.

Thương hiệu trong lòng dân

.

Hình ảnh từng lớp bột mì vương lên tóc, bám đầy đôi bàn tay, quần áo và mặt mũi nhân vật Kim Tak Goo trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Vua bánh mì” để lại cho người xem nhiều cảm xúc về tình yêu, sự tỉ mỉ cùng ước mơ tạo ra chiếc bánh mì ngon nhất. Câu chuyện đó không chỉ diễn ra trong phim ảnh mà ngay tại Đà Nẵng, nếu để ý, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những “tình yêu lớn” dành cho chiếc bánh này.

Lò nướng bánh mì được sản xuất từ năm 1971 đang được sử dụng tại Bánh mì Quốc doanh Đà Nẵng.Ảnh: T.Y
Lò nướng bánh mì được sản xuất từ năm 1971 đang được sử dụng tại Bánh mì Quốc doanh Đà Nẵng.Ảnh: T.Y

Tên gọi gợi nhớ thời tem phiếu

Một buổi sáng cuối tháng 9, ông Lê Văn Lương (87 tuổi, giáo viên nghỉ hưu) ở 368/22 Hoàng Diệu đón chiếc taxi yêu cầu chở đến tiệm Bánh mì Quốc doanh (BMQD) 60 Hùng Vương để mua ít bánh mì về ăn sáng. Tuổi càng cao, khẩu vị càng “kén” nhưng với bánh mì ở địa chỉ này thì ông bảo “ăn bao nhiêu cũng được”. Vì trót mê nên lúc nào thèm quá, con cháu bận bịu không nhờ được, ông phải tự đón xe đi. Những khi như thế, ông không chỉ mua một ổ mì chả thịt ăn ngay mà kèm theo đó là nhiều loại bánh mì ngọt khác cất tủ lạnh ăn dần.

“BMQD là một trong những món tôi mê nhất. Không chỉ ngon ở vị ngọt thơm, ruột đặc, vỏ giòn, màu vàng sậm bắt mắt, cầm vừa tay mà cái tên quốc doanh còn gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm về thời bao cấp cầm phiếu đứng xếp hàng chờ mua gạo, bánh mì tại địa chỉ này. Bây giờ, cảnh cũ không còn, nhưng hình thức, chất lượng cùng hương vị ổ mì mấy chục năm qua vẫn không thay đổi”, ông Lương chia sẻ.

Khác với khách hàng thân thuộc như ông Lương, một người Hà Nội vào Đà Nẵng du lịch đi trên đường Hùng Vương thấy treo tấm bảng lớn “Bánh mì Quốc doanh”, xung quanh người ta xúm đen xúm đỏ đã tò mò tấp xe vào. Chị đầy ngạc nhiên và cứ bần thần mãi vì cái tên “quốc doanh” tưởng chừng chỉ có ở thời bao cấp.

Tiệm BMQD Đà Nẵng hiện nay, trước đây vốn là lò sản xuất bánh mì của ông Ông Chấn Á, người Hoa mở ra từ năm 1952. Thời điểm đó, cơ sở của Ông Chấn Á gần như là lò bánh duy nhất phục vụ 24/24 giờ, khách vô ra nườm nượp, trong kho bao giờ cũng chứa hàng tấn bột mì và bột nở. Dần dần, Ông Chấn Á cải tiến ổ mì dài tròn thành ổ mì có hình dáng tương tự bánh mì baguette của Pháp nhưng đặc ruột, nhọn hai đầu để giữ độ giòn nóng cộng mùi thơm đặc trưng của bột nướng không bơ.

Năm 1976, trước khi cùng gia đình sang Mỹ định cư, Ông Chấn Á hiến tiệm bánh mì trên cho Nhà nước và Công ty Lương thực Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) là đơn vị tiếp nhận. Năm 1988, cơ sở này được nâng cấp thành Xí nghiệp Chế biến lương thực Quảng Nam-Đà Nẵng trực thuộc công ty nhưng chỉ sản xuất một mặt hàng duy nhất là bánh mì, đặt tên BMQD.

Cũng như nhiều cửa hàng “quốc doanh” do Nhà nước quản lý, bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, BMQD gần như “tụt dốc” khi không bắt kịp nhịp độ phát triển theo cơ chế thị trường. Công việc sản xuất đình trệ, gần 10 năm tồn tại bên bờ vực phá sản khi số lượng bánh bán ra cầm chừng, chất lượng thấp không cạnh tranh nổi với những tiệm bánh tư nhân dần mọc lên. Từ 80 lao động, cả xí nghiệp chỉ còn 18 người trụ lại với mức lương bèo bọt.

Không nỡ nhìn thương hiệu bánh mì một thời rơi vào quên lãng, công nhân, xí nghiệp đồng loạt bầu ông Lương Văn Mỹ, lúc đó là nhân viên Phòng Kế hoạch lên vị trí Giám đốc vì nhìn thấy tình yêu, tâm huyết của ông dành cho thương hiệu này. Ông Mỹ cho biết: “Ngày ngồi vào vị trí Giám đốc, quỹ xí nghiệp còn vỏn vẹn 1,2 triệu đồng. Để gầy dựng lại thương hiệu, chúng tôi chạy vạy vay mượn chỗ này, chỗ kia mua nguyên liệu về sản xuất. Nhờ biết cách vun vén, quan tâm đến chất lượng, cuối năm 1991, xí nghiệp thu lãi hơn 61 triệu đồng, tạo nên diện mạo mới trong quá trình sản xuất”.

