.

Học tập thường xuyên và suốt đời

.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và dạy nghề (tạm gọi tắt là TTGDTX) trước đây được gọi là Trung tâm Bổ túc văn hóa. Có lẽ bởi hai từ “bổ túc” mà nhiều người có cái nhìn khắt khe, phân biệt đối với những học viên theo học ở các trường hệ này, cho rằng đây là nơi tập trung các bạn lười học, quậy phá… Nhưng trên thực tế, các TTGDTX vẫn không thiếu những bạn học giỏi, có bạn sau đó thi đậu đại học, có việc làm, có thu nhập khá và cơ bản là người có ích cho xã hội.

Lễ khai giảng năm học 2013-2014 của TTGDTX quận Liên Chiểu.
Lễ khai giảng năm học 2013-2014 của TTGDTX quận Liên Chiểu.

Theo tiêu chí: học tập thường xuyên và suốt đời, các TTGDTX có đối tượng học rộng và đa dạng, từ chị công nhân ban ngày bận đi làm cho đến những trẻ em nghèo phải vào đời sớm; từ những bạn vì lý do nào đó không đam mê việc học, bê trễ, đến lúc thấy cần phải học vì kiến thức cần thiết thì có các Trung tâm (TT) dang rộng vòng tay.

Nói về những cô, cậu học trò trưởng thành từ các TTGDTX, Phó Giám đốc TTGDTX Liên Chiểu Thái Tường Quang kể từng em, giọng xen lẫn tự hào. Đặc biệt là 4 lớp ban đêm từ lớp 9 đến lớp 12 được duy trì suốt từ năm 1997 đến nay, quy tụ các anh chị là công nhân, thợ hồ, thợ cơ khí… “Lớp ban đêm luôn dẫn đầu các phong trào, kể cả lực học, dù phần lớn họ đã nghỉ học khá lâu, các kiến thức không còn liền mạch mà rời rạc, chắp nối. Những học sinh chọn học buổi tối vì ban ngày các em bận đi làm đủ nghề để nuôi sống bản thân và san sẻ phần việc cùng gia đình. Khi xác định việc học, các em đều cố gắng nỗ lực rất nhiều, không hẳn vì cái bằng tốt nghiệp mà ai cũng muốn thu nhận kiến thức cho mình”. Chắc chắn cuộc sống của những học viên này không đơn giản chỉ là ăn với học, mà sẽ là những nỗ lực rất nhiều để cân bằng giữa việc học và việc làm, phụ giúp gia đình.

Bạn Bùi Lê Như Thảo, cựu học sinh lớp 12/3 TTGDTX quận Liên Chiểu quyết định chọn học ngành điều dưỡng của ĐH Duy Tân năm học này. Như Thảo đã từng học lớp 10 Trường THPT Thái Phiên, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, Thảo phải nghỉ học 3 năm. Đến khi đi học lại, Thảo chọn hệ GDTX để theo học và là học sinh giỏi của trường suốt 2 năm qua. Như Thảo cho rằng chương trình học GDTX cũng không khác nhiều lắm chương trình ở các trường công lập khác, thời gian học thoải mái hơn và đặc biệt là thầy cô gần gũi, rất nhiệt tình với học trò, nên nếu bạn nào quyết tâm thi đại học sẽ được các thầy cô hướng dẫn cặn kẽ, chu đáo.

Theo tinh thần khuyến khích xã hội học tập, ai cũng được học vào bất cứ lúc nào, vào độ tuổi nào, ban ngày không thể đến lớp thì chọn phương án học ban đêm. Chương trình GDTX thực sự thúc đẩy phong trào học tập trong mỗi con người, để ai cũng thấy mình có quyền được học tập, được bổ sung những kiến thức mình còn thiếu. Ngoài ra, với mức học phí 55.000 đồng/tháng, nhiều gia đình cảm thấy “dễ chịu” vì con cái họ không phải chịu áp lực học thêm, tốn kém rất nhiều để theo kịp một chương trình học khá nặng trên lớp; vì ở hệ GDTX, thầy cô đã biên soạn lại chương trình theo kiểu “giảm tải” cho các em, chỉ còn lại 32 tuần.

Về môn học, không học nhiều môn như học sinh phổ thông, học sinh chỉ học 7 môn bắt buộc là Toán, Vật lý, Hóa học, Văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, là những môn cần thiết cơ bản và cũng là các môn có trong chương trình thi Đại học (tùy theo khối thi). Ngoài ra, tùy theo điều kiện, các trung tâm có thể tổ chức dạy thêm các môn tự chọn (Anh văn, Tin học và Giáo dục công dân). Tổng số tiết học các môn trong tuần từ 18 đến 20 tiết, được chia làm 5 buổi/tuần.

