“Khi nhập trường cách đây 1 tháng, em đã được anh chị khóa trên cho biết là ở trường đại học, mỗi người phải tự học, tự nghiên cứu là chính, cái gì chưa hiểu thì trao đổi với giảng viên. Em nhận thấy, nếu không tự giác, không tự rèn mình ngay từ đầu, trong điều kiện thời gian học ít bị gò ép hơn thời học sinh, bài kiểm tra chỉ làm vào cuối kỳ, sinh viên rất dễ chủ quan dẫn đến sức học sa sút, không hiểu bài, thi không đạt điểm...”.
Làm việc nhóm là một trong những hoạt động bắt buộc và rất có ý nghĩa đối với sinh viên đại học.Ảnh: Q.T |
Đó là chia sẻ của Trần Xuân Bách (SV năm nhất khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng).
Tạo thói quen tự học ngay từ đầu
Huỳnh Duy Nam (SV năm cuối khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa), tâm sự, đa số các bạn SV đều có suy nghĩ cứ chơi đã, tuổi trẻ là phải khám phá, trải nghiệm, chuyện học là cả đời nên chỉ học khi đến kỳ thi. Tuy nhiên, qua 5 năm học ở trường ĐH em rút ra kết luận, những bạn mà “nước đến chân mới nhảy” như vậy, dù có thông minh, giỏi giang đến đâu kết quả cũng chỉ được loại B thôi. Những bạn loại A là những bạn đã chăm chỉ, “cày cuốc” từ đầu học kỳ.
Đa số tân SV đều có tâm lý, đèn sách 12 năm mới vào được ĐH nên học kỳ đầu cứ… tà tà đã, không việc gì phải vội. Thế nhưng, theo PGS, TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng, đây là suy nghĩ chủ quan, gây hậu quả cho quá trình học tập tiếp theo. “Phương pháp học ở ĐH mang tính chất nghiên cứu nhiều hơn, đòi hỏi sự tự chủ nhiều hơn; SV phải tự nghiên cứu, tự học; giảng viên (GV) chỉ giảng những vấn đề chính yếu chứ không làm thay; SV muốn biết nhiều hơn những gì trên lớp thì phải chủ động hỏi GV và tự nghiên cứu. Nếu SV không ngay từ đầu tạo thói quen học hỏi thì sẽ đánh mất nó, gây khó khăn cho những học kỳ tiếp theo”, thầy Lê Quang Sơn nhìn nhận.
TS Lê Phước Cường, GV khoa Môi trường, Trường ĐH Bách khoa cho rằng, sự khác nhau cơ bản nhất giữa môi trường ĐH và môi trường phổ thông đó là khái niệm “giáo dục”. Ở bậc ĐH, giáo dục không có nghĩa là giảng viên (GV) giảng cho học sinh nghe mà là quá trình GV tạo ra một môi trường đặc thù, chuẩn bị và bố trí một loạt các hoạt động học thuật để SV tự lĩnh hội kiến thức.
Như vậy, so với phổ thông, học sinh học theo cách học thụ động: ghi chép theo những điều thầy cô ghi trên bảng hoặc đợi thầy cô đọc cho chép, về nhà học lại các kiến thức đã học trên lớp... thì ở bậc ĐH, SV phải học một cách chủ động: đọc trước tài liệu để nắm kiến thức mà GV hôm sau sẽ dạy, tốc ký những ý chính từ bài giảng, có thể tranh luận, phản biện, nêu thắc mắc với những vấn đề GV đưa ra... Sự khác nhau đến trái ngược như vậy khiến nhiều SV không xác định từ đầu sẽ loay hoay trong suốt học kỳ.
Nhưng tự học như thế nào để hiệu quả là thắc mắc của không ít SV. TS Lê Phước Cường chia sẻ: “Để tiết học tiếp theo được chủ động và đỡ nhàm chán thì trước khi kết thúc buổi lên lớp, tôi đưa cho sinh viên chủ đề trước. SV phải tự về nhà đọc sách, lên mạng tìm kiếm tài liệu. Trong nửa đầu buổi học tiếp theo, tôi cho SV trình bày những gì mà các bạn đã tìm hiểu, thảo luận đặt câu hỏi cho nhau về vấn đề đó, có thể là sai, có thể chưa đúng nhưng các bạn đã thật sự làm chủ buổi học đó. Trong quá trình này, tôi có vai trò dẫn dắt, điều khiển các nhóm trình bày, nửa buổi học còn lại, tôi dành thời gian để phân tích cho các bạn hiểu rõ hơn, đúng hơn về bản chất của vấn đề và đưa ra các ví dụ minh họa thông qua các clip hoặc hình ảnh dẫn chứng”.
