“Mỗi nhà giáo, khi chọn nghề sư phạm thì đã có cái tâm của nghề”, một thầy giáo có gần 40 năm trong nghề tâm sự như vậy.
Khi thầy cô chọn cái nghề “trồng người” này, là chọn một phần việc khó, đó là ngoài truyền cho các em kiến thức, kỹ năng, còn truyền cho các em lòng nhân ái, yêu thương con người, và dạy các em trở thành người có ích cho xã hội. Các trường, từ mầm non, tiểu học đến bậc cao nhất là nơi đào tạo ra những người đứng lớp, đều xoay quanh việc “trồng người” có kết quả cao nhất, với chất lượng là những quả ngọt cho đời.
Giáo viên và học sinh Trường THCS Lê Độ biểu diễn văn nghệ nhân lễ khai giảng và kỷ niệm 40 năm thành lập trường (Ảnh do Trường THCS Lê Độ cung cấp) |
Ở Trường TH Trần Văn Ơn, quận Hải Châu, giúp bạn nghèo không còn là phong trào cần được phát động trong học sinh (HS) nữa, mà các em đã tự nuôi heo đất, có sách vở, đồ dùng không còn dùng đến, tự mang đến lớp đưa cho cô giáo để cô “chia cho bạn”.
Thầy Đặng Nhứt, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, khi thầy cô và chính các em HS chia sẻ với người bạn nghèo của mình quyển vở hay vài nghìn đồng tiền để dành, là giáo dục cho các em tình thương. Đây không chỉ là lòng nhân ái, mà còn là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Tình thương này có sức lan tỏa rất lớn, được thầy nhắc đến trong những giờ chào cờ đầu tuần, ngoài câu chuyện về sự sẻ chia, còn là bài học đạo đức về tình yêu thương con người mà không có quyển sách nào dạy cặn kẽ hơn.
Thầy Nhứt tin rằng, qua chuyện giúp bạn nghèo, đọng lại trong các em lòng nhân ái, các em nhận thức được rằng chia sẻ với nhau là điều hiển nhiên. “Trong hàng chục thế hệ HS của tôi, có rất nhiều em là người tốt. Giờ các em quay lại giúp thế hệ sau. Tôi thấy rằng không có giáo dục nào tốt nhất bằng cảm hóa và làm gương. Khi lớn lên các em nhớ lời thầy cô dạy, sống có ích cho đời”.
Chỉ còn vài năm nữa về hưu, thầy Nhứt mong rằng thế hệ các thầy cô kế tiếp làm lãnh đạo nhà trường vẫn giữ được truyền thống yêu thương học trò, dạy các em lòng nhân ái và chuyện giúp bạn nghèo sẽ là truyền thống của trường.
Có lẽ với những trường học nằm trên địa bàn có nhiều gia đình khó khăn, nhiều học sinh nghèo, thì mối quan tâm sâu sắc và tình thương của thầy cô dành cho trò cũng nhiều hơn, có điều kiện nẩy nở hơn. Với thầy cô, kiến thức ở bất kỳ môi trường nào cũng được giảng dạy như nhau, riêng tình thương thì những HS có “hoàn cảnh” luôn được yêu thương hơn, giúp các em không bận lòng trước bạn bè cùng trang lứa.
Chưa hết, thầy cô lớn tuổi luôn có khả năng uốn nắn được trò hư, chịu khó nắm hoàn cảnh từng HS và có cách khơi gợi sự say mê học tập, sáng tạo ở trò. Thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà cho rằng đội ngũ giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm sư phạm, kinh nghiệm sống, họ cũng là cha là mẹ nên sự quan tâm của thầy cô đi vào lòng người.
Từ tình thương đằm thắm đó mà thầy cô dạy bảo học trò hiệu quả hơn, đặc biệt là các em ở lứa tuổi dậy thì, dễ “nổi loạn” và muốn chứng tỏ bản thân. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên trẻ được đào tạo bài bản hơn, khối lượng kiến thức được tiếp cận cao hơn, áp dụng phương tiện dạy học hiện đại hơn. Nhưng sự chênh lệch tuổi tác với HS ít, họ giống anh chị nhiều hơn là cha mẹ, họ chưa sâu sắc, chưa có nhiều kinh nghiệm sống để xử lý mọi tình huống nên việc giáo dục học trò còn nhiều khó khăn.
Trong số 90 cán bộ, giáo viên, có khoảng 60% thầy cô Trường THCS Lê Độ có tuổi đời từ 30-40, có khoảng 20 thầy cô “rất trẻ” (dưới 30 tuổi). Thầy Quốc Hùng cho rằng, nghề giáo rất cần tuổi đời và kinh nghiệm, để có thể xử lý mọi tình huống phát sinh giữa thầy và trò, giữa thầy cô và phụ huynh, những điều không hề có trong sách vở. Chính tình yêu thương học trò, hết lòng với trò nghèo, đẩy mạnh phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn nghèo” của HS trường Lê Độ, trường Trần Văn Ơn đều xuất phát từ suy nghĩ của ban giám hiệu nhà trường, nơi quy tụ những giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề và dốc lòng dạy học trò với tất cả những kiến thức xuất sắc mà họ có.
Người xưa có câu “thầy giáo già, con hát trẻ”. Bởi thế mà học trò ra trường, luôn nhớ về người thầy tóc bạc, để lại ấn tượng nhiều thế hệ là thầy “dốc lòng vì học trò”. Nhưng không thể có người giáo viên nào ra trường cũng đã kịp già, có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giảng dạy, mà cần có thời gian rèn luyện trong từng trường học. Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cho rằng, ở trường đào tạo nghề sư phạm, ngoài giảng dạy giáo học pháp và kiến thức giảng dạy, nên có thêm nhiều bài học về kinh nghiệm sư phạm và các phương pháp xử lý tình huống nảy sinh trong một lớp học. Có như vậy, những giáo viên giỏi, ra trường dưới 5-10 năm có thể được giao làm giáo viên chủ nhiệm, đảm trách các vai trò như tổ trưởng bộ môn, kiến thức của họ được phát huy nhiều hơn.
Thực trạng chung của các trường đào tạo ngành sư phạm hiện nay là thiếu sự liên hệ giữa giờ giảng với thực tiễn nghề nghiệp. Quan niệm giảng dạy ở đại học sư phạm là phải giảng sâu, tri thức mới về một vấn đề khoa học, còn nội dung nghiệp vụ sư phạm là trách nhiệm của giảng viên bộ môn phương pháp giảng dạy.
Sinh viên các trường sư phạm, nếu chưa được trải nghiệm việc học tập của mình trong môi trường đa chiều, gặp nhiều HS với các tình huống sư phạm khác nhau, chưa được rèn luyện qua thực tế thì khi ra trường, họ chưa thể đáp ứng được ngay những vấn đề mang yếu tố tâm lý và sự cảm thông. Thì chuyện mỗi thầy cô trẻ tuổi đời, tuổi nghề, làm nhiệm vụ “trồng người” gặp nhiều khó khăn, trong khi họ cần phát huy sức trẻ, sự sáng tạo, chứ không thể chờ “già” mới để lại dấu ấn trong lòng học trò.
HIỀN LƯƠNG