Chuyên đề
Vơi đi gánh nặng
Ngày 1-8-1980, một cơ sở chữa bệnh ra đời tại xã Bình Định, huyện Thăng Bình, với một cái tên khiến người ta không khỏi chạnh lòng: Trại Tâm thần! Đơn vị trực thuộc Ty Thương binh Xã hội tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng này biên chế ban đầu chỉ 10 người, chủ yếu phục vụ cho công tác xây dựng và “kiêm nhiệm” luôn chức năng quản lý, nuôi dưỡng khoảng 200 người tâm thần.
Các nhà hảo tâm đã góp phần làm vơi đi gánh nặng xã hội và thể hiện “trình độ văn minh” của thành phố Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đoàn công tác CLB Thiện nguyện Hảo Tâm Hà Nội thăm và tặng quà bệnh nhân tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng. |
Đầu những năm 80 thế kỷ trước, đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, trong đó có vấn đề quản lý, điều trị cho người mắc bệnh tâm thần. Trong bối cảnh đó, Trại Tâm thần đã góp công rất lớn trong việc đón nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng những người bị bệnh tâm thần đang được nuôi dưỡng trong các gia đình và người tâm thần lang thang, không nơi nương tựa ở địa phương.
13 năm sau, 1993, Trại Tâm thần được chuyển về khu đất nay thuộc phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng và đổi tên thành Khu điều dưỡng bệnh tâm thần trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần mãn tính, đặc biệt là chăm sóc cho thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ bị căn bệnh này. Năm 1995, cơ sở được đổi tên thành Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần.
Sau khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần được tổ chức lại và là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở LĐ-TB&XH với chức năng nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần. Năm 2006, Trung tâm được chuyển về tổ 137 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Đến năm 2008, Trung tâm được UBND thành phố Đà Nẵng xếp hạng I đối với đơn vị sự nghiệp công lập và 6 năm sau được giao thêm nhiệm vụ “điều dưỡng, phục hồi chức năng luân phiên đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí”.
Qua từng thời điểm, với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng dù bất cứ giai đoạn nào, Trung tâm luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần.
Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm hầu hết là bệnh nhân tâm thần nặng, gia cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử của những người xung quanh. Nhưng với tình thương và trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn giữ vững truyền thống quý báu “tương thân tương ái” chăm sóc, điều trị bệnh nhân chu đáo, tận tụy, không vụ lợi, xem bệnh nhân như người nhà, ruột thịt của mình, thể hiện những điều mà Bác Hồ đã nhắn nhủ ngành Y, đó là “Lương y như từ mẫu”.
Nếu Trại Tâm thần lúc đầu có số lượng cán bộ, nhân viên đã ít lại chưa qua đào tạo chuyên khoa tâm thần, chuyên môn công tác xã hội, thì Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần hiện có đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, điều dưỡng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng chăm sóc, điều dưỡng để Trung tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Cùng với đó, được sự quan tâm, đầu tư của thành phố, Trung tâm từng bước xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và tích cực cải thiện cảnh quan, môi trường. Đến nay, Trung tâm được mở rộng thêm và hình thành Khu điều dưỡng luân phiên với tổng diện tích trên 3.000m2. Nhiều hạng mục nhà ở bệnh nhân được nâng cấp xây dựng, hình thành khu nhà trú bão cho bệnh nhân; trang thiết bị y tế, dụng cụ phục hồi chức năng, vật dụng chăm sóc... được đầu tư mua sắm tương đối đầy đủ, đáp ứng được công tác quản lý
Định mức nuôi dưỡng, chăm sóc cho bệnh nhân được hỗ trợ từ nguồn ngân sách, song so với vật giá thị trường còn quá thấp, khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Trung tâm thành lập ban vận động từ thiện, vận động các nhà hảo tâm, từ thiện để không chỉ từng bước nâng dần chất lượng bữa ăn mà còn chăm sóc tốt về đời sống tinh thần cho bệnh nhân. Hơn 3 năm qua, Trung tâm đã đón trên 1.463 lượt tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà cho bệnh nhân, hỗ trợ những bữa ăn cho bệnh nhân, ước tính tổng giá trị hơn 4,4 tỷ đồng.
Theo quy định, thân nhân người bệnh có hộ khẩu tại Đà Nẵng có thể làm đơn để được xét đưa bệnh nhân vào chữa trị tại Trung tâm. Một thực tế đáng buồn là nhiều người nhà đưa bệnh nhân đến Trung tâm theo kiểu “khoán trắng”, coi như mình hết trách nhiệm, cứ tưởng Trung tâm phải có nhiệm vụ chăm sóc người nhà của họ suốt đời. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh phải đưa đi cấp cứu, cán bộ Trung tâm liên lạc với người nhà thì họ bảo bận việc (!). Đối với bệnh nhân các tỉnh bạn thì chỉ có trường hợp lang thang mới được giải quyết đưa vào Trung tâm. Người lang thang, nếu xác minh được quê quán thì Trung tâm liên lạc với người nhà đến đón họ về địa phương, một số người tỉnh táo hơn thì mua vé xe cho họ về.
Ở Đà Nẵng, ngoài Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần còn có Bệnh viện Tâm thần trực thuộc Sở Y tế. Nếu Bệnh viện Tâm thần chủ yếu khám, chữa bệnh thì Trung tâm có chức năng quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh; là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng những bệnh nhân mà qua chữa trị lâu dài không thể phục hồi trí nhớ. Trung tâm trở thành nơi ăn ở đến suốt đời của các bệnh nhân thuộc diện người không còn thân nhân và người bị tâm thần nặng có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.
Nhà tâm thần học Lilienstein đã nói một câu rất chí lý: “Thái độ của một xã hội đối với bệnh nhân tâm thần là thước đo trình độ văn minh của xã hội ấy”. Cả hai cơ sở điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần này - với tấm lòng chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh như người nhà - đã góp phần làm vơi đi gánh nặng xã hội và thể hiện “trình độ văn minh” của thành phố Đà Nẵng.
Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng hiện có 200 bệnh nhân điều trị nội trú và gần 3.500 bệnh nhân ngoại trú thuộc các thể bệnh như: tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn cảm xúc… chưa kể mỗi ngày có gần 300 bệnh nhân đến khám và chữa trị các dạng bệnh tâm thần khác như: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, trầm cảm, lo âu, nghiện game, nghiện rượu… Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng hiện có 339 bệnh nhân điều trị, trong đó có 247 người trên địa bàn thành phố và 92 người các tỉnh khác đến. |
NGUYÊN VĂN CẦN