1. Người đi du lịch thường muốn tìm đến một cái gì đó mới lạ để mở rộng nhãn quan và tăng thêm khoái cảm trong cuộc lữ hành. Cái mới lạ đó có thể là một hiện tượng tự nhiên khác thường, chẳng hạn vài năm trở lại đây, mùa đông năm nào đỉnh núi Mẫu Sơn ở Lạng Sơn cũng xuất hiện băng tuyết và đáng nói hơn là xuất hiện hàng ngàn người Việt đổ về đây chịu rét để được ngắm băng tuyết ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi đang trở thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ |
Thậm chí để thỏa mãn hiếu kỳ trước sự khác thường kỳ thú của tự nhiên, hàng ngàn người Mỹ đã đổ về Hawaii không phải để tắm biển mà là để chiêm ngưỡng ngọn núi lửa nổi tiếng Kilaueu đang thức giấc phun trào suốt hai chục năm nay. Cái mới lạ đó cũng có thể là một di tích lịch sử - tấm căn cước của một vùng đất mà nếu trong cuộc lữ hành, người đi du lịch chưa được tận mục sở thị thì xem như chưa đặt chân tới nơi.
Làm sao đi du lịch Hà Nội mà không đến tham quan Hoàng thành Thăng Long hay là Văn Miếu - Quốc Tử Giám…; làm sao đi du lịch Moscow mà không đến tham quan Điện Cẩm Linh/Kremlin hay là Đài Tưởng niệm các liệt sĩ vô danh…; làm sao đi du lịch Đà Nẵng mà không đến tham quan Thành Điện Hải hay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm…
2. Chính vì thế nên ngành công nghiệp không khói luôn tìm cách khai thác sự háo hức của du khách đối với di tích lịch sử. Những tour du thuyền trên sông Seine, sông Neva, sông Moscow… có sức hấp dẫn đối với khách thập phương là nhờ biết khai thác ưu thế vượt trội của mật độ dày đặc di tích lịch sử hai bên bờ sông. Chẳng cần ai thuyết minh - đó là chuyện của trên bờ - du khách vẫn có thể thỏa thích nhìn ngắm và chụp hình lưu niệm từng di tích lịch sử trong toàn cảnh phố phường.
Cũng vậy, Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng tổ chức tour du thuyền trên sông Hàn để từ các con thuyền hiện đại - đẹp và sang trọng, khách thập phương có thể tiếp cận hệ thống di tích lịch sử của một thành phố mang phong cách kiến trúc phương Tây trăm năm tuổi. Tuy không thể phong phú như Paris, Saint Petersburg, Moscow - thủ đô hoặc cố đô của các nước lớn, nhưng xét về khía cạnh di tích lịch sử thì Đà Nẵng không phải không có cái đáng để tự hào. Đi thuyền trên sông Hàn, du khách có điều kiện hình dung diện mạo đô thị Đà Nẵng mang phong cách kiến trúc phương Tây - “bên tê Hàn phố xá nghênh ngang” - trong khoảng sáu thập niên đầu thế kỷ XX qua các di tích lịch sử còn đang lưu giữ.
3. Nhìn về phía tả ngạn, du khách có thể thấy thấp thoáng bên cạnh chùa làng Thủ Long xưa - nay là chùa Phật giáo An Long đang trùng tu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm mang phong cách kiến trúc Gothique pha chút phong cách kiến trúc Champa đầy sáng tạo; hay nhìn sâu hơn về phía mặt trời lặn cũng có thể thấy thấp thoáng trên đỉnh tháp chuông của Nhà thờ Chính tòa cao gần bảy chục mét tượng một con gà màu xám làm bằng hợp kim nhẹ rỗng bên trong dùng để xác định hướng gió - cho nên mới có tên gọi Nhà thờ Con Gà; hoặc có thể nhìn trực diện ngay chỗ cầu tàu để thấy rõ cái uy nghi đầy quyền lực của một cơ quan hành chính công quyền là Tòa Thị chính Tourane - nhiều năm nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố.
Và ngay trên sông Hàn, du khách cũng có thể nhìn cận cảnh cây cầu dã chiến có kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni của quân viễn chinh Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước và từng được đặt tên là cầu Nguyễn Hoàng rồi cầu Nguyễn Văn Trỗi, đang trở thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng… Đương nhiên khi ngoái nhìn lại quá khứ dài hơn nửa thế kỷ, không nên quên lời nhắn nhủ chí lý của Tôn Trung Quân: “Người ta thường tiếc cái đã qua, mong cái sắp đến, mà sao nhãng hững hờ cái đang có”.
