Hệ Giáo dục thường xuyên được coi là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện các loại hình đào tạo như: dạy bổ túc văn hóa, dạy nghề ngắn hạn, tin học, ngoại ngữ... nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ đào tạo này đang bị bỏ ngỏ, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) trên địa bàn xuống cấp nghiêm trọng khiến việc thu hút học viên ngày càng khó khăn.
Dãy nhà cấp 4 xuống cấp trầm trọng của TTGDTX thành phố. Ảnh: Q.T |
Cơ sở vật chất yếu kém
Theo ông Lê Văn Việt, một người dân ở gần TTGDTX thành phố (đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà), mới nhìn bên ngoài thấy trường có vẻ ổn, diện tích khá rộng, sân trường được lát đá, nhưng thực chất bên trong đã hư hỏng nhiều. Trường được xây dựng cách đây hơn 20 năm, phần lớn tường đã nứt gần hết, mái ngói rêu phong, cũ kĩ. Không chỉ vậy, nền một số phòng học cũng bị lún nứt, trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột.
Ông Phạm Văn Xê, Giám đốc TT GDTX thành phố, cho biết mỗi năm trung tâm dành ra từ 90-110 triệu đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nhỏ nhà cửa, tường rào, cổng ngõ, sân bãi, trang thiết bị dạy học. Nhưng cũng như “muối bỏ biển” vì trường xuống cấp trầm trọng mà kinh phí thì có hạn. Hiện trường còn một dãy phòng học cũ nhỏ, chật, tối tăm, dột, mà không thể bỏ đi được vì nhu cầu của người học nên vẫn để sử dụng. So với các trường THPT, trang thiết bị để dạy học còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là máy móc, nhưng ngân sách cấp về nhỏ giọt, không đủ sắm sửa.
Nguyễn Thị Quỳnh Mai, học viên lớp bổ túc văn hóa khóa 2012-2013 (TT GDTX thành phố) kể: Phòng học của lớp nhỏ xíu nhưng chứa gần 40 học viên. Lớp lại tổ chức học vào ban đêm nên muỗi rất nhiều, ngồi học mà muỗi kêu vo ve, phải dùng kem chống muỗi. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa trần nhà còn dột nữa kia, có hôm thầy phải lấy xô hứng, nước chảy tí tách.
TTGDTX thành phố đã thế, các trung tâm quận, huyện (có tên gọi khác là Trung tâm GDTX, kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Dạy nghề (TTGDTXKTTH-HN&DN) còn khó khăn hơn nhiều. TTGDTXKTTH-HN&DN quận Ngũ Hành Sơn được thụ hưởng từ Trường THCS Hòa Hải cũ, được xây dựng từ năm 1983, kinh phí do UBND phường Hòa Hải vận động nhân dân đóng góp, nay đã xuống cấp trầm trọng. 21 năm qua, hằng năm trường đều trích một khoản kinh phí (từ 20 đến 30 triệu đồng) để tu sửa nhưng không đâu vào đâu.
Năm 2013, Trung tâm bị thiệt hại nặng nề do bão Haiyan, dù UBND thành phố đã hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng 100 triệu đồng để thay ngói, lợp tôn, nhưng phòng học, tường nứt nhiều chỗ, nền lún… chưa cải thiện được nhiều. Trung tâm nhiều lần đề nghị xin sửa chữa, xây mới nhưng chưa được do trụ sở nằm trong dự án Công viên văn hóa. “Cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh rất mong trường sớm được đầu tư xây mới để thầy, trò có điều kiện dạy và học tốt hơn”, ông Trần Minh Ánh, Giám đốc TT GDTXKTTH-HN&DN quận Ngũ Hành Sơn mong mỏi.
