Từng có ý kiến cho rằng, Đà Nẵng phải nghĩ một cách nghiêm túc về hai yếu tố quan trọng nhất trong ngành du lịch hiện nay là du lịch tận hưởng và khám phá. Muốn làm được điều đó, Đà Nẵng phải “đãi cát tìm vàng” và tiếp thu đề xuất, ý tưởng táo bạo để xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế.
Nếu biết cách khai thác, Đà Nẵng vẫn thu hút một lượng khách lớn vào mùa thấp điểm. Ảnh: Trung Bùi |
1. Là địa phương có chiều dài 30km bờ biển, Đà Nẵng ý thức được rằng mùa mưa bão tại đây thật sự khắc nghiệt và ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu ngành du lịch. Thông thường, bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm, mọi hoạt động về du lịch tại thành phố này dường như chững lại, bãi biển thưa vắng người dân và du khách.
Các hàng quán, khách sạn dọc tuyến đường ven biển, ven sông như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Bạch Đằng, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo… cũng cùng chung số phận.
Sự khắc nghiệt của thời tiết khiến nhiều đơn vị khai thác du lịch xem chuyện vắng khách trong mùa mưa là chuyện đương nhiên, bởi mọi sự cố gắng thời gian qua dường như vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Có khá nhiều công ty lữ hành nhỏ ở Đà Nẵng giẫm chân tại chỗ trong mùa mưa do du khách lúc này có xu hướng tìm đến những công ty lớn, có thương hiệu nhằm giảm thiểu rủi ro trong hành trình của mình.
Anh Nguyễn Ngọc Hiệp, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ du lịch Huy Khánh cho biết, vào mùa mưa, đơn vị hầu như hoạt động cầm chừng, nhân viên tập trung vào công tác hoàn thiện nội dung trang tin điện tử, gửi bảng báo giá, tìm kiếm đối tác mới…
goài ra, để bảo đảm nguồn thu trong giai đoạn này, công ty nhận tổ chức các sự kiện ca múa nhạc, thời trang, đẩy mạnh dịch vụ cho thuê xe du lịch, bán vé máy bay, vé xe, tổ chức những tour du lịch quốc tế theo yêu cầu riêng của khách hàng.
Ngoài yếu tố thời tiết không thuận lợi, cái thiếu của Đà Nẵng hiện nay là các sản phẩm du lịch chưa thật sự nổi bật. Các đơn vị thường khai thác những tiềm năng sẵn có, thiếu tính sáng tạo, độc đáo, câu chuyện liên kết giữa lữ hành – điểm đến – khách sạn – dịch vụ cũng chưa được quan tâm. Do đó, ngay cả những đơn vị lữ hành lớn, có uy tín trong tổ chức, điều hành tour cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Giám đốc điều hành Vitours Đà Nẵng cho biết, trước khi mùa mưa bắt đầu, Vitours luôn lên bảng kế hoạch thật chi tiết, giảm giá mạnh để thu hút khách. Thế nhưng, lượng khách đăng ký đặt tour đến Đà Nẵng cũng chỉ dao động ở khoảng 30% đến 40% so với thời điểm nắng ráo. Thời gian này, du lịch Đà Nẵng không chỉ giảm về lượng khách mà thời gian lưu trú cũng rút ngắn dẫn đến doanh thu ngành du lịch hầu như không đáng kể.
Có thể nói, Đà Nẵng vẫn đang loay hoay với bài toán du lịch mùa mưa, hay còn gọi là du lịch mùa thấp điểm. Vào mùa mưa, mọi dịch vụ đều trở nên trễ nải và kém phần chuyên nghiệp. Trước hoàn cảnh đó, nhiều đơn vị chia sẻ họ đang trông chờ vào loại hình du lịch MICE (viết tắt bốn từ tiếng Anh: Meeting (gặp gỡ), Incentive (khen thưởng), Conventions (hội thảo), Exhibition (triển lãm).
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố đánh giá đây là loại hình du lịch tiềm năng và hấp dẫn. Bởi MICE tổng hợp nhiều loại hình dịch vụ từ vận chuyển, lưu trú, tổ chức hội thảo, hội nghị, liên hoan và tham quan cho hàng trăm khách và thời gian lưu trú thường kéo dài nhiều ngày.
Đà Nẵng đang có lợi thế của một thành phố xanh, sạch, đẹp, được lòng du khách trong và ngoài nước nên trước mắt có thể hướng đến lượng khách từ các tập đoàn, tổng công ty lớn. Bên cạnh đó, việc miễn visa 15 ngày cho công dân 5 quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy mà Chính phủ vừa ban hành hồi tháng 7 là cơ hội tốt để Đà Nẵng phát triển nguồn khách quốc tế. Ông Bình hy vọng, nếu khai thác tốt loại hình dịch vụ MICE, du lịch Đà Nẵng sẽ thoát khỏi cảnh ngủ đông kéo dài trong nhiều năm qua.
