Thức quà vặt bây giờ không chỉ gói gọn trong chiếc kẹo mút hay vài gói bánh mẹ mua về từ chợ mà mang đủ hương vị chua, cay, ngọt, bùi của vô số món ăn đường phố hấp dẫn, mặn mòi như ốc hút, mít trộn, bò bía, rau cau dừa, bánh tráng kẹp, gạo sữa, yaourt muối, mít lạnh, gỏi bò khô hay thưởng thức ly bơ kem thơm lừng, béo ngậy.
Ăn vặt phải đi đông mới ngon miệng và vui. Ảnh: T.Y |
Xóm yaourt muối
Từ đầu đường Phan Huy Chú kéo dài đến đoạn Nguyễn Thiếp, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà chừng hơn 100m có gần 30 hàng quán vỉa hè nằm sát vách nhau được “tín đồ” ăn quà vặt gọi nôm na là “xóm yaourt muối”.
Lần đầu đến đây, tôi không khỏi ngạc nhiên trước không khí mua bán tấp nập khi từng tốp bạn trẻ dừng xe, chọn cho mình chỗ ngồi ưa thích rồi cùng nhau thưởng thức những món ăn còn nghi ngút khói. Thực đơn ở “xóm” này khá giống nhau, từ mít lạnh, mít trộn, chuối ép, ốc hút, bánh tráng kẹp, cá viên chiên, ram cuốn cải nhưng đặc biệt nhất phải kể đến món yaourt muối, thương hiệu nổi tiếng “kéo chân” thực khách trẻ đến với địa chỉ này.
Ít ai biết rằng, “xóm yaourt muối” bắt đầu từ một quán yaourt nhỏ tên gọi Bốn Mùa do bà Phạm Thị Lợi mở ra năm 1998. Ngày đó, nơi đây là xóm lao động nghèo, hầu hết thuộc diện giải tỏa nên quanh năm hiu vắng người qua lại. Nhà bà Lợi cũng nghèo, con cái nay ốm mai đau, được người bạn bày cho công thức làm yaourt sữa chua đề phòng cảm mạo, bà thử làm và sáng tạo thêm một chút muối để tăng dư vị đậm đà, dịu ngọt nơi đầu lưỡi. Ăn thấy ngon, bà bàn với chồng mở quán yaourt muối, bán kèm món mít lạnh rẻ tiền phục vụ bà con quanh xóm.
Dường như đánh đúng thị hiếu người dân nên công việc buôn bán của bà ngày càng suôn sẻ. Bà Lợi kể, trung bình mỗi lon sữa đặc Cô gái Hà Lan sau khi pha chế được 80 hũ yaourt muối, vào mùa hè, có ngày bà bán hơn 2.000 hũ, mỗi hũ giá 300 đồng. Nhờ đó, bà tích góp về quê Hòa Hải mua đất, sửa được cái nhà, hưởng cuộc sống thanh nhàn nhờ món ăn dân dã đó.
Thấy Bốn Mùa buôn may bán đắt, vài năm sau, lần lượt các quán Cây Bàng, 59, 69, Bằng Lăng, Hoa Mai… mở ra đều buôn bán thành công. Chị Đặng Thị Vân, chủ quán Thanh Vân trên tuyến đường này “bật mí” rằng chị và nhiều chị em khác buôn bán hàng ăn vặt ở đây được bà Lợi nhiệt tình bày công thức làm yaourt và ăn nên làm ra nhờ món ăn giàu dinh dưỡng này. Bởi thế, ở xóm này hiện nay ai cũng yêu quý bà Lợi và xem bà như ân nhân giúp đỡ gia đình mình thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Từ ngày “chết” với cái tên “xóm yaourt muối”, con phố nhỏ tối nào cũng nhộn nhịp khách vào ra, nói cười rôm rả. Họ đến đây không chỉ thưởng thức yaourt muối (nay đã được các quán pha chế thêm hương vị trái cây như dâu, sâm dứa, me, táo, dừa) mà còn ấm nóng, cay nồng cùng món ốc hút, bánh tráng kẹp, hay hít hà vị béo ngậy, thơm phức của món mít trộn, ram cuốn cải, trứng chiên bơ… Chị Vân nói đó cũng là lý do khiến cách đây 2 năm, đang kinh doanh quán nhậu, chị nghỉ ngang để chuyển sang bán hàng ăn vặt và khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn, hợp thời.
Ngoài món yaourt muối nhận được nhiều ngợi khen của thực khách trẻ thì có lẽ, nói như bà Huỳnh Thị Nhung (63 tuổi), một người dân địa phương, đất này hợp phong thủy làm ăn nên “ở trong hẻm khuất cũng có người tìm tới”. Bà Nhung là mẹ chồng chị Vân, từ ngày con dâu mở quán, chiều nào bà cũng ra phụ vợ chồng con gói ram, chiên bánh, lặt rửa rau vì sợ “lỡ khách vào đông hai vợ chồng nó loay hoay không kịp” và “ra đây cười nói vui vẻ với khách hàng chứ ở trong nhà làm chi cho hết ngày”.
