Chỉ một cái “nhấp” chuột, người xem có thể nắm rõ chủng loại, chiều cao, kích thước, khoảng cách giữa hai cây, diện tích che phủ, thời gian trồng, chăm sóc, tên gọi khoa học (hoặc tên địa phương), tình trạng sâu bệnh, khả năng sinh trưởng và phát triển… của cây xanh bóng mát vỉa hè.
Những cây xanh trên 50 tuyến đường chính sẽ được cập nhật vào hệ thống thông tin địa lý GIS. (Ảnh chụp tại đường Lê Duẩn) Ảnh: T.Y |
Đó là một số tính năng ưu việt mà giải pháp quản lý cây xanh bằng ứng dụng phần mềm Hệ thống thông tin địa lý (GIS) có thể mang lại khi chúng được đưa vào sử dụng trong thời gian tới tại thành phố Đà Nẵng.
Ứng dụng phần mềm GIS
Những năm gần đây, cùng với quá trình chỉnh trang đô thị, công tác phát triển cây xanh đô thị, nhất là cây xanh công cộng luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Số lượng cây xanh đường phố tăng, chủng loài ngày càng đa dạng, một số loài dần thích nghi trong khi một số loài khác lần lượt thoái hóa hoặc bộc lộ khiếm khuyết, cần được đốn bỏ. Trong khi đó, công tác quản lý cây xanh công cộng nói chung có nhiều bất cập, đặc biệt là phương tiện, công cụ và cơ sở dữ liệu về cây xanh còn là ẩn số. Vì thế, việc số hóa cây xanh bóng mát vỉa hè thông qua ứng dụng khoa học công nghệ trở nên vô cùng cần thiết.
Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng hiện quản lý hơn 88.000 cây xanh bóng mát, gần 940.000m2 thảm hoa thảm cỏ và trên 31.000 cây trổ hoa, cây tạo hình các loại. Từ tháng 6 năm 2013, đơn vị đã có tờ trình gửi Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị phê duyệt phương án ứng dụng công nghệ GIS để số hóa cây xanh bóng mát vỉa hè trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trước đó, UBND thành phố giao cho Sở Xây dựng chỉ đạo công ty tiến hành lập hồ sơ mã hóa cây xanh nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý về chủng loại, đường kính thân, chiều cao cây, chiều rộng tán, độ tuổi, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định trong quý 2 năm 2013.
Tuy nhiên, phải đến tháng 4 năm 2015, UBND thành phố Đà Nẵng mới quyết định giao cho Sở Xây dựng triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ GIS, bước đầu lập cơ sở dữ liệu cây xanh công cộng trên các tuyến đường trung tâm. Khi hoàn thành, phần mềm GIS sẽ rất có ích trong việc quản lý, phát triển cây xanh, hiển thị từng chi tiết nhỏ của cây xanh được đánh dấu. Trong quá trình chờ đợi Sở Xây dựng phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông hoàn thành phần mềm GIS, phía công ty sẽ thực hiện công tác đánh số cây, vị trí cũng như theo dõi sự phát triển của cây để cuối năm 2015, đầu năm 2016 có thể đưa vào sử dụng.
Năm 2005, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng hợp đồng với Trung tâm Công nghệ phần mềm Softech Đà Nẵng xây dựng công cụ quản lý mang tên “Phần mềm quản lý cây xanh” với các tính năng như khi người quản lý muốn tăng thêm yêu cầu gì trên giao diện đều có thể bổ sung, chỉnh sửa được, số liệu lưu trữ theo năm và cho phép truy xuất kết quả tổng hợp tùy theo từng yêu cầu. Tuy nhiên khi đưa vào thực tế sử dụng, “Phần mềm quản lý cây xanh” chưa thực sự hiệu quả do số ký hiệu trên cây xanh được đánh dấu bằng số nhà nên trường hợp cây xanh trồng ở nơi không có nhà ở sẽ không thể cập nhập vị trí.
Cách đây một thời gian, phần mềm này đã dừng hoạt động. Do đó, chuyện Đà Nẵng vừa triển khai việc ứng dụng thông tin địa lý GIS nhằm quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về công tác quy hoạch, trồng, duy trì, bảo vệ cũng như chặt hạ và dịch chuyển cây xanh đô thị. Những thông số trên khi được cập nhập có hệ thống sẽ đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu tăng diện tích cây xanh, nâng cao khả năng chia sẻ thông tin và quản lý thống nhất các dữ liệu về cây xanh trên toàn thành phố.
