.

Bức tranh nông thôn mới

.

Có dịp quay lại Hòa Vang sau một vài năm gần đây, cảm nhận đầu tiên là vẻ sạch đẹp đến ngỡ ngàng của cảnh quan môi trường và sự rộng rãi, thông thoáng của những con đường vốn một thời mưa bùn nắng bụi.

Nhiều cổng làng đã mang lại những nét tươi mới cho bức tranh nông thôn mới Hòa Vang. Ảnh: V.T.L
Nhiều cổng làng đã mang lại những nét tươi mới cho bức tranh nông thôn mới Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

Thay đổi thói quen, nếp nghĩ

Trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), tiêu chí 17 về môi trường đối với Hòa Vang là một trong những tiêu chí “khó gặm” nhất. Vì thế, từ năm 2012, UBND huyện đã xây dựng Đề án thu gom rác thải các xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2015. Địa bàn quá rộng, mật độ dân cư phân bố thấp với địa hình phân cách và chia cắt, chưa có giải pháp đồng bộ và quản lý tổng hợp nên công tác quản lý chất thải rắn vẫn chưa được phân công nhiệm vụ một cách cụ thể. Thêm nữa, khó nhất là người dân địa phương vẫn chưa thoát ra được cái “tính nông dân” của mình.

Ở phố, việc trả tiền cho công nhân thu gom rác không còn là chuyện lạ. Thế nhưng điều này ở quê lại là chuyện râm ran bàn tán từ đầu làng đến cuối xóm. Mỗi tháng 20 nghìn đồng/hộ (trước đây chỉ 15 nghìn), số tiền không lớn nhưng bà con cảm thấy có cái gì đó... không bình thường! Bởi vườn rộng, đồng mênh mông, nông dân chưa có khái niệm môi trường là gì. Lâu nay có bao bì nào được làm từ các loại lá cây là cứ vứt vào chuồng bò, chuồng heo để làm phân. Các loại rác rến khác thì cứ đào hố mà chôn… Chừ bỗng dưng phải tốn tiền hằng tháng thì quả là quá “lạ”. Một thời, cái việc “giải quyết nỗi buồn” của con người được xếp liền ngay sau “quận công”, giờ buộc mọi giá phải làm nhà vệ sinh hợp chuẩn thì hỏi sao không lạ?

Chủ trương của huyện là ba sạch: sạch nhà, sạch bếp, sạch vườn. Hằng tuần các thôn ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường. Các xã cận đô thị sẽ dễ “lây lan” nhận thức bảo vệ môi trường hơn. Năm 2012, hai xã Hòa Tiến và Hòa Châu triển khai mô hình Thôn không rác, sau đó triển khai hiệu quả đến các xã Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương.

Nói về tiêu chí Môi trường, cái khó nhất trong xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành khẳng định: “Thay đổi một thói quen đã hằn sâu trong đời sống nông dân bao đời nay không phải chuyện một sớm một chiều. Nhưng nói thế không có nghĩa là không thay đổi được, bởi người dân nông thôn ngày nay đã hiểu biết khá nhiều về điều kiện, môi trường sống. Những thay đổi tích cực của gia đình đã lan ra ngoài xã hội và tạo nên một diện mạo mới cho NTM”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Bằng khen cho đại diện xã Hòa Tiến, đơn vị đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới ở Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Bằng khen cho đại diện xã Hòa Tiến, đơn vị đầu tiên đạt chuẩn Nông thôn mới ở Đà Nẵng.

Cảnh phố giữa quê

Trong 3 năm qua, với 103 công trình giao thông được thực hiện, toàn huyện đã có thêm gần 53km đường kiệt xóm, gần 2km đường nội đồng và 6 cầu dân sinh. Tất cả các đường giao thông nông thôn trên địa bàn đều được UBND huyện hỗ trợ xi-măng, cát sạn; người dân vận động nhau hiến đất, hiến vật kiến trúc, góp tiền trả công cho công nhân làm đường.