Công cụ hỗ trợ
Môi trường ĐH là môi trường giáo dục chuyên nghiệp dành cho người trưởng thành, có khả năng tự chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của bản thân; tổ chức dạy-học theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp. Người học ĐH để ra làm nghề có hàm lượng trí tuệ cao. Do đó, môi trường dạy học ở đây có tính phân hóa cao (không đồng đều với mọi người, có người sẽ thấy rất phong phú, đa dạng, có người lại sẽ thấy rất buồn tẻ) và có tính chuyên môn cao (mang tính chất của nghề nghiệp đào tạo).
Do đó, hầu như SV khó làm việc độc lập mà phải làm việc nhóm, trước hết để cùng nhau giải quyết, làm ra vấn đề, thứ nữa là để tạo thói quen làm việc tập thể, sau này ra trường, các bạn không bỡ ngỡ. Nguyễn Đình Quang (SV khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa), chia sẻ, khi học phổ thông, hầu như chưa bao giờ tụi em làm việc nhóm cả, nhưng lên ĐH, môn học nào thầy cô cũng chia nhóm, hoặc tụi em tự tìm nhóm với nhau để làm thuyết trình. Em thấy làm việc chung giữa những người xa lạ, khác biệt về giọng nói, vùng miền cũng khá khó khăn, ai cũng có cái tôi, đều cho mình đúng. Nhưng nếu vượt lên được những trở ngại đó thì học nhóm mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.
TS Phan Bảo An, (GV khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa), thừa nhận, một số môn học ở trường ĐH rất khô khan và khó hiểu. Do đó, nếu GV không mạnh dạn chia nhóm ngay từ đầu, các buổi học sẽ chỉ thuần là GV nói, SV nghe, mà khó có sự tương tác giữa đôi bên. Vì vậy, làm việc nhóm là bắt buộc và rất có ý nghĩa đối với SV ĐH.
Đặc biệt, với phương thức đào tạo theo hình thức tín chỉ như hiện nay, SV phải xây dựng cho mình một thời khóa biểu khoa học hợp lý; lên thời gian biểu cho cả ngày bao gồm cả giờ trên lớp và ở nhà. PGS, TS Lê Quang Sơn lưu ý: “Khi đăng ký tín chỉ, SV cần biết lượng sức mình, chọn số lượng môn học phù hợp với sức khỏe, năng lực học tập và điều kiện kinh tế. Khi SV không rõ chính mình muốn gì, có ưu thế gì thì sẽ bị mất phương hướng trong lựa chọn và sẽ bị hiệu ứng “bầy cừu” - đi theo số đông”.
Nhiều GV ĐH đều khuyên rằng, ngoài giờ học trên lớp, SV phải đọc thêm tài liệu theo danh mục tài liệu của môn học, thường xuyên đến thư viện để rèn luyện thói quen đọc, tự tra cứu trên Internet… để hiểu rộng thêm những vấn đề mình quan tâm. SV nên chủ động tham gia các hoạt động có tính chuyên môn của trường, khoa tổ chức, nhất là các hoạt động có yếu tố quốc tế.
Và, nếu có điều kiện, sự tự tin, SV nên chủ động đề xuất ý kiến cùng tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) ở những vấn đề mà bản thân cảm thấy đam mê và muốn theo đuổi với GV trong khoa, trường. Bởi, khi cùng làm NCKH với thầy cô, SV sẽ được định hướng, cung cấp những tài liệu, công cụ thiết thực nhất để làm nghiên cứu. Chính những nghiên cứu này là bài học đắt giá nhất, có giá trị hơn hẳn những bài học đơn thuần trên giảng đường. Và, cũng là những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho việc học lên cao hoặc nghiên cứu chuyên sâu sau này của SV.
QUỲNH TRANG