Trong quá trình khôi phục lại thương hiệu, có thời điểm công nhân làm việc tại lò BMQD là 110 người. Không như một số lò bánh mì dùng công nghệ “kích bột” rút ngắn thời gian làm bánh (chỉ 30 phút), mấy chục năm qua, nhằm giữ chất lượng bánh mì luôn thơm ngon, ông Mỹ vẫn trung thành với nguyên tắc làm bánh truyền thống: chọn bột mì ngon, ủ trong thời gian từ 4 đến 5 tiếng, không sử dụng bơ để giữ được mùi thơm bột mì nướng.

Ngoài bánh mì nhọn đầu truyền thống, xí nghiệp còn sản xuất thêm 7 loại bánh ngọt, mì sanwhich khác nhau, thường xuyên thay đổi mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Hiện nay, xí nghiệp có 32 lao động, mỗi ngày sử dụng từ 350 đến 400 ký bột nguyên liệu, phần bán tại 60 Hùng Vương, phần có mặt tại nhà hàng, khách sạn lớn hay các đơn vị trường học, chùa chiền vì tạo được niềm tin vào chất lượng, uy tín của sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Giám đốc Công ty Bánh Đồng Tiến ủng hộ
Bà Nguyễn Thị Phương Lan - Giám đốc Công ty Bánh Đồng Tiến ủng hộ "Quỹ chung sức bảo vệ Biển Đông".

Gian nan tìm chỗ đứng

Người dân Đà Nẵng đã mua bánh mì tại địa chỉ 60 Hùng Vương suốt 62 năm qua. Tuy nhiên do cơ chế quản lý nên Ban giám đốc xí nghiệp lo lắng không biết thương hiệu BMQD thời gian tới có tiếp tục tồn tại? Theo ông Lương Văn Mỹ, địa chỉ này hiện đã được Công ty Lương thực Đà Nẵng bán cho đơn vị khác và chờ ngày bàn giao mặt bằng, còn sau đó như thế nào thì ông không thể trả lời được.

Bên cạnh BMQD, người dân Đà Nẵng còn quen thuộc với thương hiệu bánh mì Đồng Tiến thành lập năm 1963 từ xưởng sản xuất quy mô hộ gia đình, nướng bánh bằng lò củi truyền thống. Thời gian đầu, bánh mì Đồng Tiến theo chân các mẹ, các chị âm thầm len lỏi mọi ngõ ngách Đà thành và trở thành món quà không thể thiếu dành cho con trẻ. Khi ấy, người thợ Đồng Tiến vì muốn phân biệt sản phẩm của mình với cơ sở khác đã xẻ hai đường chéo song song lên thân bánh trước khi đưa vào lò nướng (BMQD có đường rạch thẳng nối 2 đầu bánh) và trở thành hình mẫu đến tận bây giờ.

Gần 20 năm sau, nhiều tiệm bánh mì ở Đà Nẵng đến liên hệ với Đồng Tiến mua số lượng lớn về bán lẻ không nhân hoặc có nhân, qua trung gian giá bánh mì đẩy lên cao, đến tay người tiêu dùng không còn giữ được độ nóng giòn như mong muốn. Khắc phục tình trạng này, Đồng Tiến mày mò chế tạo “Lò nướng củi đốt trực tiếp” đầu tiên tại Đà Nẵng có hình dáng nhỏ gọn, cơ động, tiện lợi, tiết kiệm củi đốt đáp ứng được yêu cầu làm ra những chiếc bánh mì nóng, giòn, ngon và nhất là giá thành rẻ.

Công việc làm ăn đang diễn ra thuận lợi thì năm 1997, cơn bão Linda tràn qua Đà Nẵng gây lụt lớn, Đồng Tiến không thể sản xuất bánh mì do nền xưởng bị ngập nước, hàng trăm ký bột đã ủ đành phải hủy bỏ. Nhận thấy sự bất tiện của lò đốt củi trực tiếp, Đồng Tiến tiếp tục nghiên cứu sản xuất “Lò đốt bằng điện tự động đa năng” nướng cùng lúc nhiều loại bánh, bảo đảm vệ sinh môi trường, bán cho các lò bánh mì trong nước và các nước lân cận như Lào, Angola. Năm 2002, nhãn hiệu Đồng Tiến chính thức đăng ký tên Công ty Bánh Đồng Tiến và phát triển thương hiệu ngày một vững mạnh với hệ thống hơn 24 tiệm có mặt tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hữu Lộc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Bánh Đồng Tiến nói rằng trong suốt chặng đường đã qua, không thể kể hết những khó khăn mà công ty phải vượt qua để tồn tại, tạo dựng uy tín để “giữ chân” khách hàng. Ngoài bánh mì, Đồng Tiến còn phát triển dòng sản phẩm bánh ngọt, bánh kem, bánh bao, bánh mì tươi có nhân, bánh sandwich…; đưa vào sử dụng lò nướng bánh bằng điện, máy trộn bột, máy cắt bánh được Tổ chức BSI (Anh) cấp Chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và ISO 22000:2005.

Có lẽ “duyên” nghề nghiệp đã cột chặt ông Lương Văn Mỹ với BMQD và đại gia đình Nguyễn Hữu Lộc với thương hiệu bánh mì Đồng Tiến cùng với mong muốn xây dựng bánh mì thương hiệu Việt ổn định về chất lượng, cải tiến về mẫu mã và đủ chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.