.

Giữ nghề

.

Lần đầu tiên, hình ảnh của thành phố Đà Nẵng hiển hiện trên những chiếc đĩa bằng đá ngọc, được chế tác bởi thợ chế tác Làng đá mỹ nghệ Non Nước, trong bộ sản phẩm logo những cây cầu ở Đà Nẵng với phông nền là núi Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, có thể làm quà tặng, quà lưu niệm cho du khách mang đi xa.

Bộ sản phẩm điêu khắc đá với biểu tượng các cầu Đà Nẵng do anh Mai Thanh Thiện sáng tác có thể làm sản phẩm cho khách du lịch khi đến Đà Nẵng.
Bộ sản phẩm điêu khắc đá với biểu tượng các cầu Đà Nẵng do anh Mai Thanh Thiện sáng tác có thể làm sản phẩm cho khách du lịch khi đến Đà Nẵng.

Sáng tạo không ngừng

Gần 25 năm làm nghề chế tác đá Non Nước, anh Mai Thanh Thiện chưa bao giờ cho phép mình dừng lại. Và khi những cây cầu bắc qua sông Hàn, thể hiện những kiểu dáng khác nhau làm nên “bản sắc” của thành phố biển, anh Thiện quyết đem những cây cầu vào các sản phẩm đá của mình. Tháng 8-2013, bộ logo 5 cây cầu của Đà Nẵng chính thức ra đời. Trên chất liệu đá ngọc Pakistan, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… vững vàng bắc qua dòng sông Hàn với nét đẹp hiện đại, dòng nước lững lờ mềm mại, phía sau là mô phỏng ngọn núi Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Điều đặc biệt là những chiếc đĩa đá ngọc này có kích cỡ nhỏ, gọn, đường kính chỉ từ 15 đến 35cm, giá thành dao động từ 150 nghìn đến 1,5 triệu đồng, rất thích hợp cho du khách mang đi xa.   

Bộ sản phẩm lưu niệm này được xem là “sứ giả” trong việc quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng, lại mang đậm nét đặc trưng làng nghề đá có tuổi đời cả trăm năm. Bởi khi nhắc đến Đà Nẵng, người ta nhớ đến Làng đá mỹ nghệ Non Nước và ngược lại.

Những sản phẩm đá của Mai Thanh Thiện được xem là riêng biệt, với nhiều mẫu mã do anh sáng tạo, không “đụng hàng” với các thợ chế tác trong làng đá. Như mẫu cây tùng và hai con hạc, anh đặt tên là “Chân hạnh phúc” và rất nhiều phác thảo thể hiện ngọn núi Sơn Trà hay những bức tranh sơn thủy gắn với hình ảnh cây tùng, người tiều phu được anh tạc luôn vào những phiến đá cẩm thạch, sống động và rất có hồn.

Năm 1990 anh Thiện học nghề, hai năm sau ra nghề, trong tay có những sản phẩm đặc trưng như tượng ông Lữ đi câu, cô gái tháo giày, Bát tiên, Phúc-Lộc-Thọ, bộ Tây du ký… Anh bảo “nước lã không vã nên hồ”, với nghề điêu khắc, ngoài những mẫu tượng chuẩn của làng đá, mỗi người phải sáng tạo ra những sản phẩm riêng; ngoài ra anh thuộc hết những tích, chuyện kể đối với từng loại tượng, nên du khách khi đến gặp anh còn được nghe nhiều câu chuyện xưa gắn với bộ tượng mình định mua.

Với anh Huỳnh Đăng Đức, một người được giới thiệu là chế tác cho nhiều cơ sở đá ở Non Nước, khi mới ra nghề, trong suốt nửa năm, mỗi ngày anh làm được một cái gạt tàn thuốc bằng đá Non Nước, thì nay chỉ mươi ngày anh sáng tác xong một bộ tượng theo yêu cầu của khách hàng. Anh bảo, mỗi người thợ buộc phải sao chép mẫu của nhau để phục vụ thị hiếu khách hàng, còn nếu tự sáng tác thì rất dễ bị ăn cắp mẫu. Ở làng đá này chưa nói đến chuyện bản quyền, nên một mẫu sẽ bắt gặp ở tất cả những nơi chế tác cũng như nơi bán.

Cách đây 7 năm, anh Đức tự sáng tác ra một loạt những bức tượng hình hai mẹ con, nhưng không bán được bao nhiêu. Theo anh, do khách hàng chuộng những mẫu có sẵn, ngoài ra nếu ai tìm mua tượng thuộc dạng “hàng độc” thì phải là những người có tâm hồn, biết cảm nhận nghệ thuật nằm trong hồn của mẫu tượng, mà điều đó không phải ai cũng có. Với những khách hàng người nước ngoài, người thợ phải sáng tác theo ý của họ, như anh Đức đã sáng tác cho một ông khách người Ý hơn 10 mẫu tượng trong suốt 4 năm qua.

