.

Bao giờ cho đến... ngày xưa

.

Trước đây, Đà Nẵng có hơn 400 người bán báo dạo, giờ đây chỉ còn 70 người kiên trì trụ lại với nghề. Với sự ra đời và phát triển của báo mạng, người đọc không còn háo hức chờ đợi tin tức nóng hổi từ báo in mà người bán báo dạo mang đến. Thay vào đó, giờ đây người bán báo phải chạnh lòng vì sự chối từ và cả day dứt khi bị xua đuổi…

Cô Nguyễn Thị Hảo - một trong 70 người còn bán báo dạo tại Đà Nẵng - lo sợ: “Không biết rồi đây, còn ai bỏ tiền ra để đọc báo giấy?”… Ảnh: M.T
Cô Nguyễn Thị Hảo - một trong 70 người còn bán báo dạo tại Đà Nẵng - lo sợ: “Không biết rồi đây, còn ai bỏ tiền ra để đọc báo giấy?”… Ảnh: M.T

Thời “hoàng kim” nay còn đâu

Toàn bến xe Đà Nẵng, chỉ còn duy nhất một người bán báo dạo - ông Nguyễn Hồng Ngọc. Ông được xem là người “gàn dở” bởi khi đã là chủ của một ki-ốt Quốc Đạt khang trang tại Bến xe Đà Nẵng, khi đã “nhà cao cửa rộng”, con cái thành đạt, ông vẫn không từ bỏ nghề bán báo dạo. Gần 50 tuổi, ông không còn sức để vừa đi dưới cái nắng chói chang của miền Trung, vừa rao báo lảnh lót như 22 năm qua vẫn làm. Tuy nhiên, ông không chấp nhận chỉ ngồi một chỗ, chờ độc giả của mình tìm đến tờ báo mà vẫn len lỏi vào từng ngóc ngách của bến xe để chào mời.

Đi từ tờ mờ sáng đến giữa trưa, ông Ngọc chỉ bán được 2 tờ trong số 15 tờ báo mang theo. Ông chép miệng nhớ lại thời kỳ “đỉnh cao” của báo giấy, đặc biệt vào mỗi mùa thi đại học, World Cup, lúc tòa tháp đôi của Mỹ bị khủng bố ngày 11-9, hay sóng thần ở Nhật Bản… mỗi ngày ông có thể bán được từ 1.500 đến 2.000 tờ báo. Ông Ngọc mở điện thoại thông minh, vào phần wifi và chỉ ra “thủ phạm” giết chết nghề bán báo dạo của ông. Chỉ cần lướt nhẹ tay trên màn hình, cả chục cột sóng wifi căng tràn, miễn phí hiện ra. Với chiếc điện thoại, giờ đây người đọc có thể cập nhật, chia sẻ tin tức bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu, ở tất cả các lĩnh vực từ khắp nơi trên thế giới…

Ngay tại bến xe, trong lúc ngồi đợi hành trình của mình bắt đầu, hành khách có thể truy cập vào hàng trăm tờ báo mạng với chi phí rẻ hơn mua một tờ báo giấy. Những năm gần đây, các chuyến xe khách còn lắp cả hệ thống phát wifi miễn phí, cơ động ngay trên xe, bảo đảm cung cấp thông tin cho hành khách không chỉ tại bến mà còn suốt hành trình. Trước thực tế này, hàng chục người bán báo dạo tại bến xe đã đồng loạt bỏ nghề, chỉ trừ ông Ngọc. Ông luôn tự hào bởi mình là người duy nhất còn bán báo dạo tại bến xe hiện nay. Ông bán không phải vì mưu sinh mà vì tình yêu và sự tri ân dành cho nghề nghiệp đã theo ông suốt 22 năm qua.

Theo anh Nguyễn Thanh Cẩm (phụ trách phát hành Báo Thanh Niên tại khu vực miền Trung) thì sự gia tăng của báo mạng điện tử đã khiến ấn bản báo in sụt giảm theo chiều thẳng đứng từ năm 2011 đến nay. Riêng với tờ báo Thanh Niên, tại thành phố Đà Nẵng, số lượng phát hành đã giảm từ hơn 52.000 tờ/ngày xuống còn 20.000 tờ/ngày. Các chủ đại lý đến nhận báo tại nhà in không ai còn dùng xe tải nhỏ hay taxi như trước đây, số báo ít ỏi lấy về để cung cấp cho người bán báo dạo có thể vận chuyển bằng xe máy, hay thậm chí… xe đạp. Số lượng người bán báo dạo tại thành phố trước đây hơn 400 người, giờ chỉ còn 70 người. Họ kiên trì gắn bó với tờ báo trong những ngày mưa dầm, nắng đổ hay cả những lúc ốm đau bởi đã trót mê nghề “lượm tiền lẻ”, mê niềm vui được mang báo đến tay bạn đọc.

