.

Thịt heo quê ra phố

.

Hầu như những người buôn bán thịt heo từ quê ra phố đều có người nhà làm cùng nghề. Chị dìu dắt em, mỗi người chọn một chỗ ngồi ở chợ. Khắp các chợ trong thành phố, đặc biệt là những chợ nhỏ đều có bóng dáng họ.

Quầy hàng thịt heo của chị Hiền Đại Lộc ở chợ An Hải Đông. Ảnh: H.N
Quầy hàng thịt heo của chị Hiền Đại Lộc ở chợ An Hải Đông. Ảnh: H.N

Thịt quê hút khách

Heo quê ra chợ phố, nhiều nhất là từ các xã của huyện Đại Lộc, tạo thành một thương hiệu riêng. Và người bán hàng cũng mang luôn “chỉ dẫn địa lý” cho quầy hàng nhỏ của mình.

Đến chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà, hỏi chị Hiền Đại Lộc ở đâu, hầu như người bán thịt, bán rau nào cũng biết. Chị Hiền bán thịt heo ở chợ này mười năm có lẻ, từ hồi chợ còn mang tên An Cư. Nhà chị vốn ở đường Đỗ Quang, lấy chồng về trong quê Đại Cường của huyện Đại Lộc. Chị từng làm nghề chụp hình, cho thuê đồ cưới, rồi xoay sang làm bánh, buôn bán lặt vặt. Kiếm chẳng được bao nhiêu, hai vợ chồng bàn nhau đi quanh làng mua heo của bà con nuôi về mổ thịt, đem ra Đà Nẵng bán.

“Heo quê, thịt sạch, chỉ ăn rau cám, không ăn thức ăn công nghiệp, bà con cứ ăn thử, nếu thấy dở hôm sau ra tui bù tiền”, đó là câu chào hàng của chị Hiền những ngày đầu chân ướt chân ráo đưa cái bàn nhỏ ra bày thịt bán, lúc chưa có mấy người mua và cũng chưa ai để ý thịt heo chị bán khác với quầy hàng khác như thế nào. Vậy là chị ngoài giới thiệu nguồn gốc thịt, còn có thêm phần “trình bày” để các bà nội trợ phân biệt heo ăn cám và heo ăn thức ăn công nghiệp như thế nào.

Qua cách nhận biết phần da, phần mỡ, phần thịt, màu sắc, tính đàn hồi. Như heo nuôi ăn rau, cám thì da và mỡ dày hơn, săn chắc hơn, thịt màu hồng chứ không phải màu đỏ tươi. Về hình thức miếng thịt nhìn xấu hơn nhiều so với thịt heo “xe”, tức loại heo nuôi thành đàn vài chục đến cả trăm con, khi mổ thịt phải di chuyển bằng xe tải đến lò mổ.

Mất một thời gian làm quen, tìm kiếm khách hàng, giờ mỗi ngày chị Hiền mổ 2 con heo khoảng 80kg đến 1 tạ. Phần thịt - xương đầu, nội tạng, chị đưa cho bà chị họ bán ở chợ quê, chị đưa ra Đà Nẵng phần xương, đùi, thịt nạc, ba chỉ. 6 giờ có mặt ở chợ, bán đến chừng non trưa là hết hàng, hôm nào cuối tuần có thể hết sớm hơn. Ở quê chị Hiền, trước có khoảng 8-10 nhà nuôi heo thì nay chỉ còn khoảng 3 nhà thả chuồng 1-2 con heo. Chị phải đi khắp trong xã mới mua đủ heo về mổ.

Ở chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, trong số hơn 20 quầy hàng thịt thì có 3 hàng thịt heo quê, gồm 2 hàng có nguồn gốc từ Đại Lộc và 1 hàng ở Quế Sơn. Chị Phạm Thị Sương Mai bán thịt được hơn 2 năm. Chị lấy nguồn thịt ở chợ Bà Rén, Quế Sơn. Chị Mai cho biết ở đây có nhiều người buôn heo, họ mổ sẵn và bán với giá sỉ. Chị phải đến sớm, chọn loại heo chỉ ăn rau, cám hoặc dặn mấy người bỏ mối để dành các loại thịt ngon, xương, đùi cho mình.

Anh trai và chị dâu của chị Mai có hơn 10 năm bán thịt heo quê bên hông chợ Hàn. Thời gian anh chị có mặt và trải bạt bán thịt từ 5 giờ sáng, đến hơn 6 giờ là phải rút đi, nhường chỗ cho các hàng hoa, hàng rau và trái cây đã đăng ký sẵn chỗ từ trước. Em gái chị Mai cũng làm nghề bán thịt heo ở chợ Hòa Cường, với “thâm niên” 5 năm.

