Chuyên đề
Lang thang phố mưa
Dạo bước dưới mưa, đạp xe trong mưa - những điều tưởng như lạ lẫm giờ đây trở nên phổ biến với du khách quốc tế khi đến thăm Đà Nẵng. Không dồn dập, vần vũ như trong những ngày bão; không rả rích, dai dẳng như mưa Huế. Những cơn mưa Đà Nẵng dường như mang lại cho thành phố vẻ đẹp thi vị, bình yên giúp níu chân du khách.
Một chiếc áo mưa tiện lợi để trong ba lô là đủ để ông Remy Brunner tự tin dạo phố trong những ngày mưa. Trong ảnh: Ông Remy đang tìm đường đi trên chiếc bản đồ giấy của mình. |
Bước vào những ngày cuối tháng 9, nắng vẫn trải đều trên các cung đường Đà Nẵng. Tuy nhiên, nắng đã bớt chói chang, oi bức. Thời tiết chuyển dần sang mát lạnh cùng những cơn mưa bất chợt. Đây cũng chính là giai đoạn được các hãng lữ hành gọi là “mùa thấp điểm” bởi mưa được xem là khắc tinh của ngành du lịch, bởi mưa đồng nghĩa với việc tất cả các hoạt động ngoài trời đều bị ngưng trệ. Tuy nhiên, trên thực tế, mùa mưa trùng với mùa nghỉ đông của các nước phương Tây, là mùa cao điểm đón du khách quốc tế. Do đó, các khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng vẫn đông khách đến từ thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Singapore...
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Lan, quản lý khu nghỉ dưỡng Pullman, thì người ở các tỉnh, thành khác đến với Đà Nẵng luôn trong tâm thế tận hưởng nắng vàng, biển xanh bình lặng, gió nhẹ, sóng vỗ rì rào… Với du khách quốc tế, nơi sương mù phủ quanh năm, mùa đông rét buốt thường xuyên dưới ngưỡng âm độ, tuyết rơi phủ nhiều tháng trong năm thì mùa mưa Đà Nẵng, vẫn rất lý tưởng để du khách mặc áo cộc dạo phố. Mặt biển với những con sóng trắng chứ không bình lặng như ngày hè vẫn có sức quyến rũ du khách bơi lội, tắm nắng…
Vợ chồng ông Cliff Thomas (du khách Anh), đã 3 lần đến thăm Đà Nẵng nhưng mỗi lần quay lại đều đầy cảm xúc bởi dường như luôn còn rất nhiều điều thú vị nơi đây mà họ chưa hiểu, chưa trải nghiệm được hết. Quá mệt mỏi với những ồn ào, xô bồ của thành phố công nghiệp, đến với Đà Nẵng, dẫu rằng trong mùa mưa, vợ chồng ông vẫn cảm thấy mình may mắn khi có thể thong thả lắng nghe gió reo, mưa gõ nhịp đều đặn trên những ngọn sóng tựa như vô vàn con cá đang đớp mặt nước. Ông Cliff còn đặc biệt thích những buổi sáng rảo bước trên bờ biển, vẫy tay chào các ngư dân với làn da sạm nắng đang mải mê kéo lưới, với những mẩu chuyện nhỏ và cả cách đối xử tử tế của người vạn chài dẫu cho bất đồng ngôn ngữ.
“Nơi đây giúp tôi hiểu ra, sự phát triển quá nhanh, ồn ào và xe cộ sẽ làm lòng người hẹp lại. Khá giả và bình yên, xô bồ và hiền hòa là những điều khác xa nhau. Có lẽ hồn của thành phố nằm ở những nụ cười, những câu nói chân thật, ở cách sống giản dị. Những mảng màu chân phương đó là điều thuyết phục gia đình tôi quay lại Đà Nẵng trong dịp nghỉ đông này”, ông Cliff khẳng định.
Theo ông Johan Lindholm, Tổng quản lý khu nghỉ dưỡng Vinpearl thì các đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Seoul… và sắp đến là Bangkok đã đưa một lượng khách rất lớn về với thành phố. Điều này gần như đã xóa nhòa sự chênh lệch giữa mùa thấp điểm và mùa cao điểm, mùa hè và mùa mưa tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố Đà Nẵng thường xuyên mời các đoàn famtrip, presstrip là các hãng lữ hành có uy tín, phóng viên từ nhiều quốc gia đến tham quan, du lịch, tìm hiểu về điểm đến Đà Nẵng.
