mọi người mang nước mưa vào nhà mình. Để “chữa cháy”, nhiều tổ trưởng TDP còn trích nguồn phụ cấp ít ỏi thuê bàn ghế, phông màn, địa điểm tổ chức sinh hoạt.

Ông Phạm Thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Minh cho biết, toàn phường hiện còn 3 nhà họp khác thuộc khu vực Hòa Mỹ, Phước Lý, Trung Nghĩa đang trong hoàn cảnh xuống cấp tương tự, nhiều địa bàn giải tỏa không có đất bố trí xây dựng NSHVH. Địa phương không có nguồn kinh phí sửa chữa hoặc xây mới nên các NSHVH xấu xí, cũ mèm này vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Xây mới, kinh phí lớn nhưng thiết kế không phù hợp khiến nhiều NSHVH không phát huy hiệu quả sử dụng, rơi vào cảnh “cám treo heo nhịn”. Ví dụ, 4 NSHVH (tổng kinh phí 2 triệu đồng) vừa xây dựng tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ một hai năm trở lại đây bị người dân quay lưng vì: mùa mưa nước tạt; mùa nóng nắng rọi; giấy khen, bằng khen của địa phương trưng bày dễ bị hư hại; nhiều chương trình sinh hoạt đoàn thể bị cắt ngang vì mưa gió. Lý do, 4 NSHVH này đều được xây dựng theo mẫu thiết kế gồm một bức tường, bục phát biểu, mái che, ba phía còn lại chống đỡ bằng các trụ bê-tông, không có tường bao nên vật dụng trưng bày dễ bị phá hoại. Bên cạnh một số NSHVH chưa phát huy được hiệu quả sử dụng do xuống cấp, thiết kế không phù hợp, toàn phường còn cần trên 10 NSHVH mới đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Cần phương án hợp lý, hợp tình

Liên quan đến NSHVH, trước đây UBND thành phố có chủ trương cho phép đầu tư thêm mỗi quận, huyện từ một đến hai Nhà họp cộng đồng liên TDP (Công văn số 744/VP-QLĐTh ngày 04-3-2010); Sở Xây dựng cũng đã báo cáo UBND thành phố phê duyệt địa điểm và quy hoạch tổng mặt bằng một số nhà họp cộng đồng trên địa bàn quận, huyện. Tuy nhiên, qua những gì phản ánh, có thể thấy tiến độ xây dựng đang rất chậm so với nhu cầu thực tế của người dân.

So với quỹ đất hạn hẹp ở thành phố, địa bàn huyện Hòa Vang có phần thuận lợi hơn trong việc triển khai xây dựng, sửa mới Nhà văn hóa (NVH) thôn. Như xã Hòa Châu có 8 NVH thôn diện tích trung bình gần 200m2; xã Hòa Phước có 10 NVH thôn diện tích trung bình 150m2… Tất cả đều trang bị âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, phông màn. Khuôn viên một số NVH thôn còn có sân bóng chuyền, cầu lông, cổng ngõ bảo vệ, sân khấu ngoài trời tổ chức các hoạt động văn nghệ.

Để minh chứng sự khác biệt giữa nông thôn mới và thành thị, chúng tôi về Hòa Phước, thấy niềm tự hào của người dân khi nói về NHV thôn Miếu Bông, ra đời nhờ sự đồng thuận của 600 hộ dân đang sinh sống tại thôn này. Từ khi nhận số tiền 500 triệu đồng của UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ xây mới NVH thôn, lãnh đạo địa phương gấp rút đi gõ cửa từng nhà, vận động di dời trên 100 ngôi mộ lấy quỹ đất 2300m2 (riêng NVH thôn 230m2) xây dựng công trình. Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Định kết hợp với đại diện 12 tổ dân cư tổ chức nhiều cuộc họp kêu gọi sự đóng góp của người dân (mỗi hộ 300.000 đồng, trừ đối tượng chính sách, người có công cách mạng), vận động thêm 250 triệu đồng, nâng tổng chi phí xây dựng NVH thôn Miếu Bông lên 750 triệu đồng. Từ khi đưa vào sử dụng năm 2012, mỗi tháng NVH này còn chứng kiến vài đôi uyên ương nên duyên chồng vợ, họ chọn NVH thôn tổ chức vì không gian thoáng rộng, công trình nhà vệ sinh sạch sẽ, giữa không gian gắn kết cộng đồng.

Qua kinh nghiệm ở Hòa Phước, chúng tôi nhận thấy sức mạnh của người dân chỉ thật sự phát huy khi họ biết mình đang ủng hộ một chủ trương đúng đắn, hợp lý, hợp tình. Điều này đang thực sự thiếu ở một số khu vực trung tâm, nơi người dân vẫn giữ suy nghĩ xây dựng NSHVH là trách nhiệm của UBND thành phố, địa phương chỉ tiếp quản và sử dụng; hoặc ở nơi NSHVH dù mới vẫn muôn phần lạc lõng giữa đời sống cộng đồng, do những tính toán chưa hợp lý trong quá trình xây dựng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.