.

Nghệ thuật truyền thống: Cần đầu tư đúng mức

.

Nói đến nghệ thuật truyền thống của vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng là nói đến tuồng và dân ca bài chòi khu V. Trong bối cảnh các loại hình nghe nhìn phát triển rầm rộ như hiện nay, lớp nghệ sĩ cao niên lo lắng loại hình nghệ thuật truyền thống này sẽ bị mai một nếu không có đội ngũ kế cận thực tài.

Một phân cảnh trong vở tuồng mới được dàn dựng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: Q.T
Một phân cảnh trong vở tuồng mới được dàn dựng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: Q.T

Niềm tin vào đội ngũ diễn viên trẻ

Trong cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng chuyên nghiệp” tổ chức ở Quy Nhơn (Bình Định) vào tháng 7 vừa qua, Đà Nẵng có 8 đại diện dự thi và giành được nhiều giải thưởng quan trọng. Trong đó có 1 HCV, 2 HCB, 2 giải nghệ sĩ sân khấu và 1 giải tài năng trẻ tương lai. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Cao Đình Liên, cho biết, kết quả cuộc thi đã khiến đội ngũ diễn viên cao niên rất tự hào và tin tưởng vào đội ngũ kế thừa nghệ thuật đất Đà thành. Trong những năm gần đây, đã có một lớp diễn viên trẻ có biểu hiện phát triển, rất yêu nghề. Dù chưa thật sự yên tâm lắm nhưng hẳn việc đặt niềm tin vào một đội ngũ diễn viên kế cận thực lực là có cơ sở.

Tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nếu như cách đây khoảng 10 năm, hầu hết các diễn viên đều là “tay ngang”, chủ yếu học nghiệp vụ thì giờ đây, số cán bộ, viên chức là diễn viên, nhạc công tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp đã chiếm ưu thế. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với đội ngũ diễn viên của nhà hát, vừa được đào tạo bài bản về văn hóa, vừa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn.

Cùng nhận định với NSƯT Cao Đình Liên, ông Nguyễn Trường Hoàng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố cũng đặt niềm tin nơi thế hệ trẻ. “Bao nhiêu năm kinh qua ở vị trí Trưởng đoàn ca múa nhạc Quảng Nam-Đà Nẵng rồi làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, tôi nhận thấy lớp trẻ người Quảng hát dân ca bài chòi rất hay, và rất yêu thích bộ môn này”. Điều ông lo lắng là: Tiềm năng con người là có nhưng tiếc là các em lại không được đào tạo, tôi e cứ tiếp tục như vậy thì bộ môn này sẽ bị mai một.

Đi tìm giải pháp cho lực lượng kế thừa

Tin ở thế hệ diễn viên trẻ, nhưng lớp nghệ sĩ cao niên trăn trở nhất ở đầu tư cho họ lại chưa có chính sách gì thỏa đáng. Vấn đề đặt ra là trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực bổ sung cho lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, phải thực hiện theo nguyên tắc: đào tạo phải có tính kế thừa; tập huấn kết hợp với dàn dựng; học phải đi đôi với hành. Cụ thể, bên cạnh việc tập huấn (thầy dạy gì trò học nấy), dựa trên những vai mẫu, làn điệu mẫu thầy đã dạy dàn dựng, trò luôn tự sáng tạo để dàn dựng; phải tạo điều kiện để lực lượng trẻ có cơ hội cọ sát thực tế, trực tiếp tham gia một số chương trình biểu diễn nhằm kích thích niềm say mê cống hiến, học tập trong họ…

Hiến kế cho công tác đào tạo diễn viên trẻ, NSƯT Cao Đình Liên đề xuất: Thành phố nên có chế độ đặc biệt với lớp diễn viên cao niên, họ không còn diễn được, nhưng là kho nghề quý hiếm, tận dụng họ để dạy lại cho lớp diễn viên trẻ. Việc này cần làm ngay vì các NSƯT, NSND nay đã lớn tuổi, khả năng khai thác nghề nghiệp của các thầy sẽ dần yếu đi theo sức khỏe. Và, tập trung nguồn kinh phí để đào tạo các em. Không nên để đến sau tốt nghiệp lớp 12 mới đào tạo mà đào tạo ngay từ tốt nghiệp lớp 9, khi đó vừa học văn hóa vừa học nghề, đến năm 18 tuổi là có thể diễn chập chững được. Có như vậy mới phát huy được cái trẻ của sân khấu.

