Có người nói, đời sống con người mỗi ngày một khá lên, sao lại phải đắm đuối với những thứ gắn liền với một thời nghèo khó… Phải, không chỉ đắm đuối, tìm về mà mỗi chúng ta còn không được phép quên những tháng năm gian khổ. Vì đó là quá khứ. Nếu không giữ gìn quá khứ thì sẽ không biết trân trọng hiện tại và tương lai…
Zippo là một trong những đồ cũ đang “hot”. Ảnh: PHAN NGUYỆT |
Dừng xe trước một gian hàng đồ cũ nép sát vào mái hiên trên đường Đoàn Thị Điểm. Một người đàn bà của những tháng năm xưa gương mặt điềm nhiên giữa vô vàn những món đồ của quá khứ nhìn khách không một lời mời chào. Dường như cái ồn ã, trả treo quen thuộc của một cái chợ thông thường không có mặt tại đây.
Chủ không mời chào, khách ít trả treo. Có người đến ngắm nghía một lúc rồi bỏ đi sang hàng khác mà không một lời để lại… Thấy chúng tôi ngạc nhiên, người bán hàng cho hay: “Tìm mua đồ cũ như là tìm duyên. Dễ gì mà gặp. Mà đã gặp rồi thì mấy cũng mua cho bằng được, không dễ gì bỏ đi…”.
Quả đúng như vậy, lần đầu tiên tình cờ đến con phố đồ cũ này tại thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã như bị hớp hồn trước như món đồ mà đã lâu lắm rồi mới gặp lại. Nếu như nhà văn Nguyễn Tuân đã ví như cuộc gặp với sông Đà như “gặp lại cố nhân” (tùy bút Người lái đò sông Đà) thì trong buổi sáng mùa đông tình cờ hôm ấy chúng tôi đã gặp lại chính mình của một thời xa lắm!
Dường như hình ảnh của người mẹ xưa đâu đó lẩn khuất trong cái màu vàng nâu xỉn của cái khuôn bánh thuẫn bằng đồng nằm ở một góc gian hàng. Khẽ chạm tay vào, nghe ram ráp, lạnh lạnh truyền vào mạch máu.
Bây giờ, những đứa con gái mẹ không còn ngồi bên bếp lửa, cời than, đổ bánh (ngày trước người ta không gọi làm bánh mà là đổ bánh) mà sử dụng lò nướng hiện đại hay thậm chí chỉ vù một phát ra cửa tiệm là có ngay hàng chục loại bánh thơm ngon.
Đi cùng với chúng tôi là một cô giáo trẻ, thế hệ 8X của cô dù sao cũng ít nhiều vơi bớt những nghèo khổ. Nhưng những món đồ nhuộm màu thời gian cũng làm cô khôn nguôi thổn thức. Cầm cái bật lửa bằng kim loại ánh màu đồng có tên gọi là Zippo, bên này vỏ có đắp nổi hình bản đồ Việt Nam với tên các tỉnh thành, bên kia khắc những dòng chữ tiếng Anh, có nghĩa tiếng Việt là “Việt Nam, Hội An, Hoi An 66-67. Nếu một năm ngắn thành một ngày thì tôi sẽ được về nhà”, cô mê tít.
Hình như đã quá quen với những cảm xúc dâng trào của khách hàng, anh Huỳnh Trung Hiếu, chủ gian hàng thú nhận: “Chiếc bật lửa ni là giả cổ đó nghe…”. Biết vậy, nhưng cô gái vẫn nằng nặc mua cho được chỉ vì một lý do thật đơn giản: “Đọc câu khắc trên bật lửa, tự dưng em như thấy nỗi lòng khắc khoải, nhớ mong được trở về nhà của người lính Mỹ trong chiến tranh trước 1975. Dù chiếc bật lửa là hàng giả nhưng quá khứ là có thật…”.
Phải công nhận rằng, chúng ta đang sống bằng lòng, thỏa mãn với những phương tiện, đồ dùng của thời đại công nghệ. Và chúng ta làm việc, kiếm tiền để phấn đấu cho một cuộc sống chất lượng hơn. Nhưng trong một góc tâm hồn sâu thẳm của mỗi người, quá khứ không dễ gì mất đi, dù đó là những tháng ngày nghèo khổ đến tội nghiệp. Bằng chứng là hằng ngày, trên con phố nhỏ này vẫn có bao nhiêu lặng lẽ đến, ngắm nghía, kiếm tìm những kỷ niệm qua từng món đồ vặt vãnh.
Bà Trần Thị Tuyên, người có thâm niên bán hàng cũ gần 40 năm ở đây cho biết: “Khách đến đây nhiều khi không chỉ để mua hàng, đôi khi chỉ đến để ngắm nghía cho thỏa lòng nhung nhớ. Có người sáng nào cũng ghé ngang qua, khi thì mua chiếc bi-đông, lúc thì mua con dao xếp cũ…”. Có thể đối với người này, những đồ vật ấy không có ý nghĩa gì nhưng đối với người khác là cả trời nhung nhớ. Chúng tôi gọi những người tìm đến con phố nhỏ này là những người tìm mua quá khứ.
Hôm chúng tôi đem chiếc ra-đi-ô cũ hiệu Sony 911 mới tậu ở con phố đồ cũ về nhà, những đứa học trò thuộc thế hệ 9X, 10X đã tò mò đầy hứng khởi. Có đứa bảo, cái đài ni giống cái đài của ông nội em ở nhà. Ông vẫn thường nghe tin tức, ca nhạc và cả mục “Đọc truyện đêm khuya” nữa…
Hôm trước, em lỡ tay làm hỏng, ông giận không nói chuyện nguyên mấy ngày! Ừ, làm sao không giận cho được, khi cái đài cổ lổ sĩ ấy không chỉ là phương tiện mà còn là một người bạn đi suốt hành trình của một đời người. Đó cũng là lý do tôi chọn mua cái ra-đi-ô cũ rích, cái ăng-ten như sắp rụng tới nơi này như một lần tìm về tuổi thơ bé bỏng.
Hồi đó, những năm 1960, khi tôi chào đời thì cha phải đi làm ăn xa. Cha đi làm công thợ may cho một chủ tiệm lớn ở Đà Nẵng. Hằng tuần mới bắt xe đò về nhà một lần. Sợ hai mẹ con tôi buồn, cha dành tiền mua cái đài Sony đời mới (loại 911 được sản xuất năm 1966) gửi về. Chiều chiều ăn cơm xong, mẹ mở cải lương cho cả xóm cùng nghe. Nghe hoài nghe riết đến nỗi trong giấc ngủ tôi đã khóc vì cảnh biệt ly của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, của Lan và Điệp và Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà… Sau này, chiến tranh loạn lạc nhưng mỗi lần chạy giặc, mẹ tôi, tay dắt bầy con, vai mang túi xách chứa đựng một mớ áo quần, đồ lề cá nhân và luôn cả cái đài yêu quý.
Con người là vậy, luôn khao khát vươn tới những gì đẹp nhất cho hiện tại và tương lai nhưng quá khứ luôn là một ngăn xếp đầy ắp kỷ niệm. Thỉnh thoảng, một ngày đẹp trời lại giở ra xem để hoài niệm, để mỉm cười và tự hào rằng: Mình đã sống những ngày như thế! Thành phố Đà Nẵng hôm nay, bên cạnh những con đường tráng lệ, những con phố nguy nga hiện đại vẫn có một góc phố nhỏ, lặng lẽ, thâm sâu, dành cho mỗi người tìm lại thời gian đã trôi qua trong những món đồ xưa cũ…
NHƯ HẠNH