.

Từ những trái ngọt ban đầu

.

Để trở thành một điểm đến du lịch mang tầm khu vực, Đà Nẵng cần có sự chung tay của các doanh nghiệp nhằm nâng tầm dịch vụ, thay đổi diện mạo của bãi biển Đà Nẵng.

Cầu phao được đầu tư hơn 1 tỷ đồng tại cụm dịch vụ tiện ích công cộng của Holiday Beach. Ảnh: Q.T
Cầu phao được đầu tư hơn 1 tỷ đồng tại cụm dịch vụ tiện ích công cộng của Holiday Beach. Ảnh: Q.T

Năm 2005, bãi biển Mỹ Khê được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Nhưng phải đến khi Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng kêu gọi xã hội hóa (XHH) du lịch với hàng loạt các chiến lược và dự án tiếp thị du lịch địa phương thì du lịch biển Đà Nẵng mới thực sự trở thành tâm điểm.

Doanh nghiệp vào cuộc

Việc XHH bắt đầu thực hiện mạnh từ năm 2008. Mở đầu bằng việc xây dựng các trạm cứu hộ (trước đây đã có nhưng các trạm được làm bằng gỗ, tuổi thọ ngắn). Hưởng ứng chủ trương XHH, Agribank và Công ty CP Thép Dana Ý đầu tư, xây dựng 17 trạm cứu hộ bằng bê-tông cốt thép (200 triệu đồng/trạm). Hằng năm, 2 đơn vị này còn tài trợ quần áo, ca-nô… cho nhân viên cứu hộ, hoàn thiện hệ thống cứu nạn cứu hộ trên biển Đà Nẵng.

Từ năm 2010 trở đi, công tác XHH được triển khai mạnh mẽ. Hàng loạt các biển báo, bàn ghế, dù… đều được BQL kêu gọi XHH từ các doanh nghiệp nước giải khát nhằm trang bị cho các tổ kinh doanh trên bãi biển. Nhờ đó, dịch vụ bãi biển trở nên đồng bộ, chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ được nâng tầm lên rất nhiều so với trước đây.

Ngay mùa hè 2015, người dân và du khách khi du lịch sẽ được tắm biển miễn phí ở một bãi tắm cộng đồng “5 sao”. Đây là dự án cộng đồng nhằm cải tạo một phần diện mạo biển Đà Nẵng của khách sạn Holiday Beach. Khách sạn này đã đứng ra xây dựng một cụm dịch vụ đa năng bao gồm quầy bar, khu vui chơi trẻ em, tủ sách, nhà vệ sinh 5 sao, máy tập thể dục… ở khu vực phía trước sảnh khách sạn, hình thành một bãi biển kiểu mẫu với nhiều dịch vụ tiện ích.

Dù mới được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2014, nhưng khu dịch vụ này được người dân và du khách đánh giá rất cao. “Đến Đà Nẵng du lịch đợt này tôi không chỉ tắm biển mà còn vừa nằm phơi nắng vừa đọc sách trên bãi biển, trẻ em thì có cầu phao vui chơi, quầy bar với âm nhạc flamenco hằng đêm. Tôi có cảm giác như gia đình mình đang tận hưởng những dịch vụ trong khách sạn “5 sao”, ông Nguyễn Trường Ảnh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.

Nếu như trước đây, nhiều người nhận định “đến Đà Nẵng chỉ có tắm biển” thì giờ đây, rất nhiều dịch vụ mới lạ đang được hình thành tại biển Đà Nẵng. Sân khấu ngoài trời BNF tại Công viên Biển Đông là một điểm nhấn như vậy. Sân khấu được Công ty CP Bảo Nguyên Food khai thác từ tháng 4-2015 và đã trở thành một điểm đến thưởng lãm âm nhạc hết sức thú vị của người dân địa phương và du khách. Thứ hai, ba, năm và chủ nhật, sân khấu BNF sẽ có màn trình diễn DJ vô cùng sôi động. Thứ tư và thứ bảy là đêm nhạc Flamenco. Đặc biệt, thứ 6 là đêm nhạc “Bài chòi xứ Quảng” mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Tất cả các đêm nhạc này đều miễn phí. Chị Hồ Thị Lành (bán nước giải khát tại Công viên Biển Đông), cho biết, từ khi sân khấu BNF hoạt động, tối nào công viên cũng đông đúc, đây có lẽ là điểm thư giãn, vui chơi mới của người dân địa phương và du khách vì đến đây, họ vừa được thưởng thức không khí biển vừa được thưởng thức âm nhạc.

Những câu chuyện trên đây chính là một ví dụ thiết thực về tầm quan trọng của doanh nghiệp trong việc chung tay với chính quyền địa phương trong việc cải tạo diện mạo du lịch.

Thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp

Rõ ràng, XHH  du lịch đã làm nên sự sôi động của du lịch biển Đà Nẵng. Đây là giải pháp hoàn toàn có lợi cho cả đôi bên. Doanh nghiệp có thêm nhiều tiện ích, người dân và du khách thì được hưởng lợi từ tiện tích công cộng. Tuy nhiên, ông Phan Minh Hải, Phó BQL xác định, XHH du lịch không chỉ có nghĩa là giao đất cho doanh nghiệp tự ý muốn khai thác gì thì khai thác mà phải dựa trên mô hình “Lãnh đạo công, quản trị tư” đồng thời phải kéo doanh nghiệp tham gia vào những dự án du lịch cộng đồng; tạo ra những giá trị thụ hưởng chung cho nhân dân địa phương và du khách như một cách để thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.

Hiện tại, những dự án, công trình XHH tại biển Đà Nẵng hầu hết hoạt động rất hiệu quả. Đơn cử như sân khấu ngoài trời BNF, dù được dựng lên cách đây 5 năm nhưng ngoài những sự kiện văn hóa của thành phố thì hầu như sân khấu bỏ không, rất lãng phí. Từ khi Công ty CP Bảo Nguyên Food khai thác sân khấu này thì đêm nào cũng “đỏ đèn”, phát huy tối đa tác dụng. Ông Phùng Văn Thuận, Giám đốc Công ty CP Bảo Nguyên Food cho biết, hiện tại kinh phí để duy trì sân khấu hằng đêm là 6 triệu đồng, dù vẫn phải bù lỗ nhưng ông rất vui vì bản thân đã tạo ra được một sản phẩm văn hóa phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch.

Ở khách sạn Holiday Beach, dù kinh phí xây dựng dự án cụm dịch vụ tiện ích trên bãi biển là rất lớn nhưng theo bà Đặng Thị Châu Anh, Giám đốc điều hành khách sạn thì đơn vị này rất tự hào khi đóng góp một phần công sức vào việc cải thiện hình ảnh du lịch biển Đà Nẵng. Sắp tới, Holiday Beach sẽ cùng với BQL triển khai dự án “Hầm đi bộ qua biển” nhằm hạn chế tai nạn cho du khách khi qua đường cũng như tạo thêm một hạ tầng đẳng cấp mới cho biển Đà Nẵng.

Đi đúng hướng, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang bước đầu tạo ra được trách nhiệm chung cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình XHH. Từ những trái ngọt bước đầu, BQL đang ấp ủ nhiều dự án trong tương lai. Đó là hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, hay các khu nhà tắm nước ngọt, bãi giữ xe, các bảng thông tin cứu hộ, du lịch song ngữ… Hy vọng, các doanh nghiệp sẽ cùng chung tay để biển Đà Nẵng ngày càng ấn tượng, thu hút đông đảo du khách gần xa.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.