.

Những người làm đẹp thành phố

.

Những ngày này, công nhân áo xanh tỏa ra khắp các dải phân cách, đảo giao thông toàn thành phố trồng thêm hoa, thay cây chết khô, dặm cây “suy dinh dưỡng”.

Chăm sóc thảm cỏ, bồn hoa trước Tết trên dải phân cách đường 30 tháng 4. Ảnh: V.T.L
Chăm sóc thảm cỏ, bồn hoa trước Tết trên dải phân cách đường 30 tháng 4. Ảnh: V.T.L

Nói chung, ngày thường vốn đã giữ cho xanh sạch đẹp rồi, ngày Tết cần phải chăm chút hơn để khách du xuân cảm thấy cái gì cũng đẹp, cũng nên thơ.

Những người làm đẹp đường phố Đà Nẵng cần được cộng đồng ghi nhận và biết ơn, đầu tiên phải kể đến những người hằng ngày làm sạch đường phố. Trưa hè nóng bức hay đêm đông gió rét, hết ngày dài lại đêm thâu, họ - mà đa phần là phụ nữ - miệt mài lao động trên khắp các phố phường và quét sạch rác rưởi ven đường với cây chổi cầm tay và với cả đôi tay. Tất nhiên không thể không nhắc đến những người đi theo xe vệ sinh thu gom rác và cả những người xử lý rác ở Khánh Sơn…

Tất cả đều hướng đến một cái đích chung là làm sạch đường phố, cũng chính là làm đẹp đường phố. Có điều đường phố Đà Nẵng đang sạch/đang đẹp sẽ sạch hơn/đẹp hơn nếu ngày nào đó trên đường phố không còn rác để mà dùng chổi quét, mà dùng tay nhặt, bởi mọi thứ rác thải trước khi xe đến thu gom đều được người dân Đà Nẵng cẩn thận bỏ vào thùng rác, thậm chí cẩn thận bỏ vào từng loại thùng rác khác nhau. Cái ngày ấy chắc rồi sẽ đến với một thành phố đang phấn đấu vươn lên đáng sống, đang chuyển từ nhận thức rác chỉ là rác sang nhận thức rác là tài nguyên như Đà Nẵng của chúng ta...

Những người làm đẹp đường phố Đà Nẵng cần được cộng đồng ghi nhận và biết ơn, thứ nhì phải kể đến những người hằng ngày làm xanh đường phố. Và không chỉ làm xanh, họ còn làm vàng hoa cúc, làm đỏ hoa phượng, làm tím hoa bằng lăng… nghĩa là làm đẹp đường phố với bao nhiêu màu sắc cùng với nghệ thuật sắp đặt. Cây kéo cùng vòi nước trên tay, họ chăm chút tỉa cành, nâng niu tỉa lá, họ tưới tắm cho những cây, những hoa trồng trên các dải phân cách hoặc trên các lề đường.

Công ty của những người hằng ngày làm xanh đường phố có tên là Công viên - Cây xanh, cho thấy không gian lao động vừa kỹ thuật vừa nghệ thuật của họ chính là hàng trăm chỗ trồng hoa và trồng cây trong thành phố. Tất nhiên người Đà Nẵng luôn mong muốn quê hương mình ngày càng có thêm nhiều chỗ trồng hoa và trồng cây, để thành phố bên sông Hàn đang xanh/đang đẹp sẽ xanh hơn/đẹp hơn - và sẽ xanh hơn nữa/đẹp hơn nữa nếu những người dân sống ở mặt tiền các đường phố cũng góp phần chăm chút cho hoa cho cây trồng trước mặt nhà giống như chăm chút cho hoa cho cây trồng trong vườn nhà.

