.

Mái nhà cho người lao động

.

Bằng nguồn vốn duy nhất là “sức lao động”, người đạp xe xích lô, kéo xe bò hay hành nghề cửu vạn dường như đã tìm được cho mình mái nhà thứ 2 kể từ khi tham gia vào HTX. Hằng ngày, những HTX này tiến hành các hoạt động kinh doanh, sản xuất như một doanh nghiệp nhưng khác ở chỗ không lấy lợi nhuận làm mục tiêu mà tồn tại với tư cách là một tổ chức trợ giúp, phục vụ bà con.

65 tuổi nhưng ông Mậu vẫn tự hào khoe mỗi tháng kiếm được 1,5 triệu đồng nhờ chiếc xe bò này.
65 tuổi nhưng ông Mậu vẫn tự hào khoe mỗi tháng kiếm được 1,5 triệu đồng nhờ chiếc xe bò này.

Chỗ dựa cho người nghèo

Người hành nghề xích lô tại Đà Nẵng mỗi ngày mỗi ít, tính đến thời điểm này chỉ còn trên dưới 300 người. Cách đây hơn 10 năm, riêng HTX Dịch vụ vận tải (DVVT) xích lô TP Đà Nẵng có hơn 800 thành viên phục vụ nhu cầu đi lại, chuyên chở hàng hóa cho người dân thành phố. Thời điểm ấy, thu nhập của giới đạp xích lô khá ổn định, trung bình mỗi tháng 4-5 triệu đồng. Chiếc xích lô như cần câu cơm, như ân nhân giúp người nghèo ổn định cuộc sống, nuôi dạy con cái nên người. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2003, thời điểm HTX DVVT xích lô TP Đà Nẵng chia tách thành 2 HTX DVVT xích lô quận Thanh Khê và HTX DVVT xích lô quận Hải Châu thì số lượng này bị hao hụt quá nửa do nhiều xã viên muốn tách ra làm riêng hoặc bỏ nghề vì tuổi cao, sức yếu.

Sau 11 năm chia tách, HTX Dịch vụ vận tải xích lô quận Hải Châu gần như không hoạt động. Riêng tại quận Thanh Khê, từ 230 xã viên ban đầu, nay chỉ còn gần 100 người - với độ tuổi trung bình từ 55 đến 65 tuổi, thậm chí có người trên 70- bám trụ với nghề, thu nhập bình quân từ 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ngay cả việc xã viên mỗi năm đóng hơn 100.000 đồng cho tất cả các loại quỹ tương trợ, quỹ tích lũy, quỹ công đoàn, quỹ chữ thập đỏ, quỹ thực hiện chế độ thăm ốm, ma chay hiếu hỉ… cũng trở thành một khoản thu không mấy “nhẹ nhàng” đối với  họ.

Một hai năm trở lại đây, trên các góc phố, ngã chợ hầu như ít thấy bóng dáng xích lô “đứng bến”. Ngay trước “đại bản doanh” của HTX DVVT xích lô quận Thanh Khê cũng ít khi nhìn thấy chiếc xích lô nào đậu đỗ. Mọi giao dịch thông qua điện thoại với “mối” hàng quen là tiểu thương ở chợ do bây giờ người dân chuyển qua đi taxi, xe ôm vì giá cước rẻ, đi lại nhanh chóng. Khó khăn trong cuộc mưu sinh, nhưng theo ông Nguyễn Vinh Em, Giám đốc HTX DVVT xích lô quận Thanh Khê, “họ không thể chuyển đổi ngành nghề, và không thể buông nghề vì buông ra là đói”.

Là người có thâm niên 34 năm trong nghề, nên hơn ai hết, ông hiểu rõ sự bấp bênh, khổ cực, “dựa lưng nhau mà sống” của giới đạp xích lô Đà Nẵng. Những năm gần đây, vào dịp Tết, những người đạp xích lô, xe thồ được thành phố và quận trợ cấp gạo và khoản tiền 300.000 đồng/người, chút quà nhỏ, nhưng thật giàu ý nghĩa với mọi người.

Là một người kéo xe bò từ năm 13 tuổi, ông Nguyễn Phước Mậu (65 tuổi, nhà ở khu vực 3, phường Vĩnh Trung) lại được giao nhiệm vụ làm thủ quỹ cho HTX DVVT xích lô quận Thanh Khê nhiều năm qua. Ông cho biết, việc tham gia HTX đã giúp những người như ông có một mái ấm công đoàn, nơi các thành viên quan tâm, chia sẻ khó khăn, vất vả trong công việc. Thời trai tráng, từ 2 – 3 giờ sáng ông đã lục đục thức dậy kéo xe ra chợ, ai kêu gì chở nấy. Nhờ chăm chỉ làm ăn, ông lấy vợ, sinh 4 con trong đó có 2 con học đại học.

