Muốn mọi việc “chạy” như ý muốn, tổ trưởng dân phố hay trưởng thôn phải hiểu lòng dân nghĩ gì, để cân đối được hài hòa lợi ích của mỗi gia đình.
Ông Trần Quốc Thái, Tổ trưởng tổ 20 phường Bình Thuận lưu giữ thông tin nộp thuế phi nông nghiệp của bà con trong tổ, phòng khi người dân thất lạc giấy tờ. Ảnh: H.N |
Còn vài ngày nữa là gần 10 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 của tổ 20, khu dân cư Bình Minh 2, phường Bình Thuận, quận Hải Châu được nhận quà khuyến học của tổ. Món quà chỉ là ram vở, vài cây viết, nhưng 5 năm qua được tổ 20 (phối hợp với tổ 19) tổ chức trao một cách trang trọng cho các em, có cả đại diện Hội Khuyến học phường và bà con trong tổ tham dự, với lời nhắn nhủ mong các em chăm ngoan, học giỏi.
Ông Trần Quốc Thái, Tổ trưởng tổ 20 từ khi “nhận chức” Tổ trưởng tổ dân phố đã tỉ mẩn làm những việc như khi thu thuế phi nông nghiệp mà bà con trong tổ nộp, ông làm một cuốn sổ riêng ghi lại ngày giờ nộp, có cả mã số thuế, để “nếu bà con có làm mất biên lai thu thuế thì đã có sổ ghi chép này làm bằng chứng”. Hay trong năm nay ông vận động được 17 gia đình mua bình chữa cháy để sẵn trong nhà phòng khi cháy nổ xảy ra; mấy tuần qua là đi điều tra phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học. Việc thường xuyên là cùng người dân ra quân vào sáng chủ nhật, thực hiện đường phố xanh -sạch-đẹp, thực hiện chế độ kiểm tra tạm trú tạm vắng, không để xảy ra tình trạng mất trật tự trong tổ…
Nói về công việc của người tổ trưởng, ông Thái hơi bối rối rồi nói chân thành “công việc chẳng có gì nhiều, phường giao cái gì thì mình triển khai thôi. Được cái là bà con ở đây hiền lành, đồng thuận nên việc gì cũng dễ”. Nhờ bà con đồng thuận, năm qua ông đã quyên góp được 1,6 triệu đồng ủng hộ người nghèo (chỉ tiêu phường giao là 1,3 triệu đồng), trao quà Tết cho 3 hộ nghèo và ông đặt ra mục tiêu năm tới giúp họ thoát nghèo, vận động hỗ trợ việc làm cho bà con. Đặc biệt tổ ông cũng như toàn khu dân cư này nhiều năm nay không có người sinh con thứ 3, không có học sinh bỏ học, không có tội phạm và tệ nạn xã hội…
Vẫn biết công việc của tổ trưởng dân phố, trưởng thôn là kiêm nhiệm. Nhưng công việc “làm thêm” này chiếm rất nhiều thời gian, sức lực của họ. Trong khi thu nhập nhờ “chức vụ” này rất khiêm tốn, như ông Trần Quốc Thái mỗi tháng được nhận khoản lương tổ trưởng 575 nghìn đồng. Ông Trưởng thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh Nguyễn Quang Xê có thâm niên 23 năm làm trưởng thôn thì bảo rằng, nếu điều kiện kinh tế không khá thì không có cách gì đảm đương được chức trưởng thôn! Vì với mức hỗ trợ chừng 600 nghìn đồng mỗi tháng thì không giúp được gì cho gia đình để gọi là làm thêm. Ông Xê làm 2 sào ruộng, ruộng chỉ làm 1 vụ đông xuân, đủ cho gia đình không phải đong gạo, ngoài ra ông còn có tiền thương binh loại 1 hằng tháng và có đến 25 ha rừng trồng. Kinh tế thong dong nên chức trưởng thôn ở lâu với ông từ thời mới đi bộ đội về là điều dễ hiểu.
