.

Hương vị quê nhà trên... đầu lưỡi

.

Thức ăn đường phố (TĂĐP), sau khi “sàng lọc” qua không gian và thời gian, vẫn tồn tại và trở nên thông dụng trên khắp thế giới, ngay cả ở những thành phố hoa lệ của trời Âu, đất Mỹ.

Mùa đông, hải sản nướng hay nông sản nướng cũng đều đọng lại hương vị quê nhà trên đầu lưỡi. Ảnh: V.T.L
Mùa đông, hải sản nướng hay nông sản nướng cũng đều đọng lại hương vị quê nhà trên đầu lưỡi. Ảnh: V.T.L

1. Lang thang trên Internet thì gặp cái clip “Quảng cáo món ăn đường phố Đà Nẵng” tại địa chỉ www.youtube.com/watch?v=zbA9xXbeUes, tuy chỉ dài hơn 1 phút nhưng có hình ảnh bắt mắt với lời giới thiệu bằng tiếng Anh, tạm dịch như sau:

“Một mùa hè nữa (clip được xuất bản ngày 22-04-2013 – NV) đang đến với Đà Nẵng - một thành phố biển xinh đẹp ở miền Trung của Việt Nam, nơi dân số nhỏ nhưng sức hút lớn! Nếu bạn di chuyển ở đây trong suốt mùa hè, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm ân sủng của người Mẹ Thiên nhiên ban cho vùng đất này. Nơi đây thời tiết tuyệt vời, hệ sinh thái đa dạng, môi trường tươi mới và đặc biệt là truyền thống ẩm thực hết chỗ chê. Nói về thực phẩm Đà Nẵng, nếu bạn chỉ đề cập hải sản hoặc các nhà hàng cao cấp tại trung tâm mua sắm là bạn đã bỏ lỡ một phần phổ biến, không chính thức nhưng siêu quyến rũ và nổi bật của thành phố này: Thức ăn đường phố!”.

Nói về những món ngon đường phố hàng đầu ở Đà Nẵng, giới sành ăn kể ra: Mì Quảng, bánh mì gà, ốc hút, bánh tráng thịt heo, chè xoa xoa hạt lựu, bánh căn, bánh xèo, tàu hũ cốc-tai… Tất nhiên thứ tự này chỉ có tính cách tượng trưng chứ không hẳn món nào xếp trước là có “ngôi vị” cao hơn, bởi ẩm thực còn là cảm nhận riêng của mỗi người, mỗi giới.

2. Món tàu hũ (miền Trung gọi là đậu hũ), tuy cũng được làm từ đậu nành như các nơi, nhưng ở Đà Nẵng có độ đậm đặc, mịn và kết dính cao hơn, khi đổ ra đĩa không vỡ nát. Tùy theo sở thích của khách mà chủ tiệm gia giảm thêm đá và các hương vị khác như sô-cô-la, sầu riêng hay cốc-tai (hỗn hợp trái cây trộn cùng xi-rô)… Múc từng thìa tàu hũ nhỏ đưa vào miệng, sẽ cảm nhận rõ rệt được vị thơm, bùi, béo, mịn của đậu nành hòa chung vị ngọt của đường.

Bánh mì gà Đà Nẵng được giới sành ăn “bỏ phiếu” là một trong những loại bánh mì phá cách nhất tại Việt Nam, không dài theo kiểu bánh mì Pháp thường thấy, mà tròn theo kiểu bánh hamburger kẹp. Gọi thế, không phải vì có thịt gà trong bánh mì mà vì cái ngon của xốt trứng gà. Sau khi phết một lớp xốt trứng gà màu trắng đục, người ta quệt một ít tương ớt cay cay, mặn mặn, chan thêm một chút xì dầu, bỏ thêm vài lát dưa leo, đu đủ thái sợi nhỏ, thịt chà bông lên trên. Cuối cùng, đặt bánh vào bếp than nướng cho xốt trứng gà tan đều ra và ăn ngay lúc nóng mới “đúng bài”.

3. TĂĐP, theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng.

Thế nhưng, một số người lại quá khắt khe khi cho rằng TĂĐP làm cho gương mặt của phố thị trở nên “méo mó”. Với những người khó tính này, giữa một không gian phố xinh nhà đẹp khó có thể chấp nhận một dạng ăn uống mang tính “đường phố” rặt chất quê mùa như thế. Họ đưa ra một loạt các dẫn chứng như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mất cảnh quan đô thị, ảnh hưởng môi trường… cụ thể là rác rến ngập đường sau những lần thi trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng.

