Cắt tóc nam là một nghề không cần trình độ học vấn cao, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo cộng với sự chịu khó và tỉ mỉ. Ai cũng có thể học nghề, giỏi kém tùy thuộc vào tính kiên nhẫn, cẩn thận, khả năng nhận diện khuôn mặt nào phù hợp với kiểu tóc nào. Ngoài ra, mỗi thợ cắt tóc phải “sắm” cho mình một số khách quen nhất định. Khách quen không cần nói, thợ đã biết phải cắt kiểu nào.
Ông Kim vẫn giữ những đồ nghề như tông-đơ, dao cạo từ hồi mới vào nghề. “Tiệm” cắt tóc của ông Kim là một góc nhỏ ở hành lang nhà.Ảnh: H.N |
Khách quen tìm tới
Trước khi học nghề hớt tóc nam, anh Dũng (tiệm cắt tóc Dũng, đường Lê Tấn Trung, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã làm nghề điêu khắc, chạm trổ, nên khi chuyển sang cầm kéo, tông-đơ, anh có sẵn tính tỉ mỉ, cẩn thận. Năm 1993, sau ba tháng học nghề, anh thuê mặt bằng mở tiệm trên đường Nguyễn Phan Vinh, cùng phường.
Khu vực này lính Hải quân đóng quân nhiều, còn người dân toàn làm nghề biển, một tháng đôi ba lần lên bờ, nên yêu cầu của khách dành cho người thợ trẻ chủ yếu là kiểu tóc húi cao cao, gọn gàng, không cần vẽ vời kiểu dáng. Anh bảo mình rất yêu nghề, cộng thêm sự chú tâm, cẩn trọng nên nhiều người mến tay nghề mà tìm tới.
Hơn 10 năm sau đó, con đường trước nhà anh được mở ra, anh Dũng quyết định chuyển tiệm về nhà, khách quen cũng theo đó tìm về, dù nhiều nhà đã chuyển đi xa vài cây số. Khách hàng quen của tiệm anh Dũng cỡ một trăm người, chủ yếu là người đã có gia đình, họ chỉ cần hớt tóc cao lên cho gọn gàng. Có một số người tóc muối tiêu, nhờ anh nhuộm.
Tiền hớt tóc và thuốc nhuộm khoảng 40.000 đến 50.000 đồng. Anh cho rằng, người thợ chạy theo mốt tóc rất dễ, “chỉ cần ngó họ hớt kiểu gì thì tạo dáng lại y như rứa là được. Ở đây cũng có những thanh niên đến, đề nghị anh hớt kiểu này kiểu nọ, như là cạo trọc một bên hoặc phía sau, bên kia và phía trước để dài, lúc đó anh sẽ góp ý, là để kiểu tóc gì cũng phải hợp với khuôn mặt, với tác phong, nhìn thì “ngầu” đó nhưng chưa chắc đã đẹp”. Có thể những góp ý đó làm anh giảm đi vài ba người khách, nhưng không hề gì khi anh đã qua tuổi thanh niên, cẩn trọng hơn trong suy nghĩ cũng như làm nghề.
Trong một xóm nhỏ phường An Hải Đông, tấm bảng hiệu giản dị, phai màu: “Kim-cắt tóc” của ông Kim, 71 tuổi, 25 năm tuổi nghề khó mà níu kéo được người lạ. Nên ở đây chỉ có người quen tìm đến. Ông Kim trước làm công nhân cầu đường, rồi công nhân một công ty dệt-nhuộm. Năm 1990 ông về hưu, vẫn dồi dào sức khỏe nên ông quyết tâm đi học nghề cắt tóc. Thầy dạy chỉ dẫn sơ sơ, hằng ngày ông học cách cầm kéo, cầm dao cạo, bóp tông-đơ cho nhuyễn tay. Chiếc tông-đơ bé bé mà phải học bóp cho thuần thục. Tay mỏi thì nghỉ, rồi chuyển sang liếc cái dao cạo trên miếng vải da.
