.

Đời vui là do mình

.

Bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm”, có cụ thỏa mãn, hạnh phúc với tuổi già, nhưng cũng có cụ đi về một mình, lẻ bóng vì người bạn trăm năm chia tay khi chưa đến lối rẽ. Người ở lại vẫn phải bước tiếp, sống tiếp. Cơ bản là khi đón nhận chuyện cô đơn ấy, lòng có an nhiên tự tại, nụ cười có còn tươi…

Ông Năm Khôi. Ảnh: H.N
Ông Năm Khôi. Ảnh: H.N

Hạnh phúc tròn

“55 năm sống bên nhau, chú vẫn xem vợ như ngày mới yêu, trân trọng tình cảm của cô ấy, vẫn xưng hô với nhau là anh-em. Tình cảm vợ chồng già, nên không sôi nổi, nồng nhiệt như ngày xưa, mà đằm thắm hơn. Cô hay chú đi đâu, người ở nhà vẫn ngồi hóng chờ”, ông Huỳnh Vĩnh Truyền (phường Nam Dương, quận Hải Châu) mỉm cười nhẹ nhàng khi “đúc kết” niềm hạnh phúc viên mãn mà ông có. Nhìn người đàn ông 76 tuổi, nước da đỏ au, lời nói nhẹ nhàng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của phường này, ai cũng hình dung được sự ấm êm hạnh phúc trong cuộc sống riêng tư của ông.

Ông bảo, hồi mới giải phóng, hai ông bà có 7 đứa con, đứa lớn mới 13, đứa nhỏ còn ẵm ngửa, lương của hai vợ chồng cộng lại chưa đến 90 đồng. Thế là phải làm thêm, đủ tay mặt, tay trái mới có để nuôi các con. Rồi khó khăn cũng qua. 7 người con của chú, ai cũng tốt nghiệp đại học, thành đạt. Chú có thêm 7 người con dâu, rể, 14 đứa cháu và 2 đứa chắt. “Chú nghĩ cái hạnh phúc mà bố mẹ xây đắp nó ảnh hưởng nhiều đến con cháu. Đó cũng là tấm gương để các con sống”.

Hơn 15 năm về hưu, ông Truyền tham gia đủ các việc xã hội, từ làm công tác mặt trận, chữ thập đỏ, đến giờ là Hội Người cao tuổi. Ngoài giờ làm việc, thỉnh thoảng ông về bờ sông Hàn tham gia đánh cờ “hội” với mấy ông bạn già. Buổi chiều ngày nắng thì ông chở bà đi ra biển, ra bờ sông ngồi hóng gió. Lúc ở nhà, bà nấu cơm thì ông tưới hoa. Hai vợ chồng già thủ thỉ với nhau đủ chuyện. Con cái ông bà ở riêng, tự lập. Ông bảo, khi ở cái tuổi này rồi, có ông, có bà, đi vào đi ra ngó mặt nhau là đủ. Ông cũng đã liệu chừng đến lúc, nếu một người “đi” trước, thì người ở lại sẽ sống cùng con cháu, để đỡ cô đơn, để có người sẻ chia.    

Ông Huỳnh Phương Bá và những tập nhật ký của người vợ quá cố. Ảnh: H.N
Ông Huỳnh Phương Bá và những tập nhật ký của người vợ quá cố. Ảnh: H.N

Hẹn nhau ở phía bình minh

Không nhớ đã bao lần tôi được nghe ông Năm Khôi (xã Hòa Phong, Hòa Vang) đọc cho nghe bài thơ ông viết tiễn biệt người vợ hiền, người cùng ông kết tóc thiếu một năm là đầy 60 mùa xuân. Bài thơ dài 96 câu, viết theo thể lục bát, được ông chấp bút cách đây gần 5 năm. Ông kể, ngày hôm sau đưa vợ ra đồng, đêm đó ông ngồi một mình dưới căn nhà ngang, “tui buồn quá. Tui tự viết bài điếu văn cho vợ, vì nghĩ không ai hiểu bà ấy bằng mình”. Xong bài điếu dài gần 5 trang giấy, ông làm tiếp bài thơ tiễn vợ, có những câu như: Bà vẫn ước rằng khi đến cõi/ Hai vợ chồng vẫn đợi chờ nhau/ Quy tiên cùng một chuyến tàu/ Chứ về kẻ trước người sau sao đành.

Thỉnh thoảng về Túy Loan, tôi vẫn ghé thăm ông Năm Khôi. Ông bảo mình chỉ được học đến lớp 3 trường làng, chẳng có nhiều chữ nghĩa. Nhưng trí tuệ của ông thì không phải người học rộng nào cũng có được. Ông am hiểu lễ nghĩa, truyền thống vùng đất Túy Loan. Hỏi ông việc làng, việc xã, việc tộc họ, ông sẽ giải thích, cắt nghĩa cho nghe cả buổi, không biết chán. Hồi trước, khi còn làm Trưởng ban Lễ hội đình làng Túy Loan, nhiều nhà báo tìm về ông. Nhưng mấy năm nay ông “về hưu”, hình như cái sự ghé cũng vơi dần.

