.

Chung sức vì Tổ quốc

.

“Hơn bốn chục năm qua, với người Đà Nẵng thì ngày nào cũng là ngày 19 tháng 1 năm 1974, tức là ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thân yêu! Và tâm thức ấy đang mỗi ngày sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, những nỗ lực không mệt mỏi cùng niềm tin sắt đá rằng sẽ có ngày huyện đảo thân yêu thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang”...

Nhà trưng bày Hoàng Sa khởi công ngày 7-12-2015, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1.200m2, vị trí hướng ra biển ở nút giao Hoàng Sa - Phan Bá Phiến (quận Sơn Trà), với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Trước đó, UBND huyện Hoàng Sa cùng các đơn vị liên quan đã chấm chọn phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” theo đồ án RS1312 của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang để xây dựng công trình.
Phối cảnh Nhà trưng bày Hoàng Sa, hình con dấu chủ quyền.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng dường như đã nói hộ tấm lòng của mỗi người dân Đà Nẵng: Không chỉ lực lượng hải quân, tuần tra can trường nơi đầu sóng, không chỉ là ngư dân bất chấp mọi hiểm nguy “sóng cả, không ngả lòng” ngoài khơi xa, mà còn rất nhiều, rất nhiều những hoạt động có thể sôi nổi, có thể âm thầm khác trên đất liền góp sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!

Những công chức đặc biệt

Ngày 24-5-2009, thành phố Đà Nẵng công cố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, giữ chức Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Đây là Chủ tịch đầu tiên của huyện đảo này. Trong 1.828 ngày đương nhiệm, người công chức này đã đi thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; gặp gỡ những người từng làm việc, sinh sống ở Hoàng Sa và làm chủ biên cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa (xuất bản tháng 1-2012)... Nghỉ hưu, ông Ngữ vẫn cần mẫn, âm thầm sưu tầm các tài liệu, hiện vật nhằm chứng minh một sự thật: Hoàng Sa là của Việt Nam!

Trao đổi với chúng tôi về vai trò của những “công chức đặc biệt” - những người thuộc quản lý của UBND huyện Hoàng Sa, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ cho rằng, ngoài nghĩa vụ, trách nhiệm như những công chức khác, “họ còn có một tình cảm thiêng liêng đặc biệt với Hoàng Sa”.

Có như vậy, những công chức này mới đủ sức vượt qua những thử thách, khó khăn trên con đường đấu tranh pháp lý đối với một quốc gia có thế lực bành trướng và có nhiều âm mưu như Trung Quốc hiện nay. Trong thời gian qua, UBND huyện Hoàng Sa đã có nhiều hoạt động quản lý về lãnh thổ cũng như sưu tầm bổ sung các tư liệu về Hoàng Sa qua các thời kỳ của lịch sử cả trong nước và quốc tế và đã đem lại nhiều kết quả.

Theo ông Ngữ, cái được lớn nhất là UBND huyện đã dùng những tư liệu đã tập hợp đưa ra công luận trong nước và quốc tế một cách có hệ thống và rộng rãi: từ một điểm nhấn, khởi đầu của UBND huyện Hoàng Sa tại Đà Nẵng, để từ đó Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước, ra thế giới, từ năm 2014 cho đến nay, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

“Cuộc chiến đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ còn nhiều cam go nên tôi hy vọng đặc biệt vào những người trẻ sẽ tiếp tục sứ vụ đòi lại Hoàng Sa bị chiếm đóng trái phép”,  ông Ngữ xúc động nói. Và khi lắng nghe ông chia sẻ, người đối diện không khó để nhận ra tình cảm thiêng liêng, sôi nổi, ánh mắt đầy niềm tin, hy vọng của Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa đầu tiên của Đà Nẵng. Dường như, tấm lòng, nhiệt huyết của ông đã kịp cháy lên thành ngọn lửa đầy sức lan tỏa.

Vừa nhận nhiệm vụ hơn hai tháng, tân Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng đã xông xáo bắt tay ngay vào thực hiện tiếp những nhiệm vụ đối với huyện đảo. Ông Đồng cho rằng, những người tiền nhiệm của ông đã làm rất nhiều việc có ý nghĩa, có tác động rất lớn. Và nhiệm vụ của ông bây giờ là phải kế thừa, phát huy tốt nhất những kết quả đó.

“Đối với UBND huyện Hoàng Sa, các hoạt động đấu tranh giành chủ quyền cần được đặt lên hàng đầu. Tình hình hiện nay trên Biển Đông rất phức tạp, diễn biến khó lường, Trung Quốc đang ra sức quân sự hóa để kiểm soát Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của đất nước ta.