Xã Hòa Khương trong 2 năm qua đã làm trên 20km đường giao thông kiệt hẻm, giao thông nông thôn rộng từ 3,5m đến 7,5m. Trong đó, “ấn tượng” nhất là đường liên thôn La Châu - Hương Lam - thôn 5 - Phước Sơn (dưới chân Đồng Xanh - Đồng Nghệ) dài trên 5km được thành phố và huyện đầu tư gần 24 tỷ đồng trong năm 2014.

Ông Lâm Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, năm 2014 cả xã làm được 17km đường giao thông nông thôn. Những đường liên thôn, liên xã thì UBND huyện hỗ trợ tháo dỡ vật kiến trúc (tường rào, cổng ngõ…), hộ nào có diện tích đất mở rộng đường trên 100m2 thì huyện hỗ trợ 50% giá đất theo quy định. Ông Trần Vệ ở thôn Cẩm Toại Đông hiến trên 150m2 đất vườn để mở rộng đường phía trước nhà mình từ 3,5m lên 7,5m. Tất cả các hộ có nhà dọc hai bên đường đều hiến đất, phá dỡ tường rào cổng ngõ, khi con đường hoàn thành, mọi người xây lại tường rào cổng ngõ cho xứng tầm với con đường mới rộng rãi, khang trang.

Ở xã Hòa Tiến, ông Đặng Nghệ, nguyên trưởng thôn Lệ Sơn 1 (nay đã tách thành Lệ Sơn Bắc và Lệ Sơn Nam), cho biết từ năm 2003 bà con trong thôn đã tự vận động đóng góp xây dựng gần 12km đường bê-tông kiệt hẻm. Từ cuối năm 2009 đến nay, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bà con đã làm thêm 3,5km đường mới nữa và nâng cấp, mở rộng đường cũ đã hư hỏng từ 2,5m lên 3,5m. Đi đầu đóng góp cho công trình giao thông nông thôn này là ông Đặng Văn Giã, Giám đốc Công ty THNH Xây dựng Phương Lập. Ông đưa các loại máy như máy cày, máy múc, máy trộn bê-tông đến cùng người dân làm đường, xây cổng chào.

Do những nghĩa cử trong xây dựng NTM, ông Đặng Văn Giã và ông Trần Vệ đã được UBND thành phố tặng bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2013”.

Những con đường mới đưa người dân gần lại với nhau, ngay cả việc ra đồng xuống giống hay thu hoạch mùa vụ mang về cũng đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thêm vào đó, những công trình văn hóa cũng lần lượt mọc lên, nhấn nhá những nét cọ mềm vào bức tranh NTM.

Hòa Tiến là xã đầu tiên ở Hòa Vang được công nhận đạt NTM, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 1 tỷ đồng, UBND thành phố tặng Bằng khen và 100 triệu đồng. Từ hai nguồn tiền thưởng này, xã cho xây dựng một nhà văn hóa ngay trong khuôn viên trung tâm hành chính xã,  dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Ất Mùi này.

Hòa Tiến giờ như một khu phố giữa cảnh quê. Người dân tự hào về thành tích “đáng nể” của xã mình, còn Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Anh thì lo xa: “Qua 3 năm tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hòa Tiến đã đạt 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên một số tiêu chí đã đạt song vẫn chưa bền vững như thủy lợi, giao thông, vệ sinh môi trường... Không được chủ quan, chỉ khi cả hệ thống chính trị và người dân chung sức chung lòng thì NTM mới thực sự đạt chuẩn một cách bền vững”.

Hai xã Hòa Tiến và Hòa Châu đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới vào cuối năm 2013. Ngày 18-4-2014, tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố”, Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí đã trao Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho 2 xã này, đồng thời giao nhiệm vụ phấn đấu năm 2014 hoàn thành Nông thôn mới tại 3 xã Hòa Phước, Hòa Phong và Hòa Khương.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, trong năm 2014, ngoài 3 xã đăng ký nói trên còn có thêm xã Hòa Phú cũng đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Hòa Phú được Hội đồng thi đua huyện công nhận là đơn vị dẫn đầu 11 xã toàn huyện trong năm 2014.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.