.

Ký ức bánh mì

.

Thuở nhỏ, học trò nhà quê chúng tôi chẳng mấy đứa được “thổi kèn” buổi sáng ngoài việc thổi những củ khoai, củ sắn nóng hổi, mẹ gói vội trong lá sen, lá chuối. Cái từ “thổi kèn” ngày đó nó được dùng để gọi cho cái việc cực kỳ sang trọng là nhâm nhi bánh mì, bởi loại thức ăn do người Pháp du nhập vào Việt Nam này, dưới con mắt của những người thích thi vị hóa việc ăn uống, trông giống như cái kèn ac-mô-ni-ca.

Giờ thì ngay cả trẻ lên hai cũng có thể đường hoàng nhấm nháp bánh mì. Ảnh: V.T.L
Giờ thì ngay cả trẻ lên hai cũng có thể đường hoàng nhấm nháp bánh mì. Ảnh: V.T.L

Cặp đôi hoàn hảo

Hàng xóm nhà nội tôi ngày đó có một ông Việt kiều ở Pháp, nghe nói ông hoạt động gì đó ở nước ngoài, lâu lâu lại về thăm nhà và bao giờ cũng có quà cho cả xóm. Nội tôi được hộp sâm có hàng chữ vừa Tây vừa Tàu, trẻ con chúng tôi được hai cái bánh mì dài ngoẵng đã cắt làm đôi. Mấy chục năm rồi, không còn lạ gì bánh mì các loại, nhưng cái hương vị của ổ bánh-mì-đầu-đời như vẫn còn vướng víu đâu đó nơi đầu lưỡi.

Lên lớp Đệ Thất, mới biết cái bánh mì đầu tiên trong đời đó có tên tiếng Pháp là baguette, bởi nó như chiếc đũa dài cả mét, có lẽ người ta cắt đôi nó để tiện việc di chuyển trên máy bay. Em ruột ông Việt kiều ngẫu nhiên trở thành hàng xóm của tôi nơi đất khách. Gần hai mươi năm trước ông về quê xây tặng cho xã mấy công trình công cộng và tôi lại được nhận quà. Lần này, ngoài bánh mì baguette, ông còn kèm thêm một hộp bơ cũng chính hiệu Pháp; nền đỏ nổi bật hàng chữ Bretel beurre (bơ Bretel) màu vàng nhạt.

Thời Pháp thuộc người Việt mình có mấy ai được ăn phó-mát, uống sữa bò tươi hay ăn bánh mì phết bơ Bretel, ngoài những anh nhà giàu hoặc những người làm công chức cho Pháp? Ông bảo, Bretel là một loại bơ mặn nổi tiếng khắp thế giới của Pháp, thường được dùng với khoai tây rán, phết lên các món nướng, các món bánh. Đặc biệt là khi dùng chung với bánh mì, chỉ cần phết một chút bơ thôi là thành “cặp đôi hoàn hảo” thơm ngon hết chỗ chê, giống như người Quảng mình ăn bánh tráng nướng với cùi dừa. Bơ quá “độc” nên Việt kiều ở Pháp về nước ai cũng mang tặng bạn bè quê nhà vài hộp lấy thảo. Tất nhiên Việt Nam giờ cũng có bán đầy ra đó, nhưng dân tình ngại mua đúng đồ giả hoặc đồ sửa “đát”.

Miếng khi đói

Còn nhớ, ông Nguyễn Rân - người được mệnh danh là “Ông già của trẻ em đường phố” - từng lang thang khắp đường phố và dùng bánh mì để “chiêu dụ” trẻ em cơ nhỡ về với mình. Ông mang theo cái kèn ac-mô-ni-ca đi đâu cũng thổi, nhà ga, chợ búa, công viên,... ông chỉ đủ tiền mua bánh mì không nhân bỏ đầy một đãy, gặp đứa trẻ nào ông cũng mời ăn rồi trò chuyện như hai người bạn. Trẻ thấy có ông lớn tuổi đến nói chuyện hấp dẫn, lại có bánh mì nhâm nhi thì thích lắm, thế là “bị” ông rủ rê tập trung về một chỗ. Từ cái ac-mô-ni-ca và bánh mì không nhân, hai sự vật có cùng một liên tưởng, đám trẻ đã về với các gia đình chung của Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng (thành lập năm 1991) và ông trở thành giám đốc đầu tiên.

