.

Lay lắt làng nghề

.

Rong ruổi trên đất Hòa Tiến, với những thôn làng Yến Nê, Cẩm Nê, La Bông một thời nổi tiếng với nghề đan rổ, dệt chiếu, chằm nón mới thấm thía một điều: Những nghề thủ công ấy đang dần tàn lụy, thật sự không gì cứu vãn.

Những hình ảnh hiếm hoi được ghi lại tại làng Cẩm Nê năm 2011. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Những hình ảnh hiếm hoi được ghi lại tại làng Cẩm Nê năm 2011. Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Từ một nghề nghĩ đến muôn nghề

Con đường từ UBND xã Hòa Tiến dẫn về làng Yến Nê 2 đầy khúc ngoặt. Người phụ nữ chỉ đường đến nhà ông Chén (tên thật Nguyễn Chính) nói một câu lơ đãng: “Em cứ đi thẳng, chừng 100 mét gặp ngã ba, quẹo trái, vào một đoạn, thấy nhà mô có tre mọc từ ngõ ra tới sau nhà, thì tới rồi đó. À, mà cái làng đó nhiều nhà trồng tre lắm”.

Đúng như lời chị nói, từ ngã ba, quẹo trái vào nhà ông Chén phủ một màu tre. Tre mọc thành từng bụi, chật chội, um tùm như lâu ngày không có bàn tay con người đốn hạ cho những mụn măng có cơ hội vươn mình đón nắng. Ông Chén, khi nghe hỏi về nghề đan, đã trầm ngâm buông chén trà đang uống dở: “Xưa, mỗi năm vợ chồng tôi phải kéo xe bò đi mua 1, 2 bụi tre mới đủ nguyên liệu để làm, nay thì tre mọc đầy vườn, đan mấy cũng không hết. Hơn tám chục tuổi rồi, sức mô nữa mà làm”.

Hằng ngày, vợ chồng ông Chén vẫn loay hoay với cây tre, làm hết mọi công đoạn từ cưa, chẻ, vót nan, róc, uốn vành, đan, lận, nức để ra thành phẩm dù con cái nhiều lần can ngăn. Thì cũng đôi lần vợ chồng ông định nghỉ, cất cưa, cất rựa, cất đòn kê tận sâu trong gầm giường. Vui vẻ ngồi chơi với con cái, cháu chắt đôi ba ngày lại nhớ cảm giác đôi bàn tay thoăn thoắt bên mớ nan, chặt tay siết từng sợi lạt. Cầm lòng không đậu, ông thủ thỉ với vợ: “Hay tôi với bà ra vườn kiếm cây tre vô đan.

Ngồi không rảnh tay, rảnh chân quá, lỡ cúng quẩy giỗ chạp lấy tiền đâu mà tiêu, chẳng lẽ cứ ngửa tay nhờ con cháu. Bà mà gật là tôi đi đốn tre cái rẹt”. Cứ thế, bà Nguyễn Thị Đích, vợ ông bị chồng lôi kéo quay lại với nghề. Dù bây giờ, sức lực dồn hết vào đôi bàn tay đầy chật vật mới uốn trọn khuôn vành, kéo cong tấm rổ.

Nhà ông Chén là một trong 4 gia đình còn gắn bó với nghề đan rổ, con số đáng buồn cho một làng nghề từng là miếng cơm manh áo của hàng trăm hộ dân ở Yến Nê.

Chia tay với công việc đan đát từ 10 năm trước vì tuổi cao sức yếu, bà Trần Thị Thôi (90 tuổi) hồi tưởng, trước năm 1945, những cái tên như Trùm Thơm, Trưởng Khánh, Thủ Xử với tay nghề điêu luyện, đan đát tinh xảo, uy tín từng làm vang danh làng nghề. Mãi cho đến những năm 60 thế kỷ trước, chiến tranh diễn ra ác liệt, người làng Yến Nê phần lớn di tản đi khắp nơi nên chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện đan đát. Hòa bình lập lại, đời sống kinh tế muôn phần khó khăn, những ông Nguyễn Chính, Nguyễn Văn Nghê, Trần Đình Tánh… quay lại làng, tìm đến cây tre, cái rựa để nuôi sống gia đình, kéo theo nhiều hộ dân khác trở lại với nghề đan.

Cách đây chừng 20 năm, nghề đan đát ở Yến Nê rất thịnh, trong làng có từ 2 đến 3 người buôn rổ nên sản phẩm làm ra tới đâu hết hàng tới đó. Khi nào cần tiền giỗ chạp hoặc nộp học phí cho con, người dân ung dung tìm đến nhà “con buôn”, mượn trước vài chục rổ (bằng tiền) rồi trả dần bằng thành phẩm.

