.

Dâu của làng

.

Khi biết tôi đến gặp để viết về những nàng dâu của làng, hầu hết các chị đều xua tay từ chối sau nụ cười thật hiền cùng lý do mình chẳng hơn ai…

Ngày còn khỏe, mỗi khi giỗ hội đình làng, bà Quỳ xắn tay giúp chồng đi chợ mua sắm mâm lễ rất chu đáo.
Ngày còn khỏe, mỗi khi giỗ hội đình làng, bà Quỳ xắn tay giúp chồng đi chợ mua sắm mâm lễ rất chu đáo.

Dù qua câu chuyện đầu năm, tôi hình dung dưới nếp nhà ấm cúng ấy là bàn tay các chị tảo tần thu vén, gánh vác gia nương nhà chồng, quán xuyến việc giỗ chạp, làm tròn bổn phận dâu con cũng như nuôi dạy con cái ăn học nên người.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Bánh khô mè Cẩm Lệ một thời được gọi là bánh khô khổ hay bánh bảy lửa do một phụ nữ họ Huỳnh ở làng Thị An, xã Hòa Lân, huyện Hòa Vang xưa (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) làm ra như một thứ “lương khô” chuẩn bị cho chồng lên kinh ứng thí. Cơ duyên đưa đẩy, gần 70 năm trước, bà Phan Thị Nhẫn (đã mất) người làng Cẩm Lệ về đất Thị An làm dâu nhà họ Huỳnh, theo nếp nhà chồng thường xuyên làm bánh bảy lửa, riết thành quen tay. Cuộc sống gia đình đang hòa thuận êm ấm thì tai họa ập đến bất ngờ khi năm 1963, người chồng mất để lại cho bà một nách 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Ba sáu tuổi một mình gồng gánh không xuể, bà xin phép nhà chồng đưa các con tản cư về lại quê nhà Cẩm Lệ, kiếm sống bằng gánh bánh bèo rao bán quanh xóm.

Cuộc sống làng quê ngày đó còn khổ cực nên gánh bánh bèo của bà Nhẫn thường rơi vào cảnh ế. Thương đàn con đói khát, bà Nhẫn nhớ lại công thức làm bánh khô mè đã học được từ nhà chồng nên bắt tay vào làm, phần để con no bụng, phần bán lại cho người dân. Như bao món ăn dân dã khác, ăn mãi thành ghiền, thành thân thuộc nên sau nhiều năm gắn bó, bánh khô mè của gia đình bà Nhẫn được người dân địa phương đón nhận. Tuổi về già, bà quyết định truyền nghề cho con gái đầu là Huỳnh Thị Điểu (tên thường gọi là Liễu), người sau này phát triển thương hiệu “Khô mè bà Liễu” lọt vào top 10 bánh, quà tặng nổi tiếng do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn năm 2012 và con gái kế Huỳnh Thị Điệu lận lưng nghề làm bánh theo chồng về thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến với nhãn hiệu “Khô mè bà Điểu”.

Chẳng rõ dân gian có ngụ ý gì khi đặt tên loại bánh này là khô khổ, nhưng tròn 30 năm về làm dâu út, sống chung một nhà đến khi bà Nhẫn mất – đầu năm 2014, chị Ngô Thị Thuận đúc kết rằng đó là loại bánh khô làm qua nhiều công đoạn rất khổ cực. Chị nói lúc mới về nhà chồng, hầu như ngày nào cũng đầu tắt mặt tối cùng mẹ chồng dưới gian bếp sau nhà.

