Một tấm lòng được nuôi dưỡng bằng tình thương chân thật, một trái tim nóng được dẫn dắt bằng kiến thức và sự hy sinh là những gì cô giáo cần để giúp trẻ tự kỷ (TK) hòa nhập thành công.
Hãy khuyến khích trẻ giao tiếp bằng mắt. (Ảnh Internet) |
Lựa chọn không dễ dàng
Quyển sách tập đọc được cô lần giở từng trang và đọc qua chỉ một lần nhưng đã đủ cho em học sinh TK nhớ như in và đọc lại thuộc lòng. Tuy nhiên, em chỉ ghi nhớ hình ảnh thụ động. Cũng chữ viết đó, khi viết ra tờ giấy trắng thì em không thể đọc khiến quá trình tập đọc của em kéo dài tưởng chừng vô tận. Đây là một trong rất nhiều ví dụ về những trường hợp TK đang được giáo dục hòa nhập tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu).
Mỗi em một tính cách, một kiểu thể hiện khác nhau. Có em gặp khó khăn về giao tiếp, không thể biểu lộ ý muốn thành lời nói, khó tương tác với bạn bè xung quanh. Có em gặp khó khăn về mặt sinh hoạt như ăn, uống; có em bị rối loạn hành vi; có em ăn phấn, xé sách vở và nhai ngấu nghiến…
Khi nhận trẻ TK, các trường tiểu học không được bất kỳ một quyền lợi hoặc ưu tiên nào ngoài sự vất vả tăng lên theo cấp số nhân. Trong mọi trường hợp, trường học có thể đưa ra lời từ chối đối với học sinh TK để giảm bớt gánh nặng cho mỗi thầy, cô giáo cũng như áp lực thành tích chung toàn trường. Thế nhưng, hầu hết các trường trên địa bàn Đà Nẵng đều mở rộng cửa đón các em với mong muốn: môi trường hòa nhập với học sinh bình thường sẽ giúp các em sớm khỏi bệnh.
Theo thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường Trần Văn Ơn, nhận trẻ TK đồng nghĩa với việc nhà trường còn chịu áp lực lớn từ phía phụ huynh, những người không chấp nhận việc con mình chung lớp, chung bàn và có khả năng bị tấn công bởi trẻ tự kỷ. Điều này buộc đội ngũ giáo viên, ban giám hiệu phải thường xuyên làm công tác tư tưởng cho phụ huynh. Giúp họ hiểu rằng, những phụ huynh kém may mắn này đã phải chịu đựng mệt mỏi kéo dài vì bệnh tình của con, để họ thêm đau đớn, dằn vặt vì sự kỳ thị, để những trẻ em vô tội không được hòa nhập là điều trái với lương tâm nhà giáo. Vì vậy, nhà trường cần lắm sự cảm thông, chia sẻ, chung tay của các bậc phụ huynh. Tất cả hướng đến mục tiêu giúp trẻ TK có thể sinh hoạt, suy nghĩ độc lập trong tương lai.
Món quà cho trái tim
Trong giờ học, cả lớp đang lặng im lắng nghe cô giáo đọc chính tả thì bất thần một em vừa hét vừa với tay đánh mạnh vào lưng bạn ngồi phía trước. Dường như quá quen với tình huống này nên mặc dù bị đánh, em học sinh bàn trước bình tĩnh chịu đau để cô chủ nhiệm ôm chặt bạn mình vào lòng, vỗ nhẹ với lời cưng nựng cho đến khi bạn bình tâm trở lại.
Vượt qua tâm lý lo ngại ban đầu, giờ đây, với cô Dương Thị Minh Ánh (giáo viên Trường Trần Văn Ơn), được chăm sóc, dạy dỗ trẻ TK là một hạnh phúc. Làm sao không hạnh phúc khi nhìn các em trong lớp chưa bao giờ để bạn ngồi một mình trong giờ ra chơi, mà đến bên bạn, trò chuyện cùng bạn. Mặc dù, cuộc trò chuyện chỉ xuất phát từ một phía hoặc với hai nội dung khác nhau. Trẻ em nghịch ngợm, trêu đùa và đánh nhau là chuyện thường tình. Tuy nhiên, khi bị trẻ tăng động đánh, tất cả các thành viên trong lớp tuyệt đối không đánh trả mà chỉ luôn miệng dỗ dành: “Bách ngoan, Bách ngoan” và không bao giờ xa lánh bạn. Trong những ước mơ được các thành viên trong lớp chia sẻ bí mật với cô giáo, không ít học sinh đã ước: “Bạn Bách được khỏi bệnh và học giỏi”. “Sự nhường nhịn, yêu thương, chia sẻ của các em quá trong sáng. Bằng tình bạn của mình, các em đang ngày ngày dạy nhau và dạy cả tôi những bài học đạo đức sinh động nhất”, cô Ánh đúc kết.