Nói về chuyện xưa, ông Chén vui miệng ngâm mấy câu thơ mình sáng tác trước năm 1975, thời rổ, sàng còn đắt giá: “Vợ đát, con đan, chồng lận, nức/Cả nhà đoàn tụ cảm thấy vui/Làm ra sản phẩm không lo ế/Cung cầu không đủ phải làm đêm/Hoàn thành sản phẩm con buôn đến/Trao tiền đút túi cảm thấy vui”. Với nghề đan, đàn ông nghiễm nhiên gánh những việc nặng như đốn tre, cưa thành từng đoạn, nổ tre róc vành, lận nên khuôn rổ. Đàn bà, con gái trong nhà xúm xít chẻ, vót, đan, đát, đặt ép lép nức rổ để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Làm quên ngày quên đêm, buổi tối làng họ đi chơi hoặc nghỉ ngơi thì người làng Yến Nê chong đèn đan đát. Tiếng gõ, tiếng róc vành phát ra những âm thanh vừa vui tai, nhưng cũng nhuốm phần cực nhọc. Khi ấy, làng nổi tiếng nghề làm thúng, mủng, nong, nia, sàng, rổ, cót (dùng phơi lúa), sịa, trẹt, gầu tát nước… bằng tre. Nay, gàu làm bằng tôn, cót tre thay thế bằng bạt nhựa phơi lúa; thúng, mủng đựng rau củ quả, thủy hải sản thay thế bằng đồ nhựa… nên những sản phẩm làm từ tre dần đi vào quên lãng. Lớp trẻ chẳng còn mấy người biết đan.

Ở xã Hòa Tiến, đâu chỉ có nghề đan đát Yến Nê dần khó cứu vãn, những nghề truyền thống từng gắn liền với tên địa danh từng sản sinh ra nó như nón lá La Bông, dệt chiếu Cẩm Nê cũng đang trên bờ vực xóa sổ.

Năm, mười năm nữa có còn?

Sinh ra và lớn lên tại làng Cẩm Nê, ông Đinh Hồng Quế, cán bộ Văn hóa xã hội xã Hòa Tiến không khỏi nuối tiếc cái thời dân làng Cẩm Nê mỗi ngày làm ra gần 100 đôi chiếu hoa, gửi đi bán khắp các chợ từ quê xuống phố. Dạo ấy, người làng thường tự hào kể cho lớp con cháu câu chuyện về chiếc chiếu hoa tiến vua có chiều rộng 2,5 mét, dài 25 mét được nhà vua hết lời khen ngợi, ban thưởng hậu hĩnh và cho trải trên lối đi trước Ngọ Môn vào mỗi dịp lễ, Tết. Sau lần đó, danh tiếng chiếu Cẩm Nê được nhiều địa phương biết đến. Trải qua bao thăng trầm, bây giờ làng Cẩm Nê chỉ 2 hộ dân còn trụ lại với nghề và làm khi có người đặt mua.

Chạy theo con đường bê-tông băng qua cánh đồng xanh màu mạ non, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Giỏi, con đầu lòng của nghệ nhân Phan Tấn - người nổi tiếng với nghề dệt chiếu hoa mấy mươi năm qua tại làng Cẩm Nê, từng mang chiếu Cẩm Nê đi triển lãm ở những liên hoan làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng, Huế... Dừng xe ngoài ngõ đã nghe hương trầm phảng phất, mới hay lão nghệ nhân Phan Tấn vừa mất cách đây 2 tháng, mấy người con xếp đồ nghề dệt chiếu vào một góc chịu tang cha.

Ông Giỏi cho hay, thuở ba ông còn sống, mỗi tháng gia đình dệt chừng 50 chiếc, nhiều kích cỡ, chở ra chợ Túy Loan, chợ Cồn, Cẩm Lệ bán cho người buôn. Ngoài 2 lao động chính trong nhà, anh kêu thêm 4 công thợ cùng làm. Anh Giỏi trăn trở: “Thật ra chúng tôi làm vì đây là nghề truyền thống của gia đình, không làm thì phụ nó, chứ thử nghĩ ngồi cả ngày, trừ chi phí mỗi lao động chỉ thu nhập chừng 50.000 đồng. Với mức thu nhập bèo bọt này, chừng 2, 3 năm nữa thôi làng nghề sẽ biến mất”.