Có lẽ chỉ khi nào đến và thưởng thức thứ quà vặt phong phú ở đây, bạn mới lý giải được vì sao những hàng quán vỉa hè tạm bợ, căng bạt chiếm trọn vỉa hè bên phải một đoạn đường Phan Huy Chú, Nguyễn Thiếp, lấn vào phần đất bỏ hoang chưa xây dựng lại trở thành điểm ẩm thực khó cưỡng đến thế.
Phong trào ăn vặt
Từ một số món ăn đường phố quen thuộc với giới trẻ Đà thành như ốc hút, mít trộn, đến nay thực đơn ăn vặt tại đây khá phong phú, du nhập nhiều món ngon các vùng miền khác như càng ghẹ rang muối, ram bắp, bánh trán trộn, yaourt nếp cẩm hay bò bía…
Theo chân bạn Thanh Viên, sinh viên năm cuối khoa Quản trị Marketing, ĐH Kinh tế dạo một vòng các hàng quán đang mọc lên như nấm ở Đà Nẵng giúp tôi khẳng định rằng, ăn vặt đang trở thành trào lưu ẩm thực của giới trẻ và hình ảnh “tín đồ” nam đã không còn ngần ngại khi ngồi giữa chợ vừa thưởng thức món ngon, vừa buôn chuyện với bạn bè.
“Cảm giác lội chợ ăn hàng khá vui vì hàng thường nằm trên lối đi đông đúc. Nếu đến đúng lúc quán đông khách phải chịu khó đứng đợi, hễ thấy khách nào đứng lên là chạy lại ngồi ngay dành chỗ. Rắc rối vậy nhưng chẳng ai nỡ bỏ đi khi nhìn vào đĩa ốc được điểm xuyết màu đỏ của ớt, màu xanh của sả và màu trắng của sợi đu đủ bào chua ngọt phủ đều lên trên, tất cả quyện vào nhau tạo thành món ngon khó cưỡng”, Thanh Viên vui vẻ nói.
Một đồng nghiệp của tôi cũng từng miêu tả rất chi tiết, sinh động câu chuyện “ăn vặt ở chợ Cồn”, một địa chỉ quen thuộc trong lòng người dân Đà Nẵng rằng “hình như cứ phải ngồi trong không gian nhỏ hẹp, đông đúc thì mới cảm nhận hết cái thi vị của món ăn. Càng tạm bợ lại càng ngon”. Ở chợ Cồn “hàng chen hàng, mẹt chen mẹt, chật chội và xập xệ nhưng khách vẫn đông đúc tấp nập. Ăn trong vội vàng, hối thúc, sốt sắng nhưng hầu hết khách hàng đều kiên nhẫn đứng đợi đến lượt mình”.
Dù không đông đúc, chen lấn như chợ Cồn, nhưng với sinh viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng thì chợ Bắc Mỹ An cũng hấp dẫn không kém với hai món quà vặt là ốc và kem bơ. Hai quán nằm cạnh nhau trong một góc chợ như thể ăn xong món ốc cay, mặn, đậm đà là phải ngay lập tức thưởng thức thêm ly kem bơ mát lạnh, ăn đến đâu cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi đến đó.
Thật khó để nói hết những món ăn vặt đã trở thành quen thuộc với giới trẻ Đà Nẵng nhiều năm qua. Đó cũng có thể là kem, nước ép trái cây, me xào, cá khô, mực khô rim, cóc xoài dầm… Thú đi ăn vặt không thể đi một mình, nên mỗi lần bạn bè kéo nhau đi ăn là mỗi lần vui, mỗi lần xôm tụ.
Như bản thân tôi, vốn không phải “tín đồ” hảo ngọt nên mỗi khi cùng bạn vào quán chè, tôi thường gọi cho mình ly xoa xoa hạt lựu hoặc tự thưởng ly chè sâm bổ lượng, loại thức uống có công thức từ rong biển thái sợi, thạch đông sương (thạch trắng), hạt sen, củ sen, táo tàu, nhãn khô, đậu xanh hầm mềm được trộn chung với nhau trong nước đường phèn thanh ngọt. Thêm chút đá bào, món này rất thích hợp với người ăn kiêng vì ít ngọt lại thanh mát, tròn vị.
Cũng giống như Sài Gòn, Đà Nẵng là nơi hội tụ những món ngon 3 miền trong sự dung hòa và phát triển, tạo nên bức tranh ẩm thực đường phố đa màu sắc, đa khẩu vị cho riêng mình.
TIỂU YẾN