Những thông tin, ấn tượng tốt mà những phóng viên này nhận được và thể hiện trong bài viết của mình đã giúp quảng bá hình ảnh đẹp nhất về con người và thành phố biển đến bạn bè quốc tế. Không chỉ vậy, lực lượng nhân viên làm việc, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của khu nghỉ dưỡng đều thông thạo tiếng Anh. Họ không chỉ cung cấp thông tin nền của mỗi danh thắng mà còn kể về lịch sử và những câu chuyện thường nhật của người dân, những địa điểm đẹp để ngắm mưa giúp thành phố trở nên thú vị và gần gũi hơn cho những người bạn quốc tế.
Ông Remy Brunner (người Pháp) tự nhận mình là người may mắn khi được đi lại, làm việc tại nhiều nơi trên thế giới. Tự trong thâm tâm, ông luôn so sánh về các địa điểm đã đặt chân đến. Sau nhiều lần đến thăm và trải nghiệm, tình yêu Đà Nẵng trong ông lớn dần và ông quyết định vẫn chọn nơi đây là điểm dừng chân của mình dẫu biết rằng tháng 10 thường gắn với những cơn mưa biển. Ông cho rằng, “Bằng khả năng tự thích nghi, biết chấp nhận và tận hưởng vẻ đẹp thì cơn mưa có thể khiến hành trình du lịch trở thành trải nghiệm đáng nhớ”.
Lần nào đến với Đà Nẵng ông cũng thuê một chiếc xe đạp ngang, cùng tờ bản đồ gấp nhỏ, một chiếc dù hay cái áo mưa tiện lợi là có thể tự tin dạo phố mà không lo ngại khi gặp những cơn mưa bất ngờ. Với những cơn mưa nặng hạt, xối xả, ông chọn cách trú tạm vào các tấm bạt của hàng quán bên đường. Chính nơi đây giúp ông nhận ra vẻ đẹp của những bàn cắt tóc nhỏ ngay trên vỉa hè thành phố.
Nơi những “nghệ sĩ già”, hàm răng chiếc có, chiếc không nằm xiêu lạc nhưng đôi mắt vẫn sáng, đôi tay vẫn linh hoạt và vẫn ngày ngày tạo nên các tác phẩm riêng có của mình. Mưa cũng đã giúp ông nhận ra niềm đam mê cờ tướng của người dân thành phố. Chỉ cần chiếc bàn con trong góc quán nước mía, quán cà-phê, hay sạp báo; không hơn thua, không tranh cãi, không may rủi, các quân cờ có thể xóa tan sự ẩm ướt bên ngoài và kết nối được nhiều người chơi xung quanh...
“Dường như, con người và thành phố trong mưa mới thực sự đẹp sâu lắng. Tôi tin rằng, chính những điều này đã làm nên nét riêng, hồn vía riêng của thành phố Đà Nẵng”, ông Remy chia sẻ.
Với nhiều du khách lưu trú tại Đà Nẵng mùa mưa, Hội An vẫn là điểm đến không thể bỏ qua. Với cô Jasmine(người Tây Ban Nha) thì Hội An chỉ thực sự trở về là thành phố có Hội nhưng vẫn An bình vào những ngày mưa. Với một tách cà-phê ấm nóng, nhìn ra màn mưa phủ lên những ngôi nhà cổ kính, những cung đường nhỏ là trải nghiệm không thể quên với cô.
Thành phố cuối thu không nhiều hoa, nhưng đi dạo trên những lề đường nhỏ, len vào những quán cà-phê thơm ngào ngạt, những quầy sách xinh xắn, những thềm xi-măng không còn cát bụi mà sạch bong khi được gội rửa, vẫn còn sáng lấp lánh chút nước mưa... với hầu hết những du khách mà người viết được trò chuyện luôn là điều đặc biệt thi vị và lãng mạn.
MAI CHI MAI