Từ ngày bà mất, ông Năm sống một mình trong căn nhà rộng, vườn cây um tùm đua nhau sống, ông không đủ sức chăm. Đến cỡ thời gian như bây giờ, ông trồng lại vườn hoa sống đời, gieo mấy chậu vạn thọ chuẩn bị Tết. Hỏi ông ăn uống sao, ông bảo lo gì, gặp đâu ăn đấy, có hàng quán, có chợ Túy Loan trước nhà, nên không đói. Thỉnh thoảng con gái, con dâu ghé nhà giặt cho ông chậu quần áo, quét giúp cha khoảnh sân. Ông Năm tạo cho mình sự bận rộn bằng cách đi đánh cờ tướng cùng mấy ông bạn già, đi chơi nhà bà con chòm xóm. Mấy cụ trong ban Lễ hội đình làng có hỏi gì, đến gặp thì ông chỉ. Thỉnh thoảng có người bà con đến nhờ ông viết bài cúng cho lễ tạ, bài cảm ơn… thì ông chấp bút. Ông bảo, người chồng chẳng bao giờ viết nổi bài văn tế cho vợ, khi họ đối diện với sự thật là mất đi người thân yêu nhất. Nhưng ông đã nén nỗi đau, viết văn tế, viết bài thơ đầu tiên trong đời khóc vợ, vì ông biết chỉ có ông mới thể hiện được tình cảm của ông, của con, cháu với người đã khuất; cũng nhắc nhớ cho con cháu biết người khuất bóng đó quan trọng với ông nhường nào.

Nhìn ông Năm như chiếc bóng đi lại trong ngôi nhà rộng, biết ông vẫn đang sống, từng đợi chuyến tàu có kẻ trước người sau ấy.

Khi thực hiện bài viết này, tôi biết, những đôi vợ chồng giờ đành người ở, kẻ đi, họ đang tự vượt lên chính mình, để sống với cháu con. Vì cuộc đời không cho ai thỏa nguyện, kể cả ước mơ được sống, hay chết bên nhau trọn đời. Có người đi, có người ở lại để nhớ về nhau, để biết rằng mình đã có những chuỗi ngày hạnh phúc với người bạn đời. Và để cho nhân gian biết rằng, với người mình đã chọn, thì một ngày ở cạnh nhau là một ngày hạnh phúc, cần được trân trọng, giữ gìn.

Từ ngày người vợ hiền qua đời, ông Huỳnh Phương Bá (phường Hòa Thuận Tây, Hải Châu) bị sốc, nhập viện vì đau tim. Rồi suy nghĩ nhiều nên đau thêm dạ dày. Suốt 49 ngày sau đó, ông nằm viện nhiều hơn ở nhà. Dù căn bệnh của bà phải nằm một chỗ hơn 1 năm, có giai đoạn còn di chứng lên não, không biết gì. “Có bà ấy, ra vô còn tiếng nói, trong lòng thoải mái. Chú có ra phòng ngoài ngồi một chặp thì chạy vô với bà. Còn chừ thì xa nhau biền biệt”.

Mối tình của ông Huỳnh Phương Bá và vợ, đã được nhiều tờ báo đề cập đến, Đài truyền hình HTV còn làm một bộ phim tài liệu dài 20 phút về tình yêu “thần thánh” mà hai người dành cho nhau. Từ khi cưới nhau năm 1960 đến tháng 7 vừa qua, ông bà dệt hạnh phúc được 55 năm, nhưng có đến hơn 13 năm xa nhau (1961-1974) vì chiến tranh cách trở, kẻ Bắc người Nam. Trong quãng thời gian ấy, ông bà viết cho nhau gần trăm lá thư. Và người vợ tấm mẳn của ông đã viết 5 cuốn nhật ký, kể lại nỗi nhớ nhung người chồng trẻ, trong thời điểm bà cũng quá trẻ; trong đó có những cảm xúc rất thật như có lúc bà xao xuyến trước tình cảm của người khác.

Suốt 2 tháng qua, ông Bá đọc và chép lại những dòng nhật ký của vợ, “sợ rằng lâu ngày bút mực dần phai khó đọc, 800 trang nhật ký được ghi lại thành 197 trang trên giấy A4. Biết bao vui buồn, chờ đợi, hy vọng, lo âu, song kỳ lạ thay vẫn luôn luôn hy vọng và ngày về lại trọn vẹn đúng như nguyện vọng lúc chia tay”, ông viết lời tựa và đặt tên cho tập nhật ký là “Trở về miền ký ức”: khi đọc lại thấy bà như còn đó, giọng nói như còn văng vẳng bên tai, lúc nghe phấn khởi lúc buồn vô hạn… Ông bảo, khi chép lại những trang nhật ký, thấy mình làm được một việc có ý nghĩa. Nhưng giờ không dám đọc lại, ông sợ trái tim không chịu nổi.

86 năm đời người, giờ, ông Bá vẫn đến lớp dạy Hán Nôm của trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng do ông làm giám đốc, lớp học đã có trên 30 học viên, thành lập thêm một câu lạc bộ ở quận Sơn Trà, sắp tới sẽ thành lập một câu lạc bộ nữa ở Liên Chiểu. Ông vẫn tham gia dịch thuật, chuẩn bị cho tập san Hán Nôm số Tết, và mê đọc thơ tình của Pháp, của các nhà thơ Việt Nam. Ông mượn mấy câu thơ của cố nhà giáo Trần Thanh Đạm, đọc cho tôi nghe, như nói nỗi lòng của mình: Đến cuối cuộc đời tiễn biệt nhau/ Thôi em về trước, anh về sau/ Hẹn nhau ở phía bình minh ấy/ Lấp lánh phương trời một ánh sao.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.