.

Phép vua thua lệ làng

.

Lịch sử đã chứng minh rằng, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm Pháp thuộc, những nét đặc thù của làng xã, của ngôn ngữ, của văn hóa Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển.

Thả chim bồ câu – một trong những lệ làng rất ý nghĩa tại Hội làng Trung Nghĩa.
Thả chim bồ câu – một trong những lệ làng rất ý nghĩa tại Hội làng Trung Nghĩa.

Điều này cho thấy làng xã, với những luật lệ có tính cách tự quản của mình, đã trở thành những thành lũy kiên cố để bảo vệ đất nước.

Nhà xa, làng gần

Cụ Lê Lựu sinh năm Canh Tuất - 1910, người cao tuổi nhất xã Hòa Phước hiện nay, nguyên sống ở thôn An Lưu, xã Hòa Quý, huyện Hòa Vang; nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Mấy chục năm nay cụ và gia đình chuyển về thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước. Dù có thay đổi chỗ ở, nhưng với cụ, việc làng vẫn không đổi thay.

Trà Kiểm xưa là một xóm nhỏ thuộc làng Quá Giáng ban đầu chỉ 30 nóc nhà, nay phát triển lên gần 200 nóc nhà. Ông Ngô Định, nguyên trưởng thôn Trà Kiểm, kể rằng, do ở xa đình làng, các họ tộc Trà Kiểm bàn nhau lập một cái miếu nhỏ để tiện việc tế tự hằng năm. Ông hiện là tư thơ, một trong bốn vị chức sắc của ban tư lễ ở xóm gồm tư lễ (coi việc lễ tế), tư thơ (lo việc sổ sách), tư nhạc (lo phần nhạc) và tư biện (lo việc ẩm thực). Cụ Lựu sau khi từ An Lưu về đây, từng giữ chức tư biện, quán xuyến hết thảy chuyện ăn uống mỗi khi có hội hè, lễ lạt.

Nếu ở làng (Quá Giáng) có đến 5 lễ (lễ rước sắc, lễ vọng, lễ chính, lễ tống ôn và lễ hoàn sắc) thì ở xóm Trà Kiểm chỉ có hai lễ: lễ vọng (còn gọi là lễ túc hay lễ tiên thường - lo chuẩn bị lễ phẩm) và lễ chính. Khác với các nơi, trong lễ chính, lệ xưa ở Trà Kiểm truyền lại là chỉ được cúng heo sống (còn gọi là heo sanh - heo chưa nấu chín), đó là con heo đực lông trắng không tì vết, nghĩa là tuyền một màu. Xưa có lệ thêm một gói hồng mao, một đĩa huyết, một đĩa lòng; nay đã bỏ hồng mao, chỉ giữ lại hai thứ kia.

4 giờ sáng cúng tế xong, đến 6 giờ là đem heo xuống xả thịt, nấu nướng các món để đến trưa cả xóm cùng liên hoan. Cả xóm không một nhà nào được phép nổi lửa bếp, vì thế, lễ này còn được gọi là lễ Tắt bếp.

Theo ông Lê Viết Tân, cán bộ phụ trách văn hóa – xã hội xã Hòa Phước, cả xã hiện có 10 thôn thì hết 6 thôn thuộc làng Quá Giáng xưa: Quá Giáng 1, Quá Giáng 2, Cồn Mong, Giáng Nam 1, Giáng Nam 2, Trà Kiểm; chưa kể thôn An Lưu giờ đã tách ra khỏi “làng mẹ” và “lên” phố. Ngày 20-2 âm lịch hằng năm làng tổ chức lễ Kỳ an (Cầu an), tất thảy mọi con dân các nơi đều quay về đình làng dâng lễ phẩm ngưỡng vọng tổ tiên, kể cả người dân An Lưu bên kia sông Cái (từ Vĩnh Điện đổ ra sông Hàn). “Chừ có cái đường vành đai phía Nam, bà con bên An Lưu chạy xe chưa tàn điếu thuốc là về tới đình, chứ hồi trước làng có lễ chi là tụi tui phải chèo ghe qua sông” – cụ Lựu nói.

Những tập tục, luật lệ mỗi làng có thể khác, nhưng tựu trung là gắn kết mọi họ tộc, mọi con dân lại với nhau, cho dù có sống kẻ chân trời người góc bể.