Ở đó, mẹ chồng ân cần bày cho chị cách chọn gạo, vo sạch để ráo nước đem giã mịn thành bột, sau đó xú nước trộn đều, nhồi thành từng mảng bột bám dính vào nhau, ray xuống khuôn ấn chặt mang đi hấp chờ đến khi bột chín. Bấy giờ hai mẹ con sẽ tháo khuôn, đưa ra sấy trên lửa than dịu cho bánh ráo rồi chuyển tiếp sang bếp than có nhiệt độ cao hơn, canh trở cho bánh vàng đều hai mặt. Khi các mẻ bánh đã chín vàng, chị đun lửa rang mè, nấu nước đường đóng keo đặc sánh để thực hiện công đoạn cuối cùng là nhúng bánh khô vào lớp keo đường sau đó phủ mè bao quanh.

Mẹ chồng tên Nhẫn nên chị Thuận cũng học từ bà đức tính kiên nhẫn khi làm bánh, chị chăm chút từ hạt gạo giã thành bột, đổ khuôn đến ngọn lửa “thắng” nước đường, rang mè sao cho vừa chín tới để bánh đạt được độ dẻo thơm. Từ ngày làm dâu, rất ít khi chị có được giấc ngủ ngon. Hết thức khuya dậy sớm làm bánh, đạp xe đi bỏ mối xa hàng chục cây số đến  tìm mối hàng quảng bá, gìn giữ thương hiệu “Khô mè Bà Liễu Mẹ”, bảo đảm công việc và thu nhập cho 15 lao động trong vùng. Chị nói, đó là cách chị nhớ ơn người mẹ đã tạo cho vợ chồng chị một cái nghề để ổn định cuộc sống.

Nghề làm bánh khô mè của gia đình chồng đã gắn bó với chị Thuận(bìa trái) 30 năm nay.  Ảnh: T.Y
Nghề làm bánh khô mè của gia đình chồng đã gắn bó với chị Thuận(bìa trái) 30 năm nay. Ảnh: T.Y

Lạt mềm buột chặt

Những ngày đầu năm về làng cổ Túy Loan, xã Hòa Phong tôi nghe người dân dành lời khen cho Chủ hội làng Đặng Công Nhơn (79 tuổi) một thì khen bà vợ Lâm Thị Quỳ của ông mười. Từ thời thanh niên chưa vợ, ông đã “dính” vô việc xóm việc làng, hết đá bóng, thể thao đến văn nghệ, hát hò. Mong giữ chân cậu trai ở nhà, mẹ ông sang làng Cẩm Toại cưới về một nàng dâu xinh xắn, nhưng Đặng Công Nhơn cũng chỉ ở nhà được dăm bữa nửa tháng thì buồn bực tay chân nên lại tích cực tham gia các hoạt động phong trào.

Năm 62 tuổi, ông được dân làng tín nhiệm bầu giữ chức Hội Chủ làng và làm tròn bổn phận với làng từ đó đến nay. Mười bảy năm, hầu như ngày nào người ta cũng thấy ông Nhơn có mặt tại Đình làng Túy Loan, lúc vác cuốc xới cỏ trồng rau, lúc cầm chổi quét quanh sân đình, lúc lại quét mạng nhện, lau sạch bàn ghế… Ấy vậy mà vợ con ở nhà chẳng khi nào thấy ông cầm đến chổi. Có người chọc nói ông không thương vợ con nên mới thế, bà Quỳ cười giòn “ổng đi hoạt động phong trào cho xã, cho thôn chứ đâu có đi chơi. Ổng coi việc thờ cúng trong dòng tộc, làng xóm là quan trọng, như thế thì tôi nên mừng chứ lo lắng làm gì”. Ngày còn khỏe, mỗi khi giỗ hội đình làng, bà Quỳ xoắn tay giúp chồng đi chợ mua sắm mâm lễ rất chu đáo, chưa bao giờ than vãn dù ông liên tục đi sớm về hôm, để việc nhà một tay bà quán xuyến.