Cơ hội mới trong công tác quy hoạch cây xanh
Có thể nói rằng, công tác quy hoạch cây xanh thời gian qua tại Đà Nẵng gặp không ít khó khăn do vỉa hè đường phố không đồng bộ, rộng – hẹp khác nhau và ảnh hưởng bởi hệ thống cáp quang, đường dây điện thoại, cấp thoát nước, mạng lưới điện chằng chịt. Trong khi đó, cây xanh đường phố lại có yêu cầu cao như màu xanh tươi tốt, ít rụng lá, có trái nhỏ, lá nhiều, cho tán rộng, rễ cọc, rễ trụ để chống chọi gió bão…
Tại nhiều khu dân cư mới, người dân tự ý trồng một số cây tạp (trên 40%), cho bóng mát nhanh nhưng không phù hợp với cảnh quan đường phố. Mặt khác, trong những năm qua, do tập trung vào công tác chỉnh trang đô thị, cộng với thiên tai, mưa bão thường xuyên tàn phá nên mật độ che phủ mới chỉ đạt 0,69m2/người, trong khi theo tiêu chuẩn xây dựng tại Việt Nam, mật độ cây xanh đường phố đô thị loại 1 phải đạt tỷ lệ từ 1,9m2 đến 2,2m2.
Dù đánh giá rất cao khả năng ứng dụng của công nghệ GIS trong quản lý, theo dõi cây xanh đô thị nhưng một số ý kiến vẫn tỏ ra quan ngại bởi thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Lạt từng ứng dụng công nghệ GIS vào việc quản lý, đánh số cây xanh nhưng chỉ gói gọn trong giới hạn đề tài nghiên cứu, ở khu vực nội thành, chưa phát triển đại trà và có biểu hiện “chết yểu” vì không được tiếp tục đầu tư về kinh phí.
Nói về vấn đề này, ông Trần Phú Lịch, Phó phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng cho biết Đà Nẵng là thành phố đầu tiên mở rộng ứng dụng phần mềm GIS, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc củng cố và phát triển mới cây xanh đô thị trong tương lai. GIS cây xanh sẽ được thực hiện theo lộ trình, có thí điểm và rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng khắp trên 50 tuyến đường chính. Để công tác điều tra, nhập liệu diễn ra thuận lợi, Sở Xây dựng đã đề nghị thành phố xem xét mua sắm thiết bị đo đạc (đo chiều dài cây, đường kính tán lá, đường kính thân cây tại vị trí 1,3m so với mặt đất), thiết bị định vị…
Qua cơ sở dữ liệu được cập nhập thường xuyên trên GIS, nhà quản lý có thể theo dõi tiến độ công việc, dễ dàng lập kế hoạch kiểm tra những cây nguy hiểm cũng như mức độ nguy hiểm để từ đó lên kế hoạch thay thế, cắt tỉa cành lá. Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở Xây dựng Đà Nẵng, hệ thống GIS nếu được cập nhập, vận hành tốt sẽ bảo đảm lịch trình cắt tỉa, ứng xử kịp thời trước mùa mưa bão.
Cây xanh được mô hình hóa nên công tác chăm sóc sẽ được máy tính nhắc nhở theo định kỳ. Thậm chí, tại một số tuyến phố quan trọng, các chuyên gia có thể sử dụng module 3D của GIS để nhìn dưới mọi góc độ, phân tích mối tương quan giữa cây cối và khối nhà, khu dân cư xung quanh để phục vụ mục đích thiết kế, quy hoạch cây xanh. Dù còn trong giai đoạn xây dựng phần mềm nhưng việc ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý cây xanh chắc chắn sẽ mở ra cơ hội mới cho Đà Nẵng trong việc quản lý, phát triển cây xanh đô thị trong thời gian tới.
Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System – gọi tắt là GIS) là một công nghệ hiện đại và hữu hiệu phục vụ trong nhiều lĩnh vực nhờ khả năng biểu diễn, lưu trữ, hiển thị các đối tượng cần quản lý theo không gian và thời gian. Công nghệ thông tin địa lý còn trợ giúp phân tích, đánh giá, giải những bài toán liên quan đến công tác quản lý. Ra đời từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước trong lĩnh vực quản lý đất đai và phát triển ứng dụng ra nhiều lĩnh vực khác như quản lý môi trường, cây xanh… |
TIỂU YẾN