Tất cả họ đều trẻ, nhiều người còn rất trẻ, con đường mở ra phía trước họ còn rất dài với biết bao ước mơ, hoài bão. Thế nhưng có mấy ai biết rằng mình đang bước vào mùa xuân cuộc đời bằng những bước chân rong chơi phù phiếm làm nghiêng ngả cả tương lai.
Các học viên quyết tâm cai nghiện thành công để tìm thấy ngày mai của chính mình. Ảnh: V.T.L |
Trở lại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 ở Bàu Bàng, thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang thấy có cái gì đó khang khác. Phó Giám đốc Trung tâm Phạm Tạo giải thích luôn: “Từ ngày 1-7-2013, thời điểm Nghị quyết số 24/2012/QH13 (về việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012) có hiệu lực thi hành, người có hành vi bán dâm bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật chứ không đưa vào Trung tâm như trước nữa”.
“Xuất thân” học viên và chế độ giáo dục
Nói như ông Tạo, Trung tâm tuy vẫn mang tên 05-06 nhưng hiện chỉ còn duy nhất một đối tượng học viên 06 - cai nghiện ma túy. Hồi đầu năm 2011, Trung tâm nhận cả học viên 05 và 06 nhưng tổng số cũng chỉ 410; nay thì chỉ riêng 06 thôi mà tổng số đã là 530 học viên, trong đó có 40 nữ.
Chị Nguyễn Hồ Kim Quy, cán bộ quản giáo Ban số 3, đưa tôi đến khu học nghề may. Có khách, các học viên nữ ngẩng đầu lên chào. Thấy tôi loay hoay cầm máy ảnh chọn góc chụp, một cô gái tuổi chưa tới 25 hỏi, giọng nửa đùa cợt, nửa chọc phá: “Anh tên chi rứa anh?”. Tôi chưa kịp trả lời thì chị quản giáo trừng mắt rất nghiêm, cô gái bạo mồm ấy mới chịu ngồi im, chú tâm (hay giả bộ chú tâm) vào chiếc máy may trước mặt. Chị bảo: Học viên nữ ngó bộ hiền lành vậy chứ cũng “ghê gớm” lắm, có lẽ do dùng “hàng đá” quá nhiều.
“Hàng đá” là tên gọi khác của ma túy đá. Người “chơi” loại ma túy tổng hợp này quá nhiều sẽ bị loạn thần, dễ bị kích động. Xưa, trồng cây anh túc ít nhất phải mất 6 tháng mới điều chế ra thuốc phiện và dùng nó cần phải có lỉnh kỉnh các dụng cụ bàn đèn. Nay, chỉ cần ngồi trong phòng thí nghiệm vài tuần là đã có thể “sản xuất” ra hàng loạt các loại ma túy gây tác hại khôn lường cho cả thế giới. Thuốc lắc hay ecstasy, một dạng ma túy tổng hợp xuất hiện lần đầu vào năm 2005 thì 10 năm sau đã có nhiều “phiên bản” và trở thành mốt thời thượng trong giới trẻ: “Phi hàng đá bất thành sinh nhật” (không có hàng đá thì không thành sinh nhật).
Y học cho biết, “hàng đá” ngoài việc gây ra cho người sử dụng chứng hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi, còn kích thích hệ thần kinh, gây mất ngủ khiến các cơ quan nội tạng nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ. Dùng “hàng đá” sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, huyết áp tăng, nếu sử dụng quá liều có thể dẫn đến tử vong. Chất amphethamine trong “hàng đá” còn gây ngộ độc các tế bào thần kinh sinh ra những chứng bệnh tâm thần, trầm cảm, loạn thần, nguy hiểm nhất vẫn là chứng hoang tưởng (nghi ngờ có người ám hại mình, ghen tuông, tự hành hạ bản thân...). Người nghiện “hàng đá” sẽ tăng cao đòi hỏi về tình dục, dễ dẫn đến những vụ làm tình tập thể (sex group).
Học viên cai nghiện ma túy có “xuất thân” đặc biệt như thế nên cũng cần phải có một chế độ giáo dục, dạy nghề riêng trong một môi trường thông thoáng, không quá tải. Ông Tạo ví von: Giống như lớp học, quy định chỉ 35 học sinh mà vượt lên 40 – 45 thì khó mà dạy tốt, học tốt được. Trung tâm cũng thế, học viên quá đông thì công tác quản lý sẽ phức tạp hơn và hiệu quả của việc cai nghiện cũng sẽ giảm sút.
Cả Trung tâm hiện có 97 cán bộ, nhân viên; mỗi ban có 6 cán bộ phụ trách 128 học viên, nghĩa là mỗi người “coi ngó” trên 20 học viên. Mỗi khi có học viên vi phạm nội quy là khó có thể can thiệp, giải quyết kịp thời, nhất là những vụ 2-3 học viên đánh 1 học viên. Dù đang ăn chung một mâm, nhưng chỉ cần ai đó nói một câu đùa giỡn vu vơ là có học viên sửng cồ lên đòi đánh đá ngay. Hoặc đang chơi đá bóng hay đánh bóng chuyền, chỉ cần va chạm nhẹ một chút là “chiến tranh” nổ ra liền. Mới đây, có vụ 2 học viên đánh nhau ngoài đồng, cán bộ giải quyết ổn thỏa đâu vào đấy rồi, thế mà về đến ban, một học viên lấy cái vợt bóng bàn đập lên đầu người kia.
