.

Nhớ về làng quê yêu dấu

.

Tạ Duy Anh, sinh ngày 9-9-1959, quê Hoàng Diệu-Chương Mỹ-Hà Nội; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; hiện là Biên tập viên Nhà Xuất bản Hội nhà văn; đã in khoảng 20 cuốn sách bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi, ba đào ký, hồi ức... Anh đang hoàn thành cuốn tự truyện Dưới bàn tay vô hình, ĐNCT xin giới thiệu trích đoạn từ tự truyện này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngoài nỗi nhọc nhằn, cơ cực vì phải kiếm sống trong một môi trường vô cùng đáng sợ, phải chạy trốn triền miên trước đòn thù và hàng ngàn tai ương, tuổi thiếu thời của tôi cũng tràn ngập chất thơ, đủ sức tạo nên một tâm hồn tôi đầy ắp khát vọng. Có lần tình cờ tôi xem tấm bản đồ hành chính thời Pháp in năm 1919, trước cuộc cải cách điền địa 2 năm, ghi địa danh đến từng xã, không thấy có tên làng tôi trong khi các làng xung quanh đều có. Điều đó chứng tỏ làng tôi sinh sau đẻ muộn. Nghe bố kể thì ban đầu làng chỉ là cái gò đất, nơi thợ cấy, thợ cày nghỉ trưa mỗi khi làm đồng. Về sau mở rộng dần thành làng và vẫn gọi là Đồng Trưa. Ông tổ của chúng tôi là một trong năm gia đình đầu tiên đến lập làng. Cái tên chữ Cổ Hiền có từ bao giờ, do ai đặt là điều mãi mãi bí ẩn. Bản thân chữ Cổ Hiền hàm nghĩa gì cũng không mấy ai giải thích một cách thuyết phục. Ngoài ra chúng tôi được gọi bằng cái tên nôm là xóm Trại, với ý xóm mới thành lập nhưng thường thì mang màu sắc miệt thị.

Xóm Trại cũng có nghĩa là chưa thành làng, chưa có quy củ, nề nếp. Nhiều người lớn lấy làm bực tức về điều đó. Còn với bọn trẻ chúng tôi thì tên gì không quan trọng. Quan trọng là chúng tôi được ở rộng rãi, vườn tược, ao hồ thông nhau từ nhà này sang nhà khác mà không kín bưng bằng những bức tường xám xịt hoặc rêu phong như những làng bên cạnh. Hình ảnh xóm Trại giống như một thiên đường nhỏ in vào ký ức tôi từ khi còn rất bé. Giờ đây, dù cố hình dung, tôi cũng không thể nào thấy lại một phần vẻ đẹp thơ mộng của nó.

Nhà nào cũng có một cái ao vuông vức, kết quả của việc vật đất lên làm nền nhà, quanh năm nước trong vắt. Mùa hè nước chảy thông thiên từ ao nọ sang ao kia, khiến cá nhảy lao xao mỗi trận mưa. Đẹp nhất là cuối hè đầu thu, khi từng đợt gió heo may nhè nhẹ thổi về từ trên đồng, cũng là khi váng nước chuyển sang màu vàng, nặng một nỗi ưu tư. Về mùa đông thì mỗi cái ao tạo ra những mảnh gương tự nhiên trong vắt đầy bí ẩn. Từ nhà nọ sang nhà kia đều phải đi qua bờ ao, nơi quanh năm được bao bọc bởi những rặng cúc tần, thài bi, thường tỏa mùi hăng hắc mỗi khi lá nào đó bị giập. Chúng tạo thành cả một thế giới đầy ma mị với chúng tôi. Ban đêm, hàng vạn con đom đóm từ đó chui ra, biến đêm tối thành cái sân khấu cho màn trình diễn ánh sáng tuyệt đẹp. Cũng chui ra từ đó là những con bọ đa, cánh cam bay vù vù như những thiên thần nhỏ.

Suốt cả thời thơ bé chúng tôi cứ bị ám ảnh về một con rắn cộc đuôi, to như cái cột đình, bụng trắng hếu như bụng con gái. Người già kể đã có người thấy nó tắm trong một đêm trăng, nước bắn lên tung tóe. Có người đồn là đám thợ bắt rắn đã từng đào trúng hang của nó, ngang chiều rộng cái thùng phuy, với một đống xương lợn to như đống rơm, sợ mất mật bèn vội vàng lấp lại rồi không bao giờ hé răng nói với ai. Mỗi khi chúng tôi chạy chơi đêm trong những rặng cúc tần, hoặc trốn tìm trên những cây duối cổ, lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp gặp con rắn cộc thành tinh. Mọi người đều tin rằng con rắn bị chết trong trận lụt khủng khiếp năm 1971.