Cách đây 3 năm, sau một đời tiết kiệm cộng vay mượn thêm, ông xây được ngôi nhà 3 tầng trên mảnh đất 55 m2 bố mẹ vợ cho khi vợ chồng ra riêng. Bây giờ, dù tuổi cao, nhưng ông Mậu tự hào khoe mỗi tháng mình vẫn kiếm được 1,5 triệu đồng từ chiếc xe bò. “Sau này, nếu không còn sức để tiếp tục công việc, tôi sẽ giữ lại chiếc xe bò làm kỷ niệm, nhắc nhở con cháu biết sử dụng tiết kiệm vì đồng tiền khó khăn, vất vả lắm mới kiếm được”, ông nói.

Công việc nặng nhọc, vất vả của những thành viên HTX Tam Thuận tại Ga Đà Nẵng. Ảnh T.Y
Công việc nặng nhọc, vất vả của những thành viên HTX Tam Thuận tại Ga Đà Nẵng. Ảnh T.Y

Bám trụ

Bên cạnh một số HTX ăn nên làm ra, đời sống xã viên khấm khá, thu lại lợi nhuận thì một số HTX lấy công làm lời, lấy sức lao động làm vốn kinh doanh như HTX DVVT xích lô Thanh Khê hay HTX Dịch vụ Xếp dỡ hàng hóa Tam Thuận (91 Trần Cao Vân) để duy trì sự tồn tại là nỗ lực không nhỏ của toàn bộ xã viên.

Thời gian đầu giải phóng, Ga Đà Nẵng là đất làm ăn của bao người hành nghề cửu vạn, bốc xếp hàng hóa lên xuống những toa tàu, xảy ra không ít tình huống hỗn tạp, tranh giành, gây mất an ninh trật tự. Đã có hàng trăm, hàng triệu tấn hàng hóa đè nặng lên đôi vai đời cửu vạn, biết bao chiếc áo sờn rách, bao giọt mồ hôi đã rơi. Công việc mang tính thời vụ nên người lao động chủ yếu nhận công việc qua thỏa thuận miệng, khi gặp tai nạn lao động thì họ lãnh đủ, không biết kêu ai. Chưa kể, phải làm việc trong môi trường bụi bặm nhưng tất cả không được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.

Trước những khó khăn đó, năm 2003, hơn 40 cửu vạn làm việc tại đây cùng nhau thành lập HTX Dịch vụ Xếp dỡ hàng hóa Tam Thuận với cổ phần mỗi xã viên đóng vào là 500.000 đồng. Sau hơn 11 năm, số xã viên chỉ còn 12 người, cộng thêm 17 lao động hợp đồng, làm việc theo thời vụ. Ông Cảnh, Phó Giám đốc cho biết, đây là HTX chấp hành quy trình bốc xếp, được cấp phát đầy đủ đồ dùng bảo hộ. Thời gian qua, HTX không để xảy ra trường hợp nào thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh tham gia công việc bốc dỡ hàng hóa hằng ngày tại ga, HTX còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thể dục do thành phố và Ga Đà Nẵng phát động như đóng góp quỹ ủng hộ người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ ủng hộ bão lụt cũng như bốc xếp các toa hàng cứu trợ bão lụt không lấy tiền công.

Dù tạo được một môi trường đoàn kết, chia sẻ khó khăn, vất vả trong cuộc sống nhưng ông Cảnh cũng nói rằng, với thu nhập 2,9 đến 3,2 triệu đồng như hiện nay thì xã viên vẫn khó ổn định cuộc sống. Chưa kể, mục tiêu 100% người lao động tham gia BHXH, BHYT như mục tiêu đề ra của HTX trong Đại hội nhiệm kỳ 2011-2015 vẫn không thực hiện được do đội ngũ xã viên không ổn định, vô ra thất thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái khó tại hai HTX trên cũng là cái khó chung của các HTX hoạt động dưới dạng manh mún, dựa trên sức người lao động, ai làm nấy hưởng, thu nhập thấp, nguồn thu chung cho HTX không đáng kể, quỹ hoạt động chỉ vài ba triệu đồng, không BHYT, BHXH, tồn tại dựa vào nhu cầu hằng ngày của người dân. Nói như ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng, đó là “góc khuất”,  là vấn đề chưa được tháo gỡ trong hoạt động HTX. Mặt khác, thủ lĩnh HTX là lao động phổ thông sẽ hạn chế về trình độ, thời gian lẫn tư duy hoạt động. Nên chăng, muốn mô hình HTX phát triển ổn định và bền vững, tạo thu nhập cho người lao động, rất cần sự định hướng, gợi ý, giúp đỡ từ các cơ quan về chủ trương, chính sách, giúp số đông HTX thoát khỏi tình trạng “gà mù ăn quẩn cối xay” như hiện nay.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.