.

Để tiếng thơm còn mãi

.

Một công trình dù là ngôi mộ, nhà thờ, hay tượng đài… đều phải sống với nhân dân, gắn bó với nhân dân. Những phần mộ nhờ đó trở nên sống động, ấm áp hơn.

Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu luôn mở rộng cửa và ấm hương đèn TRONG ẢNH: Một người dân sống ở quận Liên Chiểu đến thăm, thắp hương tri ân tại bàn thờ và tượng danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu luôn mở rộng cửa và ấm hương đèn TRONG ẢNH: Một người dân sống ở quận Liên Chiểu đến thăm, thắp hương tri ân tại bàn thờ và tượng danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Để được người đời tưởng nhớ

Trong không gian tĩnh mịch tại nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, hằng ngày người dân làng biển Sơn Trà vẫn thường xuyên tìm đến để khói hương. Các thế hệ học sinh của nhiều trường như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Thoại, Lê Quý Đôn… vẫn đến để quét tước, dọn dẹp, lắng nghe và kính phục những mẩu chuyện về cuộc đời danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), một danh tướng nhà Nguyễn, nguyên quán tại làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Ông là nhân vật lỗi lạc về ngoại giao với tài ứng xử hợp tình, hợp lý khiến đối phương phải khâm phục nể trọng. Ông là vị tướng tài ba, là nhà kinh tế, nhà doanh điền tầm cỡ, yêu nước thương dân. Bằng tầm nhìn chiến lược, trông xa, hiểu rộng, bằng cái tâm, cái tầm, ông đã thực hiện quy dân, lập ấp, lập làng, mở chợ, làm đường, bắc cầu, khai thông thủy lợi, những công trình cho một địa phương nhưng có ý nghĩa quốc gia.

Công lao của Thoại Ngọc Hầu đã được người đời tưởng nhớ. Đã 5 năm nay, đều đặn hằng tháng, các lớp của Trường THPT Ngô Quyền thay phiên nhau đến dọn dẹp và thắp nhang tri ân vị khai quốc công thần. Đại diện cho học sinh lớp 10/1, cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thủy Tiên cho biết, cuộc đời và sự nghiệp của danh thần Thoại Ngọc Hầu vẫn thường xuyên được nêu lên tại những buổi chào cờ. Tuy nhiên, chỉ khi trực tiếp đến Nhà thờ, cảm nhận sự linh thiêng của chốn tâm linh, trong làn khói tri ân và lắng nghe những mẩu chuyện gần gũi về danh thần, thì không chỉ học sinh mà cả đội ngũ giáo viên mới thực sự thấm thía, thêm kính phục bậc hiền tài này và tự nhắc nhở nhau: Thoại Ngọc Hầu là bậc danh thần của lịch sử. Bất kỳ một người dân Đà Nẵng nào cũng nên biết và tôn trọng, nhớ ơn.

Những câu chuyện tưởng chừng như rất nhỏ về Thoại Ngọc Hầu lại luôn hấp dẫn các em học sinh. Chẳng hạn, trong những năm làm Án thủ Châu Đốc, chứng kiến nhân dân phải chịu cảnh thiếu ăn, đói kém, ông đã vay của Nhà nước 1.500 phương gạo và 1.900 quan tiền để giúp dân. Sau nhiều năm, người dân không trả nổi, ông đã tự xuất tiền mình để trả. Hay, khi làm cầu đường, ông quyên góp từ những nhà giàu có cũng như quan viên trong vùng, số còn thiếu, ông tự bỏ của mình ra để bù đắp.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho dân chúng có được cuộc sống ấm no, ông còn tuyển mộ đào kép người Quảng Nam, lập ra gánh hát bội để giúp nhân dân vơi bớt nỗi nhọc nhằn trong lam lũ làm ăn. “Tấm lòng của một vị quan thanh liêm đối với nhân dân hiện ra quá đỗi gần gũi, sáng tỏ thông qua những mẩu chuyện dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người”, ông Nguyễn Văn Sen, bảo vệ kiêm “hướng dẫn viên” tại nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu nói.