Những người làm đẹp đường phố Đà Nẵng cần được cộng đồng ghi nhận và biết ơn, thứ ba phải kể đến những người hằng ngày tham gia giao thông một cách an toàn trên đường phố. Những con đường sạch không vương vãi rác là những đường phố đẹp, những con đường rợp bóng cây xanh và mùa nào hoa ấy cũng là những đường phố đẹp; nhưng có lẽ đẹp hơn cả vẫn là những con đường xe cộ tấp nập ngược xuôi mà không xảy ra tai nạn, mà vẫn an toàn, bởi những người tham gia giao thông đều có ý thức tuân thủ đúng luật đi đường, làm chủ được tốc độ, làm chủ được tay lái, không vượt đèn đỏ nơi giao lộ, đi đúng làn đường quy định, không dùng điện thoại di động lúc đang lái xe… và khi cần cũng có thể… nhường đường cho người đi bộ.

Ngay cả trường hợp không xảy ra tai nạn nhưng rất khó có thể gọi là một đường phố đẹp khi có người tham gia giao thông vi phạm luật đi đường, thậm chí thản nhiên/ngang nhiên vi phạm. Cũng rất khó có thể gọi là một đường phố đẹp khi người tham gia giao thông vì chút va quệt nhẹ mà sẵn sàng sửng cồ nổi đóa mắng chửi thậm chí hành hung người khác…

Những người làm đẹp đường phố Đà Nẵng cần được cộng đồng ghi nhận và biết ơn, thứ tư phải kể đến những người làm nghề kiến trúc và quy hoạch đô thị/quản lý kiến trúc và quản lý quy hoạch đô thị. Đây mới thực sự là những người làm đẹp đường phố bằng lao động vừa kỹ thuật vừa nghệ thuật của mình. Đây là những trí thức đô thị có lòng dũng cảm quyết không chịu điều chỉnh ngòi bút để tạo nên những đường phố lẽ ra chạy thẳng lại phải chạy cong, tạo nên những nút thắt cổ chai chướng mắt trong thành phố; mặt khác lại thấu hiểu lịch sử và có tấm lòng với quá khứ để cố điều chỉnh ngòi bút nhằm giữ gìn cho được những di sản kiến trúc/văn hóa lâu đời của ông cha truyền lại.

Đây còn là những trí thức đô thị luôn thấy xốn xang khó chịu với một số lỗi-không gian-kiến-trúc kiểu như một khách sạn cao tầng trên đường Hoàng Diệu hợm hĩnh chồm ra mặt tiền làm xấu đường phố Đà Nẵng… Đường phố Đà Nẵng đang đẹp/đang hiện đại với nhiều không gian kiến trúc hài hòa hợp lý chắc sẽ đẹp hơn/hiện đại hơn nếu không tồn tại một vài lỗi-không gian-kiến-trúc mà trong đó họ cũng có phần trách nhiệm...

Những người làm đẹp đường phố Đà Nẵng cần được cộng đồng ghi nhận và biết ơn, cuối cùng phải kể đến những người đang lấy đường phố làm môi trường mưu sinh kiếm sống. Trước hết đó là những người đạp xích lô, chạy xe thồ, lái xe taxi hoặc lái xe bus ngày đêm đưa khách đi khắp phố phường. Ngồi trên những phương tiện giao thông do họ điều khiển một cách chuyên nghiệp và thật sự an toàn, du khách thập phương sẽ cảm thấy đường phố Đà Nẵng đẹp hơn, văn minh hơn, từ đó cảm thấy con người Đà Nẵng có đẳng cấp văn hóa cao.

Tiếp theo là những người buôn gánh bán bưng trên các vỉa hè đã được quy hoạch “để thức ăn đường phố có thể nghiễm nhiên được đồng hành cùng văn minh hiện đại, có thể trở thành một bộ phận gắn kết không thể tách rời của cảnh quan đô thị hiện đại văn minh…”(*) Sở dĩ nói vậy là bởi những lề đường góc phố nơi họ ngồi buôn bán vẫn luôn gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ tinh tươm, bảo đảm được các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, thể hiện được nguồn ẩm thực đa dạng của người Đà Nẵng, lại luôn hào phóng nụ cười mời chào thân thiện và mến khách…

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Những thách thức đối với thức ăn đường phố, báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 11-1-2015.

;
.
.
.
.
.