Họ, những người có cái nhìn thiếu lạc quan, quên một điều rằng, hầu hết TĂĐP là các món ăn nhanh phục vụ tại chỗ với chi phí ít hơn so với nhà hàng. Nhanh chóng, tiện lợi, giá cả phải chăng… nên TĂĐP có sức cạnh tranh cao và được tiêu thụ với số lượng lớn. Một thành phố du lịch như Đà Nẵng sẽ ra sao nếu vắng bóng TĂĐP? Còn việc xả rác ở các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế là do ý thức của người xem. Một phần do tuyên truyền, một phần do thấy hậu quả việc làm của mình quá “khủng” nên khán giả đã đắn đo khi vứt rác bừa bãi; những lần thi sau đã ít rác hơn lần trước.

4. Nói về tính nhanh chóng, tiện lợi, giá cả phải chăng của TĂĐP, có thể kể đến món “Xôi làng Việt” vừa mới ra đời cuối tháng 5-2014 với phong cách lạ mà quen tại Đà Nẵng. Người có ý tưởng đưa món ăn đậm nét chân quê này ra thị trường là Mai Văn Tài, chỉ mới bước qua tuổi 25. Gốc người Hội An, sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, thời còn học phổ thông Tài tới trường lúc nào cũng ôm theo gói xôi bọc lá chuối của bà bán xôi bên góc phố. Mỗi lần về quê nội, vẻ dân dã của ẩm thực phố cổ càng làm cho cậu bé thêm yêu cái món ăn theo mình trên đường phố mỗi ngày.

Tài chia sẻ “nỗi niềm ăn uống” với 3 người bạn, tất cả đều thống nhất “khôi phục” món ăn xưa và lấy tên là “Xôi làng Việt”, xôi gói lá chuối bằng bàn tay và nụ cười của các cô gái trẻ, giá ban đầu mỗi gói chỉ 12 nghìn đồng. Khách đến các địa chỉ 58 Nguyễn Duy Hiệu, 22 Bà Huyện Thanh Quan, 59 Nguyễn Thị Minh Khai sẽ có dịp thưởng thức gà ta thơm ngon, lá chuối mượt mềm, nụ cười lúng liếng… tất cả thể hiện văn hóa ẩm thực xưa giữa phố phường hiện đại.

Bốn bạn trẻ xác định năm đầu tiên là “trụ” thị trường bằng cách mở rộng nhiều điểm cho khách biết đến mình. Trên bảng hiệu “Xôi đây”, các bạn giới thiệu cả địa chỉ Facebook lẫn email để khách tiện góp ý, phê bình, nhất là các bạn trẻ. Trong năm 2015 sẽ mở thêm 7 điểm nữa trên các quận nội thành, trước mắt là 2 điểm ở đường Đống Đa và Nguyễn Công Trứ. Ngoài ra, sẽ có một cửa hàng chính để xây dựng và phát triển “Xôi làng Việt” thành một thương hiệu riêng của ẩm thực Đà Nẵng.

5. TĂĐP, sau khi “sàng lọc” qua không gian và thời gian, vẫn tồn tại và trở nên thông dụng trên khắp thế giới, ngay cả ở những thành phố hoa lệ của trời Âu, đất Mỹ. Hơn thế, TĂĐP đôi khi còn được nâng tầm thành văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia qua một số đặc sản.

Hà Nội băm sáu phố phường, nay có một nhà hàng Việt Nam mang tên “Phố Ngon 37 (Món ăn đường phố)” trên tầng 5 tòa nhà Indochina (IPH), 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày 20-11-2014, Phố Ngon 37 đã dành tặng các thầy cô giáo một món quà ý nghĩa đó là ưu đãi giảm giá 10% đồ ăn và tặng bánh lá dứa thơm miền Tây Nam Bộ khi dùng bữa tại đây.

Thế mới biết, trong chuyện ăn uống thì đặc sản vùng miền luôn được thực khách đặt vào một vị trí xứng đáng mà không qua bất cứ một ban giám khảo nào. Như món hải sản nướng hay nông sản nướng được chọn trong ngày đông bởi cả hai đều đọng lại hương vị quê nhà trên đầu lưỡi. Hay chiếc bánh mì kẹp thịt (còn gọi là bánh mì Sài Gòn), một món ăn đường phố của Việt Nam, do quá nổi tiếng mà đã được giới sành ăn cấp “giấy thông hành” qua Campuchia và vào danh sách các loại bánh mì trên thế giới.

Hội nghị Thế giới về ẩm thực đường phố (World Street Food Congress – WSFC) tháng 6-2013 đã đặt vấn đề: Phải chăng ẩm thực đường phố đang biến mất dần trên nhiều nước? Có thể lắm là câu trả lời của các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực ẩm thực. Với Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, tuy chưa có một đánh giá cụ thể nào, nhưng qua thực tế diễn ra, có thể khẳng định một cách lạc quan rằng, món ăn đường phố đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình: giữ lại hương vị quê nhà trên đầu lưỡi như một phần nét văn hóa truyền thống vùng miền để “mềm hóa” sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hiện đại.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.