 “Nhiều năm nay ổng thường về nhà ăn cái rồi đi liền. Giữ các chức sắc quan trọng trong làng nên thường được người dân mời tới nhà mỗi khi giỗ chạp hay ma chay hương khói. Nội cái chuyện giặt giũ áo dài, khăn đóng cho ổng thôi cũng đủ mệt”, bà Quỳ vừa nói vừa quay sang chồng cười thật hiền. Đáp lại ánh mắt mang nhiều yêu thương, trìu mến của vợ, ông Nhơn cười nói “nhờ bả rứa nên tôi mới rảnh rang việc nhà để lo việc xã hội. Con cái lớn lên, một tay bả lo dựng vợ gả chồng. Thời trai trẻ, nhiều lúc đi văn nghệ cũng “say nắng” người này người kia nhưng nghĩ vợ mình tần tảo sớm hôm, tin tưởng, yêu chiều chồng như thế ai nỡ làm gì sai để bả buồn, tội lắm”.

Gìn giữ nếp nhà

Từ quê nhà Quế Sơn (Quảng Nam), năm 1979, cô giáo trẻ Tô Thị Minh Tuấn theo chồng về làm dâu trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang. Cũng như nhiều chị em thời kỳ đó, bà Tuấn từng học qua lớp Nữ công gia chánh nên khéo léo trong việc may vá, nấu ăn, chăm sóc gia đình, vườn tược.

Bà kể, ngày xưa bà được mẹ dạy rằng về làm dâu một nhà là làm dâu cả họ. Bổn phận dâu trưởng buộc những ngày giỗ chạp, người con dâu như bà phải quán xuyến chuyện bếp núc để mâm cổ làm ra không thừa không thiếu. Nói thì nghe dễ nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy sự vất vả cùng khả năng “tề gia” tuyệt vời của bà Tuấn. Mỗi năm, gia đình chồng tổ chức 3 giỗ lớn, mỗi đám từ 15 đến 17 mâm; dịp chạp mả hằng năm con cháu về dự đông đến 70-80 mâm… Mỗi khi như vậy, bà bàn bạc với chị em dâu con trong nhà chọn món, mua sắm nguyên liệu phù hợp. Từ hai, ba ngày trước giỗ bà đi chợ đặt trước một số mặt hàng khô, rau màu, gia vị để khỏi quên trong quá trình nấu nướng.

Trọn một đời vun vén, gìn giữ, gánh vác gia nương nhà chồng nhưng chưa bao giờ bà Tiến mảy may so bì mà luôn xem đó là hiếu đạo làm vợ, làm dâu. Chưa kể, vợ chồng bà là anh cả, lại công tác trong ngành giáo dục nên càng phải ý thức trong việc nuôi dạy con cái ăn học nên người. Trong 4 người con của bà thì có đến 3 tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, trong đó con thứ Nguyễn Đình Tâm (1982) hiện là Tiến sĩ ngành Dầu khí đang công tác tại ĐH Quốc gia Singapore (NUS).

Hầu hết những người phụ nữ kể trên đều tự hào mà rằng, sau nhiều gắn bó thì tình cảm từ phía gia đình chồng cũng như sự trưởng thành của con cái là phần thưởng tinh thần vô giá cho sự cố gắng của mỗi nàng dâu sống dưới mỗi nếp nhà.

Năm 2013, lần đầu tiên dòng họ Lương ở thôn Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ tôn vinh nàng dâu. Trong số 165 người phụ nữ được tôn vinh làm rạng danh dòng họ, người ít nhất đã làm dâu 30 năm và cao nhất là 75 năm. Mỗi nàng dâu được tặng bằng khen của Trưởng ban liên lạc họ Lương Việt Nam cùng một bộ áo thọ. Để ghi nhớ công ơn của những người phụ nữ “làm dâu một nhà – làm dâu cả họ”, họ Lương quyết định lấy ngày giỗ tổ dòng họ là ngày 12-8 ÂL để vinh danh nàng dâu. Đây thực sự là một sự kiện ý nghĩa, không chỉ tôn vinh công lao của người phụ nữ trong xã hội hiện đại mà còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống dưới mỗi nếp nhà.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.