Cụ già 106 tuổi Lê Lựu kể về những tập tục xưa của xóm Trà Kiểm, làng Quá Giáng.Ảnh: V.T.L
Cụ già 106 tuổi Lê Lựu kể về những tập tục xưa của xóm Trà Kiểm, làng Quá Giáng.Ảnh: V.T.L

Tục lệ cũ, đình làng mới

Người “nhạc trưởng” của các lễ tế ở làng là vị chánh bái (có nơi gọi là chánh hội chủ). Theo nhận xét của đại diện xóm Trà Kiểm và các làng Hòa Phú, Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), chánh bái ít nhất phải trên 60 tuổi, có uy tín nền nếp gia phong, còn đầy đủ vợ chồng, con cái có nếp có tẻ; nếu nhà có tang (có nơi còn kiêng cữ cả với nhà có người sinh đẻ) thì năm đó không được đứng chủ lễ mà phải tạm thời nhường lại cho một người khác.

Chính các vị chánh bái là người “cầm chịch” để giữ lại những tục lệ tốt đẹp của làng. Ở Trung Nghĩa có lệ cúng cơm mới vào khoảng tháng 8 âm lịch. Các nhà nấu xôi, cơm, rắc muối mè thơm phức, nhưng lại cho… chó ăn trước, vì người ta cho rằng làm thế là cảm ơn những chú chó đã có công đuổi chim, giữ lúa. Ở Hòa Phú có lễ Tống ôn được tổ chức hằng năm vào ngày tế âm linh nhằm tống tiễn, xua đuổi ôn hoàng dịch lệ, cầu xin thần linh và người khuất mặt hộ trì cho làng xóm bình an…

Lệ làng đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, song không phải lệ nào cũng mang ý nghĩa nhân văn. Những lệ làng cổ hủ, lạc hậu đã bị loại bỏ dần cho phù hợp với cái nhìn của xã hội mang tính phát triển cộng đồng hiện nay.

Ông Phạm Thống, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Minh cho biết, ở Hòa Minh trước có lệ người tuổi Tuất (cầm tinh con chó) dù có đạo đức sáng ngời đến mức nào chăng nữa cũng không bao giờ được bầu vào chức chánh bái hay bồi bái. Bởi dân gian cho rằng thần linh kiêng kỵ chó, nơi nào có chó thì nơi đó không có thần linh (!). Tục lệ nặng tính mê tín dị đoan này đã bị bãi bỏ từ lâu.

Ông Trần Văn Hoa, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Trung Nghĩa, nói về một cổ lệ khác: Sau khi cúng tế xong, làng cho người mang đến mỗi nhà một tợ thịt kỉnh (biếu) các vị chánh bái, bồi bái, thậm chí cả tư văn, tư nhạc, thủ sắc, thủ bổn... nghĩa là tất tần tật những chức sắc lo việc làng. Điều kỳ lạ là ngay cả những người đã “về hưu” lẫn đã chết cũng được hưởng “chế độ” này. Về sau, thấy tục lệ đã nặng tính phong kiến lại gây quá tốn kém cho làng nên các cụ đã ra “nghị quyết” bãi bỏ.

Những lệ cũ tốt đẹp vẫn tồn tại trong xã hội mới và những đình làng cũ cần phải trùng tu, xây mới để lưu giữ cái tinh túy, cái hồn của làng. Ông Huỳnh Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, mỗi khi có dịp đi ngang qua đình Khuê Bắc (xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố năm 2010) lại không khỏi chạnh lòng trước cảnh hoang tàn, đổ nát. Được biết, năm 2015 – năm “văn hóa, văn minh đô thị” của Đà Nẵng, đình Khuê Bắc cùng với 4 đình làng xuống cấp nghiêm trọng khác ở Đà Nẵng sẽ được xây mới. Từ đó, Hòa Hải sẽ tập trung hơn nữa việc sưu tầm các giá trị phi vật thể trên địa bàn phường, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa của quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng.

“Phép vua thua lệ làng”, được từ điển giảng: “Luật của vua, của cơ quan quyền lực tối cao là chung cho cả nước, nhưng trên thực tế nhiều khi lại không có hiệu lực bằng luật lệ, quy định của địa phương, làng xã”. Ngày nay, dù “phép vua” có chia làng thành nhiều thôn ở quê hay thành nhiều khu dân cư/tổ dân phố ở phố nhưng những “lệ làng” vẫn tồn tại như một chất keo kết dính thuần phong mỹ tục để hun đúc thành bản sắc dân tộc, góp phần làm nên nền văn hiến Việt Nam, bền vững, rỡ ràng, không thể bị đồng hóa dễ dàng dù bị ngoại bang thống trị.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.