TTGDTXKTTH-HN&DN quận Sơn Trà, quận Hải Châu cũng gặp phải tình trạng tương tự. Riêng TTGDTXKTTH-HN&DN quận Hải Châu có đến 2 cơ sở tại 105 Lê Sát và 221/2 Trưng Nữ Vương với tổng diện tích chỉ 805m2. “Hai trung tâm ở cách xa nhau, việc quản lý rất khó khăn. Hơn nữa, diện tích như vậy đối với 1 trung tâm còn quá ít huống gì đến 2 trung tâm. Ít ra một trung tâm học tập diện tích cũng phải được vài ngàn mét vuông thì mới đạt chuẩn”, ông Nguyễn Tấn Giao, Giám đốc TTGDTXKTTH-HN&DN quận Hải Châu bức xúc.
Thiếu giáo viên trầm trọng
TTGDTX là một trong các giải pháp thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và Đề án “Xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020”, tuy nhiên, giáo dục thường xuyên của Đà Nẵng có những khó khăn nhất định, đặc biệt là nguồn chi từ ngân sách cho hoạt động giáo dục thường xuyên chưa đủ sức đáp ứng cho hoạt động và thu hút đội ngũ giáo viên có chuyên môn tốt.
Ông Phạm Văn Xê cho biết, theo chủ trương của Bộ Giáo dục thì không điều giáo viên cơ hữu về dạy ở GDTX, chỉ điều về bộ khung (cán bộ-PV), nên trung tâm điều hành giáo viên theo hình thức: có lớp tới đâu hợp đồng tới đó. “Riêng về việc bổ sung đội ngũ giáo viên cho GDTX ở thành phố thì thiếu một cách trầm trọng, quan điểm là chỉ hợp đồng, hết lớp thì hết giáo viên. Tuy nhiên có hạn chế rất lớn: Không có giáo viên tại chỗ nên phải thường xuyên hợp đồng với đối tượng ngoài, dẫn đến chất lượng đào tạo giảm”.
Hiện, ở các TTGDTXKTTH-HN&DN, mức học phí rất thấp. Trung bình 55.000 đồng/học sinh/tháng. Bình quân, mỗi học sinh chỉ đóng 8.000 đồng/tháng cho mỗi môn học. Mức học phí thấp, dẫn đến việc các trung tâm không lấy đâu ra nguồn thu để trả lương cho giáo viên. “Có chăng chỉ là sinh viên mới ra trường, họ đang chờ việc làm nên nhận dạy, khi có việc làm thích hợp thì bỏ đi, không thể thuê giáo viên khá, giỏi được”, ông Xê trần tình.
Có lẽ, đó là một trong những lý do tại sao chất lượng giáo dục ở TTGDTXKTTH-HN&DN lại cách biệt lớn với THPT như vậy. Trong khi các trường THPT đầu năm không phải đi tìm học sinh, cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ, giáo viên cơ hữu có sẵn thì các TTGDTXKTTH-HN&DN lại chật vật tuyển học viên, giáo viên… Có một thực tế rằng, yêu cầu xã hội, của lãnh đạo thành phố đặt ra cho TTGDTXKTTH-HN&DN thì cao, mà sự đầu tư, quan tâm về con người và cơ sở vật chất thì lại quá ít, không tương xứng để các TTGDTXKTTH-HN&DN bảo đảm nhiệm vụ được giao.
Đó là thực trạng chung của 7 TTGDTX KTTH-HN&DN ở Đà Nẵng hiện nay. Để nâng cao chất lượng giáo dục ở hệ đào tạo thường xuyên, những người đứng đầu các trung tâm đều cho rằng: nếu TTGDTXKTTH-HN&DN nào ở thành phố hoạt động hiệu quả thì thành phố nên mạnh dạn đầu tư bởi vì nhu cầu người học luôn luôn có.
Hơn nữa, các TTGDTXKTTH-HN&DN còn “mang” theo nhiệm vụ phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ, giáo viên và nhân viên của ngành giáo dục, tham mưu Sở Giáo dục kế hoạch, phối hợp tổ chức bồi dưỡng chính trị, pháp luật hè hằng năm, bồi dưỡng thay sách, bồi dưỡng chu kỳ thường xuyên các bộ môn… nên sự tồn tại của hệ đào tạo này là rất cần thiết.
QUỲNH TRANG