Công việc... |
...và thể thao là hai trong những “liệu pháp” giúp học viên quên đi quá khứ và tìm thấy tương lai. Ảnh: V.T.L |
“Liệu pháp” tinh thần
Cả Trung tâm rộng 37ha thì đã có đến 30ha dành cho sản xuất, chủ yếu là sắn, măng Điền Trúc, bắp,... Rau thì nhiều loại như: muống khô, lang, dền đỏ, mồng tơi… Ngoài ra còn có 2.000 m2 diện tích mặt nước nuôi các loại cá. Các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt được học viên sản xuất ngay tại chỗ, vừa nâng cao giá trị lao động chính mình, vừa góp phần cải thiện thêm bữa ăn, chấm dứt cảnh vất vả chuyển thực phẩm từ đồng bằng lên, nhất là vào mùa mưa. Đây còn là một hình thức giáo dục, rèn luyện cho đối tượng nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện, cùng với việc học các nghề điện dân dụng, may dân dụng, sửa chữa xe máy... trở thành tiền đề cho việc hình thành cơ sở tổ chức lao động tập trung cho người sau cai nghiện của thành phố sau này.
Theo số liệu của Trung tâm, trong 530 học viên chỉ có 27 cai nghiện tự nguyện, còn lại là cai nguyện bắt buộc (475) và chờ phán quyết của Tòa án (28). Trung tâm dành riêng một gian nhà dành cho gia đình đến thăm, gặp gỡ học viên. Học viên bắt buộc chỉ được gặp gia đình mỗi tuần một lần, trong khi học viên tự nguyện được gặp 2 lần. Nhưng nếu học viên nào bị xếp loại kỷ luật yếu 2 tuần liên tục sẽ không được gặp gia đình. Ngoài việc tham gia lao động, trồng rau, tưới cây, ươm cà... đây cũng là một “liệu pháp” góp phần giúp học viên tự hoàn thiện mình để cai nghiện thành công.
Cùng với đó, sách là món ăn tinh thần được Ban Giám đốc Trung tâm quan tâm và cả học viên chờ đợi. Chị thủ thư Kiều Thị Ly cho biết Trung tâm có 5 ban được cấp sách, mỗi ban gần 400 cuốn, cứ mỗi 2-3 tháng thì hoán chuyển cho nhau một lần để học viên đọc được nhiều sách hơn. Nguồn sách được vận động bởi các cơ quan như: Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Công an thành phố…
Đến Ban số 7, tôi được các học viên ở đây cho biết nhiều người “ghiền” sách lắm, như học viên Huỳnh Hải T., Võ Nguyên P… mê như điếu đổ các tạp chí Tri Thức Trẻ, Thế Giới Mới… Một bạn trẻ tên là Hoàng Ngọc T. liến thoắng kể về những cuộc phiêu lưu của các nhân vật trong truyện Nghìn lẻ một đêm, đặc biệt là tiểu thuyết Nếu còn có ngày mai, T. đọc rõ tên tác giả là Sidney Sheldon, một nhà văn Mỹ.
Nếu còn có ngày mai (nguyên tác: If Tomorrow Comes) kể chuyện Tracy, một cô nhân viên ngân hàng trẻ trung, xinh đẹp tưởng chừng như sắp có trong tay cả thế giới, bỗng bị xô đẩy vào nghịch cảnh, từ chỗ vô tội trở thành có tội. Nhưng bằng sự thông minh và nghị lực phi thường, Tracy đã mạnh mẽ đứng lên, thoát khỏi cảnh tù tội.
T. nhà ở phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, vừa mới lên lại Trung tâm được 5 tháng: “Về nhà bỏ không được phải quay lại lần thứ năm”. Nhân vật trong tác phẩm của Sidney Sheldon tin vào những điều tốt đẹp ở phía trước, T. có tin rằng mình sẽ có ngày mai hay không?
Ông Tạo cho hay người nghiện ma túy từ 18 đến 30 tuổi chiếm đến 70% tổng số học viên. T. chỉ vừa bước qua tuổi 25, ánh mắt, nụ cười và cả giọng nói còn vô tư, hồn hậu.
Qua điện thoại, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 Đà Nẵng Trần Công Nguyên cho biết thành phố đã đồng ý chủ trương mở rộng Trung tâm 2ha để qua năm 2016 xây dựng 4 khu nhà ở để tiếp nhận thêm trên 400 học viên, trong đó ưu tiên cho học viên cai nghiện tự nguyện. Được chữa trị bằng nhiều “liệu pháp” trong một không gian không còn quá tải, hy vọng những người trẻ tuổi như T. sẽ mạnh mẽ đứng lên, thoát khỏi cảnh nghiện ngập để tìm thấy ngày mai của chính mình…
Trung tâm có 7 ban, mỗi ban có 8 phòng ở cho 128 học viên. Tuy nhiên thực tế chỉ có 3 ban “lấp đầy” học viên. 4 ban còn lại thì 1 ban dành cho học viên bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh xã hội; 1 ban dành riêng cho nữ; 1 ban dành cho các đối tượng vi phạm mới đưa vào Trung tâm nhưng chưa có kết luận của Tòa án, phần lớn là con nghiện đi từ địa phương này sang địa phương khác, không có chỗ ở ổn định; 1 ban gọi là ban “Tĩnh tâm” dành cho học viên bị vi phạm nội quy của Trung tâm như đem vật cấm vào Trung tâm, đánh nhau... |
VĂN THÀNH LÊ