Hiểu lòng dân nghĩ gì
Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến có lẽ là thôn có dân số đông nhất trong các thôn, tổ dân phố của thành phố Đà Nẵng với gần 1.000 hộ dân, chia ra làm 12 tổ dân cư. Ông Trưởng thôn Đặng Nghệ mở đầu câu chuyện với câu “công việc ở thôn đủ thứ chuyện, không có việc gì không liên quan”. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên là chỉ đạo sản xuất, trưởng thôn còn nắm tình hình an ninh trật tự, nhất là với số dân đông nhất xã như Lệ Sơn 1. Thôn có tuyến đường giao thông liên tỉnh 605, đường liên huyện 409 chạy qua, có chợ Lệ Trạch nên công tác quản lý nhân khẩu của ông Nghệ gặp không ít khó khăn. Hằng ngày ông còn giải quyết những việc hành chính như xác nhận quyền và nghĩa vụ của công dân; giải quyết ly hôn, tranh chấp đất đai, an ninh trật tự (ông còn kiêm chức trưởng ban tổ hòa giải thôn). Ông bảo, hệ thống chính trị của thôn vững thì những việc khác mới giải quyết thành công. Và muốn mọi việc “chạy” như ý muốn, ông phải nắm kỹ tình huống sự việc, giải thích, thuyết phục mới hợp tình hợp lý. Có thể ở phố, nhà nào biết nhà ấy, nhưng với những ông trưởng thôn tỏ tường việc thôn như ông Đặng Nghệ, muốn hỏi nhà nào trong thôn, ông kể vanh vách.
Làm trưởng thôn, không hiểu lòng dân nghĩ gì, không cân đối được hài hòa lợi ích của mỗi gia đình thì ông Đặng Nghệ khó mà tồn tại ở chức này suốt 12 năm qua, trước đó ông làm đội trưởng sản xuất, rồi bí thư chi bộ từ năm 1984. 30 năm “phục vụ dân”, hiểu dân, nhận được sự đồng thuận của từng gia đình nên đi đến đầu xã Hòa Tiến, hỏi ông Nghệ Lệ Sơn 1 ở đâu là ai cũng có thể chỉ rõ. Ông kể: “Hôm trước tổ dân cư số 5 tổ chức họp, chuẩn bị làm tuyến đường giao thông kiệt hẻm dài 500m.
Ở khu dân cư này trên 30% hộ dân là người nghèo. Nếu tính thẳng thắn thì mỗi hộ trên con đường mới mở phải đóng 4 - 5 triệu đồng làm đường. Nhưng trước cuộc họp ông nói rõ là làm con đường này phải tính đến tính cộng đồng, tình cảm của bà con trong cả khu dân cư chứ không chỉ những hộ được hưởng lợi khi con đường đi qua, nên phải chia đều để mỗi gia đình cùng gánh vác. Thế là cuộc họp thống nhất đóng góp 1,5 triệu đồng/hộ, riêng hộ nghèo sẽ không thu mà tùy khả năng của mỗi gia đình hoặc bà con góp công sức”.
Làm trưởng thôn nhưng ông Nghệ cũng là nông dân, mà là nông dân “thứ thiệt”, am hiểu kỹ thuật sản xuất, thời vụ để còn hướng dẫn cho bà con. Nhà làm hơn mẫu ruộng cùng một ít hoa màu, tiền hỗ trợ cho trưởng thôn hơn 600 nghìn đồng mỗi tháng, ông bảo không đủ để đi đám cưới làng trên xóm dưới, chưa kể đám ma, đám giỗ. Ở làng, ai cũng muốn mời ông trưởng thôn, không thể đi tay không đến, phải mua gói bánh, chục trứng… nên “chức trưởng thôn nổi tiếng đó, nhưng chẳng giúp cho vợ được gì”.
Những “cánh tay nối dài” của chính quyền đã và đang làm được rất nhiều việc. Ông Nguyễn Xuân Hân, Trưởng ban công tác Mặt trận số 36 phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà hôm cuối năm rồi được nhận bằng khen của Chủ tịch nước vì thành tích tiêu biểu, bảo rằng nếu không có các tổ trưởng dân phố đốc thúc công việc, thì những người như ông và các hội đoàn thể khác không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 30-10-2012 về việc tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố và UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 20-11-2012 về quy chế tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Với chủ trương và giải pháp mới đặc biệt tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm tại tổ dân phố về theo dõi chặt chẽ việc quản lý cư trú; giữ vững an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; giúp nhau giảm nghèo và giữ gìn tốt vệ sinh môi trường tại địa bàn dân cư; bảo đảm và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. |
HOÀNG NHUNG