2. Hằng năm, ngoài việc tổ chức thường xuyên chương trình kích cầu du lịch mùa thu – đông, Đà Nẵng đã 3 lần tổ chức hội nghị du lịch quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho ngành “công nghiệp không khói”. Đơn cử, Hội thảo “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch quốc tế” tổ chức tháng 10 năm ngoái được giới chuyên môn đánh giá là “đãi cát tìm vàng”, góp nhặt những ý tưởng sáng tạo nhằm xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến an toàn, hấp dẫn ngay cả trong mùa mưa.
Hội thảo này thu hút hơn 50 chuyên gia, quản lý về du lịch. Ông Chong Chwee Oh, Tổng quản lý Sandy Beach Resort cho rằng, Đà Nẵng đang rất thiếu các loại hình dịch vụ giải trí. Ngay như những con đường đắc địa và có vị trí đẹp, thuận lợi như Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Duẩn vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình.
Có cái nhìn khác hơn, táo bạo, mạnh mẽ và quyết liệt hơn là những gì Đà Nẵng cần hướng đến nhằm thoát khỏi lối mòn trong khai thác du lịch hiện nay. Chị Nguyễn Thị Diễm, chủ quán bar Bamboo 2, số 230 Bạch Đằng chia sẻ mỗi tối địa chỉ này đón khoảng 200 khách.
Theo chị, thế mạnh của bar này là phục vụ chủ yếu khách Tây với những món ăn Âu, pizza, mì Ý, cooktai và những món đặc sản Việt Nam. Nhờ nằm trên con đường đẹp nhất Đà Nẵng cộng với cách phục vụ chuyên nghiệp, thân thiện giúp Bamboo 2 giữ được lượng khách ổn định, kể cả trong mùa mưa.
Tuy nhiên, theo chị Diễm, thành phố Đà Nẵng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của đường Bạch Đằng, đặc biệt trong những dịp lễ hội lớn như cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, đường hoa Tết Nguyên đán… Theo chị, nếu trong những dịp như thế, con đường này được trưng dụng làm tuyến đường đi bộ, có thêm nhiều quán ăn lưu động, bày bán mặt hàng lưu niệm, thì chắc chắn sẽ thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Mỗi điểm đến đều có thế mạnh đặc trưng của địa phương mình. Thành phố Huế đã và đang chủ động khai thác loại hình du lịch mùa mưa với các tour du lịch mang tính trải nghiệm, phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan đường phố trong những ngày mưa.
Trong đó đặc biệt chú ý đến những gian hàng có mái che trong suốt để trưng bày và bán các sản phẩm quà lưu niệm, các món ăn cay, nóng phù hợp tiết trời mưa lạnh; cải tạo và nâng cấp loại hình thuyền rồng, xích lô giúp du khách thỏa thích ngắm mưa mà không lo bị ướt; sắp xếp lại các loại hình trò chơi dân gian, trình diễn âm nhạc cung đình, ca Huế, lớp học nấu ăn.
Tương tự, du khách thích đến Hội An vì trong những ngày mưa lạnh, mái ngói rêu phong nơi phố cổ thường mang lại cảm giác bình yên và lãng mạn, những con đường nhỏ dịu dàng và sạch sẽ, những nụ cười chào đón của hàng quán bên đường… Tất cả trở thành điểm cộng trong lòng du khách.
Trông người mà nghĩ đến ta. Bởi, nếu Huế và Hội An chỉ có mưa thì Đà Nẵng thường đón cả gió bão. Do đó, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng khẳng định, Đà Nẵng rất khó làm được như Huế và Hội An. Dưới góc độ quản lý ngành du lịch, ông mong muốn thời gian tới các đơn vị lữ hành lẫn người dân sẽ đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến giúp Đà Nẵng có hướng đi hiệu quả hơn trong khai thác du lịch mùa mưa.
Ông khẳng định, nếu đó là những ý tưởng sáng tạo, mang tính khả thi, sở sẽ đề nghị thành phố mua ý tưởng đó hoặc có chế độ trả công xứng đáng cho người đề xuất. Điều này phần nào thể hiện tinh thần cầu thị của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong hành trình xây dựng địa phương này trở thành trung tâm dịch vụ du lịch quốc tế.
TIỂU YẾN