Việc chăm sóc cây xanh ở Đà Nẵng lâu nay được duy trì nhờ sự nỗ lực của công nhân Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng.
Hầu hết cây dừa trồng ở ven biển Đà Nẵng đã được phòng bệnh bọ dừa . Ảnh: H.N |
Tuy nhiên, công việc chủ yếu của đội ngũ này là tưới nước, tạo tán, tỉa cành; với những cây bị bệnh, còi cọc thì cách xử lý phổ biến vẫn là chặt hạ để trồng mới. Việc theo dõi “sức khỏe” của cây và tìm các giải pháp chăm sóc, “điều trị” cây xanh bị bệnh cần những “bác sĩ cây xanh” giỏi chuyên môn và triển khai trong thời gian sớm để thành phố xanh hơn, đẹp hơn.
21 giống cây nên trồng ở Đà Nẵng
Tháng 6-2014, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định ban hành danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn trên toàn thành phố. Để có quyết định này, Đà Nẵng mất khá nhiều năm trồng thử nghiệm nhiều giống cây khác nhau, mới tìm ra loài cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trong điều kiện môi trường một thành phố ven biển nắng nhiều, mùa mưa bão ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng, cho biết hai giống cây là tra và xoan chịu hạn (giống Ấn Độ) đã được trồng ở ven biển nhiều nơi, nhưng khi trồng hai loại cây này ở ven biển Đà Nẵng thì cây không chịu được mức độ khắc nghiệt của thời tiết. Giờ các tuyến đường ven biển chỉ còn trồng cây mù u, lim xẹt, bên cạnh hai giống cây truyền thống là dừa và dương liễu. Qua đó mới thấy dù một số giống cây đã được nghiên cứu, trồng thử nghiệm, nhưng có thể chỉ phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng từng địa phương.
Qua thực tế nhiều trận bão, các loài cây ưu tiên hàng đầu hiện nay được khuyến khích trồng trên các tuyến đường của thành phố gồm 21 loại cây, như lim xẹt, muồng tím, giáng hương, lộc vừng, bàng Đài Loan, hoàng hậu, muồng hoàng yến, osaka đỏ… chịu được gió bão, có rễ cọc, tán nhỏ, cây không hấp dẫn ruồi nhặng, phù hợp với hạ tầng khu vực (phía dưới có cống ngầm, vỉa hè hẹp). Một số cây như giáng hương, bằng lăng được chọn trồng ở nhiều khu vực ngoài yếu tố cây cho bóng mát, cho hoa đẹp, nhanh lớn.
Tuy nhiên, một số loài cây như lim xẹt, sao đen, cây dầu… thuộc loài cây chậm lớn, 5-7 năm sau rễ mới bén chắc, đến năm thứ 20 cây mới phát huy giá trị (tuổi thọ cây khoảng 100 năm), mới trồng đại trà ở Đà Nẵng khoảng hơn 5 năm trở lại đây, là loài cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nhưng người dân bày tỏ không thích những giống cây này. Những người am hiểu về cây xanh cho rằng khi cây chưa được phát huy hết giá trị “sống thọ” như kể ở trên thì người dân nên tìm hiểu để chung sức chăm sóc cây, không nên “đày đọa” cây mới trồng trước nhà hay phản ứng mạnh khi cây bị ngã đổ vào mùa mưa bão.
“Bác sĩ” cây xanh
Những kỹ sư, công nhân ở Công ty Công viên-Cây xanh ví cây xanh trên đường Hải Phòng (trước Bệnh viện Đà Nẵng) là “dấu hiệu biểu hiện” của cây xanh đường phố: cây trồng cùng một lần nhưng phát triển khác nhau, cây thì cao lớn, cây thì còi cọc.