Có thể nói tuổi thơ của tôi phần lớn ở trên những cánh đồng làng. Trong một năm, có những thời điểm thực sự thần tiên cho mỗi đứa trẻ chúng tôi. Đó là sau khi vụ mùa cấy hái xong chân ruộng mạ bị bỏ rờm cho cỏ mọc, chờ đến vụ gieo mạ sau. Thời gian kéo dài mỗi lần khoảng ba tháng, cũng đủ cho hàng trăm loài cây cỏ mọc xanh um. Thôi thì đủ thứ, tùy theo vụ, từ rau khúc, rau rệu, cỏ rày, đến những cây cút kít và hàng chục loại cây hoang khác, tạo thành cái thảm mầu xanh, có chỗ cao ngập đầu người.

Đó thực sự là cả một vương quốc thần tiên cho muôn loài, trong đó có bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi tha hồ thả trâu, thả ngỗng rồi đi hái rau khúc về để mẹ làm bánh hoặc chơi trò trốn tìm. Thỉnh thoảng vớ được một ổ trứng chim hoặc những quả trứng vịt bị đẻ rơi, thì coi như hôm đó là ngày hội thực sự. Lập tức chúng tôi sẽ gom cành phi lao rồi đốt cả đống lửa. Những quả trứng được bọc bùn dẻo cho lên giàn, nướng như nướng khoai. Cho đến khi lớp bùn khô chuyển sang màu trắng. Đập lớp đất ra, quả trứng hiện nguyên hình như khi chưa nướng, nhưng bên trong thì lòng trắng lòng đỏ đều đã chín, thơm tứa nước miếng và bùi béo thì không thể nào tả được.

... Thời điểm thứ hai là sau mỗi vụ gặt. Toàn bộ những cánh đồng hút tầm mắt, trơ ra chân rạ cùng với những bờ cỏ xanh um, thuộc về lũ trẻ chúng tôi cho đến khi chúng bị cày lật tung lên. Thời gian đó khoảng chừng hai tháng. Chúng tôi có thể thả trâu rồi chui vào đâu đó nằm ngủ, chờ tối chúng tự tìm về chuồng. Mùa nông nhàn nên con trâu nào cũng béo mọng, da bóng lên vì có lớp mỡ bên dưới. Đó cũng là mùa yêu đương của đám trâu cái với những con trâu đực hiếm hoi (gọi là trâu cà, vì còn nguyên bộ cà). Những con trâu cà này, hầu như mỗi làng chỉ có một, được nuôi để lấy giống nên chúng rất khỏe và kiêu ngạo. Không con trâu đực đã bị thiến nào dám nghênh ngang đi qua mặt nó hoặc lởn vởn bên đám trâu cái (dù hoàn toàn vô hại). Bởi vì hành động đó ngang nhau với việc tự sát. Con trâu cà lập tức cho thấy quyền uy không thể san sẻ của nó bằng những cú ra đòn kinh hãi mà nhiều con trâu thiến chỉ dính đúng một phát là bại liệt cả đời. Vì thế vào mùa đó, việc thường xảy ra nhất là những cuộc chọi nhau giữa hai con trâu cà (thường là của hai làng lân cận) vô tình gặp nhau.

Chưa bao giờ hai con trâu cà gặp nhau mà lại không xảy ra chiến tranh. Chiến trường ở đây là bất cứ nơi nào hai con vật chạm trán. Vì thế nó có thể trên đồi gò, giữa đường cái quan hay dưới vực sâu. Lý tưởng nhất là trên những đám ruộng mới gặt, đất mềm nhưng không quá dính, lại rộng rãi để chúng tung mọi ngón đòn. Chúng nhận ra đối thủ từ rất xa, thậm chí tới hàng cây số, có thể do mùi đặc biệt của cơ thể chúng. Ngay lập tức chúng hếch mõm lên đánh hơi và tuyệt đối giữ chặt lấy những con trâu cái bằng thái độ đe nẹt công khai. Khi đó mắt con trâu cà giống như hai hòn than đỏ ối. Đối thủ càng ngày càng đến gần, toàn thân chúng bắt đầu dậm dựt không yên. Những múi thịt nổi cuộn lên dưới lớp da căng mọng. Bốn chân nó liên tục cào xuống đất, trong khi đầu lúc lắc liên hồi. Sau khi phát tín hiệu đe dọa  và nếu nó nhận tín hiệu của đối phương thông báo “của ai người ấy dùng”, mỗi con trâu cà sẽ quay về với bọn trâu cái để tận hưởng những gì trời đất ban cho nó.

