Bệ đá trong động Huyền Không, phía trên trang trí hình chim thần, con vật biểu trưng của thần Vishnu, tượng trưng cho sự bình an. Ảnh: H.N |
“Tầng văn hóa Champa chỉ là một phần của lịch sử vùng đất Đà Nẵng, nhưng đó là một phần gần gũi, thân thiết với cuộc sống của cư dân Đà Nẵng hôm nay."
Con đường về với quá khứ
Các di tích đền tháp Chăm ở Đà Nẵng có sự gắn kết ở từng tiểu vùng theo địa hình núi, sông, biển. Ở cửa biển Nam Ô có đền tháp Xuân Dương, ở đầu nguồn sông Cu Đê có dấu tích gạch Chăm ở miếu Khe Răm và di tích đá xếp Hội Yên; sát chân núi Phước Tường có di tích An Sơn; phía Nam Đà Nẵng, phía đầu nguồn có di tích Gò Đùi, Cấm Mít, ở ven sông có di tích Phong Lệ, Quá Giáng, ở sát cửa biển có di tích Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn…
Là vùng đất mang dấu ấn văn hóa Champa đậm nét như vậy, nên Đà Nẵng có thể nói là rất may mắn khi có Bảo tàng Điêu khắc Chăm trưng bày hàng nghìn hiện vật điêu khắc trên đá sa thạch của người xưa, khắp vùng Đông Nam Á không có bảo tàng thứ hai. Và ai đã đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, muốn hiểu sâu hơn, muốn biết người Chăm xưa sống như thế nào, tín ngưỡng thờ cúng của họ ra sao… thì di tích khảo cổ Phong Lệ có thể là câu trả lời xác đáng nhất.
Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) là một làng cổ, xưa có tên là làng Đà Ly, xuất hiện trên bản đồ Hồng Đức cách đây 500 năm. Việc thu thập hiện vật và khai quật di tích Chăm tại làng Phong Lệ đã được tiến hành nhiều lần. Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của di tích Phong Lệ là bức trán cửa (tympan) thể hiện thần Siva múa điệu vũ trụ Tandawa, được phát hiện vào năm 1890, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Cách đây 2 năm, sau 2 đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát lộ nền móng khu di tích Chăm khá rộng lớn, bước đầu nhận định đây là quần thể kiến trúc tháp Chăm có niên đại khoảng thế kỷ X-XI. Đặc biệt là “hố thiêng” xây bằng gạch và các “hốc thiêng” ở đáy hố, là minh chứng xác thực cho nghi lễ tín ngưỡng được thực hành tại Champa.
Làng Phong Lệ nằm sát trung tâm thành phố, ngay cạnh quốc lộ 1A và bến sông Cầu Đỏ. Có thể đến di tích bằng cả đường sông và đường bộ. Xung quanh di tích được bao bọc bởi các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất có giá trị. Nằm cạnh di tích có miếu Bà (được xây dựng từ thời vua Tự Đức), Đình Thần Nông làng Phong Lệ vẫn được nhân dân thờ cúng đều đặn hằng năm. Khu vực này còn có nhiều làng nghề và đặc sản truyền thống như bánh khô mè Cẩm Lệ, mì Quảng và bánh tráng Túy Loan, bánh tráng cuốn thịt heo Khuê Trung, chiếu Cẩm Nê.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho rằng, trong vành đai bán kính 1km từ di tích Phong Lệ, có lăng mộ và nhà thờ danh nhân Ông Ích Khiêm, có đình làng Phong Nam, đình làng Phong Bắc và các lễ hội mục đồng, lễ hội rước hến. Các yếu tố này là điều kiện thuận lợi để quy hoạch, đầu tư khu vực này thành một điểm tham quan có giá trị về mặt du lịch lẫn công tác giáo dục văn hóa.
Tìm lại hình bóng người xưa
Nhà khảo cổ học Nguyễn Chiều, người gắn bó với nhiều cuộc khai quật di chỉ văn hóa Chăm tại Đà Nẵng cho rằng, có thể hôm nay chúng ta không còn được nhìn thấy các công trình đền tháp, nhưng chúng vẫn hiện diện ở đâu đó dưới mặt đất, do đó Đà Nẵng có một vị trí đặc biệt với giới khảo cổ, cũng như nó từng có vị trí đặc biệt dưới thời Vương quốc Chămpa.