Anh Dũng cắt tóc cho khách.Ảnh: H.N |
6 tháng học nghề, cũng chẳng mấy khi có cơ hội cắt tóc cho khách để rèn tay nghề, nhưng “trò” Kim vẫn được tốt nghiệp. Ra nghề, ông mua hai cái kéo, một cây dao cạo, một cái gọng tông-đơ. Ông tìm đến một ông thợ rèn ở ngã ba Huế, rèn dao, một cái lưỡi tông-đơ, rồi đóng một cái hộp gỗ (ông Kim gọi là cái tráp) bắt đầu “đi thực tế”. Leo lên chiếc xe đạp cà tàng, ông Kim đi khắp hang cùng ngõ hẻm, vào đến tận giáp mí Điện Ngọc, thực hành nghề cắt tóc dạo. Chuyến “đi thực tế” như cách ông gọi kéo dài 6 tháng, đủ rèn tay nghề cho ông mở tiệm trên đường Nguyễn Văn Thoại. Khi con đường này mở rộng, ông chuyển tiệm hớt tóc về nhà.
Ông về nhà thì khách quen cũng về theo. Ông vẫn tuân theo đầy đủ quy trình: hớt, chắn, cạo mặt, váy tai. Cánh thanh niên làm nhanh, chỉ khoảng 30 phút là phục vụ xong một khách, ông Kim thì nhẩn nha hớt, chắn… gần tiếng đồng hồ mới xong, vừa làm vừa nói chuyện. Hồi ông vào nghề, giá cắt tóc chỉ 2.000 đồng, giờ tăng lên 25.000 đồng; chuyển từ tông-đơ cắt bằng tay sang tông-đơ máy dùng điện. Ông Kim bảo, giờ mình làm cho vui, đỡ nhớ nghề, chủ yếu phục vụ mấy ông bạn già và trẻ nhỏ.
Tưởng nghề cắt tóc nam này chỉ còn dành cho người lớn tuổi, lớp trẻ ít ai theo nghề. Vậy mà Quốc Bảo, 21 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu mở tiệm gần 1 năm nay. Bảo cho rằng, học nghề tạo kiểu tóc cho nữ mất nhiều thời gian hơn, ra nghề phải tốn khá nhiều tiền mới sắm đủ đồ nghề, chưa kể là không biết có khách không khi tiệm cắt tóc nữ mọc lên nhan nhản.
Thế là Bảo theo nghề cắt tóc nam. Khu vực này đông sinh viên và công nhân, ngày cuối tuần đông khách, kiếm vài trăm nghìn một ngày. “Em ăn cơm mẹ nấu, kiếm tiền và phải xác định để dành sau này còn có thể đổi nghề, hoặc học tạo mẫu tóc để mở tiệm lớn, nên bây giờ làm thế này để kiếm vốn đã”, Quốc Bảo bộc bạch.
Chiếc xe đạp và tráp đồ nghề này theo ông Nguyễn Sang 40 năm làm nghề hớt tóc dạo.Ảnh: H.N |
40 năm: “Ai hớt tóc, đê!”
Khi đến phường An Hải Đông gặp ông Kim, tôi được ông và nhiều người già trong xóm cho biết ở đây họ hay thấy một ông già chuyên đi hớt tóc dạo bằng xe đạp. Một vài người từng được ông già đó hớt tóc, nhưng không biết tên, không có số điện thoại, không biết nhà ông, họ chỉ biết một thông tin khá mơ hồ: ông già đó ở phường An Hải Bắc.