Suốt 16 năm nay, mỗi ngày của cô Phạm Thị Long (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) luôn bắt đầu từ 3 giờ 30 sáng. Khi thành phố còn im lìm ngủ thì cô đã ôm xấp báo trên tay. Vẫn cung đường thân quen từ Lê Lợi vòng qua Nguyễn Chí Thanh và ngược lại, tuy nhiên, giờ đây số lượng báo bán ra mỗi ngày, thái độ của khách hàng dành cho tờ báo đã không còn như xưa. Nhiều người đọc không còn háo hức chờ đợi tin tức nóng hổi mà người bán báo dạo mang đến, thay vào đó, giờ đây đôi khi cô Long phải chạnh lòng vì sự chối từ và cả day dứt khi bị xua đuổi.

Vừa vuốt phẳng tờ báo được khách hàng mượn đọc, cô Long vừa nói vui: “may” mà giờ đây cô chỉ có thể bán khoảng 70 đến 80 tờ báo một ngày chứ không phải là 250 đến 300 tờ như xưa. Bởi ngày xưa báo quảng cáo ít, mỏng nên cô mang được nhiều báo. Với những tệp quảng cáo dày hơn cả nội dung của hôm nay thì chỉ 80 tờ báo đã khiến lưng cô lệch hẳn về một bên.

Tình yêu dành cho báo giấy

Ông Ngọc gắn bó với nghề bán báo bởi những “món quà” mà câu chữ trên báo dành tặng mình mỗi ngày. Đến nay, ông vẫn nhớ mãi câu chuyện về người phu xe nghèo tại Thiên Tân (Trung Quốc) được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ cách đây 10 năm. Trong suốt 18 năm, người phu xe nghèo, thất học đó đã vắt kiệt mồ hôi của mình trên chiếc xe 3 bánh để chắt góp tiền và gửi vào các trường trung học và đại học tại Thiên Tân để giúp các sinh viên nghèo. Khi ông ngã bệnh, các sinh viên Trường Đại học Nam Khai đã gấp 99 con hạc giấy để cầu nguyện cho ông, họ chia sẻ với nhau thông điệp rằng, trên con đường đến tương lai thênh thang của mình có những vòng xe nhọc nhằn của một lão phu thất học. Với ông Ngọc, những mẩu chuyện yêu thương, những thông điệp tốt đẹp như thế chỉ có thể được lĩnh hội nhiều nhất khi đọc báo giấy. Bởi, báo mạng thường dành “đất” để nêu lên những mảng tối, tiêu cực của xã hội…

“Tôi tin rằng, chỉ cầm trên tay tờ báo giấy, người đọc mới có thể đặt cả tâm hồn mình vào câu chữ, mới đủ thời gian để lặng lẽ suy tư, để hiểu rằng, chiến tranh, khủng bố, oán thù có thể được khuất phục bởi sự tha thứ và lòng tốt của mỗi người. Những hành động yêu thương, những tấm lòng hảo tâm, những câu chuyện xúc động về tình người… được thể hiện đầy ắp trên trang báo có thể giúp điều tốt đẹp được lan tỏa”, ông Ngọc khẳng định.

Với vợ chồng cô Nguyễn Thị Hảo (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) thì nghề mưu sinh rẻ nhất là bán báo và bán vé số bởi không cần vốn. Tuy nhiên, nghề bán báo lại “lời” hơn nghề bán vé số bởi “mỗi chữ, mỗi dòng, mỗi câu chuyện đều giúp vợ chồng tôi biết thêm thông tin mới”. Gắn bó với nghề suốt 20 năm nay, giờ đây, cô Hảo chỉ bán báo tại một địa điểm duy nhất – quán cà-phê Long trên đường Lê Lợi. Số lượng khách đông, luôn ổn định giúp việc buôn bán của cô ít bấp bênh, nhọc nhằn nhưng vẫn không thoát được thực tế: người mua báo đang giảm nhanh từng ngày. Để khắc phục được tình trạng này, cô Hảo cũng thực hiện các chương trình “khuyến mãi” như mua 1 tờ cho mượn 1 tờ, đọc xong mới trả tiền... Để tránh mất khách, cô Hảo phải đi bán tất cả các ngày, kể cả những hôm đau ốm. Cô thuộc mặt tất cả khách hàng thân quen, khi khách vừa tấp xe vào lề là cô nhanh tay rút những tờ báo khách hay chọn mua cùng nụ cười chào ngày mới…

Nhìn cách các khách hàng của mình đọc, cô Hảo “đúc kết”: dường như người đọc bây giờ vội vã quá, họ quét tay trên màn hình điện tử sáng loang loáng, họ chọn cách lướt qua để nắm thông tin chứ không phải đọc thong thả và sâu lắng, suy ngẫm và ghi nhớ như ngày trước…

Cô Hảo quan sát và lo sợ không biết rồi đây, còn ai bỏ tiền ra để đọc báo giấy?”…

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.