Cô Đỗ Thị Hoa đã từng muốn buông xuôi bởi giờ học thường xuyên phải ngắt quãng để dỗ dành học sinh TK. Khi em đã bình tâm trở lại thì cảm xúc truyền thụ của cô cũng vơi đi, việc thu hút những học sinh còn lại chú ý tiếp vào mạch giảng cũng là điều không dễ. Tiết học của cô vì thế mà kéo dài qua cả giờ ra chơi, và thậm chí quá giờ tan trường. Thế nhưng, trong một lần ra chơi, em học sinh TK đã lên bàn giáo viên, bất ngờ vuốt tay cô rồi nói khó nhọc nhưng tròn vành rõ chữ: “Khôi thương cô”. Từ đó về sau, khi xếp hàng ra về, mặc dù nhỏ bé về sắc vóc nhưng em học sinh này luôn chọn đứng cuối hàng để được quay lại ôm cô chào tạm biệt. “Những tình cảm này là động lực, là nguồn sức mạnh để mình thêm yêu nghề, yêu trò; để không bao giờ, dù chỉ là trong ý nghĩ muốn quay lưng lại với trẻ TK. Nếu có điều gì khác biệt giữa trẻ bình thường và trẻ TK thì chỉ có duy nhất một điều: trẻ TK cần được thương yêu nhiều hơn”, cô Hoa nói.
Em học sinh TK của cô Huỳnh Thị Mỹ Duyên (giáo viên Trường Võ Thị Sáu) đã gắn bó với cô như hình với bóng suốt 3 năm. Sau thời gian dài nghỉ hè, em luôn là học sinh đến sớm nhất, ngồi xếp bằng nghiêm chỉnh ngay trước cửa lớp đợi “đón cô và chỉ học ở lớp cô Duyên”. Cô Duyên đã thu hút em bằng nhiều trò chơi như xếp hình, đếm thẻ. Bằng lời khen tặng, bằng những cây kẹo làm phần thưởng, bằng sự dỗ dành nhẫn nại, bằng cái ôm vào lòng khi trẻ có biểu hiện đập phá… cô Duyên đã không chỉ giảm dần số lần căng thẳng của em, tập để em chịu trò chuyện, chia sẻ, rèn được nét chữ như mật mã loằng ngoằng thành nét chỉn chu mà còn chiếm trọn được tình cảm của em.
Đã từng bấn loạn, bất lực trước những biểu hiện của con, một phụ huynh xúc động: Trước đây, cháu không biết nhai cơm, chỉ sống hoàn toàn bằng sữa. Thế nhưng, cô giáo đã không chỉ giúp cháu ăn được cơm mà còn biết thưa gửi và bày tỏ tình cảm khi đi học về. Đã lắng nghe không biết bao nhiêu lần câu hát: “Cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”, nhưng tôi chỉ thực sự hiểu đến thấm thía lời hát khi chứng kiến sự nhẫn nại, bền bỉ của cô giáo. Giúp con giảm dần đến mất hẳn những lần hét la tưởng chừng bể phổi, giúp con bỏ được thói quen nhai giấy, tập con uống được từng ngụm nước bằng ly… chỉ có tấm lòng của một người mẹ và kiến thức của một người cô mới có thể làm được.
Thiếu giáo viên chuyên biệt
Mặc dù không có con số thống kê chính xác, nhưng số lượng trẻ TK tại Đà Nẵng đang ngày càng tăng, trong khi đó, đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên biệt để nuôi dạy những học sinh đặc biệt này lại thiếu về số lượng lẫn chuyên môn. Toàn trường Trần Văn Ơn có 67 giáo viên nhưng chỉ 3 trong số đó là có chuyên môn dạy trẻ TK. Trường Võ Thị Sáu hoàn toàn không có giáo viên nào tốt nghiệp chuyên ngành này.
Theo bà Lê Thị Kim Thu, Tổ trưởng Tổ giáo dục đặc biệt, Khoa Tâm lý-Giáo dục, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, do xã hội chưa hiểu lắm về giá trị của việc giáo dục trẻ tự kỷ nói riêng, khuyết tật nói chung nên chuyên ngành Giáo dục hòa nhập tiểu học bắt đầu tuyển sinh từ năm 2004 nhưng đến 2007 đã phải kết thúc. Đây là điều đáng buồn bởi, môi trường không thuận lợi, phương pháp giáo dục không phù hợp sẽ cộng hưởng, làm cho trẻ tự kỷ không thể vượt qua khó khăn, bệnh tình càng thêm trầm trọng. Giao tiếp thụ động kéo dài khiến trẻ không biết cách giao tiếp với người khác, khó tiếp nhận môi trường mới...
Để từng bước khắc phục tình trạng này, trong 2 năm qua, Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng đã tổ chức các lớp tập huấn về giáo dục trẻ TK hòa nhập cho giáo viên tại nhiều trường trên địa bàn thành phố. Tháng 1-2014, Sở đã cử 40 giáo viên đi học văn bằng 2 hệ đại học giáo dục hòa nhập tại Khoa Giáo dục khuyết tật, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Kiến thức được lĩnh hội trong các đợt tập huấn và lớp chuyên môn sâu sẽ được các thầy cô truyền lại cho đội ngũ giáo viên toàn trường. Hy vọng rằng, cách làm này sẽ góp phần nâng cao kỹ năng giáo dục và giảm bớt khó khăn, rút ngắn thời gian hòa nhập cộng đồng cho trẻ TK”, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở cho biết.
Mặc dù khẳng định, đào tạo giáo viên dạy trẻ chuyên biệt qua sách vở, truyền thụ là cần thiết, nhưng ông Nguyễn Minh Hùng và bà Lê Thị Kim Thu đều nhấn mạnh, kiến thức trong sách vở chỉ là nền tảng ban đầu, các thầy cô giáo phải thường xuyên tự cập nhật, tích lũy thêm kiến thức thực tiễn và sách vở từ nhiều nguồn mới có thể làm giàu kinh nghiệm cho bản thân. Chỉ bằng cách học tập không ngừng, yêu thương không ngừng thì giáo viên mới giúp được trẻ TK hòa nhập thành công.
MAI TRANG