Có thể nguyên nhân một phần là do người bán hàng dọc tuyến đường này tưới nước bẩn có hóa chất sau khi rửa chén vào gốc, khiến cây không thể lớn. Ngoài con đường này, Đà Nẵng đang tồn tại nhiều cây xanh bị “suy dinh dưỡng”, cây mọc không đều, tán lá khác nhau; dù trước khi đưa cây ra trồng ở đường phố, cây đã đạt các tiêu chuẩn như đạt mức đường kính 5 phân từ gốc lên đến ngực người lớn, cao 3-4 mét, thân thẳng, không gãy ngọn, không sâu bệnh.
Có một số tuyến đường như đường Nguyễn Thị Minh Khai trước đây trồng cây viết, nhưng phải qua thời gian “trả giá” đó là quá trình nghiên cứu của các nhà sinh vật, xác định tuổi thọ, sâu bệnh mới biết cây viết chỉ thọ chừng 20 tuổi, khoảng 15 tuổi thì bị sâu đục thân và đến khi công nhân chăm sóc cây xanh phát hiện ra thì bệnh của cây đã vào giai đoạn cuối. Đến nay tuyến đường này đã được thay thế dần những loài cây khác. Từ năm 2011 đến nay, Công ty Công viên-Cây xanh chấm dứt việc trồng cây viết ở Đà Nẵng.
Có thể nói, việc thay thế dần cây đã trồng gây ra lãng phí không nhỏ vì cây xanh thường phải mất nhiều năm để lớn. Bởi vậy, cùng với việc tìm ra giống cây thích hợp, việc chẩn đoán đúng “bệnh” cây, đề ra các giải pháp chữa trị như diệt sâu bệnh, chăm sóc tán cây, xử lý gốc cây đủ độ sâu, diện tích… là cách bảo vệ cây xanh hiệu quả nhất. Ngày 8-5 vừa qua, Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức một cuộc họp bàn về việc nên hình thành đội ngũ “bác sĩ cây xanh” cho đô thị. Lúc đó, việc có được thông tin kịp thời về những cây bị bệnh, thì chữa trị hay khoanh vùng chữa trị cho cây sẽ giúp cứu chữa cây nhanh, hiệu quả, cây xanh sẽ có điều kiện phát triển tốt.
Thực ra, cụm từ “bác sĩ cây xanh” lần đầu tiên được đặt lên bàn một cuộc họp, nhưng về bản chất thì đây là công việc được tiến hành lâu nay của các kỹ sư, công nhân Công ty Công viên-Cây xanh. Như lời giới thiệu của ông Đặng Đức Thứ, Giám đốc công ty là hiện tại đơn vị có các kỹ sư lâm sinh, đội ngũ công nhân giỏi tay nghề chăm sóc cây xanh, hoa cảnh. Việc phát hiện loài bọ dừa chuyên đẻ trứng trong lá non cây dừa, tiết ra chất làm cháy lá những năm trước khiến các kỹ sư đau đầu. Sau rồi họ tìm ra loại thuốc Diaphos chuyên trị bọ dừa. 5 năm trở lại đây, hầu hết các cây dừa trồng ở Đà Nẵng được treo gói thuốc trị bệnh này trên dừa non và dừa trưởng thành, đẩy lui bệnh rất hiệu quả.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố, họ cũng là những người “tay không bắt giặc” trong việc tìm giúp một số loại sâu bệnh thông thường khi các công nhân, kỹ sư ở Công ty Công viên-Cây xanh phát hiện sâu bệnh trên hoa, cây cảnh. Ngoài kinh nghiệm, các chuyên gia ở Chi cục chỉ có kính hiển vi hay một số máy móc thông thường để biết đó là loài sâu, nấm gì. Còn muốn biết rõ hơn thì các mẫu bệnh phẩm đó cần được gửi đi Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, nơi có đủ phương tiện máy móc để phân tích. Như vậy thì bên cạnh việc hình thành một đội ngũ “bác sĩ cây xanh”, thiết nghĩ, cần đầu tư thêm máy móc, thiết bị, và có những chuyên gia - “bác sĩ” thực sự để phối hợp chăm sóc cây xanh, làm đẹp đường phố và cảnh quan.
HOÀNG NHUNG