Sau khi qua đời, Thoại Ngọc Hầu bị vu oan sách nhiễu dân, vua Minh Mạng đã giáng chức ông xuống hàng ngũ phẩm, tịch biên toàn bộ điền sản, gia sản để bán phát mãi, nhưng nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và miền Tây Nam Bộ trong 185 năm qua, vẫn một lòng tôn kính, đền thờ danh thần vẫn quanh năm hương khói. Điều này minh chứng cho lòng ngưỡng mộ của nhân dân đối với bậc công thần trí, dũng, đức độ, nhân hậu, hết lòng vì nước, vì dân.

“Cùng với thời gian, công đức của Nguyễn Văn Thoại được trường tồn với hậu thế hôm nay và mai sau. Điều này được thể hiện rõ qua việc nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu không chỉ là công trình có ý nghĩa về mặt văn hóa lịch sử mà còn là điểm tham quan, góp phần vào việc giáo dục cho những người con Đà Nẵng, đặc biệt là thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm của bao thế hệ đi trước, qua đó thể hiện lòng tri ân của người Đà Nẵng đối với tiền nhân”, ông Huỳnh Văn Bảy, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Sơn Trà khẳng định.

Khu lăng mộ danh tướng Ông Ích Khiêm được tu sửa khang trang, nhưng người đến viếng phần  lớn là con cháu trong họ tộc.
Khu lăng mộ danh tướng Ông Ích Khiêm được tu sửa khang trang, nhưng người đến viếng phần lớn là con cháu trong họ tộc.

Chưa đủ để người dân hiểu về di tích

Cùng là những bậc hiền tài, sự nghiệp văn, võ lẫy lừng, cùng với lòng nhân từ đức độ, hết lòng vì nước vì dân, cùng là những di tích cấp quốc gia nhưng mộ Ông Ích Khiêm tại quận Cẩm Lệ lại có phần nguội lạnh. Làm bạn với mộ phần là những chân hương bạc màu vì mưa nắng, là một vòng hoa cô độc, héo úa, đen thẫm theo thời gian. Người viếng mộ thường chỉ đến để vái suông bởi nơi đây không để sẵn nhang đèn.

Danh tướng nhà Nguyễn - Ông Ích Khiêm (1829-1884) nguyên quán làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ. Ông nổi tiếng bởi tính chính trực, khảng khái, mưu lược, yêu thương quân sĩ và tấm lòng son sắt với nước, với dân của mình. Ông không chỉ tạo ruộng đất giúp dân phát triển sản xuất mà còn tham gia chống giặc ngoại xâm. Năm 27 tuổi, ông đã là một vị tướng tài chỉ huy nghĩa quân đánh cản bước tiến của quân Pháp càn vào vùng Phong Bắc. Ông chính là tác giả cả trận đánh phục kích toán quân Pháp - Tây Ban Nha lần đầu tiên trên chiến trường Đà Nẵng…

“Lẫy lừng là vậy, nhưng giờ đây ngoài con cháu trong gia tộc, lãnh đạo các cấp thì rất ít người dân Đà Nẵng nhớ và hiểu về những công trạng của Ông Ích Khiêm. Thông tin về địa điểm mộ phần của ông thì lại càng ít người biết đến. Nằm trên đỉnh cao nhất của ngọn đồi nghĩa trang của quận Cẩm Lệ, người đến viếng mộ ông đa phần chỉ là con cháu trong họ tộc”, bà Ông Thị Sinh, cháu đời thứ 5 của Ông Ích Khiêm nói.

Ông Nguyễn Tấn Dũng, trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Cẩm Lệ cho biết, hằng năm, vào ngày lễ, ngày giỗ của Ông Ích Khiêm, lãnh đạo quận và thành phố vẫn tổ chức lễ viếng và dâng hương. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận rằng, tất cả những hoạt động này chưa đủ để người dân hiểu về vị đại thần có nhiều cống hiến cho đất nước trên lĩnh vực chính trị và quân sự, vị quan nổi tiếng thanh liêm, cương trực của triều Nguyễn, là tấm gương tiêu biểu về phẩm hạnh đạo đức và tư tưởng thân dân… Những hoạt động để các em học sinh được tham quan, chăm sóc di tích và hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương mình vẫn chưa được thực hiện có kế hoạch và thường xuyên.

