.

Xin đừng tiết kiệm với văn hóa

.

Theo Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị, chỉ còn 6 năm nữa Đà Nẵng sẽ là một trong những trung tâm văn hóa của miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, nhiều ý kiến cho rằng: mục tiêu trên khó thực hiện bởi Đà Nẵng chỉ mới ưu tiên đầu tư phần “xác” mà chưa tập trung cho phần “hồn”.

Đà Nẵng cần đầu tư cân đối cho sự phát triển của cả văn hóa và kinh tế . TRONG ẢNH: Ca sĩ Hồ Trung Dũng biểu diễn phục vụ khán giả Đà Nẵng trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 2014.Ảnh: KHẢ THỊNH
Đà Nẵng cần đầu tư cân đối cho sự phát triển của cả văn hóa và kinh tế. TRONG ẢNH: Ca sĩ Hồ Trung Dũng biểu diễn phục vụ khán giả Đà Nẵng trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 2014. Ảnh: KHẢ THỊNH

Trông người mà ngẫm đến ta

Mặc dù được ví là cái nôi nghệ thuật với nhiều trường đào tạo ca múa nhạc đỉnh cao, đội ngũ giáo viên và diễn viên rất hùng hậu, tài năng, thế nhưng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này. Đơn cử, theo thông tin do ông Nguyễn Đình Thậm, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương cung cấp, tháng 7 vừa qua, NSƯT Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen tại TP. Hồ Chí Minh đã đi dọc đất nước, mục tiêu là “săn” cho được những em có năng khiếu, tố chất vượt trội về múa. Sau khi sàng lọc kỹ lưỡng, 12 cá nhân (có một học viên của Trường trung học Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng) được TP. Hồ Chí Minh tập trung đầu tư học tiếng Nga để sớm sang Matxcơva học chuyên múa. Chi phí đào tạo trong 4 năm sẽ do thành phố chi trả với điều kiện duy nhất là các em quay lại cống hiến sau khi tốt nghiệp.

Chủ trương này của lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tương tự với Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Sau hơn 10 năm triển khai đề án, đến nay có tổng cộng 613 học viên Đà Nẵng được đầu tư học tập trong và ngoài nước. Điểm khác với chủ trương của TP. Hồ Chí Minh là trong số những học viên Đà Nẵng được gửi đi học, không ai được đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Con số người làm văn hóa trong lĩnh vực thu hút cũng không khả quan hơn. Theo Sở Nội vụ, trong số 1.133 người được thu hút về làm việc tại Đà Nẵng, chỉ có 12 người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, chiếm 1%.

Ở khía cạnh chế độ đãi ngộ, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết, mức lương quá thấp dành cho lực lượng làm nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật dân tộc đã khiến rất nhiều người phai nhạt tình yêu nghề. Trước thực tế này, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng và phát triển nghệ thuật truyền thống. Chẳng hạn, nếu trong 1 năm, Nhà hát Ninh Bình “cán mốc” 100 đêm diễn phục vụ nhân dân, thì mỗi cán bộ của nhà hát được nhận thêm khoản bồi dưỡng gấp đôi mức lương.

Hay tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, sau mỗi đêm diễn, diễn viên và nhạc công được hỗ trợ thêm 40% lương. Ai chưa có nhà ở sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà. Khi đoàn đi biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách, toàn bộ chi phí được tỉnh Khánh Hòa thanh toán chứ không thu tiền vé của người đi xem. “Tất cả những ưu đãi này hoàn toàn… xa lạ đối với đội ngũ làm nghệ thuật của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Điều này buộc một số diễn viên phải theo đuổi cả những việc phi nghệ thuật như làm ông… Tổng cho các đám tang để nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật của mình”, ông Trần Ngọc Tuấn nói.

