Hút thuốc bất kể nơi nào, xả rác bất kể đâu, từ giấy kẹo cao su, chai nhựa nước giải khát, miếng lá chuối gói xôi đến hộp đựng quà, vô tư vượt đèn đỏ, chen lấn nơi đông người… đã phần nào nói lên hành vi kém văn hóa của một bộ phận dân chúng.
Phía sau bảng cấm hút thuốc là hai người đàn ông đang hút thuốc. (Ảnh chụp tại Bệnh viện Đà Nẵng) |
Mỗi hành động chưa đẹp là một câu chuyện dài về sự thiếu ý thức, lương tâm và tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong ứng xử, giao tiếp ở nơi công cộng.
Mỗi người một kiểu
Đến hẹn lại lên, mỗi năm vào mùa lễ hội, bạn đọc lại một phen “nhức mắt”, bực mình vì những hình ảnh xấu xí, thiếu văn hóa của một bộ phận người dân tràn ngập trên các trang báo mạng. Dù không có tên trong “danh sách đen” về những sự việc trên nhưng Đà Nẵng cũng từng đau đầu vì nạn “bôi bẩn” chốn linh thiêng của một bộ phận giới trẻ.
Nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa tâm linh tại Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà bị những vị khách thiếu ý thức viết, vẽ bậy nhằm lưu lại tên tuổi, địa chỉ, ngỏ lời yêu thương… như cách minh chứng cho tình yêu và khẳng định với mọi người rằng ta đã đến đây vào ngày, tháng, năm đó. Anh Lê Văn Hòa, hướng dẫn viên du lịch tại Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn từng chỉ cho chúng tôi thấy những nét viết nghuệch ngoạc bằng gạch, phấn, sơn màu lên các vách động Vân Thông, Huyền Không, Linh Nham… dù ngay lối đi vào động Huyền Không, Ban quản lý đã đặt một tấm biển nhắc nhở “Nơi tôn nghiêm và di tích, quý khách giữ im lặng, giữ vệ sinh, không viết vẽ, bôi xóa trong hang động”. Cũng theo anh Hòa, đối với những khách đi theo đoàn, có người quản lý sẽ dễ dàng giám sát, còn khách đi theo kiểu tự do thì chỉ có thể hy vọng vào ý thức trách nhiệm ở mỗi người.
Chia sẻ thêm về điều này, một thành viên Tổ quảng bá du lịch, Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, dù Ban quản lý đã có quy định đối với khách tham quan khi vào những nơi thờ tự trang nghiêm phải ăn mặc lịch sự, có hành vi chuẩn mực, nghiêm cấm viết, vẽ bậy trên các vách đá, các công trình kiến trúc, tụ tập tổ chức ăn uống gây tiếng ồn, làm mất vệ sinh công cộng… nhưng hầu hết các hành động thiếu chuẩn mực trên đều diễn ra lén lút nên rất khó xử lý, răn đe.
Chuyện ứng xử có văn hóa nơi công cộng phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như ý thức, lương tâm và tinh thần trách nhiệm. Từ ý thức kém dẫn đến thái độ bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người. Còn nhớ, tại Chương trình ca múa nhạc “Đà Nẵng hòa cùng biển đảo quê hương” diễn ra năm 2014 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức, nhưng khách đến tham dự chương trình phủ kín chưa đến 50% số ghế tại Nhà hát Trưng Vương, dù số vé mời phát ra rất lớn. Chương trình mới biểu diễn vài tiết mục, một số người bắt đầu đứng dậy ra về, để lại một khán phòng rộng mênh mông và những ánh mắt buồn từ người nghệ sĩ, ca sĩ đứng trên sân khấu.
Xử phạt chưa đủ răn đe
Ứng xử có văn hóa là hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện. Chính vì thế, ở nhiều nước tiên tiến như Mỹ, Singapore, Nhật Bản…, pháp luật quy định những khoản phạt rất nặng cho các hành vi vi phạm văn hóa, xâm hại đến quyền lợi của người khác và của cộng đồng. Ví như đất nước Singapore nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường bằng những “quy định thép”.
Trong đó, người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa 1.000 đôla Singapore, nếu tái phạm sẽ tăng mức tiền phạt lên 2.000 đến 5.000 đôla và phải lao động công ích trong vài giờ đồng hồ - có truyền thông đến đưa tin - trong trang phục đặc trưng do nhà chức trách cung cấp. Chính sự nghiêm khắc, đánh vào cảm giác xấu hổ ở mỗi người đã giúp Singapore bảo vệ đường phố của mình thật sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân nhờ đó nâng cao rõ rệt.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ban hành ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định mức phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Mức xử phạt này còn “giơ cao đánh khẽ”, chưa đủ sức răn đe, chưa được cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc, nên lòng đường, kênh rạch, nhà ga, bến tàu, nơi công cộng… vẫn rác!
Có thể nói rằng, những năm gần đây, cùng với việc hoàn thiện bộ máy pháp luật, Việt Nam đề ra rất nhiều quy định về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm mở ti-vi, máy hát âm lượng quá lớn, cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông… Tuy nhiên, những quy định và khung hình phạt kèm theo vẫn chưa đủ sức mạnh để tạo nên thói quen tốt trong cách hành xử của người dân.
Với quan điểm này, anh Nguyễn Bảo Hà, trú trên đường Ngô Quyền, Đà Nẵng nói rằng, số tiền phạt từ vài triệu đến 15 triệu đồng đối với người điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa khiến các ma men lo lắng vì so với quy định phạt tù với lỗi uống rượu bia quá mức tại các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông..., hình phạt này vẫn còn khá nhẹ.
Mới đây, ngay trong Ngày Quốc tế Lao động 1-5, một nam hành khách bị lập biên bản xử phạt 4 triệu đồng do hành vi hút thuốc lá trong nhà vệ sinh trên chuyến bay VN 239 của Hãng hàng không Vietnam Airlines từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất đã khiến nhiều người “mở cờ trong bụng”.
Đây là lần đầu tiên, Vietnam Airlines mạnh tay xử phạt hành khách vi phạm quy định an toàn bay với hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định. Bởi quy định của Chính phủ về việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng có hiệu lực thi hành từ năm 2013 (phạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng) nhưng đến nay tại các khu vực công cộng vẫn diễn ra tình trạng hút thuốc lá mà chưa một ai bị xử phạt.
Những câu chuyện trên đã chứng minh, ngoài giáo dục ý thức thì việc xử phạt các vi phạm cũng góp phần tạo ra thói quen sống có văn hóa, văn minh, tôn trọng người khác và tôn trọng cộng đồng. Giáo dục ý thức phải đi vào cộng đồng bằng những chương trình cụ thể chứ không chỉ bằng văn bản và truyền thông thông thường như hiện nay.
TIỂU YẾN