.

Lòng tự trọng

.

Chuyện không xếp hàng, chuyện mặc đồ ngủ khi ra đường, chuyện ra đường mà… tự nhiên như ở nhà của người Việt đã được đề cập nhiều khi nói đến lối sống có phần tùy tiện của một bộ phận người dân, nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Người dân xếp hàng mua vé ở ga Đà Nẵng.
Người dân xếp hàng mua vé ở ga Đà Nẵng.

Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng khi trong xã hội chưa được thiết lập một tiêu chuẩn về lối sống có tính đạo đức một cách vững vàng, thì chuyện hành xử phản cảm sẽ là chuyện dài nhiều tập…

Có lần, vào mùa lạnh, đứa cháu trai học lớp 9 bảo với tôi: “Đi ngoài đường cháu thấy nhiều cô gái mặc quần tất mỏng màu đen, bên trong mặc quần màu trắng, hình như họ không biết họ mặc gì thì phải. Mấy đứa con trai bạn cháu gọi mấy cô gái mặc như vậy là “mặc bĩm”.

Hay có lần một cô gái trẻ bảo tôi “Chị tránh ra cho em đi” ở ngã ba đường Yên Bái và Lê Duẩn khi đèn đỏ khiến tôi nghĩ mãi, và nhớ đến câu đùa của nhiều bạn trẻ hiện nay: Hồi nhỏ có xấu hổ, nhưng giờ đỡ rồi! Tức là hồi nhỏ các bạn nhỏ cái gì cũng biết, như tham gia giao thông đúng luật, không vứt rác ra đường, biết xếp hàng khi thanh toán ở siêu thị… Nhưng khi lớn lên, đáng lẽ những việc bắt buộc phải thực hiện nơi công cộng, trở thành thói quen phải tuân thủ thì nhiều người quên mất.

Bất kể ai trong chúng ta khi thấy người đi vệ sinh bậy ngoài đường là xấu hổ quay mặt đi. Điều này như là một nghịch lý: Kẻ có hành vi hớ hênh hay thô bỉ thì thản nhiên như không, trong khi người bị làm phiền bởi hành vi đó lại ngượng chín người. Rồi những chuyện như nhổ nước bọt ngay trên nền đá hoa, mặc đồ ngủ ra đường, hay vô tư khoe chiếc quần cạp trễ trước bàn dân thiên hạ… đều có thể gặp ở bất cứ đâu. Trong khi một đứa trẻ mẫu giáo cũng biết đỏ mặt khi thấy cảnh chướng mắt thì những người trưởng thành lại không có khả năng này ngay cả khi đang phơi bày những gì riêng tư nhất trước hàng trăm con mắt. Lòng tự trọng của họ có lẽ bị “teo tóp” theo tuổi trưởng thành.

Cách đây vài tháng, trên facebook một người bạn của tôi đăng một câu chuyện vui: “Trong khi mọi người đang xếp hàng, một người đàn ông chen lên nằng nặc đòi được ưu tiên.

Cô nhân viên kiên nhẫn giải thích quy định buộc phải xếp hàng, còn ông ta lớn tiếng thách thức:

- Cô biết tôi là ai không?

Cô gái bật loa lên và nói:

- Thưa quý khách, tại quầy này đang có một người đàn ông không biết mình là ai. Có ai giúp ông ấy biết mình là ai không?

Mọi người cười ồ lên”.

Trong chuyến đi thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 3 vừa qua, trong khi chúng tôi đang xếp hàng ở cửa ra máy bay, một người đàn ông trung niên ở phía sau cũng chen lên trước những người nước ngoài đang xếp ở hàng bên cạnh. Những người nước ngoài không hề có phản ứng gì, có lẽ họ biết và quen với thói quen không biết xếp hàng của người Việt Nam!