Thiếu điều kiện học tập

Có người nói Trường trung học Văn hóa - Nghệ thuật (VH-NT) Đà Nẵng là trường… mẫu giáo. Bởi từ phòng học, bàn học, phòng tập đến sân khấu mô hình đều nhỏ và chật hẹp. Mỗi khóa đào tạo múa của trường thường nhận vào 12 học viên bởi sàn tập không có khả năng tải thêm người. Ít ỏi là vậy nhưng số lượng học viên trụ được cho đến ngày tốt nghiệp chỉ khoảng 8 người. Trong diện tích 60m2, các học viên vừa chen chúc giang tay, xoạc chân; vừa cẩn thận nhìn trước ngó sau để không va vào bạn tập. Trần nhà thấp không đúng quy chuẩn vừa khiến những động tác nhảy quay cao trở nên nguy hiểm; vừa khiến cho phòng tập giữa ngày hè trở thành… lò xông hơi. Cường độ tập cao, bí bách, mùi cơ thể, mùi ẩm mốc của phòng tạo ra cảm giác “không khí đông đặc đến mức có thể lấy dao mà xắt ra thành miếng”, một học viên năm nhất ví von.

Các ô cửa sổ nhỏ, cũ kỹ của mỗi phòng học không đủ để trao đổi không khí trong mùa hè nhưng lại là đường vào của nước mưa trong mùa bão lũ. Nước mưa thấm lâu ngày khiến các mảng tường loang lổ nấm, rêu xanh đen, sàn tập bằng gỗ phải sửa chữa liên tục bởi mối mọt (diễn viên múa chỉ có thể tập trên sàn gỗ để tránh ảnh hưởng đến tim). Bà Nguyễn Thị Hội An, Hiệu trưởng Trường trung học VH-NT cho biết, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt, nó phụ thuộc rất lớn vào năng khiếu và khả năng lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm của người đi trước. Không gian chật hẹp, hấp nóng, cũ kỹ của trường không thể là nơi để nghệ thuật, cảm xúc của người truyền nghề và người lĩnh hội thăng hoa. “Sự xệp xệ của cơ sở vật chất khó lòng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật”, bà Hội An nói.

Trường trung học VH-NT đã được thành phố bố trí phần đất có diện tích hơn 5ha tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang từ năm 2011. Mong muốn của thầy trò nơi đây là dự án xây dựng trường mới sẽ sớm trở thành hiện thực, trường sẽ được nâng lên hệ cao đẳng chứ không phải trung cấp như hiện nay.

Kinh tế và văn hóa phải song hành

Thực trạng của Trường Trung học VH-NT cũng khiến ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm trăn trở. Bởi, trong khi Đà Nẵng đang thiếu lắm những cá nhân hiểu về văn hóa, có năng lực phát hiện vấn đề liên quan đến văn hóa và xử lý theo đúng đường lối, chủ trương pháp luật nhưng vẫn thôi thúc được sự sáng tạo; thì các học viên của trường này sau khi tốt nghiệp lại thường thất nghiệp, không có nơi nhận, tuyển. Không ít học viên phải xem việc múa “chào mừng” tại các đám cưới là nguồn thu nhập chính.

Ông Nguyễn Đình An khẳng định, đầu tư cho văn hóa khó khăn hơn rất nhiều lần so với đầu tư về kinh tế. Hoạt động văn hóa không chỉ làm cho con người thăng hoa trong cảm thụ mà còn phải tác động tích cực đến ứng xử hằng ngày của mỗi cá nhân. Người làm văn hóa từ cán bộ cấp cao cho đến cán bộ thư viện, bảo tàng… đều phải có kiến thức vững chắc về văn hóa - xã hội. Nếu không đạt đến tầm “thiên kim vạn quyển” thì cũng phải có những hiểu biết nhất định về văn hóa Việt Nam và văn hóa Đà Nẵng, về những tác phẩm hay viết về vùng đất và nhân vật nổi tiếng của địa phương. “Điều này đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải tiến hành quy hoạch kỹ lưỡng để đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa có văn hóa, quý sách, biết đọc sách và có nhu cầu học hỏi suốt đời”, ông Nguyễn Đình An nói.