Phường An Hải Bắc khá rộng, lắm đường nhiều ngõ, tôi sục sạo qua nhiều con đường, mong sao ông già hớt tóc dạo chưa bị giải tỏa đi phường khác. Dừng qua nhiều quán cà-phê có mấy ông già ngồi đánh cờ tướng, rồi dừng thêm mấy tiệm hớt tóc bên đường nữa, thì có một anh chỉ: đó là ông Những, nhà ở trong con hẻm đường Ngô Quyền. Con đường hẹp của khu dân cư An Đồn đủ cho hai người chạm mặt, ngoắt ngoéo. May quá, trời mưa lớn nên ông già có nhà. “Tui tên Sang, Nguyễn Sang, 79 tuổi. Năm Những là tên của bà nhà tui”. Ông Sang nói rành rọt, nhưng nghe thì kém, tôi phải nói rất to, thỉnh thoảng nhờ vợ ông “phiên dịch” giùm.
Quê ông Sang ở Duy Xuyên, năm 17 tuổi ông vào sống ở Tam Kỳ, năm 23 tuổi ông bắt đầu học nghề cắt tóc. “Đó là năm 1959. Tui mở một cái quán nhỏ, khách rất đông. Rồi chiến tranh, năm 1965 tui ra Đà Nẵng, cũng mở một cái quán nhỏ ở gần nhà, được hơn 1 năm thì bị bắt lính. Vô đó, tui cũng chỉ làm nghề hớt tóc. Đến chừ là 56 năm rồi”.
Nghề hớt tóc như là cái nghiệp của ông Sang. Khi đất nước giải phóng, nhà nghèo, cần phải nuôi 5 đứa con, thế là ông ôm cái hộp đồ nghề trên tay, đi bộ gần như hết quận Ba. 10 năm cuốc bộ ròng rã, ông chuyển sang chiếc xe đạp khung ngang, kiểu xe nhãn hiệu “Thống Nhất” hồi đó. Chiếc xe hồi đó bà Năm Những mua với giá hơn bốn mươi nghìn đồng, giờ vẫn đưa ông Sang đi về khắp các nẻo đường. “Hư chi thay nấy, không biết bao nhiêu cái săm, cái lốp vô nó rồi”, ông Sang giữ chiếc xe sạch sẽ, dù màu khung ban đầu đã bong tróc, không còn biết màu gì.
Nghề hớt tóc dạo được ông Sang duy trì đến nay chẵn 40 năm. Giờ địa bàn ông đến thường xuyên là phường An Hải Đông. Khách quen đủ mọi lứa tuổi, nhiều nhất cũng là trẻ con và người lớn, đám thanh niên thì thích mấy người thợ có tay nghề trẻ hơn. Có gia đình hết cha, đến con, giờ đến cháu là khách hàng của ông. Ông làm nghề dạo, nên vẫn dùng tông-đơ thủ công, khi nào lưỡi dao mòn thì đạp xe lên ngã ba Huế mài dao. Ngày xưa ông thợ mài dao tên Nhứt rèn dao, kéo, mài lưỡi dao cho ông, giờ ông Nhứt chết thì có người con trai thay nghề cha mài dao cho khách. Đây cũng là ông thợ rèn dao cho ông Kim.
Ông Sang bảo, hồi mô không đi được, không leo lên xe đạp được nữa thì tui nghỉ, còn khỏe thì đi. Xưa hớt một ngày được 15 người, giờ chỉ được chừng 5 người thôi; rồi ghé nhà mấy ông bạn già đánh cờ, trò chuyện. Con trai thứ tư của ông theo nghề hớt tóc của cha, anh mở tiệm trên đường Ngô Quyền hơn mười năm nay, khiến ông tự hào về nghề lắm.
Mỗi người thợ, khi đã chọn cái nghề không sang, không tiếng tăm, không kiếm được nhiều tiền, đi loanh quanh trong tiệm đến mòn mấy viên gạch dưới chân, mà ai đã theo nghề là gắn với nó suốt từ năm này sang năm khác. Cái nghề cắt tóc cũng hay, cắt cho hàng trăm, hàng nghìn người, mà đến lượt mình muốn cắt, dù đó là người tay nghề đầy kinh nghiệm, lâu năm bao nhiêu cũng phải nhờ đến tay thợ khác!
HOÀNG NHUNG