Với diễn viên tuồng trẻ, khổ luyện trọn một vai diễn - nhất là những vai mẫu trong tuồng cổ - để đến được cái ngày hóa trang mấy tiếng đồng hồ, đợi giây phút bước ra sân khấu là cả một chuỗi ngày lao động cật lực. Liệu khi được đồng lương vô cùng khiêm tốn, sẽ còn được bao người trẻ hào hứng để theo nghề?

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khúc mắc cho vấn đề này: Điều quan trọng nhất trong nghệ thuật là phải đào tạo đội ngũ diễn viên kế cận. Muốn vậy, cần phải có chính sách cải cách tiền lương, bồi dưỡng tập luyện, tăng thu nhập cho đội ngũ diễn viên để thu hút nhân tài. Lương diễn viên hiện đang xếp theo lương viên chức sự nghiệp (điều này không hợp lý vì nghệ thuật là đơn vị đặc thù). Đa số anh chị em diễn viên chỉ học ở bậc trung cấp nghề, do vậy mức lương chỉ nằm ở hệ số 4,06 là hết mức (trong đó cả NSND và NSƯT). Hơn nữa, thành phố cũng cần tạo điều kiện cho nhà hát về khoản kinh phí đào tạo Đại học tại chức cho các vị trí còn thiếu (tác giả kịch bản, họa sĩ, nhạc sĩ)”.

Đối với dân ca bài chòi khu V thì sự quan tâm với bộ môn nghệ thuật này còn hạn chế hơn nữa. Hiện nay, trung tâm văn hóa của thành phố cũng chưa có đạo diễn, cũng không có những người biết hát các làn điệu dân ca khu V để mà truyền đạt lại cho thế hệ sau. Một số hạt nhân phong trào cơ sở cho biết, dù rất yêu ca hát, yêu những làn điệu bài chòi nhưng họ đều từ chối về công tác tại các đoàn ca múa nhạc lý do vì lương bổng quá thấp. Đoàn dân ca Quảng Nam nhiều lần mời những ca sĩ có tố chất về cộng tác nhưng không ai mặn mà do lương được trả theo lương cơ bản. Mỗi đêm diễn chỉ được nhận thêm từ 30.000 - 50.000 đồng. L.H, một ca sĩ hát dân ca thú thực: Chẳng thà, ở Đà Nẵng chạy show mỗi đêm cũng được 200.000 đồng, chạy 15 đêm cũng được 3.000.000 đồng, ban ngày đi làm công việc chính ở huyện thì thu nhập vẫn tốt hơn nhiều.

NSƯT Nguyễn Trường Hoàng nói rằng: “Trước đây, tôi làm Trưởng đoàn ca kịch Quảng Nam, mỗi năm, tôi đều đến các vùng Cù lao Chàm, Hòa Châu, Điện Tiến, Phú Ninh để biểu diễn rồi dạy hát. Qua các buổi diễn tập đó, mới có thể phát hiện nhân tài rồi đưa về tập trung cho đoàn mình. Những năm gần đây, chi phí cho đào tạo nguồn nhân lực cho dân ca hầu như không có. Để loại hình nghệ thuật truyền thống này có thể đứng vững với thời gian và không bị mai một, tôi mong mỏi một sự đầu tư đúng mức của địa phương để đào tạo nguồn nhân lực đủ sức kế thừa và phát huy một kho di sản của đất nước”.

Tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tổng số CBVC và người lao động hiện có 64 người. Trong đó, số cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên là 16 người (chiếm 25%), cán bộ, viên chức là diễn viên, nhạc công và công tác chuyên môn tốt nghiệp cao đẳng là 15 người (chiếm 23,4%), trung cấp là 15 người (chiếm 23,4%), sơ cấp và chưa qua đào tạo là 18 người, chiếm 28,2%.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.