Điều đó làm cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta càng cam go, thử thách hơn. Song, tôi luôn tin rằng, sự đoàn kết, thống nhất và mỗi người Việt, dù làm gì, ở đâu, cương vị nào cũng có trách nhiệm chung sức, chung lòng cùng Nhà nước để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thì chúng ta nhất định sẽ thành công”, ông Đồng tin tưởng.

Gần lắm, Hoàng Sa!

Không chỉ những “công chức đặc biệt” như ông Ngữ, ông Đồng, cuộc đấu tranh giành chủ quyền của người Đà Nẵng thời gian qua ghi nhận nhiều đóng góp của các trí thức, những nhà nghiên cứu, người đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Và một trong những công trình kết tinh tâm huyết, nơi tập trung thể hiện quyết tâm đấu tranh đòi công lý, kéo Hoàng Sa về gần hơn với Đà Nẵng, với đất nước Việt Nam, chính là Nhà trưng bày Hoàng Sa, đang được UBND huyện Hoàng Sa - Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện.

Theo đề cương trưng bày chi tiết vừa được UBND thành phố phê duyệt, với 5 chủ đề chính, nhà trưng bày sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ hàng trăm tư liệu, ảnh, hiện vật về Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước và trong triều Nguyễn; những hoạt động tại Hoàng Sa trong giai đoạn 1858-1945, những bằng chứng về chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, giai đoạn 1945-1974 và những hình ảnh về hoạt động thực tiễn của UBND huyện đảo Hoàng Sa tại Đà Nẵng từ 1974 đến nay… Điều đáng nói, trong hàng trăm bản đồ, tư liệu lịch sử của nước ngoài, trong đó có nhiều bản đồ của chính người Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bên cạnh các bản đồ, tư liệu đầy sức thuyết phục, không gian nhà trưng bày sẽ thêm phần sinh động, hấp dẫn bởi hệ thống các mô hình, các không gian tái tạo ý nghĩa như: “ngọn đuốc Hoàng Sa” - với ý nghĩa ngọn lửa Hoàng Sa sẽ luôn thắp sáng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phục chế mô hình Thuyền Bầu của Hải đội Hoàng Sa; Tái dựng ngôi đền thiêng Âm Linh Tự - nơi diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; Tái dựng toàn cảnh khu trung tâm hành chính huyện đảo Hoàng Sa giai đoạn năm 1945-1974… Hành trình tham quan tại 3 tầng của nhà trưng bày sẽ kết thúc bằng bài thơ: Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, khẳng định đanh thép chủ quyền đất nước Việt Nam.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, công trình nhà trưng bày không chỉ là nơi giáo dục, tuyên truyền lòng yêu nước trong mọi thế hệ, mà còn là nơi chứng minh về sự thật, công lý với nhân dân ta và bè bạn quốc tế rằng, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam: “Bản thân nhà trưng bày sẽ là một cột mốc chủ quyền, một chứng nhân chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi đang dốc sức để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm nay để kịp đáp ứng mong đợi của đông đảo nhân dân”.

Để Hoàng Sa gần hơn với Đà Nẵng, nhiều ý kiến từng đề xuất sát nhập một phần đất liền vào huyện đảo Hoàng Sa. Để việc quản lý có thực chất và đẩy mạnh đấu tranh đòi lại chủ quyền thì UBND huyện Hoàng Sa phải có đất, có dân, cũng như trước đây do tình hình chiến tranh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã nhập xã Định Hải của Hoàng Sa vào xã Hòa Long, huyện Hòa Vang.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Ngọc Đồng cho rằng, đề xuất nhập một phần đất liền vào huyện Hoàng Sa thì không mới, được biết năm 2004, UBND huyện Hoàng Sa đã từng xây dựng Đề án trình UBND thành phố báo cáo với Trung ương. Tuy vậy, việc này thuộc thẩm quyền của Trung ương; khi có chủ trương, chỉ đạo sẽ triển khai thực hiện và thông tin cho nhân dân được biết.

Nhà trưng bày Hoàng Sa khởi công ngày 7-12-2015, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1.200m2, vị trí hướng ra biển ở nút giao Hoàng Sa - Phan Bá Phiến (quận Sơn Trà), với tổng vốn đầu tư 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Trước đó, UBND huyện Hoàng Sa cùng các đơn vị liên quan đã chấm chọn phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” theo đồ án RS1312 của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản), Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang để xây dựng công trình.

Thanh Tân

;
.
.
.
.
.