Trước kỳ nghỉ lễ vừa qua, tôi ra ga Đà Nẵng mua vé về quê và chứng kiến dòng người xếp hàng dài trước 4 ô cửa bán vé. Đứng chờ 50 phút tôi mới mua được 2 tấm vé và để ý thấy không hề có hiện tượng người nào đó tách hàng, chen lên, ai cũng kiên nhẫn chờ đến lượt mình, không hề có nhân viên bảo vệ ga đứng giữ trật tự. Và trong dòng người đó chủ yếu là các bạn sinh viên đến ga mua vé về quê. Hy vọng một thế hệ thanh niên Việt Nam được đào tạo bài bản khi bước ra xã hội tuân thủ trật tự, nắm các nguyên tắc đạo đức và nghĩ đến cái chung.

Vào tháng 4-2014, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh có mở một diễn đàn bàn về thói xấu của người Việt Nam cần được khắc phục, có đăng ý kiến của bạn John La Salle - người Philippines, cựu sinh viên Trường đại học RMIT, TP. Hồ Chí Minh. “Tôi đã sống ở TP. Hồ Chí Minh hơn bốn năm và gặp gỡ nhiều người địa phương tuyệt vời, thú vị. Tuy nhiên trong thời gian sống ở đây, tôi quan sát thấy một số thói quen không đẹp của một bộ phận người Việt, chẳng hạn như xả rác bừa bãi, không chịu xếp hàng, thậm chí mặc đồ ngủ ra đường…

Theo tôi, những thói quen này khiến Việt Nam trông khá kỳ quặc trong mắt những người nước ngoài dù tôi và các bạn cùng sống ở khu vực Đông Nam Á vốn có nhiều tương đồng về con người và văn hóa. Ở đất nước tôi cũng có tình trạng này nhưng rất hiếm”. John La Salle nói về chuyện vứt rác ra đường, chuyện xếp hàng khi lên xe buýt. “Tôi nghĩ cũng không nên trách họ, bởi đâu có nội quy nào bắt họ phải xếp hàng lên xe.

Ở Philippines có ban hành quy định yêu cầu mọi người phải xếp hàng lên xe và không được chen lấn. Nhưng có lẽ điều tôi cảm thấy sốc nhất trong thời gian ở Việt Nam là thường thấy một số người Việt mặc đồ ngủ ra đường. Nhiều người mặc đồ ngủ lái xe máy và thậm chí còn đi dạo thành phố. Tôi nghĩ mặc đồ ngủ ra đường đòi hỏi nhiều can đảm lắm. Điều này dần dần trở thành một thói quen, nhất là ở những người lớn tuổi. Những người này có vẻ như không biết rằng quần áo họ đang mặc chỉ phù hợp ở nhà…”.

Nhiều người cho rằng tính cách, quan điểm, trình độ giữa mọi người khác nhau nên biểu hiện của lòng tự trọng cũng khác nhau. Nhưng có lẽ, không nên quên một điều: lòng tự trọng thực sự bao giờ cũng chỉ hướng con người ta đến những hành động tốt đẹp mà thôi.

Đã đến lúc cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho người dân nơi công cộng, tạo thói quen, tạo nề nếp sống văn minh, để mỗi người nâng cao ý thức, đánh thức lòng tự trọng và tuân thủ các nguyên tắc xã hội.

Ông Lê Tấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cho biết từ khi chính quyền thành phố đề ra chỉ thị xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, tất cả các tổ dân phố triển khai thường xuyên việc chấp hành văn hóa giao thông, ra quân vệ sinh môi trường, hay chia sẻ với người nghèo, người hoạn nạn… để xây dựng một nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Khi phường xây dựng một cửa liên thông, người dân đến giải quyết thủ tục hành chính phải bấm số thứ tự, không còn cảnh mạnh ai nấy vào, chen ngang như trước đây; có một cán bộ của phường đứng hướng dẫn người dân cách giao dịch, lực lượng dân quân phường thường trực ở bãi giữ xe nhắc nhở những ai ăn mặc phản cảm, không đúng tác phong (như mặc đồ ở nhà với phụ nữ, nam giới mặc quần soọc)…

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.