Có lẽ, chừng mươi lăm năm trước, chẳng người dân Cẩm Nê nào nghĩ có lúc nghề làm chiếu của địa phương mình đứng trước nguy cơ xóa sổ như hiện nay. Ngày ấy, đi đâu cũng nghe tiếng sầm sập của khung dệt. Đường làng không thiếu người trải lát ra phơi, đầu ngón tay ai cũng nhuốm màu phẩm nhuộm…

Gia đình ông Ngô Cam (95 tuổi) cũng từng theo nghề dệt chiếu. Ông ngậm ngùi nhớ chiếc chiếu dày, nhiều khổ, màu sáng, ít hoa văn, giờ được hầu hết người dân ở phố thay bằng chiếu nhựa, chiếu trúc, sang hơn nữa thì nệm cao su… Chiếu Cẩm Nê bó hẹp dần tại thị trường huyện Hòa Vang, số lượng vì thế cũng giảm dần. Từng lớp người trẻ sinh ra và lớn lên tại Cẩm Nê, học hành giỏi thì đi làm nơi công sở, kẻ nghỉ học sớm cũng xin làm công nhân khu công nghiệp, chẳng mấy ai mặn mà với nghề dệt chiếu. Gia đình ông cũng không còn ai theo nghề này nữa.

Nhiều hộ dân ở Hòa Tiến vẫn trăn trở, lo lắng không biết liệu vài năm nữa, các làng nghề truyền thống của quê hương sẽ bị xóa sổ? Như câu chuyện của làng nón La Bông, cũng từng nhộn nhịp người xe cước, kẻ chằm kim, rửa lá, phơi vành, từng sản xuất phục vụ khách du lịch rồi cũng tàn lụi dần.

Cả làng, giờ không còn ai chằm nón. Có lẽ, mỗi chiếc nón lá được bán ra thị trường hiện nay có giá chừng 20.000 đồng, trừ hết chi phí, mỗi ngày thu nhập chẳng đáng là bao để người dân nhọc công dồn sức. Ông Đinh Hồng Quế không khỏi xót xa khi kể rằng, hôm tổ chức Hội chợ - Triển lãm “Hòa Vang thành tựu 40 năm xây dựng và phát triển” nhằm chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng và 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Hòa Vang, ông xuống tận làng La Bông tìm khung cửi để trưng bày tại gian hàng triển lãm của xã Hòa Tiến nhưng “không sao tìm ra”. Nghề nón La Bông đã thật sự bị xóa sổ, dân làng chuyển sang nghề nông thuần túy như bao làng quê khác.

Phải chăng số phận những làng nghề truyền thống trên đất Hòa Tiến đã đến hồi được định đoạt, khi mà ông Phan Giỏi, người đã và đang còn gắn bó với nghề dệt chiếu trong cuộc trò chuyện đã nói rất thực lòng. Cách đây không lâu, có một công ty du lịch ở Đà Nẵng đề nghị gia đình lấy miếng đất bên nhà làm mô hình dệt chiếu để họ dẫn khách lên tham quan, nhưng người nông dân chân lấm tay bùn, nhà cửa xộc xệch, cái ly, cái cốc cũng không mấy sạch sẽ, vấn đề vệ sinh, ghế ngồi sao đáp ứng nhu cầu khách du lịch được.

Nhưng đó chưa phải chuyện lớn, điều ông Giỏi quan tâm là mỗi tháng có được mấy đoàn đến nhà ông? Nếu tháng chỉ vài đoàn khách, rồi trích hoa hồng chút ít thì làm mô hình chi cho cực? Rồi ông quả quyết: Giờ Nhà nước đưa cho nông dân chúng tôi 1, 2 tỷ đồng bảo vực dậy làng nghề, chắc tôi cũng không dám nhận. Bởi sức đâu nữa mà làm, thu nhập thấp, đầu ra không ổn định, thanh niên trai tráng thì đã quay lưng.

Liệu vài năm nữa những làng nghề truyền thống trên đất Hòa Tiến có tồn tại? Câu hỏi này, sẽ lởn vởn trong tâm trí bất cứ những ai còn tìm đến dư âm xưa của những làng nghề truyền thống. Ông Đinh Hồng Quế nhẩm tính: Tuổi đời những lao động còn theo nghề trung bình trên 65, thử hỏi năm, mười năm nữa, sức khỏe không còn, họ có theo nghề được không? Bởi bây giờ đi khắp làng trên xóm dưới, có thấy thanh niên nào ngồi đan rổ, dệt chiếu…

Còn nhớ, năm 2005, UBND xã Hòa Tiến từng xây dựng Đề án “Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống”, quy hoạch không gian làng nghề tập trung tại thôn Yến Nê 2 với quy mô 4ha. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, máy móc thiết bị, dự án còn quy hoạch vùng trồng nguyên liệu như đay cho dệt chiếu, tre lấy măng và phục vụ đan đát, vừa chống sạt lở ven sông Yên. Dự án còn hướng tới việc hình thành các công trình mang dấu ấn nông nghiệp phục vụ khách du lịch như gàu sòng cùng với xe đạp nước đổ nước vào ruộng, những chiếc cối xay lúa, những dụng cụ sàng, sảy gạo để làm nên một bức tranh làng nghề đầy sức sống… Thế nhưng, những viễn cảnh tươi đẹp ấy giờ chỉ ngậm ngùi một giấc mơ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.