Anh Huỳnh Đăng Đức với tác phẩm điêu khắc “Mẹ con”. Ảnh: H.N
Anh Huỳnh Đăng Đức với tác phẩm điêu khắc “Mẹ con”. Ảnh: H.N

Không sáng tạo = thua trên sân nhà

Đó là điều mà tất cả những nghệ nhân Làng đá mỹ nghệ Non Nước khẳng định, nhất là những năm qua, khi hàng đá mỹ nghệ Trung Quốc tràn ngập. “Sư huynh” của anh Mai Thanh Thiện với cửa hàng điêu khắc tượng Trung Quân chuyên về tượng những cô gái khỏa thân đã phải dừng làm nghề, chuyển sang bán cà-phê vì không “đấu” nổi với tượng Trung Quốc có cùng mẫu mã, giá thành lại rẻ hơn. Nhưng cái “giá” mà khách hàng phải trả khi mua tượng Trung Quốc là những tác phẩm điêu khắc không do nghệ nhân thổi hồn vào mà do máy móc sáng chế ra; thứ nữa là chất liệu đá đúc nhìn tinh xảo hơn tượng Non Nước nhưng dễ phai màu.

Với những món đồ lưu niệm nhỏ, có thể dùng làm hàng xách tay, hàng Trung Quốc với nhiều mẫu mã đa dạng, giá rẻ (từ vài chục đến vài trăm nghìn mỗi món), có mặt ở thị trường cả nước chứ không riêng ở làng nghề này từ rất lâu rồi thì đá Non Nước thua ngay trên sân nhà. Rất nhiều thợ cho biết, lâu nay họ chỉ chế tác tượng, những vật nhỏ như cối, quả cầu, còn những vật khá tinh xảo như vòng đeo tay, vòng đeo cổ… thì không ai làm, và bây giờ nếu có làm thì giá thành chắc chắn sẽ cao hơn hàng Trung Quốc.

Anh Thiện cho biết, trước đây cơ sở chế tác của anh có 7 thợ, giờ chỉ còn 3. Cũng như cả làng đá có đến chừng 20% thợ ở cơ sở chế tác nhỏ phải nghỉ, dừng làm nghề. Ngoài chế tác tượng, anh Thiện còn theo nghề làm bonsai 16 năm nay. Sự kết hợp điêu khắc trong chế tác bonsai giúp anh sống mà có thể đeo đuổi nghề điêu khắc trở nên khó khăn trong mấy năm nay.

Làng đá Non Nước hình thành với những vật dụng làm từ đá, tạo nên bản sắc của làng, đó là những cái cối đá, bia mộ. Sau này có các nghệ nhân như Lê Bền giỏi làm tượng Chăm. Làm tượng Phật Quan Âm và chân dung Bác Hồ có ông Nguyễn Sang, ông Lê Pháp. Trong ký ức của nhiều thợ lành nghề, ông Kiểm Tám (nay đã mất) là người đa tài, làm tượng nào cũng có thần sắc, khách hàng ai cũng ưng ý. Và nay, những người thợ một lòng một dạ muốn giữ làng nghề, với đúng “thần thái, hồn vía” của làng như cả trăm năm nay, tiếp tục làm nên những bức tượng với những đôi mắt có hồn. Có như vậy, người thợ đá Non Nước mới giữ được làng nghề trước sức mạnh của ngoại lai và giá thành thấp.

Với 437 cơ sở chế tác, hơn 50 thợ có tay nghề cao và hàng nghìn thợ lành nghề, mỗi người thợ đều mong mỏi là khi việc di dời, định cư lại làng nghề đi vào ổn định, thì khoảng một năm nữa người thợ chế tác đá Non Nước khôi phục bản sắc của làng, mỗi sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, chinh phục khách hàng bằng cái hồn của đá, cái tinh tế và dẻo dai mà mỗi người thợ thổi vào phiến đá tưởng chừng vô tri…

Năm 2013, Làng đá mỹ nghệ Non Nước đạt doanh thu 120 tỷ đồng, sử dụng khoảng 45 nghìn tấn nguyên liệu gồm đá Thanh Hóa, đá Yên Bái, đá Quảng Bình… trong đó có 5-7% lượng đá có nguồn gốc từ Ấn Độ, Pakistan là đá thạch nhũ của núi đá vôi, cho màu xanh ngọc bích rất đẹp, được khách hàng ưa chuộng. 50% - 60% sản phẩm của Làng đá mỹ nghệ Non Nước bán cho khách hàng trong nước, 40% sản phẩm do khách hàng nước ngoài đặt mua.

Đại diện Làng đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, khoảng vài tuần nữa các nghệ nhân của làng sẽ tập hợp nhau lại, nhằm đưa ra những kế sách, hướng đi cho làng nghề, trong đó có vấn đề nâng cao tay nghề, sáng tạo mẫu mã và cạnh tranh một cách lành mạnh với sản phẩm các nơi khác. Ngoài ra, yêu cầu các cơ sở bán buôn phải trung thực, để riêng từng khu vực đá Non Nước hay đá Trung Quốc, tránh gian lận thương mại.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.