Thời đó bánh mì còn là một “của hiếm” đối với những miền quê xa. Trên các chuyến xe chạy tuần một lần, các chuyến đò dọc lên thượng nguồn có một món quà có lẽ rẻ nhất nhưng bọn trẻ chờ đợi nhất: ổ bánh mì. P.T.T. Liên, giờ đã là phó giám đốc một công ty nước ngoài lớn ở Đà Nẵng kể chuyện: Đến giờ mình vẫn nhớ như in hương vị bánh mì chui vô đống rơm mà nhấm nháp. Không hiểu tại sao bánh mì không ngày ấy nó lại ngon như thế, có lẽ do sợ ông anh ăn hết phần lại giật lấy. Và bây giờ với mình, bánh mì ngon nhất là bánh mì không, đừng bỏ gì cả. Cứ ngậm thế chờ nó tự tan…

Nhắc đến bánh mì, anh H.T.T không quên “chuyến xe bão táp” trong đời mình. Đang ở Sài Gòn, nghe tin Đà Nẵng giải phóng, ruột gan anh như lửa đốt, không biết gia đình mình ai còn ai mất. Trưa 30-4-1975 anh tìm xe, cứ thấy chiếc nào chạy ra hướng miền Trung là xin đi nhờ. Ít tiền, anh mua 2 ổ bánh mì để có cái nhấm nháp suốt 5 ngày đường. Đến ngày thứ ba ổ bánh mì còn lại cứng như đá, xin tí xì dầu của bà bán bánh mì ở bến xe Quảng Ngãi mà không biết làm sao xẻ nó ra. Bà ái ngại biếu anh ổ khác. Đến tận giờ, với anh, có lẽ ổ bánh mì xịt vài giọt xì dầu ngày ấy là thứ ngon nhất trên đời.

Giờ, đi nhà hàng, ăn gì rồi anh cũng gọi bánh mì chấm xì dầu phi hành mỡ. “Thế mới biết cái ăn, cái đói nó ám vào tinh thần con người ta lâu lắm vậy” - giọng anh đầy triết lý.

Văn hóa… bánh mì

Trong thiên hồi ký “Bốn mươi năm nói láo”, Vũ Bằng kể rằng từng gặm bánh mì suốt ngày cùng với đồng nghiệp ở báo Công Luận, “sắp xếp lại việc ấn loát một mặt, và mặt khác thì đôn đốc anh em, bày mưu thiết kế và đọc viễn ký tìm đề tài, tổ chức điều tra, phóng sự, khai thác các tin tức mới nhất, xét ra có thể làm cho độc giả say sưa, thích thú”.

Bánh mì, trong ký ức của ông, còn là một tác nhân để mình phấn đấu trên con đường đã chọn. Sau khi đọc cuốn “Paris, sous l’oeil des métèques” (Paris dưới mắt các kiều dân) của Jean José Frappa (Pháp), ông vỡ vạc ra rằng Kinh đô Ánh sáng đâu phải chỉ là những xóm ăn chơi trụy lạc mà còn là những xóm đại học, những học viện, những cơ quan nghiên cứu, những xóm la-tinh quằn quại. Ở đó, có những thanh, thiếu niên cầu học, cầu tiến, ăn một mẩu bánh mì, uống chút nước lạnh để tiến lên, vượt lên, với hy vọng cố gắng hơn nữa, hơn nhiều nữa, để tái thiết đất nước sau thế chiến.

Du nhập vào Đà Nẵng từ thế kỷ XIX, bánh mì nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu đối với những ai lười vào bếp. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng nhận xét: “Với người Quảng, bánh mì là một thứ bánh tráng bằng… bột mì - một sự so sánh không phải dựa vào nguyên liệu và cách thức làm bánh mà dựa vào tính cơ động cao khi ăn bánh”. Vì lẽ đó, cũng như Pháp, học sinh sinh viên Việt Nam đã chọn bánh mì làm “thức ăn gối đầu giường” mỗi khi “sôi kinh nấu sử”. Hiện bánh mì vẫn chiếm ngôi quán quân về sự cơ động qua cách ăn nhanh, nhanh đến độ chỉ cần đưa lên miệng là “thổi”, không phải rườm rà nước non như kẻ hậu sinh là mì ăn liền.

Nếu người Anh coi trọng bánh mì “Half a loaf is better than none” (Nửa ổ bánh mì còn hơn là không có gì cả) thì người Pháp có thành ngữ “Perdre le goût du pain” (đánh mất hương vị của bánh mì) để chỉ cái chết. Thế mới biết bánh mì đã là một phần tất yếu của cuộc sống loài người trên thế giới.

Bánh mì giờ đã là thức ăn phổ biến ở Việt Nam. Tháng 3 năm 2011, các nhà biên soạn Từ điển Oxford đã đưa vào sách từ Bánh Mì (nguyên văn tiếng Việt) để chỉ món bánh mì kẹp thịt của người Việt Nam. Richard Johnson (Anh), trong cuốn sách viết về các thức ăn đường phố tốt nhất thế giới có tựa là “Lonely Planet’s The World’s Best Street Food”, đã xếp bánh mì Việt Nam là một trong 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Vậy là Việt Nam đã nghiễm nhiên được công nhận có một văn hóa… bánh mì. Điều này khiến cho những ai từng “thổi kèn” trong quá khứ càng cảm thấy bánh mì ngon lạ ngon lùng!...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.