.

Những "điểm cộng" ở Đà Nẵng

.

Nhiều người Đà Nẵng chia sẻ rằng họ rất tự hào về thành phố sau khi đọc hoặc nghe những nhận xét chân thành từ bạn bè gần xa.

Anh Trần Viết Hùng bơm xe đạp miễn phí cho một học sinh.Ảnh: T.Y
Anh Trần Viết Hùng bơm xe đạp miễn phí cho một học sinh.Ảnh: T.Y

Đà Nẵng trong lòng người phương xa

Đà Nẵng ghi điểm trong lòng du khách bằng những điều bình thường trong cách ứng xử hằng ngày, hằng giờ của người dân thành phố. Như cách đây hơn 2 năm, một diễn đàn chia sẻ câu chuyện “lạ” về cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng: “Một buổi sáng cuối tháng 8, nhóm chúng tôi từ ngoại tỉnh vào Đà Nẵng bằng ô-tô của cơ quan. Khi vào thành phố, người lái xe do không thuộc đường nên đi vào đường cấm và bị CSGT yêu cầu dừng xe.

Tuy nhiên, CSGT Đà Nẵng không những không xử phạt mà còn tận tình chỉ dẫn cho lái xe đi đúng tuyến đường trong thành phố. Câu chuyện lạ lùng này đã nhanh chóng tạo nên cuộc thảo luận sôi nổi của chúng tôi trong chuyến đi này. Đặc biệt, nhiều người đã từng tiếp xúc với CSGT Đà Nẵng đều xác nhận rằng lực lượng CSGT thành phố này rất lịch sự với người tham gia giao thông”.

Cũng trong thời gian này, nhiều bạn đọc gửi thư về tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhà hàng cũng như sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử thì độc giả Trà Giang lại chia sẻ chuyến du lịch đáng nhớ của mình tại Đà Nẵng.

Ở đó, chị không phải lo lắng nạn trộm cắp, yên tâm để đồ đạc trên bờ rồi xuống tắm biển hay chuyện chị để quên túi máy ảnh và 2 chiếc điện thoại trên xe xích lô sau đó được nhận lại trong sự... bất ngờ khiến chị càng thêm ấn tượng về thái độ phục vụ khách chân thành, chu đáo ở thành phố này.

Câu chuyện của Trà Giang sau đó được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trích đăng nguyên văn và nhận thêm nhiều ý kiến chia sẻ, đồng tình từ độc giả khắp cả nước. Tuy nhiên ít ai biết rằng, những câu chuyện gây ấn tượng đẹp với người phương xa lại rất quen thuộc trong cách ứng xử hằng ngày của người dân Đà Nẵng.

Anh Nguyễn Đức Vũ, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết thời gian qua đơn vị nhận được nhiều thư cảm ơn và những phản hồi tích cực từ phía du khách. Ngoài tình hình an ninh, trật tự bãi biển được đảm bảo, du khách cũng rất yên tâm khi nhìn thấy tất cả bảng hiệu kinh doanh đều ghi lại thông tin giá cả và số điện thoại đường dây nóng nên hiếm khi có tình trạng chặt chém xảy ra.

Đặc biệt, ngoài vai trò là kênh thông tin tuyên truyền, hệ thống loa phát thanh trên bãi biển còn giúp những ông bố, bà mẹ tìm thấy đứa con thất lạc của mình trong quá trình vui chơi trên bãi biển. Có thể nói những điều quen thuộc trên đã góp phần xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến thân thiện, gần gũi và đẹp hơn trong lòng du khách.

Cho một khởi đầu mới

Có những điều tưởng chừng rất quen thuộc trong lối ứng xử của người dân Đà Nẵng như việc làm thiện nguyện, nhiệt tình hướng dẫn đường đi, bình ổn giá cả mùa lễ hội, trên phố không xuất hiện người lang thang xin ăn hay tính cách thân thiện, cởi mở khi trò chuyện lại trở thành điểm cộng trong lòng người dân cả nước.

Hoặc đó có thể là lối sống đẹp của người dân như trường hợp ông Trần Viết Hùng (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) với tấm bảng trước tiệm bơm vá xe: “Học sinh, người tàn tật: miễn phí” nằm ngay ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập gây thiện cảm cho nhiều người đi đường. Hành nghề bơm vá từ 10 năm trước, dù công việc lúc có lúc không nhưng ông Hùng thường xuyên sửa xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật.

“Mấy đứa học sinh nớ cũng như con mình, ba mẹ cho mấy đồng ăn sáng nên lỡ hư xe phải dắt bộ về nhà vì không có tiền. Lúc đầu thấy đứa nào dắt xe đi ngang qua thì tôi ra ngoắt vào, nói chú làm không lấy tiền công vậy mà có đứa lí nhí “cháu định vào nhờ chú làm rồi mai mốt cháu xin tiền mẹ mang ra trả chú sau. Nghe tụi nhỏ nói vậy ai không thương. Còn người tàn tật, vất vả kiếm đồng tiền từ việc bán vé số, mình không có tiền mua giúp họ thì thôi chớ ai nỡ lấy tiền công của họ”, ông Hùng cho hay.

Được biết, gia đình ông Hùng từng có tên trong danh sách hộ nghèo ở địa phương, thu nhập lúc có lúc không nhưng cách sống tử tế, sống vì cộng đồng của ông khiến nhiều người nể phục và yêu mến.

Có thể chủ nhân của những câu chuyện kể trên cũng không hề nghĩ rằng, họ chính là những người âm thầm góp phần dựng xây nên thương hiệu về một thành phố thân thiện, đáng sống.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đến các cán bộ làm công tác quản lý trên địa bàn thành phố vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc xây dựng con người Đà Nẵng có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị sẽ khó khăn nên đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn dân phải kiên trì thực hiện, kiên trì phấn đấu.

Đây thực sự là một khởi đầu, tuy chậm nhưng vô cùng cần thiết. Hy vọng, từ sự khởi đầu này, Đà Nẵng sẽ ngày càng đẹp dần lên trong mắt bạn bè.

Nhiều người Đà Nẵng chia sẻ rằng họ rất tự hào về thành phố sau khi đọc hoặc nghe những nhận xét chân thành từ bạn bè gần xa. Còn với tôi, sau những câu chuyện ấy lại càng yêu những ca từ ngọt ngào “có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình” bởi khi ở một nơi đong đầy nghĩa tình như thế, mỗi người sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc cho riêng mình.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.