Bởi vậy, nên động Chiêm Thành trong động Tàng Chơn thuộc quần thể di tích Ngũ Hành Sơn, các đài thờ của người xưa vẫn được con người ngày nay giữ gìn, du khách khi vào động vẫn đến thắp hương, khấn vái như trước bàn thờ Phật. Lịch sử một thời của vương quốc Champa vẫn hiện diện trên mảnh đất này qua những tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch vào cuối thế kỷ IX, X. Điều này đã minh chứng hàng ngàn năm trước, trên những ngọn núi này, người Chăm đã từng đến đây sinh sống và thờ tự thần linh của mình trong các hang động.
Một số tượng thần Champa bằng đá sa thạch còn lại các hang động Ngũ Hành Sơn là dấu tích góp phần minh chứng sự có mặt của người Chăm tại Ngũ Hành Sơn từ rất sớm (thế kỷ XIV, XV). Phần đài thờ Indra trước sân chùa Linh Ứng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh thể hiện thần Indra, vị thần canh giữ thiên giới, cưỡi trên con bạch tượng Airavata, xung quanh thần có các gandharvas (vũ công thiên tiên) chắp tay cung thỉnh trên hai tượng sư tử. Tượng bà Lồi Phi và bà Ngọc Phi đang thờ trang nghiêm tại động Huyền Không là những tác phẩm điêu khắc về các vị Nữ Thần. Rất tiếc, vì quá sùng bái, sau này người ta sơn vẽ khuôn mặt và mặc áo xanh đỏ không đúng với nguyên bản.
Trong động Huyền Không còn có bức tượng thờ nữ thần Po Inư Nagar. Đó là “vị thần hảo tâm có nhiều cảm ứng hiển hiện mà những sự phán xét có lẽ được chấp nhận nhiều hơn, và nhất là cự tuyệt những lời thề giả dối, vị lương thần có nhiều biểu hiện quyền năng. Bà ban ân huệ và hiển linh”. Dân chúng thường gọi bà là “Bà chúa Ngọc”.
Trong phần thuyết minh của anh Lương Thanh Rân, thuyết minh viên tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, có đoạn kể rằng, “theo truyền thuyết của người Chăm, nữ thần Po Inư Nagar là do bọt biển và áng mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm nước biển dâng cao đưa bà vào bến sông Yjatran. Sấm trời và gió liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng trần. Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước bà. Khi bà bước lên bờ thì cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân bà đi. Rồi nữ thần dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa bắp”.
Khi vùng đất của Chăm thuộc về Đại Việt, thì nữ thần cũng trở thành vị thần của người Việt với tên gọi Thiên Y A Na hay bà chúa Ngọc, đó là kết quả của sự giao lưu, trao đổi, bồi đắp và hòa hợp văn hóa của hai dân tộc. Và Ngũ Hành Sơn với nét đẹp thần thoại từ các pho tượng còn lại của dân tộc Champa như muốn níu kéo bước chân du khách gần xa.
“Tầng văn hóa Champa chỉ là một phần của lịch sử vùng đất Đà Nẵng, nhưng đó là một phần gần gũi, thân thiết với cuộc sống của cư dân Đà Nẵng hôm nay. Những dấu cũ Champa còn lại ở Đà Nẵng tuy không ít nhưng cũng không phải là quá nhiều khiến chúng ta thờ ơ phó mặc cho sự tàn phá của thời gian. Những di tích, những hiện vật Champa chúng tôi còn nhìn thấy, còn khảo tả hôm nay có lẽ chỉ đủ là một chút “của tin” để thế hệ mai sau biết mình đang sống trên một mảnh đất có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, nơi biết bao sinh linh từng đón chào ánh mặt trời chói lọi ban mai, từng thổn thức trong buổi chiều tà hiu hắt. Thể phách bao thế hệ đã hòa tan cùng trời đất, nhưng tinh thần vẫn gửi gắm ở từng viên gạch, phiến đá cổ xưa. Chúng ta cần trân trọng và giữ gìn.” (Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới. Võ Văn Thắng chủ biên, Nxb Đà Nẵng 2014). |
HOÀNG NHUNG