4. Không hững hờ sao nhãng cái đang có nên người Đà Nẵng vẫn tự hào khoe với khách thập phương những công trình kiến trúc mới mang dấu ấn thời mình sống và chắc chắn sẽ trở thành di tích lịch sử trong tương lai. Đi thuyền trên sông Hàn, du khách có thể dễ dàng nhận ra tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố 36 tầng hoành tráng như ngọn hải đăng hướng ra Biển Đông - một công trình hiện đại không chỉ tạo ấn tượng từ độ cao của tòa nhà, cũng không từ độ cao của tính chuyên nghiệp công vụ mà còn từ chiều sâu của lịch sử. Đi thuyền trên sông Hàn, du khách cũng có thể hiểu được vì sao Đà Nẵng được mệnh danh là Thành phố những cây cầu.
Muốn trở thành Thành phố những cây cầu thì trước hết phải có nhiều cầu nhưng điều quan trọng hơn là phải tạo được sự đa dạng từ những cây cầu ấy. Cây cầu tạo ấn tượng độc đáo nhất về mỹ thuật và vì vậy góp phần đáng kể tạo nên sự đa dạng của những cây cầu Đà Nẵng chính là cầu Rồng. Tuy nhiên nhìn dọc theo chiều sâu của lịch sử thì cây cầu Đà-Nẵng-nhất lại là cầu quay Sông Hàn được khánh thành vào năm cuối cùng của thế kỷ XX. Đi thuyền trên sông Hàn, du khách sẽ đi qua dưới cầu quay Sông Hàn - cây cầu không chỉ nối liền hai không gian địa lý nằm ở đôi bờ con sông chảy giữa lòng thành phố mà còn nối liền hai trình độ văn minh đô thị - ngay cả khi nhịp giữa cầu này… chưa quay.
5. Khai thác sự háo hức của du khách đối với di tích lịch sử, ngành công nghiệp không khói Đà Nẵng còn hết sức coi trọng đưa du khách đến các đình làng/nhà thờ tiền hiền, các di tích lịch sử liên quan đến danh nhân người Quảng như Nguyễn Văn Thoại, Ông Ích Khiêm, Phan Châu Trinh hay Ông Ích Đường… và đặc biệt là đến các di tích có nguồn gốc Champa bản địa. Bên cạnh những di tích liên quan có nguồn gốc Champa bản địa đã được xác định từ trước ở Ngũ Hành Sơn, ở Khuê Trung hay ở Xuân Dương… thì một số phát hiện khảo cổ học gần đây ở Phong Lệ, ở Cấm Mít và nhất là ở Quá Giáng với nhiều đền tháp có niên đại thế kỷ X đã chứng tỏ Đà Nẵng từng là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm cổ.
Cách đây mấy năm, người viết bài này từng khảo sát thực địa và đề xuất nên hình thành ở Phong Lệ - nơi đang tiến hành khai quật một quần thể phế tích đền tháp Champa lần đầu tiên được phát hiện trên đất Đà Nẵng này một bảo tàng điêu khắc Champa mới. Nơi sẽ có đủ chỗ để trưng bày hết số cổ vật đang được bảo quản trong kho cộng với số dự báo sẽ tiếp tục được sưu tầm trong nửa thế kỷ đến; có đủ chỗ để phục dựng những tháp Champa nổi tiếng - tất nhiên dưới dạng mô hình; cũng như có đủ chỗ để khách tham quan có thể nghe các nhà Champa học ở Đà Nẵng, ở trong nước cũng như đến từ nước ngoài giới thiệu những thành tựu mới về nghiên cứu Champa nói chung và nghệ thuật điêu khắc Champa nói riêng.
Nơi mà du khách được thưởng thức các vũ công trình diễn những điệu múa Champa - từ múa dân gian cho đến múa cung đình, hoặc để mua những mặt hàng lưu niệm cao cấp liên quan đến nền văn hóa Champa vang bóng một thời. Trong khi chờ cái bảo tàng điêu khắc Champa mới ấy, có thể nghĩ đến hình thức đưa khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện nay đi dã ngoại.
6. Điều quan trọng nhất hiện nay là việc phát hiện di tích Champa ở Quá Giáng đang rất cần một ứng xử văn hóa đúng mực đối với một di tích lịch sử ngàn năm tuổi. Thái độ rất-Đà-Nẵng của người dân sống trong khu vực khai quật khảo cổ học ở Phong Lệ, ở Cấm Mít và ở Quá Giáng thời gian qua được giới sử học cả thế giới ngưỡng mộ.
Giới sử học cả thế giới đang hết sức kỳ vọng thời gian tới việc chỉnh trang đô thị ở đường vành đai phía Nam thành phố cũng được ứng xử rất-Đà-Nẵng như thế: sẽ không vì một nét bút vô hồn, sẽ không vì một cái đầu vô cảm với quá khứ, với lịch sử mà vô tình hay hữu ý động chạm đến những trầm tích văn hóa thiêng liêng, từ đó giúp cho các thế hệ trẻ người Đà Nẵng không phải tiếc cái đã qua như thế hệ người Đà Nẵng đương đại mỗi khi nghĩ tới các di tích lịch sử ven sông Hàn từng lần lượt ra đi về chốn… lãng quên!
BÙI VĂN TIẾNG