Như vậy sẽ không chiếm nhiều thời gian và học sinh có thể sử dụng thời gian nghỉ để tự học hoặc học thêm nhằm ôn luyện, củng cố kiến thức được vững chắc hơn. Ngoài ra, vì những môn như tiếng Anh và Tin học không phải là môn bắt buộc, nên những học sinh có chứng chỉ Tin học A cộng 1 điểm,  Anh văn A cộng 1 điểm, chứng chỉ nghề phổ thông loại giỏi cộng 2 điểm. Đây là một lợi thế mà học sinh phổ thông không có.

Lâu nay, tâm lý của một số phụ huynh cho rằng cho con theo học các lớp bậc THPT (kể cả công lập hay dân lập) đều tốt hơn học chương trình tại các TTGDTX. Vì tâm lý đó nên các TT xác định có thể kiến thức đầu vào của các em yếu, các thầy cô đều đặt mục tiêu giáo dục đạo đức, truyền thống là ưu tiên hàng đầu khi các em mới bắt đầu nhập học; tập trung ngăn chặn việc học sinh ham chơi, hay gây gổ…

Thầy Trần Ngọc Bản, Phó Giám đốc TTGDTX Sơn Trà cho rằng với mục tiêu giáo dục như vậy, có thể sang học kỳ hai của năm lớp 10, học sinh sẽ biết thưa, biết chào hỏi khi gặp thầy cô cũng như người lạ. “Nhiều phụ huynh đến gặp thầy cô chỉ để khoe là con mình trước đây không chịu học, nay thì đã tự tìm sách vở để học vào buổi tối ở nhà. Chúng tôi mừng lắm và nhiều năm nay suy nghĩ là muốn chiêu sinh được thì trường phải có nền nếp, dạy tốt. Chúng tôi dạy các em ý thức học tập, đạo đức, giáo dục truyền thống, kỹ năng sống. Năm trước 90,3% đỗ tốt nghiệp, năm nay con số này là 93,4%. Như vậy tạm gọi là thành công”, thầy Bản cho biết thêm.

Về quyền lợi, sau khi các em học xong chương trình lớp 12, sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT cùng một ngày với học sinh học tại các trường THPT. Với bằng tốt nghiệp này, học sinh được đăng ký dự thi vào các trường Đại học ở bất cứ ngành học nào; bất cứ trường nào trong cả nước. Được quyền tạm hoãn gọi nhập ngũ  trong thời gian đi học.

Một thuận lợi nữa, nếu không may thi tốt nghiệp THPT (GDTX) hỏng thì các môn thi đạt điểm 5 trở lên sẽ được bảo lưu lại ở năm thi sau không phải thi lại, chỉ thi lại những môn dưới 5 điểm mà thôi.

Ai cũng mong muốn có một công việc tốt và cuộc sống ổn định trong tương lai. Những học sinh của các TTGDTX thậm chí khát khao điều đó nhiều hơn. Tuy nhiên, con đường phía trước họ vẫn còn lắm gian nan, mục tiêu tốt nghiệp phổ thông tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng đầy khó khăn. Vấn đề còn lại là lòng quyết tâm tiến lên phía trước, dựa vào sự giúp đỡ của những người thầy hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Năm học 2013-2014, cả thành phố có 2.373 học viên (HV) theo học ở các TTGDTX, trong đó, có 142 HV học chương trình bổ túc THCS, 2.231 HV học bổ túc THPT; có 14.431 HV học nghề phổ thông tại 7 TTGDTX của 7 quận, huyện.

Hiện có 157 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc diện biên chế Nhà nước đang làm việc tại các TTGDTX, có 27 giáo viên nhận dạy hợp đồng một số môn văn hóa trong chương trình đào tạo.

Năm học qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT khối GDTX đạt 90,05%, tỷ lệ đỗ loại khá, giỏi cao hơn rất nhiều so với các năm trước; lần đầu tiên có HV đoạt giải quốc gia về giải toán trên máy tính cầm tay.

Năm nay, các TTGDTX tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đào tạo như khuyến khích học từ xa, tự học có hướng dẫn, tăng cường mở các chuyên đề hành dụng (thực hành và ứng dụng), kỹ năng sống; các TTGDTX hỗ trợ các TT học tập cộng đồng xã, phường trong chương trình hành dụng ngắn ngày.

H.NHUNG (tổng hợp)

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.