Nhưng cũng có hôm, và thường sẽ tạo ra một ngày đặc biệt trong cuộc đời mỗi đứa trẻ trâu, sau khi lồng lộn chạy quanh đàn trâu cái, con trâu cà bất ngờ lao thục mạng về hướng có đối thủ mà nó đánh hơi. Từ hướng đối thủ, mục tiêu cũng nhanh chóng hiện ra, cho thấy không bên nào nhường bên nào, cả hai đều chủ động lâm chiến. Hai con vật nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và khai hỏa bằng cú chạm sừng tóe lửa, mạnh đến nỗi con nào yếu hơn có thể ngã gục ngay xuống.

Cuộc chọi trâu thật sự bắt đầu. Từ đây, không ai và không có cách gì ngăn cản được chúng nữa. Trong chớp mắt cả đám ruộng hàng ngàn mét vuông dưới đất bị nát nhừ. Hai con vật gồng mình lên rồi liên tiếp ra đòn về phía đối phương. Máu chảy ướt đẫm cổ chúng, ướt đẫm cả những vạt đất vừa bị lật tung lên. Tiếng sừng va vào nhau có thể vang xa hàng km nếu xuôi theo chiều gió. Không loài vật nào có mặt, từ đám trẻ trâu, những người lớn hiếu kỳ, đến lũ ngỗng hay đám chèo bẻo chanh chua, đủ tâm trí để làm việc khác. Tất cả đều lặng phắc hồi hộp theo dõi cuộc thư hùng. Những người khôn ngoan thì tìm cách trèo trước lên những cây phi lao, phòng con vật thắng trận đuổi kẻ thua trận và lao vào người.

Cuộc chiến có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, kéo dài từ sáng đến trưa, thông sang chiều. Chiến trường của hai kẻ địch thủ có thể di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, kéo theo những vệt đất bị hất tung lên. Thậm chí chúng lôi nhau xuống đầm lầy, bùn ngập tới bụng. Nếu muốn can chúng thì chỉ còn cách dùng thang, rong tre, mồi lửa ném vào giữa chúng. Nhưng nhiều phen các biện pháp ấy chỉ khiến chúng dừng lại đôi chút, để sau đó lại hung tiết hơn. Về nguyên tắc là không có hòa. Phải một kẻ chịu thua thì mới mong dừng trận chiến. Cuối cùng kẻ yếu hơn rút sừng ra và bỏ chạy. Nhưng liệu nó có đủ sức chạy được không và chạy đi đâu. Kẻ mạnh hơn sẽ đuổi nó từ làng này sang làng khác, bất chấp nhiều vật chướng ngại được quăng ra với thiện ý can ngăn. Nó cán lên tất tật để bám bằng được địch thủ đã hạ cờ. Kẻ bại trận sẽ cố hết sức để thoát thân. Nhưng trong trường hợp chẳng may kẻ bỏ chạy không đủ sức, thì nó chỉ còn cách nhận cái chết bằng cú móc từ phía sau khiến nó bị lòi ruột.

Những trận chọi trâu luôn là những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời bé con của chúng tôi.

Thời điểm tuyệt đẹp nữa là khi mùa thu hoạch dưa chuột chấm dứt. Dưa chuột thường trồng ở chân ruộng cao, lại là loại cây khó tính nên được chăm bón cẩn thận. Vì thế sau khi những cây dưa chuột bị nhổ đi, cỏ mọc lên rất nhanh bởi lượng thức ăn bổ béo dư thừa khá nhiều. Những cây cỏ này cho hạt, rất hợp với loài ngỗng và vịt. Bên dưới chúng là những con giun, cuộn vào nhau thành từng búi. Bọn vịt chỉ cần xục mỏ xuống một lát là con nào con nấy no kềnh, say ngất ngư, trở nên vô cùng hiền lành. Ngoài ra, có rất nhiều loài chim tìm về làm tổ và kiếm ăn. Chúng đẻ trứng rồi ấp ngay trên những búi cỏ khiến bọn chuột, cầy cáo kéo đến và thỉnh thoảng tạo ra những cuộc đuổi bắt cực kỳ thích thú. Hàng chục đứa trẻ rượt theo một con cáo trên khắp cánh đồng cho đến khi đứa nào đó chẹt được cổ con vật.
Ngoài điều đó ra, chúng tôi có vô vàn quà tặng của trời đất. Những củ chu me trong suốt, mát như đường phèn có ở khắp nơi. Những búi mía re, ngọt khát cổ, cho thứ nước thơm nao lòng là thứ chúng tôi có thể nhai suốt ngày. Rồi bẫy chim rẽ giun béo núng nính, tìm khoai lang mầm nướng ăn, khiến cả cánh đồng như được ướp mùi mật cháy, ngọt ngào đến mức ngần ấy năm nó vẫn còn thấm đẫm ký ức tôi…

TẠ DUY ANH
 

;
.
.
.
.
.