Hầu như những người buôn bán thịt heo từ quê ra phố đều có người nhà làm cùng nghề. Chị dìu dắt em, mỗi người chọn một chỗ ngồi ở chợ. Khắp các chợ trong thành phố, đặc biệt là những chợ nhỏ đều có bóng dáng họ. Lý giải vì sao lại chọn chợ nhỏ để bán, các chị cho biết do mình là người ở quê, lại đến sau, nên chỉ khi nào một quầy hàng nào đó trống mới có thể chen chân vào, hoặc chấp nhận buôn bán ven đường, thuê một chỗ ngồi với giá 1 triệu đồng/tháng như chị Hiền Đại Lộc, chị Nga ở chợ Đống Đa.

Ngoài khách hàng đến mua thịt tại quầy, chị Hiền Đại Lộc có hơn 10 khách hàng lẻ (cá nhân), chủ yếu là dân văn phòng. Các mối hàng này nhiều năm mua thịt của hàng chị và giờ họ có ở đâu, tận đường Đống Đa hay Bệnh viện Quân y 17 cách chợ An Hải Đông cả chục cây số, chồng chị đều sẵn sàng chạy xe máy đưa hàng. Khi muốn ăn thịt, họ gọi điện cho chị, muốn xương, muốn thịt kiểu gì cũng đáp ứng.

Thậm chí chị Hiền còn quen tính nết từng vị khách, chỉ cần thấy số điện thoại của họ là biết khách cần loại thịt gì. Nhiều bà nội trợ chị quen, thỉnh thoảng dặn cả chục ký thịt, xương, đóng thùng xốp gửi cho con cái họ ở Sài Gòn. Ngoài ra, có khoảng 5 khách sạn, nhà hàng nhờ chị cung cấp thịt heo sạch. Mỗi nơi lấy chừng 7-10kg. Vợ bán hàng, chồng chở hàng đến tận nơi không tính thêm tiền công; nhờ đó vợ chồng chị Hiền ăn nên làm ra, trụ được với nghề buôn bán vốn không dễ này.

Hiện nay nhiều tiểu thương bán thịt heo ở các chợ hay than vãn hàng ế. Ngày cuối tuần, chợ đông người mua, hàng thịt còn nhộn nhịp, chứ ngày thường thì các chị ngồi đuổi ruồi, ngó nhau. Ngay cả hàng heo quê của chị Gái ở chợ Mai, phường Thọ Quang cũng vậy. Chị nói: “Hồi trước, chị bán thịt heo lấy từ lò mổ. Nhưng cả chợ ai cũng lấy từ lò nên chị chuyển sang bán thịt heo sạch, chủ yếu từ Đại Lộc đưa về.

Mỗi ngày mua chừng 2-3 chục ký mà bán mãi mới hết, vì heo của chị là loại lựa, thịt ngon, nhưng giá cao hơn các quầy khác từ 5.000 đồng -15.000 đồng/ký cho mỗi loại thịt, xương… nên khó bán”. Đó cũng là mức giá chung cho các hàng thịt heo quê. Mức giá này theo các tiểu thương là chưa thể tính công vận chuyển, chỉ tính giá thành heo nguyên con hoặc đã xẻ thịt ở quê đều cao hơn chừng 5.000 đồng/kg so với heo nuôi thành đàn, ăn bột.

Và cũng gọi là heo quê, nhưng thực chất thì có khi người bán hàng “gắn mác” quê cho sản phẩm của mình. Họ cũng đưa thịt từ quê ra chợ phố, nhưng thực chất con heo trên bàn vẫn có màu thịt đỏ, ít mỡ, nhiều nạc, heo ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp hoặc một phần là thức ăn gia súc, một phần là nước cơm được chở từ thành phố về.

Anh Đức, ở thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, người chuyên mổ heo ở khu mổ tập trung Hòa Tiến cho hay, những con heo ăn thức ăn này có phần mỡ bệu, không săn, có thể do nó ít được ăn rau, hoặc được nuôi với số đông; và giá thành loại heo này cũng bằng với heo “xe”, tức khoảng 65.000 đồng/kg. Kiểu làm ăn “nửa nạc, nửa mỡ” này chỉ có thể đánh lừa người không rành, không có kinh nghiệm; còn những bà nội trợ luôn quan tâm đến món hàng mình mua, nâng lên đặt xuống xem tiêu chuẩn sạch của thực phẩm đến đâu thì không dễ gì qua mắt họ.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.