.

Đem lại màu xanh

.

Từ một nghĩa trang vắng vẻ, nắng chói chang hay những lô đất bỏ hoang, cỏ mọc cao vút, dưới bàn tay của các chị, trong im lặng, đất đã nở hoa…

Vườn hoa khoe sắc trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ  phường Hòa Hải.
Vườn hoa khoe sắc trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Hải.

Mượn đất trồng rau

Mùa này, vườn rau nhà bà Trần Thị Xoan (trú tổ 33, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đang lên xanh tốt các loại mồng tơi, rau muống, đậu bắp, cà tím… Hầu như ngày nào cũng vậy, tranh thủ lúc hai đứa cháu nhỏ đi học, bà lại chăm tỉa vườn rau. Nói là vườn, chứ thực ra đó chỉ là một khoảnh đất rộng chừng 20m2 mà bà Xoan tranh thủ được từ lô đất trống cạnh nhà. Ngày ngày, ngắm nhìn những chiếc lá tươi xanh, lòng bà lại thấy rộn ràng vui.

Bà Xoan là một trong số rất nhiều chị em phụ nữ quận Cẩm Lệ tận dụng những lô đất trống để tăng gia. Ngoài tự cung tự cấp rau sạch cho gia đình, hành động này còn góp phần phủ xanh trên địa bàn. Bên cạnh những lô đất trống, chị em phụ nữ phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) còn tận dụng đất ven sông Cẩm Lệ để trồng rau sạch.

Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận cho hay, UBND quận đã chỉ đạo cho người dân trên địa bàn được sử dụng các lô đất trống để canh tác cho đến khi nào chủ đầu tư sử dụng. Riêng đất ven sông thì UBND phường Hòa Thọ Đông tạo điều kiện cho các chị trên 40 tuổi không có việc làm canh tác, hằng tháng Hội LHPN phường sẽ chịu trách nhiệm đầu ra của rau và trả lương cho các chị.

Không thua chị kém em, phụ nữ phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) lại tranh thủ đất trống để trồng vườn thuốc nam. Ý tưởng hình thành vườn thuốc nam xuất phát từ việc các chị mong muốn dùng những vị thuốc dân gian để chăm sóc sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Dù mới được trồng từ đầu năm nay trên mảnh đất “mượn tạm” có diện tích 200m2, vườn thuốc nam của phụ nữ Hòa An vẫn đủ đầy những vị thuốc quý như ngũ trảo, tần, huyết dụ, bồ đường, đại tướng quân… Tết Đoan Ngọ vừa qua, các chị đã cắt thuốc bán được 2.000.000 đồng. Số tiền này dùng để hỗ trợ cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn trong phường.

Chị Nguyễn Thị Hải Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa An lo âu: “Vườn thuốc được hình thành, lên xanh tốt là nhờ sự đóng góp công sức của tất cả chị em trên địa bàn. Sắp tới, chúng tôi sẽ trồng thêm một số loại thuốc quý như trà mã lai, chè vối. Chỉ ngại một điều là vườn thuốc được trồng trên đất của chủ đầu tư chưa sử dụng. Nếu sau này họ lấy đất lại sẽ rất tiếc”.

Địa bàn quận Cẩm Lệ trước đây tồn tại rất nhiều đất bỏ hoang, cỏ lên cao vút, gây mất mỹ quan. Chủ nhật nào, Hội LHPN quận cũng ra quân dọn rác, cỏ, làm sạch môi trường nhưng không xuể. Từ đầu năm nay, hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh”, Hội LHPN quận Cẩm Lệ đã phát triển phong trào “Phụ nữ Cẩm Lệ-Sống xanh-Hành động xanh”.

Trong đó, phong trào tận dụng các lô đất trống trong khu dân cư để trồng rau, cây xanh là một hoạt động có sức lan tỏa hơn cả. Việc trồng rau để có nguồn rau sạch và làm đẹp cảnh quan môi trường đang được  nhiều gia đình trên địa bàn quận Cẩm Lệ nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung hưởng ứng.