Theo bà Phan Thị Thu Ba, hiệu trưởng trường tiểu học Ông Ích Khiêm,  trong những dịp dã ngoại cho các học sinh chuẩn bị tốt nghiệp, nếu thuận tiện, trường cũng tổ chức vào thăm mộ, thắp hương tri ân cho danh nhân Ông Ích Khiêm. Những dịp hiếm hoi này thường cách nhau đến 2, 3 năm bởi “Các em học sinh còn quá nhỏ để hiểu về công trạng của cụ nên trường ưu tiên dành thời gian để các em học tập tại các làng nghề”, bà Thu Ba cho biết.

Phần mộ của Ông Ích Đường (1884-1908) nằm cùng nghĩa trang và cũng chịu cảnh hiu quạnh giống lăng mộ của ông nội mình - danh tướng Ông Ích Khiêm. Ông Ích Đường là người lãnh đạo nhiệt huyết, can trường, kiệt xuất. Ông tham gia tích cực cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng và trở thành một nhân vật huyền thoại của nhân dân: “Cậu Đường mười tám tuổi đầu/ Dẫn dân công ích đi xâu dưới tòa”. Ông là vị lãnh đạo của phong trào chống thuế Quảng Nam năm 1908 tại Hòa Vang. Ngày bị hành quyết, ông dõng dạc tuyên bố “Giết Đường này sẽ có Đường khác nổi lên, bao giờ nước Nam này hết mía thì mới hết đường”. Cái chết oai phong lẫm liệt của ông đã để lại tấm gương sáng về chí khí của người dân xứ Quảng trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và trong lòng người dân Quảng Nam lúc bấy giờ niềm tiếc thương vô hạn.

“Tên tuổi và công lao của Ông Ích Đường đã được ghi vào sử sách dân tộc. Tin rằng, chuyện kể về vị anh hùng hy sinh vì đại nghĩa này sẽ cuốn hút bất kỳ ai tìm hiểu. Tuy nhiên, hoạt động trong lễ viếng và dâng hương trong ngày giỗ của ông chưa đủ để làm sống lại cuộc đời và công trạng của vị lãnh đạo trẻ tuổi, kiên cường này. Để câu chuyện về ông được truyền tụng rộng rãi qua các thế hệ, trở thành bài học giáo dục truyền thống sâu sắc là bài toán mà mãi đến nay, chúng ta vẫn đang tìm lời giải”, ông Nguyễn Tấn Dũng nói.

Ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch UBMT thành phố, nhà nghiên cứu văn hóa kể lại kỷ niệm về nước Nga xa xôi. Theo đó, trong những ngày tuyết phủ trắng trời, khi dừng chân tại những ngôi mộ, những bức tượng của các danh nhân vẫn thấy nhiều dấu chân của người lội tuyết đến viếng, trên bệ tượng tuyết phủ vẫn có hoa. Giá lạnh, tuyết rơi không thể ngăn được người dân đến tri ân. Những phần mộ nhờ đó trở nên sống động, ấm áp hơn. Thiết nghĩ, một công trình dù là ngôi mộ, nhà thờ, tượng… đều phải sống với nhân dân, gắn bó với nhân dân. Không thể chấp nhận được thực tế hương khói vắng tanh như tại phần mộ của Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường.

“Thực tế có người hiểu về lịch sử của Hàn Quốc, Trung Quốc xa xôi nhưng không biết mộ phần của Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường ở đâu, không hiểu công trạng hiển hách của ông để đến nỗi mộ phần hiu quạnh… không phải là lỗi của nhân dân. Không thể trách nhân dân bất kỳ điều gì. Để lịch sử không bị lãng quên, để những anh tài, hào kiệt, những nhà yêu nước, thương dân của Việt Nam bất tử trong lòng nhân dân cần phải có những bài học sinh động về lịch sử; cần phải có những người truyền sử có kiến thức và khả năng truyền thụ”, ông Nguyễn Đình An nói.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.