Bên cạnh đó, cán bộ văn hóa phải là người có kỹ năng quan hệ công chúng. Cán bộ thư viện phải hiểu bạn đọc để giới thiệu, chia sẻ, trò chuyện, bầu bạn với bạn đọc qua từng trang sách, từng tác phẩm chứ không đơn thuần là người trung gian trao gửi sách. Cán bộ ở bảo tàng phải làm thế nào để người tham quan hiểu được giá trị lịch sử, nghệ thuật trong từng cổ vật.

Từ đó, tự ngộ ra chân lý rằng: “Một lần đến bảo tàng đồng nghĩa với sống thọ hơn 10 năm”. Phải làm sao để mỗi người dân Đà Nẵng trở thành khách thường xuyên, quen thuộc của bảo tàng. Phải làm sao để chấm dứt tình trạng Bảo tàng Điêu khắc Chăm nổi tiếng thế giới là nơi nghiên cứu, tham quan của đông đảo khách quốc tế nhưng lại thưa thớt khách nội địa, đặc biệt là người dân thành phố. “Nếu cán bộ thư viện, bảo tàng nói riêng, cán bộ văn hóa nói chung không có tâm huyết, không có kiến thức vững vàng, không thông thạo kỹ năng quan hệ công chúng thì sẽ không thể tạo được ấn tượng với nhân dân, không gây dựng được đời sống văn hóa phong phú”, ông Nguyễn Đình An nhấn mạnh.

Chương trình “Sân khấu học đường” từng được tổ chức rất thành công tại thành phố Đà Nẵng, qua đó, học sinh các trường tiểu học có cơ hội làm quen với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, chương trình chỉ kéo dài trong thời gian ngắn bởi nguồn kinh phí do Tổ chức phi chính phủ FOX tài trợ đã cạn. Làm sao để chương trình tiếp tục được duy trì thường xuyên, phổ cập rộng rãi là băn khoăn của cả ông Trần Ngọc Tuấn và Nguyễn Đình An. Bởi, khi học sinh được truyền thụ đúng đắn, phù hợp về nghệ thuật, Đà Nẵng sẽ có lớp công chúng có khả năng cũng như nhu cầu cảm thụ nghệ thuật dân tộc cao trong tương lai.

“Rất nhiều người cho rằng, cứ phải làm kinh tế cho ổn, lúc ấy hẵng nghĩ đến văn hóa, tuy nhiên, “lúc ấy” là bao giờ? Nghệ thuật đại trà, sân khấu hóa quá dễ dãi sẽ làm hỏng thị hiếu nghệ thuật của công chúng trong nhiều thế hệ - điều mà phải tốn rất nhiều tiền chưa chắc sẽ uốn nắn, khắc phục được. Luôn cân đối giữa việc chăm sóc cho phần “xác” và phần “hồn” là giải pháp duy nhất”, ông Nguyễn Đình An đưa ra lời giải cho “bài toán” văn hóa của Đà Nẵng.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng: Không phải vì thành phố không có tiền hay không muốn chi tiền để đầu tư cho nguồn nhân lực đặc thù này mà vì không có nguồn tuyển sinh, không có người có năng khiếu và hứng thú đam mê với các môn nghệ thuật.

Thời gian tới thành phố sẽ chú trọng nhiều hơn đến việc đào tạo/thu hút nguồn nhân lực trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, kể cả đạo diễn lẫn diễn viên. Đối tượng tuyển sinh hàng đầu là những nghệ sĩ đang hoạt động ở lĩnh vực này, phải có năng khiếu và tài năng nghệ thuật. Học viên có thể được tuyển chọn để cử đi đào tạo theo nhóm.

Ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, nhà nghiên cứu văn hóa: Văn hóa và kinh tế phải gắn liền, tác động qua lại với nhau. Phát triển văn hóa là động lực, là đích đến cho sự phát triển của kinh tế. Phát triển kinh tế là cơ sở cho sự thăng hoa hơn nữa của văn hóa. Một không gian thấm đẫm nhân văn, một cộng đồng trân quý những tài năng trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, một xã hội xem việc đọc sách là cách để làm đẹp tâm hồn... đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn cả kinh tế.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.