Bà Trần Thị Xoan bên luống rau xanh. Ảnh: Q.T
Bà Trần Thị Xoan bên luống rau xanh. Ảnh: Q.T

Trồng hoa dâng liệt sĩ

Hòa Hải, những ngày cuối tháng 6 nắng như đổ lửa. Tại Nhà truyền thống và Nghĩa trang Liệt sĩ phường Hòa Hải, các chị hội viên Hội LHPN phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) yên lặng ngắm công trình xanh mà các chị trồng được nhằm hưởng ứng phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng - Cử chỉ đẹp, sống văn minh” của Hội LHPN thành phố.

Nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hải - nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ địa phương, nơi đây, thân nhân liệt sĩ, các đoàn đại biểu của Đảng, chính quyền các địa phương thường xuyên đến viếng thăm - giờ đã có một không gian thoáng đãng, không khí trong lành, khung cảnh xanh tươi và yên bình. Thành quả đó là một sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ Hòa Hải.

Thấu hiểu đạo lý uống nước nhớ nguồn, chị Mai Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Hải luôn đau đáu trong lòng một ý nghĩ: phụ nữ Hòa Hải phải làm một công trình gì đó để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha anh; đặc biệt, công trình này phải có ý nghĩa với cả thế hệ mai sau. Và cuối cùng, chị em phụ nữ Hòa Hải đã chọn cách đóng góp một vườn hoa tươi xanh quanh năm nở hoa rực rỡ bên các tấm bia liệt sĩ, và một hàng cây sò đo cam tỏa bóng mát tại Nhà truyền thống để những người thăm viếng có chỗ dừng chân trong ngày hè bỏng nắng.

Nghĩ là làm, chị Thuận đã cùng với chị em hội viên bắt tay vào thực hiện trồng bồn hoa và ngày 1-5 vừa qua, một vườn hoa đầy sức sống đã hoàn thành, dịu dàng khoe sắc khắp nghĩa trang. Chị Thuận tự hào: “Dù công trình này không lớn nhưng nó mang một ý nghĩa nhân văn. Chúng tôi trồng bồn hoa với mong muốn các anh sẽ luôn cảm thấy ấm áp như đang ở bên người thân, gia đình. Thân nhân liệt sĩ khi đến viếng, nhìn những cánh hoa vươn lên đầy sức sống cũng sẽ phần nào yên tâm vì phần mộ của thân nhân mình không hoang vu, hiu quạnh”.

Nếu như bồn hoa mang ý nghĩa kết nối giữa quá khứ với hiện tại thì hàng cây tại nhà truyền thống Hòa Hải là món quà mà phụ nữ Hòa Hải dâng lên Bác. Theo gương Bác Hồ, đi đến đâu là trồng cây đến đó, phụ nữ Hòa Hải đã trồng hàng cây Đại phú cam, tán rộng mạnh mẽ, phủ bóng một góc sân. Chị Thuận cùng các chị hội viên quyết tâm sẽ tiếp tục trồng cây cho đến khi nào nhà truyền thống được phủ đầy bóng mát mới thôi.

Hành động  của các chị đã truyền cảm hứng cho Đoàn Thanh niên phường Hòa Hải cùng tham gia, trồng một hàng cau đã tỏa bóng tại nghĩa trang liệt sĩ.

Năm 2014 các cấp Hội LHPN thành phố Đà Nẵng  trồng được 2.583 cây xanh, chậu cây; 2.049 chậu rau sạch; 1.531 bồn hoa dọc các tuyến đường, nhà văn hóa, hộ gia đình. Năm nay, Hội cũng đã tuyên truyền vận động 100% gia đình hội viên trên địa bàn trồng và chăm sóc cây xanh có bóng mát trong khuôn viên nhà, trước nhà hoặc tại các khu đất trống chưa được sử dụng ở khu dân cư; đồng thời, chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở đăng ký số cây xanh vận động trồng trên địa bàn.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.